Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 14/11/2013, 09:07 AM

Xuất xứ lễ hội Kathina - Lễ hội văn hóa của tâm thức người Khmer

Với đồng bào Khmer, chùa không những là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của họ. Vì mọi hoạt động văn hóa tinh thần của cả cộng đồng người Khmer trong các dịp lễ hội luôn gắn chặt với ngôi chùa.

 Lễ dâng y kathina là một nghi lễ theo truyền thống trong Phật giáo từ ngàn xưa cho đến nay.

Hằng năm vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch), khắp mọi nơi trên các nước Phật giáo Nguyên Thủy Theravāda, chư Tỳ khưu Tăng sau khi làm đại lễ Pavāraṇā (lễ thỉnh mời nhắc nhở lỗi lẫn nhau) xong; bắt đầu ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 10, trong suốt 30 ngày ấy, tất cả mọi người phật tử tại gia là cận sự nam, cận sự nữ  nô nức chuẩn bị làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, tại mỗi ngôi chùa hoặc một nơi thanh vắng trong rừng núi.

Trong đời, có số truyền thống bắt nguồn từ thời gian nào, do một vị nào khởi xướng đầu tiên khó mà biết được, cho nên người ta thường nói: “Xưa bày nay làm”. Nhưng truyền thống lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng có xác định thời gian bắt đầu rõ ràng.

Trong Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka ghi rõ về tích chuyện bắt đầu Đức Phật cho phép Tỳ khưu thọ y kathina như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇdika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya đều thọ hạnh đầu đà như: Hạnh đầu đà ở trong rừng, hạnh đầu đà đi khất thực, hạnh đầu đà thọ tam y,...  Quý Ngài đều có ý định đi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Jetavana. Trên đường đi chưa đến kinh thành Sāvatthi, quý Ngài mới đến xứ Sāketa, thì nhằm vào ngày 16 tháng 6 (âm lịch) là ngày chư Tỳ khưu phải an cư nhập hạ tại một nơi cố định suốt 3 tháng mùa mưa. Cho nên, quý Ngài  đành phải an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại xứ Sāketa, mà tâm của quý Ngài luôn luôn hướng về Đức Thế Tôn, quý Ngài thường nói với nhau rằng:

“Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khoảng cách chỗ ở của chúng ta chỉ có 6 do tuần, nhưng chúng ta không thể đến hầu đảnh lễ đức Thế Tôn được”.

Khi qua 3 tháng mùa mưa, vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch), quý Ngài làm đại lễ Pavāraṇā (Lễ thỉnh mời nhắc nhở lỗi lẫn nhau) xong, sáng ngày hôm sau (16 tháng 9), quý Ngài tiếp tục lên đường đi đến kinh thành Sāvatthi. Mặc dù tháng cuối mùa mưa trời vẫn còn mưa nhẹ hột, trên đường có những vũng nước đầy, đường xá lầy lội, quý Ngài mặc trên thân mình bộ y bị ướt đẫm và dính đầy sình lầy, thân phải chịu vất vả, đi đến ngôi chùa Jetavana vào hầu đảnh lễ đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ.

Đức Thế Tôn truyền hỏi chư Tỳ khưu rằng:

- Này các con, các con có kham nhẫn được không? Các con có điều hòa thân tứ đại này được không? Các con sống với nhau hòa hợp, đồng tâm nhất trí, không cãi cọ lẫn nhau, sống an cư nhập hạ được an lạc trong suốt 3 tháng mùa mưa phải không? Hằng ngày các con đi khất thực không vất vả lắm phải không?


Chư Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đều kham nhẫn được; chúng con có thể điều hoà thân tứ đại này được; chúng con sống với nhau hòa hợp, đồng tâm nhất trí, không cãi cọ lẫn nhau, sống an cư nhập hạ được an lạc trong suốt 3 tháng mùa mưa. Hằng ngày chúng con đi khất thực không vất vả. Bạch Ngài.

Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con 30 người xứ Pāveyya đều có ý định đi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, sau đó sẽ an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại kinh thành Sāvatthi. Khi chúng con đến xứ Sāketa, thì nhằm vào ngày 16 tháng 6, chúng con đành phải an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đó, mà tâm của chúng con luôn luôn hướng về Đức Thế Tôn, chúng con thường nói với nhau rằng:

“Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khoảng cách chỗ ở của chúng ta chỉ có 6 do tuần, nhưng chúng ta không thể đến hầu đảnh lễ đức Thế Tôn được”.


Khi qua 3 tháng mùa mưa, vào ngày rằm tháng 9 chúng con làm đại lễ Pavāraṇā xong, sáng ngày hôm sau (16 tháng 9) tất cả chúng con tiếp tục lên đường đến hầu đức Thế Tôn.

Đức Phật cho phép chư Tăng thọ Y Kathina. Khi ấy, đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya, sau khi lắng nghe đức Thế Tôn thuyết pháp, quý Ngài đều chứng đắc thành bậc thánh Arahán.

Nhóm 30 vị Tỳ khưu xứ Pāveyya là nguyên nhân bắt nguồn đầu tiên đức Thế Tôn cho phép chư Tỳ khưu, sau khi đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, được thọ y kathina. Đức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép chư Tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa xong, được thọ y kathina. Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đã thọ y kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu là:

1- Khi được thỉnh mời, vị Tỳ khưu ấy có thể ra   khỏi chùa, mà không báo vị Tỳ khưu khác biết. (không phạm giới).

2- Vị Tỳ khưu ấy không giữ gìn đủ tam y (không phạm giới).

3- Vị Tỳ khưu ấy được dùng vật thực cùng nhóm (4 vị Tỳ khưu trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy (không phạm giới).

4- Vị Tỳ khưu thọ nhận y dư (ngoài tam y) cất giữ quá 10 đêm (không phạm giới).

5- Y phát sinh nơi nào, Tỳ khưu được phép thọ nhận nơi ấy.


Sau khi đã làm lễ thọ y kathina của chư Tăng xong, Tỳ khưu nào đã nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y kathina của chư Tăng, không thay đổi chỗ ở, dù đi nơi nào, tâm vẫn lưu luyến, ràng buộc với ngôi chùa cũ (chỗ đã an cư nhập hạ). Vị Tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu ấy suốt 5 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết hạn quả báu kathina.

Nếu chư Tỳ khưu Tăng không làm lễ thọ y kathina, cũng không làm lễ hoan hỷ y kathina của chư  Tăng, thì chư Tỳ khưu ấy chỉ được hưởng đặc ân 5 quả báu trong 1 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến rằm tháng 10, hết hạn quả báu.

Như vậy, sự thật rõ ràng là Đức Phật cho phép chư Tỳ khưu Tăng, sau khi đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, được thọ y kathina. Cho nên, lễ dâng y kathina trở thành truyền thống của Phật giáo từ thời kỳ đức Phật mãi cho đến nay.
Kathina nghĩa là gì?

Danh từ kathina có nhiều nghĩa, trong bộ Vimativinodanīṭīkā, bo Vajirabuddhi-ṭīka định nghĩa rằng:

“Kathinan’ti pañcānisaṃse anto karaṇasamatthatāya thiranti attho”.

Kathina: nghĩa là “vững chắc” bởi vì có khả năng làm cho 5 quả báu được duy trì trong suốt khoảng thời gian 5 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày rằm tháng 2, hết quả báu của kathina.

Tấm y kathina là tấm y nào?

Đức Phật chế định cho phép nhiều loại y như:

- Tấm y 2 lớp là tấm y dùng để đắp mùa lạnh, gọi là tấm y saṃghāṭi.

- Tấm y vai trái là tấm y mặc che phủ từ cổ xuống dưới đầu gối 4 lóng tay, gọi là tấm y uttarasaṅga.

- Tấm y nội là tấm y mặc che phủ trên lỗ rún xuống dưới đầu gối 8 lóng tay, gọi là tấm y antaravāsaka.

- Tấm y tắm mưa là tấm y dùng để tắm trong mùa mưa, gọi là tấm y vassikasāṭika.

Các tấm y phụ là những tấm y mặc thay cho tấm y trên, gọi là y cīvaraparikkhā-racoḷa.

Trong các loại y trên, Đức Phật cho phép tấm y để làm lễ thọ kathina là 1 trong 3 tấm y: Tấm y saṃghāṭi, hoặc tấm y uttarasaṅga, hoặc tấm y antaravāsaka, còn lại các tấm y khác không thể làm lễ dâng y kathina được.
 

Tác giả: Tỳ khưu Hộ Pháp/Nguồn: buddhanet.net

TIN, BÀI LIÊN QUAN
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm