STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Tiêu thụ có ý thức, tức chánh niệm trong tiêu thụ là cách để tập theo hạnh “ít muốn biết đủ” của nhà Phật.
Trong không khí mua sắm tết đang dần hối hả hơn, tôi cũng chọn cho mình một cửa hàng bán đồ cũ ở quận 4 (TP.HCM), định bụng sắm vài cái áo sơ mi cho những ngày Tết Ất Tỵ sắp đến.
Chọn lựa được vài bộ ưng ý, đến khi tính tiền, cô bán hàng xởi lởi “mấy bộ đồ này mặc đi làm hồ hay phụ công trình thì vừa rẻ lại vừa đẹp”. Cô chủ tiệm khá ngạc nhiên khi biết tôi làm công việc giảng viên và dự định mua những chiếc áo sơ mi này mặc dịp Tết và dùng vào việc đi dạy sau Tết.
Qua mấy câu trò chuyện thêm, tôi biết được khách hàng của cô chủ yếu là những người lao động chân tay, mua đồ cũ để phục vụ cho các công việc lao động phổ thông. Hiếm có khách làm công việc văn phòng hay các khối ngành khác, mặc dù quần áo, phụ kiện trong tiệm của cô còn khá mới, đa dạng và giá cả rất phải chăng.
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với cô chủ bán quần áo cũ khiến tôi băn khoăn mãi về văn hóa tiêu dùng của người thành thị, và rộng hơn nữa là người Việt Nam. Tôi nhận thấy người Việt, nhất là ở khu vực thành thị như Sài Gòn-TP.HCM còn chưa cởi mở với văn hóa “tiêu dùng đồ cũ”. Đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, người Việt quan niệm mua được món đồ mới, chẳng hạn như áo quần, sẽ mang lại may mắn và sung túc cho cả năm. “Sắm đồ Tết chưa?” là câu hỏi quen thuộc mà đến tận bây giờ, hơn ba mươi tuổi tôi vẫn còn nghe người nhà, bạn bè mình hỏi mỗi độ Tết đến, xuân về.
Trái ngược với đại đa số mọi người, tôi thích mua những món quần áo cũ (secondhand - hay còn có cái tên Việt hoá là đồ si-đa). “Cũ người nhưng mới ta” - thực đúng như vậy, đa số các món đồ cũ đều còn khá mới và nhiều cái rất hợp thời trang. Lựa chọn sử dụng quần áo cũ với tôi vừa giúp tiết kiệm được kha khá chi phí cho trang phục mỗi năm. Mặc dù với thu nhập hiện tại, tôi đủ sức mua sắm trang phục từ các hãng thời trang tầm trung đến cao trên thị trường hiện nay, nhưng tôi vẫn hay ra những khu chợ đồ “si-đa”. Có thể nói rằng, việc lựa chọn mua sắm quần áo cũ không phải vì vấn đề tài chính, nó còn phản ánh một yếu tố khác, mà theo tôi còn quan trọng hơn vấn đề tài chính, đó là sự phát triển bền vững.
Phát triển bền vững (sustainable development) không phải là một thuật ngữ mới trên thế giới, tuy nhiên còn khá xa lạ đối với người Việt ta. Tôi có thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước bạn, Thái Lan. "Đất nước của những nụ cười" này làm cho tôi ấn tượng bởi thói quen tiêu dùng đồ cũ, từ quần áo, giày dép, đến xe ô tô. Các phiên chợ đêm, chợ cuối tuần ở Thái Lan bày bán đa dạng đồ cũ với giá rẻ bất ngờ. Bạn đồng môn của tôi cho biết, đa số người Thái thích sử dụng đồ cũ. Cô bạn chia sẻ, chiếc xe ôtô cô đang sử dụng cũng là hàng qua tay, tuy nhiên chất lượng còn rất tốt mà chi phí lại rẻ hơn một nửa so với xe mới.
Ở Việt Nam, tiêu dùng đồ si-đa có thể chưa phải là thói quen hay sở thích, mà đó là sự lựa chọn sau cùng của nhiều người.
Chúng ta có thể lý giải việc thích mua sắm đồ đạc, quần áo mới bắt nguồn từ sự tăng trưởng kinh tế và đời sống con người được nâng cao. Người dân không còn ăn no - mặc ấm nữa, mà tiến đến tiệm cận với ăn ngon - mặc đẹp. Dĩ nhiên, nhu cầu này là chính đáng và thiết yếu tùy thuộc vào mỗi cá nhân, hộ gia đình. Nếu nhìn sâu vào câu chuyện này, một vấn đề mà chúng ta dường như bỏ qua, đó là tác động đến môi trường. Tiêu thụ hàng loạt các sản phầm mới, từ quần áo, xe cộ đến thiết bị công nghệ, chúng ta đang gây sức ép không nhỏ lên môi trường. Do đó, tiêu dùng quần áo đã qua sử dụng cũng là một cách để chúng ta giảm thải ra môi trường, làm mới vòng đời của trang phục, tưởng chừng như cũ với chúng ta nhưng lại rất mới và ý nghĩa với người khác.
Bản thân là một giảng viên ở trường đại học, có cơ hội tiếp xúc với đa dạng các hệ sinh viên khác nhau, tôi tin tưởng rằng việc truyền đi những thông điệp tích cực về văn hóa “tái sử dụng”, dần dà, sẽ tạo nên những sự thay đổi tích cực. Tôi thường mang những câu chuyện về sử dụng đồ cũ, chỉ chỗ cho sinh viên của mình mua những món đồ cũ rẻ - bền - đẹp.
Bên cạnh đó, tôi cũng khuyến khích sinh viên sử dụng tài liệu học tập online thay vì in ấn ngoài những tiệm phô-tô rồi vứt bỏ vương vãi sau khi kết thúc môn học. Tôi tin rằng những tác động nhỏ với vai trò là người thầy sẽ giúp hình thành một tư duy bảo vệ môi trường trong mỗi sinh viên mà tôi tiếp xúc. Một hành động dù nhỏ, nhưng được nhân lên trong từng lớp học, hàng trăm sinh viên thì chắc chắn sẽ tạo ra được những thay đổi đáng kể.
Dùng lại đồ cũ, ở các nước phát triển hơn họ còn không ngại thì lý do gì, người Việt còn khó khăn lại ngại ngùng? Tôi đọc được số liệu nghiên cứu của eBay, khoảng 20% người được khảo sát cho biết lý do thúc đẩy họ mua đồ cũ là để tránh lãng phí. Đồng thời, 52% cho biết kiếm thêm tiền là trọng tâm chính của họ khi bán các món đồ đã qua sử dụng.
Số liệu từ Thredup - sàn giao dịch sản phẩm thời trang secondhand lớn nhất thế giới - cho thấy trong 10 năm tới thị trường đồ cũ sẽ phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Cụ thể, báo cáo toàn cầu do Thredup thực hiện với sự phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường GlobalData cho thấy thị trường đồ cũ nói chung của toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2027, đạt 350 tỷ USD, với thị trường Mỹ đóng góp 70 tỷ USD trong số này.
Thực hành lối sống tối giản và thân thiện hơn với môi trường còn là một cách đóng góp và hưởng ứng lời kêu gọi từ Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (The United Nations Sustainable Development Goals - SDGs). Theo đó, chuyển đổi số trong giáo dục và phát triển mô hình sản xuất - tiêu dùng bền vững là một trong số các mục tiêu chính chương trình. Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với lựa chọn mua sắm đồ cũ và sử dụng tài liệu số. Khi bạn chọn đồ cũ đồng nghĩa việc đã hỗ trợ một chu trình tiêu dùng bền vững hơn, góp phần giảm nhu cầu sản xuất mới và tác động rác thải vào môi trường.
Tiêu thụ có ý thức, tức chánh niệm trong tiêu thụ để tập theo hạnh “ít muốn biết đủ” của nhà Phật là một điều mà mỗi chúng ta cần suy ngẫm, ứng dụng.
Làm được điều này, tôi nghĩ, sẽ góp phần giảm thiểu lòng tham cầu trong ta, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho môi trường vốn đang khổ sở với sự khai thác quá mức, xả thải quá nhiều của chúng ta hiện nay.
Cả nước đang sắp bước vào những ngày cuối năm thật nhộn nhịp. Kéo theo đó là mức tiêu dùng của người dân cũng tăng theo. Mỗi người đều có sự lựa chọn mua sắm cho riêng mình và gia đình, tùy thuộc vào kinh tế và nhu cầu cá nhân. Tuy vậy cũng cần nhớ rằng, mỗi lựa chọn của bạn, dù ít hay nhiều, thì cũng sẽ tạo ra một tác động tới môi trường sống. Và tác động đó là tích cực hay tiêu cực, phụ thuộc phần nhiều vào sự quyết định của mỗi người.
Là một giảng viên, tự nhận mình có sức ảnh hưởng nho nhỏ đến với học trò, tôi sẽ tiếp tục kêu gọi việc tiêu dùng đồ cũ, tái chế thiết thực và chuyển đổi số, ít nhất là trong các lớp học của mình đảm nhiệm.
Chung tay cùng nhau, chắc chắn mỗi người sẽ đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào công cuộc phát triển bền vững. Để phát triển bền vững không còn là một khẩu hiệu vô tri mà nó được vận dụng vào từng hoạt động trong đời sống của chúng ta.
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Câu nói vui thôi đừng vui quá mang nghĩa của lối sống trung đạo của nhà Phật.
Những ngày cuối năm, không chỉ các Phật tử, mà nhiều người yêu mến phương pháp thực tập “nhận diện và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành tặng cho nhau những cuốn lịch có thư pháp của thầy.
Chỉ với hai câu hỏi này thôi, nhưng nó khiến người ta buộc phải lắng lại, tự hỏi bản thân, làm cuộc tổng kết cho bản thân.
“Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới”.
Nhập gia tùy tục - chính là nét văn hóa Đại thừa của người Việt ta, là một không gian sống lành mạnh, khả dĩ đưa chúng ta đến thành công, an lạc...
Việc lạm dụng của cải vật chất của đàn na tín thí quả báo không hề nhẹ.
Cộng đồng xót xa hay tin, cúi mình tiễn biệt những người chết oan khuất trong trận hỏa hoạn ở Hà Nội.
Một quốc gia sẽ không thể có cảnh an dưỡng thực sự khi chung quanh toàn là cánh rừng chết, sông suối ao hồ ô nhiễm và những ngôi nhà chỉ biết sống cho riêng mình.