Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 09/02/2013, 11:08 AM

Trò chơi dân gian trong lễ hội chùa Côn Sơn

Trò chơi dân gian trong lễ hội Côn Sơn là nét văn hoá độc đáo không thể thiếu trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Các trò chơi dân gian trong ngày hội có vai trò quan trọng giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên

Trải gần nghìn năm tồn tại, phát triển, Côn Sơn là một trong những trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của đất nước. Vì vậy, đây là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc của mọi vùng miền trong cả nước.

                                                                           Ảnh: TBH

Hàng năm tại khu di tích Côn Sơn có hai kỳ lễ hội: Lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn tưởng niệm ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (ngày 23 tháng Giêng âm lịch); Lễ hội mùa thu tưởng niệm ngày mất của anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (16/8 âm lịch). Lễ hội tổ chức nhiều nghi lễ như: lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực, lễ rước nước, lễ tế Trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ. Bên cạnh phần lễ, những trò chơi dân gian hay các cuộc thi tài là phần không thể thiếu trong không khí ngày hội mùa Xuân Côn Sơn. Hoạt động vui hội là sự đúc kết tinh hoa những động tác lao động của con người trong cuộc sống hàng ngày. Toàn bộ sức lực, khả năng, trí thông minh, dũng cảm của con người được bộc lộ qua các hoạt động vui chơi rất tự nhiên, khéo léo và thoải mái. Thông qua các trò hội không chỉ là sự vui chơi giải trí mà tại thời điểm thăng hoa mạnh nhất còn có ý nghĩa tâm linh, cầu vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu… các trò chơi dân gian tiêu biểu trong lễ hội Côn Sơn như: 

Đu tiên được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Giêng, với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau: đu đơn, đu đôi. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng, như trong câu ca:

“Nhún mình như thể nhún đu.

Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm”.

Để tổ chức Đu tiên, ngoài việc phải chôn một cây nêu cao vút, cắm những lá cờ ngũ sắc, người ta cũng dành một khoảnh đất có cỏ ở bên sân chùa làm bãi đu. Để dựng cây đu họ phải chọn, đẵn tre, đào hố, chôn cột đu…bắc qua hai cột đu vững chắc là một cây tre đực, thẳng. Cả một hệ thống ròng rọc bằng gỗ, những con sỏ, những dây tre cuốn sẵn buộc chặt lấy bộ phận khớp đu. Từ đây, buông dài xuống gần mặt đất là hai thanh tre dài, dẻo mà rắn chắc, ngay thẳng. Hai tay tre này được gọi là tay đu. Phía dưới của hai tay đu được nối liền với nhau qua một chiếc bàn gỗ gọi là bàn đu, là nơi để người đánh đu đứng lên.

Khi đu đơn thì chỉ việc đứng lên bàn đu, tay nắm lấy hai tay đu rồi nhún cho đu bay. Khi đu đôi thì bốn chân của hai người đứng trên bàn đu so le nhau, hướng mặt vào nhau, hai tay của người con gái và người con trai nắm chặt vào hai tay đu. Đây gọi là tư thế vòng tay xiết. Khi bắt đầu đu họ thường đu thấp trước, sau đó lấy đà mới lăng người lên cao. Một đôi trai gái đánh đu lên cao là sự kết hợp giữa âm và dương mong cho mùa màng tươi tốt.

Chơi đu là một trò chơi thượng võ, trò chơi “mạnh” cuốn hút nhiều người xem. Chơi đu là thể hiện tài năng, sắc đẹp, lòng dũng cảm của các đôi nam nữ, với không khí rạo rực, tươi trẻ, tràn đầy sức sống của mùa xuân đã thấm vào từng làn da thớ thịt, khơi dậy sức mạnh thần kỳ tiềm ẩn trong những con người lao động cần cù, chất phác nơi làng quê khiến họ vượt qua được mọi nguy hiểm. Chơi đu ngày xuân không chỉ để ngày tết thêm vui tươi mà còn mượn cây đu để gặp mặt giao lưu tình cảm và “tìm duyên” nhân dịp xuân mới. Có những giây phút đu lên tận trời xanh làm cho người ta nhớ mãi, để rồi khi giã bạn vẫn hoài niệm bãi đu trong ngày hội mùa xuân Côn Sơn.

Đấu vật là một trò chơi dân gian không chỉ đấu về sức mạnh, thi tài mà còn có niềm tin về tâm linh. Hình tròn trên sới vật tượng trưng cho trời là dương đặt trên sân tượng cho đất hình vuông là âm, hai hình toàn vẹn là sự kết hợp hài hoà mang lại những điều tốt đẹp: mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.

Đấu vật được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng giêng, tại sân trước tam quan, thu hút hàng trăm đô vật thanh, thiếu niên đến từ các địa phương trong tỉnh và một số địa phương có phong trào vật phát triển như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… các đô vật thi đấu theo thể thức vòng tròn. Keo vật đầu tiên được lựa chọn 2 đô vật để thực hiện “keo vật thờ”. Hai đô vật này phải là người có tiếng, được đông đảo công chúng công nhận về tài năng, đức độ và có cống hiến cho phong trào vật trong vùng. Người được lựa chọn làm trọng tài cũng phải là người có vai vế trong vùng am hiểu sâu về vật dân tộc và được mọi người kính nể.

Hội vật Côn Sơn áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, phải làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng” (một phần hoặc cả hai phần lưng  của đối phương phải lấm đất, bụng ngửa). Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua một đối thủ nữa mới lọt vào vòng chung kết. Hội vật Côn Sơn rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào bộ hạ, yết hầu, mắt,…

Hội vật Côn Sơn ngoài yếu tố tâm linh còn là một hoạt động vui khoẻ, tinh thần thượng võ, khuyến khích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.

Tiếng trống vật của ngày hội luôn giục giã mọi người nhanh chóng đến thưởng thức không khí rộn ràng trên sới vật, cũng là lời chúc tốt lành gửi đến mọi nhà nhân dịp đầu xuân.

Chọi gà là một trò chơi dân gian kỳ thú trong hội Côn Sơn, hấp dẫn mọi tầng lớp tham dự. Người mang gà đến hội Côn Sơn chủ yếu là người trong tỉnh và các khu vực lân cận như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang,…

Chọi gà được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18 tháng giêng, tại khu vực sân bóng Côn Sơn. Để có được chú gà chọi hay, đòi hỏi người chơi phải đầu tư công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng, luyện tập...Chọn gà trước tiên phải xem hình dáng, tướng mạo, xét kỹ 5 bộ phận trên mình gà, gọi là ngũ thường. Mỏ to thẳng, miệng rộng; đầu mồng dâu; mắt chữ điền; cổ to, dài, thẳng; lưng rộng, cánh dài. Đùi to, phần đùi dài hơn phần cánh. Chân thanh, ngón thắt, vảy mỏng và khô. Chọn màu lông, cũng phải chọn gà tía ngũ sắc. Ngoài ra, con nào gáy 7 tiếng trở lên nhưng gáy giật từng tiếng, đó cũng là “thần kê”. Người sành chơi còn chọn gà khi ngủ trên cây đầu phải thòng xuống đất hoặc ngủ dưới đất trải dài cổ, xoãi cánh là kiểu “ngủ đầu xà”, gà này thuộc loại quý hiếm.

Ngày kết thúc của cuộc thi chọi gà, Ban tổ chức sẽ chọn được những chú gà đá thắng và trao giải nhất, nhì, ba những vật lưu niệm hoặc ít tiền động viên chủ gà mùa hội xuân sang năm lại tham dự.

Chọi gà trong hội mùa xuân Côn Sơn vừa mang tính giải trí, vừa là hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng trong khu vực.

Trong hội Côn Sơn, trò chơi truyền thống không thể thiếu được những bàn cờ đầu xuân, là môn giải trí mang tính nghệ thuật tao nhã và trí tuệ thu hút mọi du khách trảy hội.

Cờ tướng không chỉ có văn nhân, thi sĩ, vua quan mới hâm mộ mà đến dân lao động chân lấm tay bùn cũng thích. Ca dao có câu đố cờ:

“Hai ông mà chẳng có bà

Sinh con đẻ cháu đến ba mươi người

Mười người sinh nở tốt tươi

Bốn người đi học lại đòi làm quan

Tám người xa pháo nghênh ngang

Tám người voi ngựa rộn ràng hơn xưa”.

Đó cũng là nét phác hoạ thô sơ mà hoàn mĩ về bàn cờ tướng của dân gian ta. Bàn cờ tướng thật sự là một trận địa sinh động, có tầng lớp và thật hoàn hảo: đủ các binh chủng trên chiến trường, công có, thủ có, các quân được chia thành ba lớp xen kẽ hài hoà. Có sông, có cung cấm. Hình tượng quốc gia hoàn chỉnh, có vua tôi, có quan ở nhà, quân ra trận…vừa có ý nghĩa, vừa mang sắc thái phương Đông.

Cờ tướng là môn giải trí mang tính trí tuệ và tao nhã, không những rèn luyện trí óc cho người chơi cờ mà còn dạy người chơi cách đối nhân xử thế, dạy cho họ biết Nhân- Nghĩa- Lễ- Trí- Tín. Ngày hội xuân, ván cờ càng thêm thanh tao nơi tùng lâm đại ngàn.

Nghệ thuật múa rối nước diễn ra tại hồ Bán Nguyệt, do nghệ nhân phường rối nước Hồng Phong (Ninh Giang), Thanh Hải (Thanh Hà) biểu diễn từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng.

Giữa tùng lâm đại ngàn, khán giả có cơ hội chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật trong đó có đất, nước, cây xanh, mây, gió, có lửa, có khói mờ vương toả, có mái đình… Thật sự là một sự hoà hợp độc đáo của nghệ thuật, thiên nhiên và con người. Từ sáng sớm người nghệ nhân múa rối đã lội xuống hồ bán nguyệt, mặc cho tiết trời giá lạnh để điều khiển con rối diễn trò, đóng kịch: Thạch Sanh, Tấm Cám, múa rồng, múa sư tử, rước kiệu, đấu vật,…Qua những tiết mục biểu diễn của nghệ thuật rối nước cổ truyền, những cảnh sinh hoạt về đời sống, tập tục tinh thần và vật chất truyền đời của người dân Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét.

Đây là một loại hình sân khấu nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo, một sáng tạo đặc biệt của người Việt. Múa rối nước là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của lễ hội mùa xuân Côn Sơn. 

Trò chơi dân gian trong lễ hội Côn Sơn là nét văn hoá độc đáo không thể thiếu trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Các trò chơi dân gian trong ngày hội có vai trò quan trọng giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển về trí, đức, mỹ.

Ngoài các trò chơi nói trên, nên phục dựng lại các trò chơi cổ truyền trong lễ hội truyền thống Côn Sơn như: cờ người, tổ tôm điếm, tam cúc điếm,… đồng thời nâng tầm các trò chơi dân gian thành các môn thể thao thu hút mọi lứa tuổi, mọi vùng miền tham gia để lễ hội Côn Sơn xứng đáng là điểm hẹn lý tưởng của du khách mọi miền đất nước.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Xuân/Nguồn: www.vhttdlhd.vn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm