Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 30/03/2023, 09:42 AM

Thiền - Là nơi tôi tìm thấy 

Tôi đến với Thiền trong một cơ duyên kỳ lạ. Kỳ lạ ở đây không phải vì tôi chưa từng biết về đạo Phật, chưa từng nghe về Thiền mà bởi vì tới lúc này tôi mới thật sự tha thiết muốn tìm hiểu, muốn nghiên cứu, muốn học hỏi và muốn hành thiền.

Hôm ấy tôi lang thang trong kho sách của mình mong tìm chút cảm hứng để có thể viết – bởi đã lâu tôi không viết, không thật sự viết. Từ ngày thành lập công ty, điều hành mọi hoạt động để công ty đi vào ổn định, rồi dịch covid-19 đến, tôi phải lo chèo chống mong công ty có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng rồi buộc phải giải thể để tránh thâm hụt hơn nữa nguồn tài chính vốn đã quá mong manh. Giải thể công ty, tôi trở về làm bà nội trợ. Nếu nói là toàn tâm làm nội trợ thì không đúng bởi trong con người tôi vẫn còn xót xa lắm khi bỗng dưng mất đi công việc, mất đi thu nhập và quan trọng nhất, bao tâm huyết xây dựng và phát triển công ty của mình bỗng trở thành dã tràng xe cát. Nhờ có gia đình bên cạnh để yêu thương và chia sẻ, tôi dần nguôi ngoai. Tôi dùng thời gian rảnh rang sau khi hoàn thành các công việc của một nội trợ chính hiệu để đọc sách. Lật những trang sách, đọc những câu chuyện do người khác viết, trong tôi lại dâng trào niềm hứng khởi, con người của tôi ngày xưa quay trở lại, một cô sinh viên ngành Ngữ văn với ước mơ trở thành nhà văn ngày nào quay trở về, níu lấy tôi, réo gọi tôi, thúc giục tôi. Không kiềm chế được mình, tôi quyết định, ngồi xuống và viết.  

Nhưng nghề viết cũng đâu đơn giản chỉ có đam mê. Mọi thứ không hề đơn giản. Chữ nghĩa đã lâu không dùng, kiến thức văn chương lâu ngày không đụng đến, kỹ năng viết lách đã lâu không tôi luyện. Viết gì? Viết như thế nào? Bao câu hỏi tràn ra, ứ lại, sóng sánh và rồi hất ngược tôi vào hố sâu đen ngòm. Tôi mắc kẹt trong chính cái hố do mình tạo ra. Thất vọng và cay đắng. Tôi đau đớn nhận ra rằng, hành trình để trở thành một nhà văn còn gian nan hơn hành trình của một giám đốc công ty. Không lẽ mình thua cuộc ngay khi mới bắt đầu? Nhưng rõ ràng tôi đang bế tắc với ngôn từ, câu chuyện và hình ảnh tôi xây dựng nên quá nhợt nhạt, chính tôi là người viết còn không muốn đọc lại thì làm sao để người khác đọc và được đón nhận. Mục tiêu trở thành nhà văn của tôi bỗng dưng quá xa vời, quá nhiều chướng ngại, và tôi đang nghẹn ứ trong kỳ vọng của chính mình. Năm nay con gái tôi cũng bước vào một kỳ thi quyết định sau mười hai năm học hành vất vả với ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai. Tôi lại thêm một mục tiêu nữa để phấn đấu, một kỳ vọng nữa muốn đạt thành. Tôi thúc ép con gái học, tôi giục giã bản thân viết, viết và phải viết.

Nhưng nghiệt ngã làm sao, tôi càng thúc giục thì con gái tôi càng học hành sa sút, trở nên bướng bỉnh và tỏ thái độ buông xuôi. Tôi càng gồng mình lên để viết, những thứ tôi viết ra càng trở nên nhạt nhẽo, sống sượng và vô hồn. Càng hối hả hướng đến mục tiêu, tôi càng nhận thức được khối đá đè nặng lên ngực mình; tôi lập kế hoạch cho mọi hoạt động thì những gì tôi viết càng trở nên hoặc cứng đờ hoặc quá phô trương, không cảm xúc và thiếu chân thực. Tôi buộc mình phải chấp nhận một sự thật phũ phàng, với bất kỳ thứ gì, theo lẽ tự nhiên, càng thúc bách nó càng chống đối, càng quay ngược trở lại đớp cho mình một phát trí mạng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Và đó là lúc cơ duyên kia đến. Trong đống sách tôi lôi ra để tra cứu, để nghiền ngẫm chủ yếu là sách hướng dẫn kỹ thuật viết thì lại xuất hiện cuốn Zen in the Art of Writing (Thiền trong nghệ thuật viết) của Ray Bradbury, khi ông dựa vào những chân lý của Thiền để hướng những người theo nghề viết với ba cụm từ: Làm việc – Thư giãn và Đừng nghĩ. Ông khuyên rằng: Nếu bạn đã chọn viết thì hãy cứ viết, đừng nghĩ đến mục tiêu, đừng kỳ vọng, đừng tham vọng, cứ đi theo con đường độc nhất của bản năng và lòng nhiệt huyết trú ngụ bên trong của bạn, và hãy viết bằng chính hiểu biết của bạn về một chủ đề - cuộc sống của chính bạn.

Và từ đây, tôi đọc thêm cuốn Zen in the Art of Archery (Thiền trong nghệ thuật bắn cung) của Eugen Herrigel – một triết gia người Đức. Thiền trong nghệ thuật bắn cung là “một cuốn sách trình bày một cách tinh yếu nghệ thuật bắn cung ở Nhật và qua đó để lộ sắc diện và phong thái ưu việt của thiền đối với các môn nghệ thuật nói riêng và đối với nghệ thuật sống cho con người nói chung”. Và đây là khởi nguồn để tôi thật sự đến với Thiền. Những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, của Đạt Lai Lạt Ma và những bài giảng về Thiền của các vị Thiền sư trong và ngoài nước được tôi tìm đọc, tìm nghe và tự soi rọi tâm tưởng của chính mình. Tôi nhận ra mình đã có một bước khởi đầu sai lầm khi nghĩ rằng mục tiêu trở thành nhà văn chính là đích để tôi hướng đến khi quyết định dấn bước vào nghề viết.

Trong cuốn Bụt là hình Hài, Bụt là tâm thức của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: “Theo tâm lý học Phật giáo thì chướng ngại lớn nhất ngăn cản chúng ta, không cho chúng ta nhìn rõ thực tại là khuynh hướng bị kẹt vào khái niệm chủ thể là một cái gì đó khác hẳn với đối tượng, và đối tượng là một cái gì đó tồn tại độc lập ngoài chủ thể”. Cũng giống như học giả người Nhật Daisetz.T.Suzuki viết lời tựa cho cuốn Thiền trong nghệ thuật bắn cung rằng: “Trong nghệ thuật bắn cung, người bắn và mục tiêu không còn là hai chủ thể đối nghịch nhau mà là một thực thể”. Và tôi, dù chưa thật sự thấm nhuần sâu sắc và hành thiền tốt trên con đường thiền định nhưng đã hiểu được rằng: Đạo Phật chỉ đơn giản là dạy cho chúng đệ tử và nhân sinh nghệ thuật sống. Sống tỉnh thức và vượt thoát ra khỏi những trói buộc của vọng tâm.

Và tôi, hiện tại, hôm nay và lúc này vẫn luôn hành thiền theo hướng dẫn của các vị Thiền sư, “An trú trong hiện tại” và “Tỉnh thức” mỗi ngày, mỗi giờ. Dù chưa phải là Phật tử của nhà Phật, nhưng với những chân lý của Phật pháp mà tôi tự giác ngộ được, tôi vẫn và sẽ tiếp tục tu tập để bản thân sống và làm việc tốt hơn, mỗi giờ, mỗi ngày. Và, hơn bao giờ hết, tôi biết rằng tôi sẽ tiếp tục dấn thân vào nghề viết, viết về cuộc sống mà tôi đang sống, viết về những gì mà cuộc sống muốn tôi viết, cần tôi viết chứ không phải vì để có được cái “mác” nhà văn mà lòe thiên hạ mà bịp chính mình. Nếu nói tiềm thức là “hạt giống”, tôi sẽ để hạt giống ấy nảy mầm trên khu vườn văn chương của mình; tôi sẽ luyện ý thức chánh niệm mỗi ngày để trở thành “người làm vườn” có thể không phải là giỏi nhất nhưng hiểu rõ nhất hạt giống trong vườn nhà mình, biết cách chăm bón để vườn cây luôn xanh tốt.

Đêm đến, tôi ôm đứa con gái bé bỏng của mình vào lòng và thủ thỉ rằng: Ước mơ luôn là cái cớ để chúng ta hành động trong hiện tại. Vì thế, chỉ cần chúng ta cứ học hành và làm việc hết mình, tương lai là cái gì tự khắc nó sẽ đến, đúng không con?

Và mỗi ngày, tôi ngồi xuống (dù rằng chỉ mới ngồi được thế bán già), thỉnh về tiếng chuông ngân, hít thở và thầm đọc: “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Trần Thị Lưu; địa chỉ: C/c KCN Tân Bình, Đường C8, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp.HCM.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Xem thêm