Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 29/01/2013, 11:40 AM

Xứ sở chùa Vàng và những mối nhân duyên với kiều bào

Hoàng hôn Băng-Cốc thật tráng lệ, ánh nắng vàng rực trên các đỉnh tháp, trên những mái chùa như bàn tay cong, mềm mại của vũ nữ trong Hoàng cung. Trước mắt tôi, đại dương bao la đang vẫy gọi. Những con sóng bạc đầu lớp lớp đổ ập vào hải cảng

Xin được bắt đầu từ phong trào Cần Vương bị tan rã và phong trào Xô Viết bị đàn áp dã man, cùng với chiến tranh, đói nghèo, chết chóc, khiến cả gia đình tôi phải rời bỏ quê hương Hoa Lư - Ninh Bình, cùng dòng người đói rách, ngơ ngác chạy rạt vào Vinh (Nghệ An) rồi vượt Trường Sơn sang Lào lánh nạn, với hy vọng khi đất nước yên ổn, quay về quê hương thuận lợi hơn. Ai ngờ vào ngày 21-3-1946, thực dân Pháp và bè lũ tay sai thực hiện một vụ tàn sát Việt kiều rất dã man, hàng ngàn bà con ta bị mất mạng một cách oan uổng, không chịu nổi cảnh bạo tàn, bà con đã bằng mọi cách, tạo dựng các phương tiện (xuồng, mảng, bơi lội), vượt sông Mê Kông chạy sang đất Thái.

Súng đạn thực lại nổ, máu đồng bào mình đỏ loang cả một khúc sông xanh. Thật cảm động, vào thời khắc cam go ấy, Chính phủ và người dân Thái Lan đã mở rộng vòng tay nhân ái, cứu giúp đồng bào ta. Sự kiện này đã làm cho Việt kiều càng thêm quyết tâm một lòng, hướng về quê hương, ủng hộ cho cuộc kháng chiến giành độc lập của Tổ Quốc...

Hằng năm vào những ngày giỗ chạp, anh chị em chúng tôi tập trung đông đủ ở nhà bác cả, một là tỏ lòng thành kính bậc sinh thành, hai là bàn những chuyện về dòng họ. Chị tôi thường ôn lại những năm tháng lênh đênh trên xứ người, đôi lúc tôi thấy chị lấy khăn mùi soa quay sang một phía để chấm nước mắt.

Tôi lặng im nghe chị kể mà hình dung 
ra cuộc đổ bộ (bất đắc dĩ) vào xứ người, như bây giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta thường bảo: Dân di tản, dân tị nạn, dân vượt biên... Chẳng vinh quang thích thú gì. Cuộc ly loạn dắt díu cứ như thế tiến sâu vào xứ sở Chùa vàng, lúc ngoái lại, thì sông Mê Kông, dải Trường Sơn dằng dặc, điệp trùng ngăn lối. Xứ người hoang vu, rừng thiêng nước độc, đầy những điều bất trắc, lòng nặng trĩu nỗi nhớ quê, nhớ bờ tre mái rạ, cầu ao, bến nước, sân đình.

Dẫu vậy thì vẫn phải sống, để hy vọng có ngày trở về, bố tôi đi làm đường mãi tận Chăm Tha BuRi, mẹ làm phụ xây để kiếm đồng tiền còm cõi nuôi chúng tôi. Đêm thon thót nghe tiếng động, có khi là cuộc rượt đuổi của lũ chó hoang, của đàn chuột đói mà cứ ngỡ là bước chân của hung thần, cửa khoá chặt, chỉ có sương trắng ma mị trùm lên đời mẹ cha, thấm sang cả tuổi thơ của tôi rồi.
 
                                                          Phong cảnh Thái Lan

Nơi gia đình tôi ở là một vùng đất hẻo lánh. Tôi vẫn nhớ đó là làng Đông Bạt, thuộc tỉnh Xa-Kôn-Na-Khon. Ngoài gia đình tôi còn có đồng bào các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng... Việt kiều sang đất Thái lánh nạn thời kỳ này tập trung chủ yếu ở bốn khu vực: Phi-Chít (miền Bắc), Băng-Cốc (miền Trung), Chăm-Tha-BuRi (miền Đông giáp Campuchia) và các tỉnh vùng Đông Bắc (giáp Lào). Hoàn cảnh như nhau nên thương nhau lắm. Chính phủ Thái Lan dành cho mỗi hộ một khoảng đất tương đối rộng để trồng trọt chăn nuôi.

Đặc biệt phía sau làng có một sân bay dã chiến, mà chiều chiều chúng tôi thường ra thả diều, đá bóng.

Cuối đường băng có con lộ chạy xuôi về trung tâm, trên đỉnh dốc, bên cạnh con lộ phía bên kia là ngôi chùa Vạt Pà tọa lạc ở đó từ bao đời không rõ. Vào những buổi sáng tôi thường đeo gùi theo các nhà sư đi khất thực. Mỗi nhà sư tay nâng một chiếc khay hình bầu dục đi hàng dọc, nghiêm trang trong màu áo cà sa vàng thẫm. Nhân dân đứng hai bên đường, người thì bỏ vào chiếc khay đồng nắm xôi, người thì bỏ vào chùm quả chín hay tấm bánh. Lúc đầy các nhà sư đặt vào gùi để tôi gùi lên chùa. Khi hành lễ xong các nhà sư chia cho một phần mang về. Mẹ mừng ra mặt, khẩu phần này gia đình tôi giải quyết được hai bữa, mẹ bảo: 
Ăn mày cửa phật vẫn tốt hơn con ạ.

Những lúc ốm đau, gặp khó khăn trắc trở, đêm về mẹ thường thắp hương trên bàn thờ đặt trang trọng ở gian giữa. Ánh nến cháy sáng, hương trầm nghi ngút, mẹ lầm rầm khấn vái mong được sự phù hộ của Thánh nhân. Tôi thấy mẹ gọi là bàn thờ Tổ quốc, bởi bên trong bàn thờ treo cờ đỏ sao vàng, ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh, có đôi hạc để thắp nến và bát hương chính giữa. Phía trên nổi bật dòng chữ: Tổ quốc trên hết. Dòng chữ trang trọng phía dưới: Hồ Chủ tịch muôn năm và vế đối hai bên: Tình Việt Thái muôn năm thân thiện/ Lòng Việt kiều một dạ trung kiên. Chữ tròn màu nhũ vàng trên nền sơn đỏ. Hình như những người Việt chân chính vì lý do nào đó phải tha hương sống trên đất khách quê người đều mang tâm trạng như vậy, coi chủ tịch Hồ Chí Minh là vị cha già dân tộc, và khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng thì thấy tự hào thiêng liêng, biết mình là người dân đất Việt.

Cuộc sống cứ vậy êm đềm trôi đi, chúng tôi giúp mẹ canh tác trên khoảng đất rộng chừng 3ha, đất phù sa tơi xốp, thả cây gì xuống là cho thu hái, nào là: củ đậu, củ cải, xà lách, mướp đắng, hành tỏi, rau thơm... Nghề trồng rau không giàu lên như một số nghề khác, nhưng cũng duy trì được cuộc sống gia đình. Cứ khoảng 4 giờ sáng là mẹ đi chợ, một gánh rau lặc lè qua sân bay dã chiến dài 5 km, xuống một con dốc, đi tiếp 3 km nữa mới đến chợ. Nghe mẹ kể đến đầu con dốc này phải nghỉ để lấy sức, bán rau xong mua ít gạo, muối mắm, quà bánh rồi mẹ tất bật về nhà...

Chúng tôi lớn lên hồn nhiên như cây cỏ, khí trời, các thế hệ con em Việt kiều thứ nhất, thứ hai lần lượt ra đời ở đây. Mẹ lo nhất là chúng tôi thất học, không có văn hóa thì cuộc đời rộng lớn, tương lai phía trước sẽ như thế nào. Bởi mẹ đã nghe được câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi người hoạt động cách mạng ở Thái Lan: Học lấy chữ, giữ lấy tiếng để khỏi mất giống nòi. Cuộc đời mẹ ngoài nỗi lo cơm áo, điều canh cánh khôn nguôi trong lòng vẫn là lo chúng tôi thất học, bởi thời kỳ đó Chính phủ Thái cấm học chữ Việt, chỉ khuyến khích học chữ Thái, chữ Anh. Nhưng những lớp học chữ Việt vẫn được tổ chức, chương trình, nội dung học tập theo hệ thống giáo dục của ta. Tôi đi học phải giấu sách trong áo, dắt sách vào lưng quần, lớp học chỉ độ 4 đến 6 người, nhất thiết phải cắt cử người gác, có ám hiệu riêng khi cảnh sát xuất hiện để lớp học giải tán. Ấy vậy mà thật say mê, học chữ nào biết chữ ấy, lại còn giỏi giang nữa. Những thầy Thạc, thầy Nguyễn.. Đó là những thần tượng cao cả suốt đời tôi phải chịu ơn...

Vào thập kỷ 50 (thế kỷ 20) là những năm tháng hết sức khó khăn của Việt kiều ta sống trên đất Thái, dẫn đến hội Hồng thập tự quốc tế phải đứng ra can thiệp... Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), thực dân Pháp ra kế hoạch dụ dỗ đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Tại Thái Lan, Mỹ - Ngụy cũng đưa tay sai sang dụ dỗ Việt kiều về Nam, nhưng đều bị đồng bào tẩy chay. Đối với đồng bào công giáo thì chúng tuyên truyền "về miền Nam với Chúa". Tại các tỉnh có nhiều kiều bào sinh sống, chúng còn cho bọn Việt gian lập ra cái gọi là "Phòng văn hóa" tuyên truyền cho chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng hầu hết chẳng ai hưởng ứng. Năm 1956, chúng lại dò la bắt bớ một số cán bộ Việt kiều trục xuất, nhưng vẫn như lần trước, cảnh sát địa phương lại báo cho kiều bào ta, rồi đem những người bị bắt về chung sống lén lút với Việt kiều.  

Năm 1958, bọn Việt gian tiếp tục xúi giục chính quyền Thái Lan bắt 200 Việt kiều ở các tỉnh Đông Bắc và dự định sẽ đưa về miền Nam, nhưng không một ai chịu và khăng khăng đòi về miền Bắc. Cuộc bắt bớ lần này càng gây dư luận sâu rộng trong nhân dân và báo chí Thái Lan cũng như thế giới, qua đài phát thanh, báo chí, Chính phủ ta, các tổ chức Phật giáo, hội Hồng thập tự, hội Luật gia của ta đã vạch trần âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đòi thả tự do cho Việt kiều. Liên Xô, Trung Quốc và nhiều đoàn thể nhân dân các nước khác cũng lên tiếng ủng hộ bà con Việt kiều.

Phải nói thêm rằng tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của bà con Việt kiều toàn Thái trong những năm tháng ác liệt đầy thách thức này thật đáng khâm phục. Mỗi lần ai đó bị bắt là hàng ngàn lá đơn do con em Việt kiều cặm cụi ngày đêm viết cho bà con ta, những người cao tuổi đem đi khắp nơi, gửi tới Nhà vua, Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ trưởng, sư sãi, công chức địa phương, cao hơn nữa là khi bị bắt, toàn thể bà con Việt kiều làm lễ trước bàn thờ Tổ quốc, rồi cạo trọc đầu, bất chấp súng đạn, xe tăng, vòi rồng... Trước sức ép dư luận, ngày 21-8-1959 tại Răng Gun Thủ đô Miến Điện, hội Hồng thập tự nước ta và hội Hồng thập tự Vương quốc Thái Lan đã nhóm họp với sự chứng kiến của hội Hồng thập tự quốc tế và đi đến thống nhất: Hai bên sẽ thu xếp cho Việt kiều hồi hương theo tinh thần tự nguyện. Khi có lệnh đăng ký hồi hương, hầu hết Việt kiều ta đăng ký về miền Bắc, không một ai đăng ký về miền Nam.

Đăng ký trở về Tổ quốc với cơ quan chức trách xong, không khí vui tươi phấn khởi có thể nói là tràn ngập trong các bản xa, xóm gần. Ai ai cũng náo nức, âm thầm chuẩn bị cho ngày trở về. Nhà cửa ruộng vườn giao lại tất cả cho người dân bản địa thân thiết đã buộc chỉ cổ tay kết bạn. Rồi đóng gói chăn màn quần áo, nồi niêu xoong chảo... những vật dụng thiết yếu cho một gia đình. Chúng tôi xúng xính trong bộ quần áo mới đi chào bà con, bạn bè về chuyến sau. Những cái bắt tay thật chặt, ôm hôn thắm thiết, nước mắt đầm đìa, mặn chát trên môi... hẹn gặp lại nhau trên quê hương yêu dấu mà năm tháng xa ai cũng đăm đắm trông chờ. Tôi rưng rưng, đây là mùa xuân cuối cùng trên đất Thái (năm Canh Tý - 1960), chấm dứt cảnh sống tha hương, lưu lạc trên xứ người...

Hoàng hôn Băng-Cốc thật tráng lệ, ánh nắng vàng rực trên các đỉnh tháp, trên những mái chùa như bàn tay cong, mềm mại của vũ nữ trong Hoàng cung. Trước mắt tôi, đại dương bao la đang vẫy gọi. Những con sóng bạc đầu lớp lớp đổ ập vào hải cảng, nước tung toé như cơn mưa thuỷ tinh trong suốt... Con tàu viễn dương mang tên Anh Phúc như một thành phố nổi, rời cảng biển Klong-Tơi (Băng Cốc) chở ngót một ngàn Việt kiều (chuyến đầu tiên) lênh đênh trên biển Đông hơn một tuần. Đó là hành trình vượt đại dương thật ngoạn mục. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là bão biển, là say sóng và được thưởng thức những món ăn rất tuyệt của đầu bếp người Trung Hoa phục vụ. Cánh hải âu trắng muốt rập rờn trên mặt sóng, rồi chúng tìm một chỗ thảnh thơi trên boong rỉa cánh. Những con cá mập nhởn nhơ bơi theo con tàu để tìm kiếm thức ăn thừa mà những người đầu bếp đổ xuống biển. Vượt qua Phú Quốc, Cà Mau, Côn Đảo... Tôi biết đất liền Tổ quốc đã gần lắm rồi.

Đúng 9h15phút sáng 10-01-1960, con tàu Anh Phúc cập cảng Hải Phòng, có trên 2 vạn đồng bào Hải Phòng thay mặt nhân dân miền Bắc ra tận cầu cảng đón những người con xa Tổ Quốc trở về, trong tiếng nhạc rộn rã náo nhiệt và cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu rợp trời... Cũng là lúc chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong tiếng reo mừng, tiếng vỗ tay hoan hô vang dội. Đứng trên bục cao phía sau cầu tầu số 7, Bác nhiệt liệt hoan nghênh kiều bào ta đã trở về Tổ quốc và còn nhiều chuyến tàu tiếp nữa sẽ cập cảng Hải Phòng. Bác nói: Thưa kiều bào thân mến, thưa đồng bào yêu quý, thay mặt Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, tôi nhiệt liệt hoan nghênh kiều bào ta trở về Tổ quốc, hoan nghênh kiều bào ta đã về đến nơi, và hoan nghênh kiều bào ta về chuyến sau. Tôi cảm ơn nhân dân Thái Lan đã hết lòng giúp đỡ kiều bào. Cảm ơn Chính phủ Thái Lan đã thi hành đúng đắn các hiệp định. Cảm ơn hội Hồng thập tự quốc tế, cảm ơn hội Hồng thập tự Thái Lan, đặc biệt cảm ơn các vị đại biểu hội Hồng thập tự Thái Lan đã đưa kiều bào về đến nơi đến chốn. Cảm ơn thuyền trưởng tàu Anh Phúc, anh em nhân viên và các thuỷ thủ đã chiếu cố đồng bào một cách chu đáo...

Hơn 50 năm, giây phút thiêng liêng xúc động được trở về Tổ quốc sau những tháng năm dài nhớ thương xa cách, được Bác Hồ ra tận cầu cảng Hải Phòng đón, không dễ gì phai nhạt trong ký ức của tôi và hàng vạn Việt kiều trở về từ ngày ấy. Như vậy cuộc dứt áo ra đi ngày nào và con đường trở về Tổ quốc đầy những cảm thương và ân huệ. Hạnh phúc là tôi có quê hương, Tổ quốc, được ký thác những gì sâu sắc, máu thịt nhất của đời mình, "Ôn cố tri tân" mỗi độ Tết đến xuân về, là nhắc nhở tôi về con đường phía trước, cuộc đời cần lắm những yêu thương chia sẻ...(*).

 
Đầu Xuân Nhâm Thìn - 2012
          Cao Xuân Thái

Nguồn: Tạp chí Nhà văn tháng 7 năm 2012
Tiêu đề do phatgiao.org.vn đặt
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm