Xưng hô và ứng xử thế nào đối với người thân đã xuất gia?
Người xuất gia khi tự xưng với các thành viên trong gia đình nội ngoại nên xưng pháp hiệu. Nếu là người xuất gia trẻ thì cũng có thể phương tiện tự xưng là “con” hoặc “cháu” đối với ông bà cha mẹ cùng các bậc cao niên.
Hỏi: Tôi có một người cháu gái xuất gia, hiện đã thọ giới Sa-di-ni. Thỉnh thoảng cô về thăm nhà vẫn “được” cha mẹ gọi tên tục như trước và sai bảo các việc linh tinh như lúc còn ở nhà. Tôi không rành về luật nghi trong đạo nhưng cảm thấy có gì đó… không ổn. Kính hỏi quý Báo, những người trong gia đình nên xưng hô và ứng xử thế nào đối với người thân đã xuất gia cho đúng đạo?
Trả lời:
Xưng hô và ứng xử với người thân đã xuất gia là chuyện tế nhị, tùy thuộc vào sự hiểu đạo của các thành viên trong gia đình và chính cá nhân của mỗi vị xuất gia. Việc xưng hô và ứng xử của người xuất gia dù giới luật nhà Phật có quy định rạch ròi nhưng thực tế thì chư vị luôn uyển chuyển, linh động trong tinh thần phương tiện, tùy duyên.
Trước hết, người xuất gia tuy đã phát nguyện lìa trần, giã từ đời sống thế tục, dấn thân phụng đạo, cầu giải thoát nhưng đối với gia đình thì vẫn mang tâm thương kính trọn vẹn, bởi thâm ân sanh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ thật khó đáp đền. Cho nên, dù bận rộn công việc tu học và Phật sự nhưng nếu tranh thủ được thời gian ngắn ngủi trở về với gia đình, thăm viếng cha mẹ và họ hàng, khuyến tấn mọi người hướng thiện là điều rất quý hóa.
Một người xuất gia am tường và tuân thủ giới luật thì dẫu đi đâu cũng phải giữ vững phong thái, oai nghi của người xuất gia. Về phía gia đình cũng vậy, tuy người xuất gia vốn là con cháu anh em của mình nhưng vì kính Phật và trọng Tăng nên cũng phải tôn trọng, không xem như các thành viên khác.
Theo tinh thần giới luật, trước lúc phát nguyện tiếp nhận Thánh giới (10 giới Sa-di hoặc Sa-di-ni), người xuất gia hướng về phương Bắc, chí thành lễ tạ bốn ân (ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân thí chủ), sau đó hướng về Tam bảo thọ nhận giới pháp xuất thế, mang dòng họ Thích (với pháp hiệu riêng) và quy mạng trọn đời.
Vì thế, khi người xuất gia về thăm nhà, những gia đình hiểu đạo không nên gọi tên đời (dù tên ấy rất gần gũi và thân thương) mà phải gọi tên đạo. Mặt khác, cũng không nên gọi người xuất gia theo trật tự, vai vế trong gia đình và dòng tộc như con cháu chú bác cô dì v.v… mà hay nhất là nên gọi chung bằng “cô”, “thầy” hoặc “chú” với pháp hiệu (tên thường gọi trong chùa).
Về phương diện tự xưng thì các thành viên trong gia đình có thể xưng đúng với vai vế của mình đối với những người xuất gia trẻ. Riêng đối với chư vị xuất gia đã thâm niên trưởng thượng ở trong đạo thì trừ cha mẹ ra (cha mẹ nếu còn thì cũng đã lão niên), những thành viên khác trong gia đình nên tự xưng mình bằng “con” để đối xưng với “thầy” hoặc “cô” hay trịnh trọng hơn là Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư...
Người xuất gia khi tự xưng với các thành viên trong gia đình nội ngoại nên xưng pháp hiệu, và đối xưng thì có thể tùy theo vai vế của họ đối với mình mà gọi. Nếu là người xuất gia trẻ thì cũng có thể phương tiện tự xưng mình là “con” hoặc “cháu” đối với ông bà cha mẹ cùng các bậc bô lão, cao niên. Bởi lẽ, “phép vua thua lệ làng” hay “làm thầy xứ ta, làm ma xứ mình” nên nếu không vận dụng tinh thần tùy duyên, uyển chuyển trong xưng hô cho phù hợp cũng sẽ dẫn đến những dị nghị hoặc phê phán không đáng có. Trong trường hợp gặp các bậc phụ lão là những Phật tử thuần thành, cung kính Tam bảo nên tự xưng “con” khi trò chuyện thì người xuất gia, nhất là người xuất gia trẻ nên cẩn trọng, hết sức khiêm cung với các “cụ”. Ngược lại, có một số vị xuất gia mà gia đình, dòng tộc và xóm làng không biết đạo nên vẫn xưng hô và ứng xử bình thường như các thành viên khác trong gia đình. Trong trường hợp này, người xuất gia phải phương tiện tùy duyên xưng hô và ứng xử sao cho hài hòa, tốt đạo đẹp đời.
Trong thời gian về thăm nhà, người xuất gia vẫn có thể làm một số việc linh tinh trong giới hạn của mình để thể hiện tình cảm, sự hòa đồng với gia đình. Nhưng đó chỉ là việc thứ yếu, điều chính yếu là vận dụng những điều hay, ý đẹp mà mình đã học tập được trong giáo pháp để chia sẻ với các thành viên trong gia đình nhằm giúp họ hiểu đạo, làm lành tránh dữ, hàn gắn những bất hòa đồng thời thực tập sống đạo để đạt được hòa hiếu an vui.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm