Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 21/02/2015, 14:39 PM

Thử so sánh tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển Quảng Ngãi với một số vùng khác ở Việt Nam

TÓM TẮT

Có thể nói rằng, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam tùy từng nơi có những nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung là sự dung hợp giữa triết lý nhà Phật với tri thức tín ngưỡng dân gian. Đó cũng chính là sự kết hợp giữa tư tưởng từ bi hỷ xả của Phật giáo với tư tưởng trọng tình của người Việt. Bài viết nhằm mục đích bước đầu so sánh tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển Quảng Ngãi với một số địa phương khác.

1. Vài nét về tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển Quảng Ngãi

Căn cứ vào 8 bản hương ước của 8 làng xã tại Quảng Ngãi từ thời phong kiến còn lại có thể thấy, hầu như tất cả các bản hương ước này đều có quy định về việc tế tự tại các nghĩa trủng, nghĩa tự. Hương ước làng Thi Phổ Nhì, tổng Lai Đức, phủ Mộ Đức, ghi rõ: Tại mỗi ấp đều có mặt sở ngoại đàng và một nghĩa trủng; mỗi khi tế xuân, thu, tại ngoại đàng thì dâng cúng một con bò hay một con heo phân phối và phẩm vật; tế nghĩa trủng thì dùng heo một con và phẩm vật. Hương ước ở làng Long Phụng, phủ Mộ Đức năm Bảo Đại thứ 12 cũng có ghi: Phàm đình chùa trong làng và linh miếu, nghĩa từ trong các ấp, mỗi lệ tam nguyên, ngày tết dùng chè, xôi, rượu, chuối, nhang, đèn mà cúng, ngoài ra chỉ có một lễ tế xuân (trừ nơi chùa phải cúng chay); phẩm vật tế đình dùng trâu, heo, dê, rượu, chuối và nhang đèn cúng lễ nhạc chuông trống; còn người chủ tế và người dự tế thì hội đồng phải dự định trước (lệ cúng của làng 18 tháng 3 tế xuân, thì ngày 12 tháng ấy hội diện) trước ngày tế những người . Các bản hương ước làng Diên Niên, Quý Lâm, Phủ Lễ (Bình Sơn)... cũng đều có ghi các điều khoản liên quan đến việc tế tự ở các nghĩa trủng, nghĩa tự tương tự.

Từ thời nhà Nguyễn, khắp nơi trong tỉnh Quảng Ngãi đã lập các đàn tế, các dinh miếu thờ âm hồn; các nghĩa tự, nghĩa trủng được thiết lập, tu sửa, hoàn thiện. Bên cạnh đình làng, miếu thờ Thành Hoàng làng, thờ Mẫu, các thiên thần, nhân thần, thì lúc này người dân còn có thêm nghĩa trủng, nghĩa tự, miếu thờ âm hồn. 

Vì thế, cho đến hiện nay, trong các làng quê dọc ven biển Quảng Ngãi nói riêng và các làng quê ven biển Nam Trung Bộ nói chung còn rất nhiều nghĩa trủng, nghĩa tự. Vậy nghĩa trủng là gì? Nghĩa tự là gì?

Nghĩa trủng thực chất là một ngôi mộ chung cho những người chết vì làm việc nghĩa. Tất cả những ngôi mộ của chiến sĩ vô danh, những người vốn có công với đất nước, nhưng khi chết không ai xác định được danh tín đều được quy tập chung vào nghĩa trủng. Nhưng cũng có những nghĩa trủng, không chỉ có những hài cốt của những người có công, những chiến sĩ vô danh mà còn có cả xương cốt của những người vô chủ khác. Nghĩa trủng thường do làng xóm quản lý và đứng ra tổ chức cúng tế một cách tự phát. Tuy nhiên cũng có nghĩa trủng do Nhà nước trực tiếp chăm lo việc quy tập hài cốt, trực tiếp tế lễ, như Hòa Vang nghĩa trủng (Đà Nẵng) - nơi quy tập và tế lễ những dân binh đã bị hy sinh trong các trận đánh với Pháp tại cửa Hàn vào thời Tự Đức . Còn nghĩa tự có nghĩa là nơi thờ việc nghĩa, thường được đặt gần nghĩa trủng. Nghĩa tự là một thiết chế tín ngưỡng của cộng đồng, là nơi dùng để tế lễ các âm hồn, cô hồn không có ai thờ cúng, bao gồm cả các chiến sĩ trận vong, chiến sĩ vô danh. 
 
2. Với tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của các tộc người thiểu số miền núi Quảng Ngãi

Với các tộc người thiểu số ở Việt Nam nói chung, và ở Quảng Ngãi nói riêng, thường quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Chính điều này là cơ sở của mọi hình thức tín ngưỡng của họ, khiến họ luôn sống trong trạng thái không tách biệt giữa thế giới hữu hình và vô hình: “Con người không được khỏe mạnh, gặp rủi ro, bệnh tật đều quy về nguyên nhân là do con ma nào đó làm hại, phải làm lễ cúng trừ khử ma tà, cứu sinh mạng con người” [Ngô Đức Thịnh 2012: 22].
Trong đời sống tinh thần của các tộc người thiểu số sống tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng rõ nét từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh.

Người Cor tin rằng, mỗi người đàn ông có 18 phol 18 phươk, đàn bà có 19 phol 19 phươk. Phol và phươk cũng mơ hồ, tương tự như hồn, vía ở người Việt. Khái niệm kamuych (ma) dùng để chỉ siêu linh tàng ẩn ở cây đa cổ thụ (kamuych dri), ở vườn quế (kamuych qué)… và đặc biệt gắn liền sau cái chết của con người. Họ quan niệm người chết bình thường (chết già, chết vì ốm đau) sẽ hóa thành kamuych kađđah (ma lành) còn chết “bất đắt kỳ tử” (vì cọp bắt, ngã cây, đâm chém, sét đánh, chết đuối, chết lúc mang thai hay khi đẻ) thì biến thành kamuych xấu (ma dữ) [Nguyễn Duy Hinh 2007: 522-523]. Đối với người chết biến thành ma dữ thì chôn cất xong bỏ mộ và không được “chia của”. Người chết biến thành ma lành thì được làm nhà mộ và được chia của nhiều thứ như: rìu, dao, gùi, váy áo khố, đồ trang sức chất đống trên nấm mộ, quanh mộ được rào dậu [Ngô Quang Hưng 2010: 148].

Người Hrê thì quan niệm mỗi người đàn ông có 7 hồn (mhua), đàn bà có 9 hồn. [Nguyễn Duy Hinh 2007: 522]. Người Hrê có nhiều kiêng cữ và lễ thức tôn giáo, xuất phát từ quan niệm mọi vật đều có hồn hay ma và con người bị các lực lượng siêu nhiên chi phối. Khi ốm đau, rủi ro, khi làm nhà, mang thai, đẻ khó, có người chết, khi gieo cấy và gặt hái, khi gieo trỉa và tuốt lúa, khi đưa thóc lên kho và lần đầu lấy thóc về ăn… đều tổ chức cúng bái. Cộng đồng làng chỉ tổ chức cúng cầu an, tránh dịch bệnh, còn lại đều là các lễ cúng của gia đình.

Người Ca Dong cũng khẳng định là có hồn (ma hua) và vía (mu). Hai từ chỉ hồn vía thường được sử dụng lẫn lộn không phân biệt được. Con trai có 7 hồn và con gái có 9 hồn. Người Ca Dong không biết hồn nằm ở đâu, chỉ các thầy cúng mới thấy được hồn. Người chết thì hồn lìa khỏi xác sang “sống” ở một thế giới khác cũng làm ăn sinh sống như người trần gian. [Nguyễn Duy Hinh 2007: 527]. 

Như vậy, dù là người Việt sống ở vùng ven biển, hay các dân tộc thiểu số sống ở vùng trung du và vùng núi cao cũng đều có những quan niệm, tín điều về âm hồn, về những người chết không bình thường, bất đắc kỳ tử. Nhìn chung, cách ứng xử đều xem những đối tượng đó là các thế lực siêu nhiên, cần được cúng bái để mong phù hộ cho gia đình, làng mạc có được cuộc sống yên bình. Bên cạnh đó, theo những gì chúng tôi tìm hiểu được, đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, vì trình độ nhận thức có lẽ còn sơ khai, họ “sợ” các thế lực này nên mới tiến hành cúng kiếng, hành lễ, khác hẳn với tình cảm trân trọng, thành kính như của cư dân ven biển người Việt ở vùng Nam Trung Bộ: “Cô hồn là bề trên, thuộc người âm linh thiêng, sẽ trở thành Phúc thần nếu được thờ phụng chu đáo. Do vậy mới có những danh xưng mang tính chất đề cao và suy tôn cô hồn thành Âm linh/ Cô Bác” [Nguyễn Xuân Hương 2009: 158].

3. Với tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân vùng ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng

Mặc dù Quảng Nam và Quảng Ngãi là hai tỉnh láng giềng, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá tương đồng, tuy nhiên, văn hóa tín ngưỡng của người xứ Quảng  nhìn chung vẫn có nhiều điểm khác nhau. Cụ thể, trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn, mỗi tỉnh lại có những nét đặc trưng riêng. Dựa vào công trình Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng: Hình thái, đặc trưng và giá trị, in tại Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa & Viện Văn hóa năm 2009 và bài viết Tín ngưỡng thờ Cô hồn – Cô bác của cư dân ven biển xứ Quảng (Quảng Nam và Đà Nẵng) , Tạp chí KH&CN số 1/2008 (Đại học Đà Nẵng) cùng của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hương, chúng tôi đã tóm tắt trong bảng so sánh dưới đây để phần nào thấy được một số đặc điểm giống và khác trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn giữa cư dân ven biển Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tiêu chí so sánh Quảng Nam Quảng Ngãi

Về thuật ngữ - Âm hồn, cô hồn, âm linh, cô bác, các bác. - Phổ biến gọi là âm hồn, cô hồn, cô bác.

Kiến trúc, cơ sở thờ tự - Kiến trúc đơn giản, mang dáng dấp của một ngôi đình nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều. Cả hai nơi đều thờ vị thần tối cao là Tiêu Diện Đại Sĩ hoặc có nơi gọi là Chúa Chưởng (vị quản cô hồn, âm hồn).


Nghi lễ, phong tục thờ cúng - Phối thờ cả Quan Công.

- Lăng Âm linh cũng là nhà thờ chung của làng vạn, tức của các chư tôn tộc phái, nên còn được gọi là Đình thờ. Là nơi thờ phụng các bậc Tiền bối đã bỏ mình trên biển của các họ tộc trong làng, mà cũng là của chung cả làng .

- Trình tự các bước tế lễ, cúng kiếng phức tạp hơn. Có nơi còn có cả hội. - Không thờ Quan Công.

- Ở Quảng Ngãi có sự phân biệt rõ ràng trong mục đích sử dụng đình làng, nghĩa trủng – nghĩa tự, nhà tiền hiền. Mỗi nơi có một hình thức thờ tự riêng. Không có hình thức nhà thờ chung cho cả làng như một số địa phương ở Quảng Nam.

- Đơn giản hơn. Thường không có hội.

Về niềm tin

- Khi xảy ra những việc như đánh nhau, trộm cắp, dịch bệnh, mất mùa biển... thì làng vạn phải mời thầy chùa về tụng kinh ba đêm, còn các ông chánh tế và bồi tế thì phải dọn mình sạch sẽ, ăn chay nằm đất 3 ngày 3 đêm tại lăng Âm linh.

- Tác giả chưa nghiên cứu thấy những điều giống như ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

Vị trí cơ sở thờ tự

- Đa số được xây dựng gần với lăng Ông Nam Hải/cá Ông. Mặt chính diện luôn hướng ra biển.
Ngoài những điểm trên, về đối tượng thờ cúng giữa cư dân ven biển Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng tương đối giống nhau, đó là thập loại cô hồn chết vì bệnh tật, chiến tranh, bão lũ… Là vong linh của dân sở tại, ngư dân các đời của các tộc họ bỏ mình trên biển, những người khuất mặt, chiến sĩ trận vong… Tuy nhiên, về nghi lễ và phong tục lại có những điểm khác nhau. Cư dân ven biển Quảng Ngãi bên cạnh những nghi lễ bắt buộc như giẫy mả, túc yết, chánh tế, thì dường như đã rút gọn bớt một số nghi thức so với cư dân ven biển Quảng Nam. Ở Quảng Ngãi, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn chỉ chủ yếu chú trọng phần lễ, xong phần lễ là tới giai đoạn người dân chia sẻ mâm cỗ là kết thúc. Hầu như không có hội, hay diễn xướng bả trạo , chèo âm linh hay hát chèo cô hồn như của cư dân ven biển Quảng Nam. Như vậy, thiết chế tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng có vẻ “toàn diện” hơn so với cư dân ven biển Quảng Ngãi.

4. Với tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ

Vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn mang một nét nghĩa chủ đạo là tình cảm nhân văn đối với thế giới thập loại cô hồn, nhưng dường như việc thực hành thờ cúng không mạnh, không mang màu sắc cộng đồng rõ rệt như cư dân ven biển Quảng Ngãi, hay rộng hơn là cư dân vùng ven biển Nam Trung Bộ. Người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ thường gọi lễ cúng này là cúng bách linh: “Lễ cúng cháo những linh hồn vô thừa nhận hàng năm, vào những ngày rằm, mồng một của ba tháng hè. Cháo được đổ vào những lá đa xếp thành bồ đài, cài vào những chiếc que cắm hai bên đường. Muốn có tiền gạo làm lễ cúng, bà vãi thường bày một chiếc nong ra cạnh đường đi, đốt vài nén hương để khách qua lại có lòng bố thí cho những cô hồn đi từ Phong đô (cõi âm) qua sông Nại Hà trở về dương thế hưởng lễ Bách linh [Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo - Nguyễn Vũ 2002: 102].

Trách nhiệm hương khói, cúng bái thường do một phụ nữ lớn tuổi gọi là “bà đồng” đảm nhiệm. “Vào dịp tháng bảy, nhân ngày xá tội vong nhân, các làng thường tổ chức làm chay tại am chúng sinh  với sự tham gia của các nhà sư làm lễ chạy đàn phá ngục để linh hồn các cô hồn siêu thoát. Hành vi này chủ yếu do các nhà sư thực hiện” [Nguyễn Xuân Hương 2009: 157]. Điều này khác hẳn với quan niệm của cư dân ven biển Quảng Ngãi cũng như các địa phương thuộc vùng ven biển Nam Trung Bộ, nơi mà các lễ thức liên quan đến việc thờ cúng âm hồn luôn là công việc chung của toàn thể cộng đồng.

Ngoài ra, cư dân Bắc Bộ còn có tục cúng trừ tà để cầu xin sự sinh và giảm thiểu bệnh tật, chết chóc. Ngày cúng tổ chức trong ngày tết Đoan Ngọ, có pha sắc màu Đạo giáo. Cùng chung quan niệm với cư dân Bắc Bộ, cư dân Bắc Trung Bộ cũng cho rằng cô hồn chính là tác nhân gây ra dịch bệnh, vì vong linh bị quấy nhiễu hoặc vì cuộc sống thiếu thốn ở thế giới bên kia. Để tiêu trừ dịch bệnh, cộng đồng người sống phải sắm lễ vật cúng cô hồn nhằm tránh tai hoạ do chính đối tượng này gây ra [Nguyễn Xuân Hương 2009: 158].

Về đối tượng âm hồn được thờ cúng thì giữa Đồng bằng Bắc Bộ và cư dân ven biển Quảng Ngãi cũng có những nét khác biệt. Khác biệt ấy là do chính trong lòng nội tại của mỗi không gian qui định nên. Cư dân ven biển Quảng Ngãi do điều kiện tự nhiên bắt buộc phải “nhìn ra biển”, cộng với việc sớm tiếp xúc với người Chăm vốn có truyền thống đi biển nên họ sống chan hòa với biển hơn. Ở môi trường biển dã, sông suối, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại còn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Vì vậy, trong đời sống tâm linh của người dân, khái niệm âm hồn, cô hồn được mở rộng hơn, bao gồm cả những đối tượng chết sông, chết biển, những người vì nghiệp mưu sinh mà bỏ mình trên biển. Khái niệm âm hồn của cư dân ven biển Quảng Ngãi, đặc biệt là cư dân trên đảo Lý Sơn còn bao gồm cả đối tượng rất đặc biệt, đó là các vị hùng binh năm xưa đã hi sinh trên biển khi được các đời chúa Nguyễn và vua Nguyễn sau này cử đi Hoàng Sa – Trường Sa làm nhiệm vụ xác lập chủ quyền trên biển Đông và tìm kiếm hải vật. Vì vậy, đương nhiên, trong cách thực hành tín ngưỡng chắc chắn sẽ có những khác biệt. Trong khi ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, “xa rừng nhạt biển” nên các đối tượng liệt vào âm hồn cũng sẽ hạn chế hơn. 

5. Với tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của người Việt ở Nam Bộ

Đối với Nam Bộ, bài vị thờ Thập loại cô hồn thường đặt trong miếu nằm ngoài sân đình, chứ không được bố trí trong đình. Ngoài bốn chữ “Thập loại cô hồn” bằng chữ Nho, còn có các đồ tự khí. Hằng năm, vào dịp rằm tháng bảy âm lịch, các đình thường tổ chức cúng cô hồn tại nơi thờ này [Huỳnh Ngọc Trảng 1993: 79].

Một số làng ở Gia Định - Sài Gòn, trong khuôn viên đình làng có lập miếu thờ - gọi là miếu cô hồn và hàng năm có tổ chức lễ cúng lớn vào tháng Bảy âm lịch. Một số nơi thường xảy ra những sự chết chóc, hay có những hiện tượng bất thường người ta cũng lập miếu thờ - gọi là miếu cô hồn. Miếu cô hồn ở cầu Bình Lợi, nơi có nhiều kẻ chán đời nhảy xuống sông tự tử, hay các miếu khác ở bên lề trục lộ giao thông, nơi thường xảy ra tai nạn xe cộ là những ví dụ điển hình. [Theo Huỳnh Ngọc Trảng].

Người dân Nam Bộ còn có một nghi lễ gắn với việc cúng âm hồn. Đó là nghi lễ Tống ôn. Nghi lễ Tống ôn gắn liền với nghi thức trai đàn, cúng cô hồn và rất phổ biến ở những buổi đầu khai hoang mở đất. Trước những hiểm họa dịch bệnh, vì sơn lam chướng khí, ác thú, muối mòng… thường trực ở vùng đất còn hoang vu, lưu dân có niềm tin rằng cần phải cầu cúng những vong linh khuất mặt khuất mày, yêu ma quỷ quái vì có thể do họ gây ra những hiểm họa cho người dân, cũng như tống trừ tai ương dịch họa để mong một cuộc sống bình an, lạc nghiệp cho thôn xóm.

So với nông dân thì cộng đồng ngư dân Việt miền Tây Nam Bộ có những quan niệm riêng về âm hồn, cô hồn nhưng cũng không nằm ngoài tinh thần chung của tín ngưỡng này. Với cư dân làm nghề biển thì những người bỏ mạng nơi sông sâu, biển cả vong hồn cô quạnh, lạnh lẽo và tăm tối mới chính là đối tượng chủ yếu trong lễ cúng âm hồn. Tất nhiên, không loại trừ những đối tượng có cái chết không may, mồ mả xiêu lạc mà nguyên nhân không phải chết nước. Ở đây, có sự mở rộng đối tượng âm hồn nhưng đồng thời do tính chất nghề nghiệp môi trường lao động, tâm lý ngư dân… mà những vong linh chết ở biển khơi được cầu cúng nhiều hơn. “Cộng đồng ngư dân người Việt miền Tây Nam Bộ có những lễ cúng cô hồn độc lập, nếu không thì lễ này cũng là nghi lễ quan trọng trong các dịp lễ lớn của cộng đồng vạn lạch như lễ Nghinh Ông. Những nghi lễ như xô giàn thí ở một số địa phương như Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… là “đặc sản” khó tìm thấy ở nơi khác ngoài Tây Nam Bộ ”. [Trần Đăng Khoa 2012: 113 – 114].

Nằm trong lễ Nghinh Ông ở Vàm Láng – Tiền Giang còn có một nghi thức cúng âm linh – cô bác rất nổi tiếng, gọi riêng là lễ cúng “Vong linh thiên vi” hay dân gian quen gọi là lễ “Xô giàn thí”. Trước ngày chính thức đi nghinh Ông 1 ngày (9/3 Âm lịch) hàng năm, lúc 8 giờ tối thì bắt đầu khai mở lễ này. Trước Lăng Ông ở Vàm Láng, ngư dân lập một giàn thí từ nhiều cây tre khô có chóp nhọn treo đầy những gói nhỏ đựng tiền lẻ, kẹo bánh, bên dưới là hàng chục mâm bánh trái, vàng mã, xôi chè, cháo, vịt… Người người nô nức kéo nhau từ khắp các xóm ấp tề tựu trước Lăng Ông xem lễ cúng và tham dự phần xô giàn thí rất hấp dẫn khi phần lễ kết thúc. Lúc 8h tối, chủ lễ bắt đầu đăng đàn đứng ra thắp hương khấn bái, sau đó chư tăng đọc kinh cầu siêu cho các vong linh bỏ mạng nơi biển cả, nhạc lễ nổi lên tiễn vong linh người xấu số. Tiếng nhạc vừa dứt là đến lúc xô giàn thí. Mọi người tham gia cuộc lễ, nhất là trẻ em tranh nhau đoạt lấy lễ vật của buổi cúng tạo nên một khung cảnh rất huyên náo; chớp nhoáng mọi thứ lễ vật đã về phần của những người tham gia lễ xô giàn bởi họ tin rằng giật những lễ vật này sẽ mạng lại cho họ nhiều điều may mắn. Nhiều ngư dân cho biết, trong tất cả các lễ vật ở lễ cúng xô giàn thí thì giá trị nhất là cái lưỡi ông Tiêu (tượng ông Tiêu được đặt trên giàn thí ở vị trí trang trọng nhất, phía trước bày biện lễ vật, bên dưới trải chiếu để mọi người khấn bái).

Khác với cư dân ven biển miền Trung thường gắn lễ cúng âm hồn với việc tổ chức hát bả trạo với ngụ ý hát để cầu siêu độ vong linh, thỉnh cầu thần Phật tiếp dẫn vong hồn âm linh – cô bác về nơi cõi Phật. Nhưng trong các dịp lễ nghinh Ông ở Bình Đại – Bến Tre, hay Vàm Láng – Tiền Giang, không thấy ngư dân tổ chức lễ này. Thay vào đó có tuồng hát bội đến giúp vui cho Ông trong những ngày thỉnh Ông về với vạn lạch cũng như cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, việc tổ chức hát bội này hoàn toàn không nằm trong nghi lễ thờ cúng mà chỉ đơn thuần là phần hội, cho không khí ngày hội của ngư dân thêm phần vui vẻ, náo nhiệt . [Trần Đăng Khoa 2012: 69 – 75].

Theo nghiên cứu và phỏng vấn một số nhà nghiên cứu văn hóa, việc thờ cúng âm hồn ở Nam Bộ không mạnh, không phổ biến bằng khu vực miền Trung, hoặc có nhưng rất ít, chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, cá nhân, gia đình cúng là chính, đặc biệt là ở cấp độ cộng đồng thì việc thờ cúng âm hồn càng ít hơn. Có lẽ, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân Nam Bộ chỉ phổ biến trong phạm vi nhà – gia tộc, được biểu hiện qua lễ “cúng việc lề” của từng gia tộc, với niềm tin “trong số những linh hồn bơ vơ, vất vưởng ấy, biết đâu có cả họ hàng, thân thích trong họ hàng mình đã chẳng may bỏ mình chốn rừng thiêng nước độc nào đấy vì khẩn hoang, vì tha phương cầu thực hoặc bị nạn đao binh” [Nguyễn Xuân Hương 2009: 161]. Trong khi đó, ở khu vực ven biển miền Trung, tiết Thanh minh vào tháng 3 âm lịch, người dân ngoài việc tảo mộ cho ông bà, tổ tiên còn tổ chức cúng âm hồn mang tính cộng đồng làng xã hết sức quy củ. 

Qua việc tìm hiểu những đặc thù trong việc thờ cúng âm hồn của cư dân Nam Bộ có thể rút ra kết luận rằng, về quan niệm và nhận thức tín ngưỡng, cư dân Nam Bộ chỉ cúng âm hồn kèm theo trong những dịp lễ Kỳ Yên (cầu an), cúng đình, lễ Vu Lan, lễ Nghinh Ông,… 

Ở vùng đất Nam Bộ, trong buổi đầu khai phá, nơi đây cũng là vùng đất rừng thiêng nước độc, người chết vì thú dữ, bệnh tật, thiên tai rất nhiều, người chết vì chiến tranh, loạn lạc cũng không ít. Vậy tại sao ở Nam Bộ, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn lại tương đối mờ nhạt hơn so với vùng ven biển Nam Trung Bộ? Theo chúng tôi, có thể giải thích cho hiện tượng này là trong quá trình khai phá vùng đất mới, người Việt đi thành từng nhóm riêng lẻ, từng nhóm hộ gia đình. 

Bên cạnh đó, với địa thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, vào mùa nước nổi nước ngập lênh láng cả một vùng rộng lớn, việc chôn cất những người chết quy về một mối như các nghĩa trủng ở khu vực Nam Trung Bộ là rất khó khăn, việc xây dựng đền thờ, miếu mạo vì thế cũng không dễ. Ngoài ra, khi vào đến vùng đất Nam Bộ, người dân trở nên gần gũi với Phật giáo hơn, những tư tưởng Nho giáo từ miền Bắc và miền Trung dường như đã phai nhạt một cách đáng kể, thờ cúng âm hồn chủ yếu chỉ còn mang tính chất gia đình, hoặc phối thờ ở đình, chùa, việc tổ chức cúng kiếng cũng trở nên đơn giản hơn. Trong khi đó, với cư dân ven biển Quảng Ngãi, nghi thức cúng tế âm hồn được diễn ra ở các cơ sở thờ tự dành riêng cho đối tượng âm hồn, cô hồn, vào một khoảng thời gian nhất định trong năm và được toàn thể cộng đồng tham gia với thiết chế vô cùng chặt chẽ.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển Quảng Ngãi khi so sánh với các địa phương khác, bên cạnh một mẫu số chung là tính nhân văn thể hiện sâu sắc trong nội dung và hình thức thể hiện, thì cũng có những đặc trưng riêng, mà yếu tố biển, yếu tố lịch sử văn hóa địa phương chính là một phần quan trọng tạo nên sự khác biệt ấy. 

Ngoài ra, do phương thức mưu sinh gắn chặt với môi trường biển nên cư dân vùng ven biển Quảng Ngãi thấu hiểu vị trí của con người khi đứng trước biển cả mênh mông thật quá nhỏ nhoi, ranh giới giữa sự sống và cái chết khiến cho con người nhận thức được đời người hạn hữu, thân phận con người, nhất là thân phận của những ngư dân thật mong manh, sống nay chết mai theo từng nhịp con sóng biển. Cái chết biển, cái chết mà thân xác không tìm được về xứ sở, bản quán luôn là một điều gì đó quá khốc liệt, ám ảnh nhiều thế hệ. Vì vậy, việc sản sinh ra hình thái tín ngưỡng thờ cúng âm hồn như là một cách để trấn an, vỗ về con người tìm đến với thế giới tâm linh, được giao tiếp hai cõi âm dương, để con người cảm thấy nhẹ lòng và bình an trước mỗi chuyến ra khơi âu cũng là điều tự nhiên, dễ hiểu.

Tựu trung lại, những vấn đề được trình bày ở trên cũng chỉ là những nét khái quát, sơ lược về những đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển Quảng Ngãi, khi đặt trong so sánh với các vùng khác thì lại càng phức tạp hơn. Bởi thật khó để có thể lý giải được mọi hiện tượng, về quan niệm, về mốc thời gian, về kiến trúc, cách sắp xếp các ban thờ, cách bài trí, trình tự lễ tế… mỗi nơi lại có những đặc điểm khác nhau, đòi hỏi người nghiên cứu phải có thêm thời gian để trải nghiệm và tiếp thu.

ThS.Phạm Tất Thiên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015

-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường – Hồ Tường. 1993. Đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và nghi lễ. TP.HCM: Nxb TP.HCM, 309 tr.
2. Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường. 1999. Đình Nam Bộ xưa và nay. Biên Hòa: Nxb Đồng Nai, 313 tr.
3. Ngô Đức Thịnh. 2012. Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam. TP.HCM: Nxb Trẻ, Tp.HCM, 586 tr.
4. Nguyễn Đăng Duy. 2009. Văn hóa tâm linh. Hà Nội: Nxb Văn hóa Thông tin, 301 tr.
5. Nguyễn Đăng Vũ. 2002. Làng ven biển và cư dân ven biển Quảng Ngãi. Hà Nội: Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 3. 
6. Nguyễn Đăng Vũ. 2003. Văn hoá dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi. Hà Nội: Nxb Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật, 345 tr.
7. Nguyễn Đăng Vũ. 2006. Tục thờ cúng âm hồn dọc biển. Báo cáo Khoa học Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam – Trường CĐSP Phú Yên.
8. Nguyễn Duy Hinh. 2007. Tâm linh Việt Nam. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách Khoa, 558 tr.
9. Nguyễn Xuân Hương. 2008. Tín ngưỡng thờ Cô hồn – Cô bác của cư dân ven biển xứ Quảng (Quảng Nam và Đà Nẵng). Tạp chí KH&CN số 1/2008 (Đại học Đà Nẵng).
10. Nguyễn Xuân Hương. 2009. Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam-Đà Nẵng: Hình thái, đặc trưng và giá trị. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách khoa & Viện Văn hoá, 425 tr.
11. Nhiều tác giả. 2008. Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Tây Nam Bộ. Hà Nội: Nxb Tự điển Bách Khoa, 676tr.
12. Phan Khoang. 2001. Việt sử xứ Đàng Trong. Hà Nội: Nxb Văn học, 556 tr.
13. Toan Ánh. 1996. Phong tục thờ cúng trong gia đình, nơi công cộng Việt Nam. Hà Nội: Nxb Văn hóa dân tộc.
14. Trần Đăng Khoa. 2012. Thờ cúng và kiêng kỵ của ngư dân người Việt ở Tây Nam Bộ. Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học. Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).
15. Viện Văn hoá Thông tin. 2004. Tiếp cận văn hoá nghệ thuật Miền Trung. – Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế, 401 tr.
16. Vũ Ngọc Khánh – Phạm Minh Thảo – Nguyễn Vũ. 2002. Từ điển văn hoá dân gian. Hà Nội: Nxb Văn hoá Thông tin, 720 tr.
17. Wordsworth Reference. 2004. Từ điển văn hoá bách khoa. Hà Nội: Nxb Văn hoá Thông tin, 723 tr.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm