Tôn giả Bạc Câu La: Đệ nhất hạnh vô bệnh
Sau khi xuất gia, Ngài Bạc Câu La được Tôn giả Mục Kiền Liên tận tình chỉ dạy về giáo lý và thiền định. Dù tuổi đã cao nhưng Ngài vẫn tinh tấn thực hành, tọa thiền sớm khuya không phút giây lơi lỏng. Ngài không một chút nề hà vất vả, vẫn lao tác, quét dọn, gánh nước...
Tôn giả Xá Lợi Phất nhập Niết bàn
Từ xưa đến nay, con người lúc nào cũng hi vọng có được sức khỏe dồi dào để sống một cuộc đời trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Nhân loại đã nghĩ ra nhiều phương pháp khác nhau để đạt được điều đó. Tuy nhiên, muốn có một thân thể khỏe mạnh thì không thể bỏ qua yếu tố quan trọng đến từ luật nhân quả. Hơn 2600 năm về trước, trong Tăng đoàn của Đức Phật có một vị Tôn giả được mệnh danh là “Đệ nhất hạnh vô bệnh”. Ngài sống đến hơn 160 tuổi và cả cuộc đời chưa từng bị bệnh. Đó là phước báo thù thắng của việc trong vô lượng kiếp, Ngài đã tận tình chăm sóc sức khỏe cho các vị Phật quá khứ, luôn quý trọng sự sống, mang sức khỏe cống hiến phụng sự, làm nên những điều lợi ích lớn lao cho chúng sinh. Vị đó chính là Tôn giả Bạc Câu La (Bakkula).
Cuộc đời Ngài đã để lại cho chúng sinh muôn vàn bài học cao quý.
I. Truyền thuyết về thánh nhân
Bình minh tỏa xuống dòng sông Yamuna, mặt nước lững lờ trôi phản chiếu lấp loáng ánh hừng đông đỏ ửng. Trên mép bờ, tại khúc sống người ta vẫn thường hay tắm và thực hiện các nghi lễ theo truyền thống Bà lamôn giáo, một bà mẹ đang tắm cho hài nhi sơ sinh. Bà âu yếm:
Con yêu, nước của dòng sông linh thiêng này sẽ luôn bảo hộ cho con được khỏe mạnh và trường thọ.
Việc tắm ở sông Yamuna cho trẻ đã trở thành một truyền thống lâu đời ở kinh thành Kosambi, nước Bạt Sa (Vatsa). Người ta thuận theo phong tục một cách tự nhiên mà quên mất rằng lòng sông này rất sâu kèm theo dòng chảy ngầm ẩn tàng đầy nguy hiểm. Bỗng nhiên, một cuộn sóng cao trồi lên ập xuống hai mẹ con. Sau cuộn nước, một con cá khổng lồ lao tới nuốt chửng hài nhi vào trong bụng. Bà mẹ sững sờ rồi gào thét thảm thương. Người chung quanh vội chạy đến nhưng không kịp. Con cá lặn mất hút, chỉ còn lại những xoáy nước giữa dòng...
Phước duyên thật kỳ lạ. Con cá mang hài nhi vùng vẫy quằn quại, cuối cùng, nó kiệt sức rồi sa vào lưới của một ngư dân tại thành Ba La Nại (Benares). Một gia đình phú thương đã mua con cá về. Phu nhận phú thương rạch một đường dao cẩn thận ngang bụng, từ vết mổ chợt hiện ra một bé trai khỏe mạnh đang nằm bên trong. Bé có nước da óng ánh như màu của vàng ròng, gương mặt như đang rạng rỡ cười, hoàn toàn không có vẻ gì sợ hãi. Phu nhân kinh ngạc, vui mừng khôn tả:
Ôi, từ lâu ta đã ước mơ có một người con. Có lẽ thần linh đã nghe lời cầu nguyện của ta. Con yêu, ta sẽ coi con như chính con ruột của mình.
Câu chuyện về bé trai sống sót trong bụng cá nhanh chóng lan ra khắp xứ. Không bao lâu sau, cha mẹ ở Kosambi khi biết được điều kỳ diệu xảy ra liền tìm đến. Hai bên phụ mẫu trở thành bạn rất thân thiết và cùng nhau nuôi nấng đứa bé như nâng niu báu vật.
Họ đặt tên cho bé là Bạc Câu La, có nghĩa là “người con của hai gia đình”.
Từ lúc Ngài Bạc Câu La chào đời, cả hai gia đình đều nhận được rất nhiều may mắn. Họ buôn bán thuận lợi, tài sản đổ về đầy ắp các kho chứa. Ngài Bạc Câu La sống trong phú quý với rất nhiều gia nhân hầu hạ. Ngày tháng cứ thế trôi đi êm đềm và hạnh phúc.
Tôn giả Xá Lợi Phật - trí tuệ đệ nhất, hiếu thảo vẹn toàn
II. Xuất gia tuổi bát tuần
Một chiều nắng vàng, có bóng ngựa đang phi nước đại trên con đường nối liền xứ Kosambị và vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha). Trên ngựa là một vị lão niên quần áo sang trọng, gương mặt quắc thước, mái đầu đã bạc phơ nhưng đôi mắt vô cùng tinh anh. Đó chính là Ngài Bạc Câu La. Năm ấy Ngài đã tròn tám mươi tuổi. Ngài đang tiến thẳng đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana)...Tám mươi tuổi, Ngài đã sống trong phú quý nhưng cũng đã kinh qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Mọi thứ đều thật mong manh tạm bợ, nay còn mai mất, chẳng có gì là vĩnh viễn. Ngài đã nhàm chán tất cả. Rồi một ngày, Ngài được nghe về Đức Thế Tôn – Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác vĩ đại. Giáo Pháp của Người thắp sáng lên hi vọng và những nguyện ước thiêng liêng. Dù chưa được nghe trực tiếp lời giảng của Thế Tôn nhưng Ngài đã thấm thía rằng, chỉ có sống một đời phạm hành mới là niềm hạnh phúc chân thật và cao quý. Vì thế Ngài quyết định từ giã gia đình, một mình lên ngựa đến tìm gặp Đức Thế Tôn.
Hôm sau, Ngài Bạc Câu La đã đến trước cổng tinh xá. Gió thổi rì rào trên những rặng tre xanh mướt. Khi đó, Thế Tôn đang mang bình bát chuẩn bị đi khất thực. Vạt áo của Người khẽ lay trong gió. Trên đôi chân trần, Người bước đi nhẹ nhàng mà đầy hùng lực. Vầng hào quang dịu nhẹ bao quanh Người ánh lên trong nắng sớm. Vừa trông thấy Đấng Đại Giác, Ngài Bạc Câu La vội tiến đến gần, quỳ xuống xúc động đảnh lễ. Ngài tha thiết chắp tay thua bạch với Thế Tôn, tuy tuổi đã cao nhưng giọng nói vẫn rất rõ ràng:
- Bạch Thế Tôn, con đã biết thế gian là vô thường giả tạm, đầy rẫy những trói buộc, ham muốn và vọng niệm đau khổ. Xin Thế Tôn hãy dẫn lối cho con đến với sự giải thoát an lạc.
Đức Thế Tôn nhìn Ngài Bạc Câu La với ánh mắt trìu mến, Người nhẹ nhàng bảo:
- Này Bạc Câu La, thế gian là bể khổ không cùng. Chúng sinh tránh khổ tìm vui, nào ngờ càng tìm vui lại càng lâm vào khổ cảnh. Này Bạc Câu La, con hãy đến đây với Như Lai. Gương mặt Ngài Bạc Câu La chợt bừng sáng. Trông Ngài thật hiền từ và phúc hậu. Ngài nghẹn ngào:
- Bạch Thế Tôn, con đã thấy Pháp. Bạch Thế Tôn, con đã ngộ Pháp. Xin Thế Tôn cho phép con được xuất gia trong Pháp và Luật của Người. Khoảnh khắc ấy, Ngài Bạc Câu La đã ngộ nhập, chứng đạt quả vị Dự Lưu, chính thức bước chân vào ngôi nhà của những vị Thánh. Đức Thế Tôn mỉm cười đồng ý cho Ngài xuất gia rồi Người thong thả đi khất thực. Thừa tôn ý của Đức Bổn Sư, Tôn giả Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) làm lễ thế phát cho Ngài Bạc Câu La. Những lọn tóc bạc trắng rơi xuống, Ngài thay bộ y phục sang trọng để khoác lên mình tấm y nâu song giản dị. Giờ đây Ngài đã trở thành một vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn.
III. Chứng đạo
Sau khi xuất gia, Ngài Bạc Câu La được Tôn giả Mục Kiền Liên tận tình chỉ dạy về giáo lý và thiền định. Dù tuổi đã cao nhưng Ngài vẫn tinh tấn thực hành, tọa thiền sớm khuya không phút giây lơi lỏng. Ngài không một chút nề hà vất vả, vẫn lao tác, quét dọn, gánh nước... giống như các vị Tỳ kheo trẻ và luôn khiêm cung thưa hỏi kinh nghiệm tu tập từ các bậc Trưởng lão. Không chỉ vậy, Ngài còn xin Đức Thế Tôn được thực hiện các hạnh đầu đà để tôi rèn bản thân trong đời sống thiểu dục, tri túc. Để luôn luôn duy trì sự tỉnh giác, Ngài quyết tâm giữ oai nghi, những khi mệt thì nghỉ ngơi trong tư thế tĩnh tọa chứ tuyệt nhiên không nằm. Bước sang ngày thứ tám, Tôn giả an trú sâu trong thiền định. Khi hừng đông vừa rạng, bỗng ánh sáng trí tuệ bừng ngộ, xóa tan vô minh ngã chấp. Tôn giả Bạc Câu La chứng đắc Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ.
Lơ lửng trên các tầng không, những vầng mây ngũ sắc tụ hội ngời lên trong nắng sớm. Chư Thiên bay xuống tán thán công đức của một vị A La Hán vừa xuất hiện trên thế gian. Các Thiên tử, Thiên nữ đã xin nguyện từ nay mỗi ngày đều ghé thăm và cúng dường lên Tôn giả.
Thật Hiền Đại sư - vị Tổ thứ 11 của Tịnh độ tông
IV. Đệ nhất hạnh vô bệnh
Một buổi tối sáng trắng. Trong tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), bên một gốc cây cổ thụ, Tôn giả La Hầu La (Rahula) đang thưa chuyện cùng Tôn giả Nan Đà (Nanda):
- Thưa Tôn giả Nan Đà, mấy hôm nay chư Tăng vân tập về tinh xá thật đông vui. Con quan sát thấy có cả Ngài Bạc Câu La nữa ạ. Tuy tuổi đã cao nhưng trông Ngài thật an vui, bước đi uy nghi vững chãi đầy hùng lực. Con thật lòng vô cùng ngưỡng mộ.
- Nhưng Tôn giả Bạc Câu La cũng có nhiều điều lạ thường quá mà con chưa thể hiểu được ạ. Con được biết rằng Tôn giả không bao giờ cần ngủ. Đêm đến, Ngài ngồi nghỉ, lưng giữ thẳng đứng mà không cần tựa, giống như đang tọa thiền. Tôn giả cũng chưa từng ốm đau, không cần đến thuốc men, thậm chí Ngài còn không cần thọ dùng đến thức ăn khất thực ạ. Tôn giả Nan Đà mỉm cười nói rằng:
- Này La Hầu La, Tôn giả Bạc Câu La có phước lớn kỳ lạ về sức khỏe. Hẳn con đã được nghe câu chuyện năm xưa Ngài đã sống sót thật phi thường khi trong bụng cá. Từ khi Ngài chứng A La Hán, mỗi ngày chư Thiên đều cúng dường lên Ngài những vật thực tốt nhất từ cõi trời. Mỗi đêm, Ngài ngồi trong tư thế tọa thiền, nội tâm an tĩnh nên cơ thể và tâm hồn luôn có được sự an lạc. Nhờ vậy mà Ngài không cần đến giấc ngủ.
- Đặc biệt, cơ thể Ngài là không bệnh tuyệt đối. Sức khỏe phi thường của Tôn giả Bạc Câu La thành tựu nhờ muôn vàn công đức lành mà Ngài đã vun bồi trong vô lượng kiếp quá khứ. Trong kiếp nào, Ngài cũng mở rộng lòng từ bi và yêu thương mọi sự sống trên đời, từ con người, loài chim, thú, cá sông, côn trùng... đến cả từng nhành cây ngọn cỏ. Ngài cũng thường dùng sức khỏe để cống hiến, phụng sự chúng sinh. Đặc biệt, trong nhiều kiếp quá khứ, Ngài đã cúng dường thuốc quý đồng thời tận tâm chữa bệnh cho Đức Phật và đại chúng. Lúc là một ẩn sĩ trên núi, Ngài đã không quản ngại leo lên những vách đá cao và hiểm trở nhất để hái những thảo dược tốt, trị bệnh cho Đức Phật Anomadassi. Lại có lần thời Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi), phương thuốc của Ngài đã giải được một loại kỳ độc nguy hiểm đang lây truyền đến tất cả các vị Tỳ kheo, nhờ vậy giúp duy trì sự ổn định trong giáo đoàn, chư Tăng Ni an tâm tu hành và giáo hóa. Không chỉ vậy, dù ở kiếp sống nào, Ngài làm công việc gì cũng luôn chú trọng, quan tâm chu đáo tới sức khỏe của mọi người. Thời Đức Phật Ca Diếp, khi tu sửa tinh xá cho Tăng đoàn, bên cạnh các khu vực thiết yếu như giảng đường, các am thất, bếp ăn. Ngài còn kỹ lưỡng thiết kế và xây dựng thêm những nơi mới như: nhà sưởi cho mùa lạnh, phòng tắm nước nóng, phòng thăm khám bệnh, kho để những loại thuốc cần thiết như dầu xức, thuốc xông, thuốc bột... Ngài làm tất cả với mong muốn chăm lo đời sống cho các vị Tăng Ni một cách tốt nhất. Nhờ những công đức sâu dày ấy mà kiếp này Ngài đã thành tựu phước báo về sức khỏe kỳ tuyệt. Nhờ có sức mạnh thể chất vô hạn và ý chí nghị lực siêu phàm nên trong đời sống tu hành, Tôn giả đã thực hiện nhiều hạnh đầu đà trong niềm hạnh phúc an nhiên tự tại. Nhiều vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn kính ngưỡng Tôn giả như là một tấm gương sáng về hạnh thiểu dục tri túc, dứt bỏ hoàn toàn những hưởng thụ vị kỷ của đời sống.
Chính vì vậy, Đức Thế Tôn đã ấn chứng rằng: “Trong các đệ tử của Như Lai, Bạc Câu La là Tỳ kheo có sức khỏe đệ nhất, có phước về sự cường tráng của cơ thể”.
Đại đế Asoka và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp
V. Hóa độ Đạo sĩ thể Kassapa
Tinh xá Trúc Lâm đang độ vào thu, lúc này Đức Phật đã nhập Niết Bàn. Khung cảnh trầm lại và sâu lắng. Những rặng tre điểm xuyết những chiếc lá vàng.
Mặt hồ xanh trong phẳng lặng. Một hôm, có vị đạo sĩ đã lớn tuổi thuộc phái lõa thể Ni kiện tử ghé đến tính xá. Ông chống gậy, lưng còng xuống, nước da ông đen sạm hiện lên những dấu hiệu của tuổi tác. Gương mặt già nua của ông thoảng một nét bất mãn kín đáo. Khi được hỏi, vị đạo sĩ xưng tên là Kassapa. Ông nhận mình có quen với Tôn giả Bạc Câu La khi Ngài còn là cư sĩ và xin được gặp Tôn giả. Lúc ấy, Tôn giả Bạc Câu La đang thiền hành. Ngài bước đi nhẹ nhàng trên con đường lát đá. Khi đến bên hồ sen, Ngài dừng chân nghỉ. Đạo sĩ Kassapa liền bước về phía Ngài. Tôn giả Bạc Câu La ngồi trang nghiêm và uy nghi trên phiến đá. Ngước nhìn Tôn giả, vị đạo sĩ thấy lòng có chút nể sợ. Tuy nhiên, từ lâu ông vẫn thắc mắc làm sao Tôn giả có thể sống một đời xuất gia thanh tịnh hoàn toàn được trong thời gian dài đằng đẵng như thế. Vì thế ông cất lời:
-Thưa Ngài Bạc Câu La, không biết Ngài còn nhận ra tôi? Chúng ta từng quen biết nhau rất lâu trước kia. Tôi tự hỏi Ngài đã xuất gia được bao lâu rồi?
Tôn giả Bạc Câu La từ tốn trả lời:
- Này đạo sĩ Kassapa, ta nhận ra ông. Ta đã trở thành một Tỳ kheo trong Tăng đoàn của Đức Thế Tôn được tám mươi năm rồi.
Chỉ chờ câu trả lời ấy, đạo sĩ hỏi tiếp:
- Vậy trong suốt tám mươi năm qua, đã bao lần Ngài phạm giới về ái dục?
Lời lẽ cùng thái độ đó thật vô cùng khiếm nhã và bất kính. Dù vậy, Ngài Bạc Câu La vẫn điềm tĩnh. Tôn giả nhìn vị đạo sĩ lớn tuổi đang ở trước mặt mình mà lòng đầy thương xót. Ngài nhẹ nhàng bảo:
- Này đạo sĩ, Ngài không nên hỏi ta như vậy. Có chăng Ngài phải hỏi rằng trong suốt tám mươi năm qua, đã bao giờ ta khởi lên một ý niệm về ái dục chăng?
Đạo sĩ khăng khăng lập luận rằng:
- Thưa Ngài Bạc Câu La, tôi không tin rằng Ngài có thể giữ giới về ái dục được trong suốt tám mươi năm. Ai dục là thứ cám dỗ mãnh liệt và luôn chực chờ mọi lúc. Chính bản thân ta tu hành khổ hạnh, đã dám từ bỏ áo quần, sống đơn sơ mà vẫn không thoát khỏi sự trói buộc của tham ái.
Tôn giả Bạc Câu Lạ mỉm cười. Một nụ cười sang trong vượt thoát tất cả mọi ô nhiễm trần tục:
- Này đạo sĩ, hãy biết rằng, trong suốt tám mươi năm qua, chưa bao giờ ta khởi lên một ý niệm về ái dục. Cũng chưa bao giờ ta khởi lên một ý niệm sân hận hay gây hại đến chúng sinh. Càng không bao giờ ta khởi suy nghĩ tìm cầu về ái dục, về sân hận và vị kỷ Ái dục là bùn nhơ mà kẻ phàm phu tra thích kiếm tìm nhưng bậc Thánh thì tuyệt đối tránh xa.
Tôn giả Bạc Câu La quan sát vị đạo sĩ. Với lòng bị mẫn, Ngài tiếp tục giảng giải:
- Này đạo sĩ, trong suốt tám mươi năm qua, ta chưa bao giờ cần thọ dùng đến thức ăn khất thực. Ta cũng chưa bao giờ tự cho mình được hầu hạ bởi một sa di, không bao giờ nằm dài để ngủ hay dù chỉ dựa lưng vào tấm gỗ. Suốt tám mươi năm qua, những lúc cần nghỉ ta luôn trong tư thế tĩnh tọa nghiêm trang.
- Này đạo sĩ, ta có niềm an lạc vi diệu trong đời sống thanh bạch đơn sơ ấy nên không còn cần một sự hưởng thụ nào cả. Lòng ta đã buông xả mọi điều. Như thế thì làm sao bất kỳ niệm tham ái nào có thể khởi lên được? Này đạo sĩ, dáng vẻ thô tục khi không mang quần áo che thân chẳng nói lên một sự giải thoát cao quý nào cả. Đó chỉ là một tà kiến sai lầm. Lời nói chứa đầy uy lực đã thức tỉnh vị đạo sĩ. Ông cúi đầu quỳ xuống, tha thiết bày tỏ:
- Thưa Tôn giả, bao năm qua con ngu muội không thấy được đạo lý. Con đã phí phạm cả đời dài để thực hiện những phép tu khổ hạnh vô ích, cố chấp giữ lấy hình tướng lõa thể thô tục bất chấp dư luận. Hôm nay nhờ sự từ bi độ lượng của Tôn giả, con đã hiểu ra. Con xin thành tâm sám hối vì đã có những lời lẽ xúc phạm Ngài. Cúi xin Tôn giả hãy thứ tội cho con. Thưa Tôn giả Bạc Câu La, xin Ngài hãy nhận con làm đệ tử, để con được nương tựa trong giáo Pháp nhiệm màu của Đức Thế Tôn, quay đầu về nẻo chánh. Tôn giả Bạc Câu La hiền từ đỡ vị đạo sĩ đứng lên. Nhân duyên đã đến, chiều hôm ấy, tinh xá lại rộng lòng chào đón một vị Tỳ kheo mới gia nhập Tăng đoàn.
VI. An trú Niết bàn
Hôm đó, bầu trời trong xanh, cao vời vợi. Những cơn gió thoảng đưa xạc xào trên tán lá của tinh xá. Tôn giả Bạc Câu La đang tĩnh tọa trong am tranh. Ngài nhận định và biết đã phải thời để nhập Niết Bàn. Ngài bước ra và từ tốn nói với chư Tăng:
- Thưa các hiền giả, hôm nay, Bạc Câu La sẽ nhập Niết Bàn. Xin các hiền giả hãy ra ngoài. Đây là lần cuối mà chư vị trông thấy Bạc Câu La trong thân tướng ngũ uẩn này. Khi các vị Tỳ kheo đã quy tụ đông đủ, giữa đại chúng, Tôn giả an trú sâu trong thiền định. Đôi mắt khép lại, gương mặt Ngài tỏa chiếu một nụ cười thanh thản. Rồi một ngọn lửa hồng rực bốc lên, toàn thân Ngài chói sáng. Chỉ trong khoảnh khắc, khi ngọn lửa biến mất, xá lợi từ nơi thân Ngài nhẹ bay lấp lánh. Mọi hạnh nguyện của Ngài đã viên mãn. Chư Tăng Ni nghẹn ngào tiễn biệt một bậc Thánh đi vào cõi Niết Bàn tịch lặng.
Tôn giả La Hầu La Đa: Vị tổ Thiền tông đời thứ mười sáu
VII. Kết luận
Tôn giả Bạc Câu La là bậc Thánh A La Hán vĩ đại với danh hiệu Đệ Nhất Hạnh Vô Bệnh. Ngài bước vào đời sống xuất gia khi tuổi đã cao với ý chí sắt đá tột cùng và lòng nhiệt tâm tinh cần mãnh liệt. Cả cuộc đời, trong từng giây phút Ngài lúc nào cũng thúc liễm thân tâm và giữ gìn giới hạnh vẹn toàn. Người Phật tử chúng con ôm nay hiểu rằng, nhân duyên gặp được ánh đạo thiêng là vô cùng may mắn. Một khi chánh Pháp đã gõ cửa cuộc đời thì không thể để phút giây nào chần chừ lưỡng lự, để rồi lỡ làng tiếp tục trôi lăn trong nhiều kiếp sống. Một lòng kính ngưỡng những công hạnh cao cả của Tôn giả, chúng con nguyện yêu thương sự sống, yêu thương muôn loài, bảo vệ Trái Đất – hành tinh xanh tươi đã và đang che chở cho chúng sinh muôn loài nương náu. Chúng con cũng nguyện luôn đem sức khỏe của mình để cống hiến và phụng sự cuộc đời, phụng sự đạo Pháp. Cầu xin hồng ân Tam Bảo gia hộ cho chúng con luôn tu dưỡng thân khẩu ý thanh tịnh, sống một đời giản dị thanh bạch. Xin gia hộ cho mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng con đều thiện lành tốt đẹp, hướng đến tha nhân và sự giải thoát giác ngộ cao cả.
VIII. Ý nghĩa độ mệnh
Tôn giả Bạc Câu La (Bakkula) là vị A La Hán đặc biệt. Đức Thế Tôn đã tán thán Ngài là vị Tôn giả Đệ Nhất Hạnh Vô Bệnh. Ngài có phước lành kỳ lạ về sức khỏe. Ngài may mắn sống sót trong bụng cá và chưa bao giờ bị bệnh kể từ lúc sinh ra cho tới khi nhập Niết Bàn. Khi duyên lành hội đủ, Ngài bước vào đời sống xuất gia năm 80 tuổi. Ngài đã thúc liễm thân tâm, giữ gìn giới hạnh vẹn toàn với ý chí sắt đá và sự tinh cần không ngơi nghỉ. Chính vì thế, Tôn giả Bạc Câu La chứng đắc Thánh quả giải thoát chỉ sau tám ngày gia nhập Tăng đoàn. Có được phước đức ấy là bởi Ngài đã làm vô vàn thiện nghiệp trong quá khứ.
Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:
- Có sức khỏe dồi dào, tránh được nhiều bệnh tật. Có được sức mạnh và ý chí nghị lực phi thường vượt qua các thử thách trong cuộc đời. Được quý nhân phù trợ, hay gặp những may mắn bất ngờ.
- Có sự tinh tế, khéo léo chăm lo cho mọi người từ đó mang lại lợi ích cho xã hội, được nhiều người yêu mến, kính trọng.
- Có tấm lòng nhân hậu và thương yêu mọi loài, luôn mang lại niềm hạnh phúc, an lạc cho những người xung quanh.
IX. Thơ tụng
Thành tâm xin đảnh lễ Người
Đệ Nhất Vô Bệnh muôn đời lưu danh
Tuổi cao vẫn quyết tu hành
Bậc A La Hán tử sanh chẳng còn
Xuất thân kỳ diệu siêu phàm
Thọ nhận phước báu sức càng bền lâu
Thân không chút bệnh ốm đau
Vững vàng bền bỉ đường dài bước đi
Bởi Ngài nhiều kiếp hộ trì
Chăm nom Tăng chúng những khi bệnh tình
Xoa dịu nỗi khổ chúng sinh
Quý từng sự sống hành tinh diệu với
Yêu thương trải khắp muôn nơi
Lá cây ngọn cỏ cá bơi trong hồ
Không làm tổn hại bao giờ
Sâu dày công đức tuổi trời dài lâu
Nguyện theo Phật Pháp nhiệm màu
Hy sinh phụng sự chẳng cầu riêng tư
Vô minh chấp ngã ngục tù
Chôn vùi trong cõi mịt mù tối tăm
Theo Ngài con quyết siêng năng
Tu hành tinh tấn, lòng càng yêu thương
Nhớ thân tạm bợ vô thường
Thiểu dục tri túc con đường Thánh nhân
Chẳng vương mang chút bụi trần
Nhiễm ô dục vọng muôn phần khổ đau
Nhân quả lòng nguyện tin sâu
Tiếng kinh vang vọng nguyện cầu một mai
Cùng nhau trên bước đường dài
Hướng về Vô Ngã, nắng mai ngập tràn
Hào quang soi chiếu huy hoàng
Viên mãn phạm hạnh, thành ngàn ánh sao
Thân Ngài lấp lánh trên cao
Lửa thiêng bừng sáng bước vào hư vô
Chúng con kiếp kiếp tôn thờ
Ba ngôi Tam Bảo muôn đời kiên trung
Vững tin theo Đấng Đại Hùng
Buớc qua gian khó quyết cùng đường tu
Giữ thân mềm mại buông thư
Ngồi yên bất động, trăng thu mặt hồ
Hạnh phúc vô tận đón chờ
Con đường giác ngộ bến bờ an vui...
Nam Mô Bạc Câu Là Tôn Giả (3 lần)
Tài liệu tham khảo
1. Thích Chân Quang (2015), Truyện tranh Đỉnh Núi, Tuyết tập 19, Nxb Tôn Giáo, Hồ Chí Minh.
2. Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật Sử tập 6A, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
3. Chánh Minh, Đức Phật và 45 hoằng hóa độ sinh.
<https://chanhminhtk.wordpress.com/sach/45ha01>
Biên soạn TT.Thích Chân Quang
Tổng hợp tài liệu Khánh Quản
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm