Truyện ngắn: Tình người
Hơn ba giờ sáng, trời rả rích mưa. Mới hôm qua, đài phát thanh đưa tin cơn áp thấp đã dần chuyển thành bão. Ngoài khơi xa mây đen phủ kín, mịt mù. Ở bờ kè của đảo nhỏ, từng cơn sóng dâng cao trắng xóa. Mưa dông, gió giật ngày một mạnh, lật tung những mái nhà lợp tôn thô sơ ở cạnh đó...
Tiếng chuông điện thoại reo, chị Đậm dậy không nổi vì vừa chợp mắt khoảng một giờ sáng. Gió rít qua khe cửa cả đêm khiến chị không tài nào ngủ sớm được. Nhấc điện thoại lên thì thấy cuộc gọi nhỡ của đứa cháu gái - là Lan. Lan là cháu ruột gọi chị Đậm bằng dì. Ba mẹ ruột của Lan mất sớm, bên nhà chồng cũng chỉ còn lại cha mẹ tuổi đã cao. Chồng đi làm ăn xa, cô bụng mang dạ chửa quanh quẩn ở đảo, buôn bán tạp hoá nhỏ. Chị Đậm bừng tỉnh vì linh tính có chuyện không hay, chị vội bấm số gọi lại.
- Alo! Dì đây! Sao vậy con?
- Dạ con thấy đau bụng quá dì ơi! Con mới đến trạm y tế.
- Con đau lúc nào vậy? Sao không bảo dì qua sớm với con. Mà dì nhớ là chưa đến ngày dự sinh phải không con?
Lan bỗng im lặng rồi khóc nấc lên, dưới bụng gò từng cơn, từng cơn khiến cô vừa đau, vừa sợ hãi.
- Dạ... chưa đâu dì, con mới được hơn 32 tuần, nhưng con sợ là chuyển dạ sớm.
- Đừng khóc con ơi, dì qua ngay đây.
Chị Đậm quýnh quáng, vội mặc chiếc áo mưa treo trước hiên nhà rồi lao đi giữa cơn mưa để đến trạm y tế, trái tim nhỏ bé của chị cảm thấy thắt lại vì lo lắng. Mưa mỗi lúc một lớn. Hạt mưa nặng trĩu đè lên bóng người tất tả chạy. - Không được rồi, chỉ là cơn gò nhưng nguy cơ sinh sớm cao. Thai còn non tháng, để sinh thì nguy hiểm cho cả mẹ và con. Phải chuyển ca này lên tuyến trên thôi.Tiếng bác sĩ Tiên, trưởng trạm y tế nói to át cả tiếng mưa gió. Chị Đậm vẫn còn mặc chiếc áo mưa chưa kịp cởi, nghe bác sĩ nói liền thấy bất an không thôi. Nỗi lo lớn nhất của chị đã trở thành sự thật. Giữa lúc đang bão vào như thế này, tàu thuyền nào dám ra khơi. Biết nhờ ai giúp đỡ. Nhìn khuôn mặt Lan xanh xao như tàu lá chuối vì mệt, chị Đậm vừa thương, vừa lo sợ hai mẹ con có mệnh hệ gì.
Bác sĩ Tiên hiểu được nỗi lòng của chị Đậm và càng thấu hiểu sự thiệt thòi về y tế của những người dân ở hòn đảo này. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực không có, chẳng có bác sĩ nào chịu bám trụ ở hòn đảo nhỏ bé này. May ra chỉ có người con của đất đảo là bác sĩ Tiên, vì yêu nơi “chôn nhau cắt rốn”, vì thương quý người dân nơi đây nên đã lựa chọn ở lại.
Việc di chuyển người bệnh vào bờ không phải là việc khó. Thế nhưng đó là khi trời yên, biển lặng, tàu thuyền hoạt động. Những ngày mưa bão, người dân phải tự thuê tàu để kịp thời chữa bệnh, sinh con. Mỗi lần thuê tàu đột ngột như vậy ít nhất cũng vài chục triệu đồng. Số tiền này rất lớn, làm cho nhiều người phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, rồi lại gánh nợ vì những chuyến đi vào bờ vội vã.
Chị Đậm chạy tất tả từ đầu xã đến cuối xã, hỏi hết chủ tàu này đến chủ tàu khác nhưng câu trả lời đều là cái lắc đầu ái ngại. Hòn đảo nhỏ này chỉ có vài hộ ngư dân có tàu, đó là cả một gia tài lớn của những người hành nghề đi biển. Tàu quý như sinh mệnh, làm sao họ dám đưa sinh mệnh của mình ra để đánh đổi. Rồi chị Đậm chợt nhớ đến ông Tấn, chủ con tàu lớn nhất đảo. Chị thầm nghĩ nếu thuê được tàu lớn thì khi ra khơi giữa lúc mưa gió sẽ yên tâm hơn, có điều giá thuê sẽ đắt đỏ.
Không để chị Đậm giải thích dài dòng. Ông Tấn xua tay ngay khi nghe chị xin thuê tàu chở sản phụ vào bờ. Ông giải thích với chị Đậm, thời tiết đang thất thường, nhận lời ra khơi rồi lỡ có bất trắc gì xảy ra ông sẽ là người thiệt hại nhất. Tài sản tích cóp mấy chục năm miệt mài đi biển làm sao có thể đánh đổi được. Ông còn bao nhiêu miệng ăn ở nhà, còn những ngư dân làm thuê phụ thuộc vào ông.
Nhìn thấy đôi mắt trĩu buồn vô vọng của chị Đậm vì bị từ chối, ông cảm thấy chạnh lòng. Chị Đậm chào ông rồi thất thểu quay lưng rời đi. Ông Tấn quay người bước vào phòng. Vô tình ánh mắt ông chạm vào bức ảnh gia đình treo trên tường. Gương mặt ngây thơ, nụ cười rạng rỡ của đứa cháu ngoại khiến ông chú tâm nghĩ ngợi. Ký ức của nhiều năm trước bỗng ùa về...
Ông Tấn có ba người con, hai đứa con trai và một đứa con gái út mà ông rất yêu thương. Con gái ông lớn lên, lấy chồng rồi mang thai. Vào ngày con ông chuyển dạ, hòn đảo nhỏ đón một cơn bão. Con gái ông khó sinh. Cả đảo lúc đó cũng chỉ có thuyền, tàu nhỏ thô sơ. Thời tiết bất lợi nên chẳng ai dám ra khơi đưa con ông vào đất liền. Con ông đành ở lại đảo nhờ y tá xã đỡ sinh.
Ngày hôm ấy cũng giống như hôm nay, mưa trắng xóa, gia đình ông Tấn mất đi đứa con gái vì băng huyết sau sinh. Đứa cháu non nớt vừa mới chào đời đã không còn mẹ, gào khóc đến khản giọng vì đói sữa. Hình ảnh đó ông không thể nào quên, là nỗi đau lớn nhất, là nút thắt khó gỡ trong cuộc đời ông. Nhiều năm trôi qua, đứa cháu nhỏ của ông đã lớn, câu chuyện buồn của tám năm về trước dù cố lãng quên nhưng không thể.
Ông Tấn chợt bừng tỉnh khỏi hồi tưởng rồi chạy vội ra cổng. Thấy chị Đậm còn ở gần đấy, ông gọi với lên. Tiếng gọi của ông Tấn khiến chị Đậm giật mình, niềm hy vọng trong chị lại được thắp sáng. Chị cuống quýt mừng rỡ dạ vâng. Chị bảo với ông Tấn là bao nhiêu tiền chị cũng sẽ cố gắng vay trả ông, chỉ cần tàu rời bến vào bờ. Thế nhưng, cái lắc đầu cùng câu trả lời của ông Tấn làm chị bất ngờ.
- Thôi! Cứ đi đã, cứu người là quan trọng nhất!
Giữa biển khơi sóng to, gió giật, mưa xối xả. Chiếc tàu mang tên Biển Đông của ông Tấn tròng trành nghiêng ngả theo từng con sóng. Hết con sóng này đến con khác vỗ mạnh vào mạn tàu, tràn ra boong tàu, chực chờ nhào lên nuốt trọn tất cả.
Đôi tay vững chãi đã chèo lái, vượt qua biết bao con sóng dữ của ông Tấn không hề e ngại những khó khăn mà đại dương thử thách. Chuyến đi này ông đã lựa chọn không chỉ vì lòng trắc ẩn, thương người mà còn là vì chính bản thân ông.
Di chuyển được ba mươi phút, cả Lan, chị Đậm và cô nhân viên y tế đi cùng đều lả đi vì mệt. Mưa vẫn xối xả dù gió đã dịu dần. Thế nhưng không thể chủ quan, ông Tấn vẫn nắm thật chặt tay lái, điều khiển tàu hướng về phía đất liền. Mười lăm phút sau, từ phía xa cảng neo đậu đã hiện ra trong cơn mưa mịt mù. Có bóng dáng của xe cứu thương, áo blouse trắng đã đứng chờ sẵn. Tàu đã cập bờ.
Ông Tấn không đi cùng xe cấp cứu vì sợ vướng chân vướng tay, chậm trễ việc cứu chữa người của bác sĩ. Ông ngồi nghỉ ngơi ngay phòng chờ bến tàu, đợi tin tức từ chị Đậm. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, ông vẫn ngồi đó dù cho có người quen ở bến nhắc ông đã muộn rồi. Trên màn hình tivi treo ở bến tàu, tiếng phát thanh viên thời tiết thông báo rằng cơn bão đã chuyển hướng và giảm dần thành áp thấp nhiệt đới.
Ting... Tin nhắn của chị Đậm báo Lan được bác sĩ tiêm thuốc dưỡng thai để giữ lại em bé, không phải sinh non. Tạm thời sức khỏe của cả mẹ và con đã được an toàn. Hai dì cháu sẽ ở lại đất liền để Lan được theo dõi sức khỏe. Ông đọc tin nhắn, thở phào rồi nhìn lên bầu trời, mưa đã dần ngớt.
2 năm sau...
Sân nhà Ông Tấn tràn ngập tiếng trẻ con vui đùa, một đứa lớn và một đứa bé đang bập bẹ nói ê a. Đứa lớn là cháu ông, còn đứa nhỏ là con của Lan. Cả hai gia đình trở nên thân thiết sau sự cố đáng nhớ ngày đó.
Chuyện ông Tấn bất chấp an toàn của bản thân, coi nhẹ tài sản để cứu người đã lan truyền cả hòn đảo nhỏ. Hành động của ông khiến nhiều người thán phục.
Lan và chồng nhiều lần đến cảm ơn, mở lời mong được gửi ông Tấn khoản tiền thuê tàu vào bờ. Thế nhưng, ông Tấn từ chối. Ngày đó nhận lời, bản thân ông đã có một quyết định riêng.
- Tôi giúp cô chú thật ra là cũng đang giúp bản thân tôi. Nếu ngày đó tôi không nhận lời, cô Lan và con có gặp chuyện gì không mong muốn thì có lẽ tôi lại thêm hối hận. Hối hận vì ông trời cho tôi có cơ hội được giúp người nhưng tôi lại không giúp. Tôi cũng đã từng mất con, tôi thấu hiểu vô cùng cảm giác đau đớn, mất mát, tuyệt vọng ấy. Tôi không mong người khác gặp phải chuyện như vậy.
Thời gian về sau, ông Tấn, chị Đậm, bác sĩ Tiên và cả vợ chồng Lan đã cùng nhau kêu gọi người dân ở đảo xây dựng một quỹ nhỏ để giúp đỡ những trường hợp cấp cứu cần chuyển vào đất liền đột xuất. Riêng ông Tấn huy động những hộ dân có tàu sẽ thay nhau ra khơi hỗ trợ những trường hợp khó khăn, chỉ tính phí xăng, dầu. Hòn đảo nhỏ càng thêm ấm áp tình người!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Truyện ngắn: Điều hạnh phúc nhất
Góc nhìn Phật tử 13:50 14/11/2024Bé Sony đã ngủ từ lâu. Nằm trên giường, môi con mím lại, chúm chím, trông đáng yêu vô cùng.
Mẹ là chính một kỳ quan
Góc nhìn Phật tử 16:30 13/11/2024Mẹ là vằng vặc trăng rằm/ Cho con ánh sáng soi thềm bóng đêm/ Mẹ là điểm tựa trước đèn/ Cho con tỉnh giấc ngủ quên giữa đường...
Tu tập đúng mang lại sự cân bằng và hài hòa cho gia đình
Góc nhìn Phật tử 11:20 13/11/2024Sự tu tập đòi hỏi một trái tim sâu sắc và ý thức nhạy bén để hiểu rõ về cân bằng giữa gia đình và phụng sự. Sự cân bằng này sẽ giúp người chồng và người vợ cảm nhận được sự liên kết mạnh mẽ giữa việc phục vụ xã hội và hạnh phúc gia đình.
Nhàn hạ đích thực
Góc nhìn Phật tử 20:08 12/11/2024Trong một buổi chiều mùa thu yên ả, khi ánh mặt trời dịu dàng rải xuống từng tia nắng ấm, tôi ngồi dưới bóng cây bồ đề trong sân chùa, lặng lẽ quan sát những chiếc lá rụng lác đác trên mặt đất.
Xem thêm