Tục kiêng cữ ngày xuân: Những điều nên và không nên
Khi hiểu được tập tục kiêng cữ nào mang màu sắc mê tín, ta nên nỗ lực xóa bỏ một cách mạnh dạn, không sợ hãi. Đồng thời, có ý thức giữ gìn các phong tục, tập quán có giá trị văn hóa, để góp phần mang lại hòa khí, nuôi lớn tình thân, phát triển tình người.
Không phải tập tục nào cũng là văn hóa
Ngoài các khác biệt về ý thức hệ chính trị và tôn giáo, sự khác biệt về văn hóa giữa liên minh này với liên minh khác, quốc gia này với quốc gia khác, cộng đồng này với cộng đồng khác, cá nhân này với cá nhân khác... tập tục khác nhau cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bất hòa, xung đột và đổ vỡ trong các mối quan hệ.
Hơn hai mươi năm sống ở nước ngoài, chị đã trải nghiệm sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Việt Nam và ngoại quốc. Về Việt Nam vào dịp Tết, chị có cơ hội trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa bao gồm văn hóa Tết và văn hóa ứng xử giữa miền Nam, nơi chị được sinh ra, và miền Bắc, nơi sinh của chồng chị. Tôi tin rằng khi chị thích nghi được với nền văn hóa khác với Việt Nam trong suốt 20 năm qua, việc chị cần thích nghi với các phong tục miền Bắc sẽ không phải là quá khó. Vì cùng thừa hưởng di sản văn hóa Việt Nam, phong tục ngày xuân bao gồm tục kiêng cữ giữa miền Bắc và miền Nam không khác biệt nhiều lắm, phần lớn mang màu sắc mê tín, có gốc rễ văn hóa dân gian của người Việt từ hàng ngàn năm.
Nếu phong tục được hiểu là thói quen lâu đời của một dân tộc, cộng đồng thì không phải tập tục nào cũng đáng nâng lên tầm văn hóa. Trên thực tế có các tập tục mang tính mê tín dị đoan, không chứa đựng các ý nghĩa tích cực cho xã hội và nhân sinh thì nên tránh.
Do vậy, để đón xuân, vui xuân có nhiều giá trị, chị nên phân biệt đâu là những kiêng cữ ngày xuân thuộc dạng mê tín dị đoan vốn chỉ mang lại nỗi sợ hãi và ám ảnh nhưng lại không có giá trị đích thực, và đâu là tập tục xuân có ý nghĩa văn hóa và nhân sinh, cần được giữ gìn như bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Trên tinh thần này, chị nên khảo sát các tập tục ngày xuân như sau:
Tục chuẩn bị ăn Tết
Vào những ngày Tất niên, người Việt dù ở bất kỳ nơi nào, trong nước hay nước ngoài, có thói quen cùng nhau dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, sơn phết lại nhà cửa, lau chùi tủ thờ, trang trí bàn ghế, chưng nhiều kiểng đẹp và hoa tươi (như hoa mai ở miền Nam và hoa đào ở miền Bắc), cúng mâm ngũ quả, treo tranh Tết, câu đối đỏ, nấu bánh chưng, gửi thiệp xuân đến người thân,... Văn hóa chuẩn bị Tết của dân tộc Việt Nam có ý nghĩa “tưởng thưởng cho chính mình và gia đình” vào những xuân sắp đến.
Chuẩn bị mọi thứ mới mẻ như để khép lại những điều đã qua, tượng trưng cho việc khép lại các khó khăn, bất hạnh (nếu có) trong năm cũ. Không truy ức quá khứ, nhất là quá khứ bất hạnh và khổ đau. Theo Phật giáo, việc truy cứu quá khứ sẽ chỉ hâm nóng khổ đau trong ta thêm một lần nữa. Tại tình huống đó, người luôn bị giằn vặt bởi ký ức quá khứ sẽ biến mình thành nạn nhân. Do đó, khép việc đã qua với quá khứ là cách vẫy tay chào với những điều không may mắn của năm trước.
Chuẩn bị mọi thứ mới mẻ trước Tết còn có ý nghĩa là mong một năm mới có nhiều triển vọng đẹp như thành công, hạnh phúc, thịnh vượng, phát triển; ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, con cái hiếu hiền, học giỏi, mọi người bình an, gia đình phát đạt, an vui.
Với các ý nghĩa tích cực và thiết thực vừa nêu, tục chuẩn bị ăn Tết cần được giữ gìn như một nét đẹp văn hóa Việt.
Tục chúc Tết, lì xì và biếu quà
Trong những ngày tống cựu nghênh tân, người Việt thường nhớ câu: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Quan niệm này đã trở thành nếp sống văn hóa tốt đẹp của người Việt trên khắp thế giới. Theo tục này, con cái dù làm ăn ở đâu đều về quê nhà chúc thọ cha mẹ, ông bà. Theo thông lệ, con cái và cháu lần lượt chúc tụng cha mẹ, ông bà... sức khỏe, tuổi thọ, hạnh phúc và những đều tốt lành. Đáp lại, cha mẹ chúc phúc đến con cháu, anh chị em chúc lành cho nhau. Đây là văn hóa quan tâm, thể hiện tình thân thương đối với người ruột thịt. Đây là việc làm không thể thiếu, và đã trở thành nét văn hóa ứng xử ngày xuân.
Sau lời chúc năm mới an lành, ông bà, cha mẹ, người lớn sẽ tặng lộc bằng tiền cho con cháu và người nhỏ hơn. Tiền lộc này thường để trong phong bao lì xì màu đỏ, thể hiện sự mong ước các điều may mắn đến với người thân thương. Có nhiều lộc lì xì trong ngày xuân được hiểu là năm đó gặp nhiều thuận duyên và may mắn trong cuộc sống.
Nhiều nơi ở Việt Nam, Tết không chỉ tặng nhau tiền lì xì mà còn là dịp tặng nhau các món quà có ý nghĩa như bánh chưng, bánh tét, mứt, trà và các loại quà văn hóa... Dù giá trị vật chất của quà Tết có thể không bao nhiêu nhưng ý nghĩa xã hội thể hiện qua sự kính trọng, yêu quý và quan tâm đến nhau là rất lớn, góp phần xây dựng tình người.
Nói cách khác, chúc Tết, lì xì tiền và tặng quà văn hóa cho nhau là cách thiết thực tăng cường tình cảm cao quý giữa người với người. Đối với người thân, đây là cách thể hiện sự quan tâm, chia sẻ có ý nghĩa văn hóa và nhân văn.
Tục kiêng cữ ngày xuân
Nhiều nơi ở miền Bắc, người ta vẫn còn giữ điều kiêng cữ mang màu sắc mê tín dị đoan. Do quan niệm “có kiêng có lành”, nhiều kiêng cữ không chứa đựng ý nghĩa hay giá trị gì, ngược lại chỉ làm cho con người sợ hãi và bị ám ảnh lại trở thành thói quen khó bỏ. Nhiều người tự an ủi rằng “thà làm dư thừa hơn là thiếu” nên các tục kiêng cữ ngày xuân không có cơ sở khoa học, không có ý nghĩa xã hội... lại có sức sống mãnh liệt.
Theo Phật giáo, việc lành đến với con người không phải do sự kiêng cữ của con người, mà nó là kết quả của hành vi, lối sống tốt lành, môi trường thuận lợi, cộng hưởng tích cực... Khi quan niệm “đầu năm suôn sẻ thì trọn năm thuận lợi” được nâng lên thành một quan niệm văn hóa, tục kiêng cữ đầu xuân trở thành quy chuẩn không thể thiếu hay trái ngược đối với nhiều người.
Thật ra, “suôn sẻ ” chỉ là một phần của thuận duyên, yếu tố cần thiết dẫn đến kết quả như mong đợi. Tùy theo tình huống, “suôn sẻ” có khi là nhân mới, có khi là quả cũ. Do vậy, sự suôn sẻ đầu năm không nhất thiết kéo theo và trong nhiều tình huống không thể là sự may mắn cho những cái khác trọn năm.
Mọi thứ trên đời đều có nhân quả riêng trong mối tương tác và cộng hưởng với các thứ khác và nhân quả khác. Cái xấu của việc A có thể trở thành cái duyên tốt cho việc B, và ngược lại. Các tục kiêng cữ dưới đây được xem là không có giá trị chân lý, do vậy không nên sợ hãi làm theo.
• Kiêng quét nhà, hốt rác, đổ rác vào ba ngày xuân... là do người ta tin rằng quét nhà sẽ dẫn đến tình trạng của cải theo đó mà ra khỏi nhà. Sự kéo theo mang tính hình thức này là một sai lầm trong hiện thực. Do vậy, đây không phải là cách giữ tiền và sự may mắn trong gia đình. Kiêng tục này chỉ làm cho nhà cửa trở nên bề bộn, dơ bẩn, mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
• Kiêng mặc trang phục màu trắng, đen, màu tối không thể là cách giúp ta tránh được những điều xấu đã gieo và tang tóc đến với gia đình. Màu sắc của trang phục lệ thuộc vào sở thích và văn hóa y phục của từng cộng đồng và mỗi người, vốn không kéo theo điều tốt lành hay xui xẻo như được đồn thổi quá đáng trong dân gian.
• Tục không trả nợ đầu năm với mong mỏi trọn năm không bị vướng dính chuyện nợ nần... không đủ sức bảo hộ ta được an toàn tài chính. Ngược lại, việc phớt lờ nợ, trốn nợ, quỵt nợ... có thể dẫn đến tình trạng bị thưa kiện ra tòa, gặp rắc rối và mất uy tín.
• Tục kiêng xông đất cho rằng nếu không được gia chủ mời thì không nên đi chúc Tết ai vào sáng mùng một. Người mê tín quan niệm rằng người xông đất đầu tiên vào nhà người khác có khả năng mang phúc hoặc họa đến cho gia đình ấy cả năm. Sợ bị quy trách nhiệm về những chuyện không hay, nhiều người kiêng cữ xông đất nhà người khác nếu không được mời. Nhân quả tốt xấu mới thực sự là yếu tố quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người.
• Tương tự như vậy, dù xuất phát từ ý muốn tốt đẹp, các tục kiêng cữ ngày xuân khác như cất khăn tang trong ba ngày Tết, không để đổ vỡ gương, ly, tách, chén, bát; không để quên đồ (mũ, khăn, dù...) ở nhà người khác; không cho nước; không đi mượn, không cho vay; không xin lửa, không cho lửa; không treo tranh ảnh có nội dung xui xẻo; không ăn trứng vịt, tôm; không mở tủ; không khai trương, không xuất hành mùng 5... là những tập tục ngày Tết đượm chất mê tín, không có cơ sở khoa học, không có quan hệ nhân quả kéo theo. Do vậy, chúng ta không nên sợ, không nên tiếp tục kiêng cữ.
Riêng các tục kiêng cữ khác như kiêng khóc lóc, không buồn tủi; kiêng nói to, cãi nhau, nói xấu, chửi lộn, mắng nhiếc người khác; không dùng từ “chết”;... vì liên hệ đến những nghiệp xấu nên mọi người cần tránh, không chỉ trong những ngày Tết, mà phải trong từng thời khắc để không trực tiếp hay gián tiếp mang lại khổ đau cho người khác. Các kiêng cữ này không chỉ là văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người, mà còn là ứng xử đạo đức có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, cần được nhân rộng đối với mọi người, ở mọi nơi và mọi chốn.
Nhìn chung, khi hiểu được tập tục kiêng cữ nào mang màu sắc mê tín, ta nên nỗ lực xóa bỏ một cách mạnh dạn, không sợ hãi. Đồng thời, ta phải có ý thức giữ gìn các phong tục, tập quán có giá trị văn hóa, để các hành xử của chúng ta góp phần mang lại hòa khí, nuôi lớn tình thân, phát triển tình người, nhờ đó, ngày Tết cũng như ngày thường đều được vui vẻ và hạnh phúc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Xem thêm