Yếu nghĩa của Phẩm Pháp Sư, Kinh Pháp Hoa
Bộ kinh Pháp Hoa được coi là quan trọng nhất trong kinh điển Phật giáo Đại thừa. Đức Phật đã thuyết kinh Pháp Hoa và thầy tổ của chúng ta đã thọ trì kinh này.
Ngày nay tới thời đại của chúng ta tu hành, cần hiểu đúng nghĩa của Phật dạy và phương pháp tu hành của thầy tổ đã áp dụng có kết quả tốt đẹp. Tôi may mắn được hầu cận các vị minh sư ở trong nước và ở nước ngoài, nên có ít nhiều kinh nghiệm tu hành, xin chia sẻ với quý vị.
Chúng ta đều biết trong tất cả kinh điển từ kinh Nguyên thủy cho đến Đại thừa, Đức Phật chỉ thọ ký cho Bồ tát Di Lặc thành Phật và Ngài sẽ ra đời trong tương lai. Tuy nhiên, học kinh Pháp Hoa, chúng ta lại thấy Phật thọ ký rộng hơn. Đầu tiên, Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ca Chiên Diên, A Nan, La Hầu La, v.v…, gần như tất cả các vị Thánh tăng thời Phật tại thế đều được Phật thọ ký. Kế đó, các vị Tỳ kheo ni như Ma Ha Ba Xà Ba Đề, hay Gia Du Đà La cũng được Phật thọ ký. Và đặc biệt hơn nữa, đến phẩm Pháp sư thứ 10, kinh Pháp Hoa, Đức Phật thọ ký rộng rãi hơn nữa, trong đó có chúng ta, tức Phật thọ ký cho tất cả mọi người, mọi loài. Nói rõ hơn, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiên long bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ tát, hay cầu Phật đạo mà nghe kinh Pháp Hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ đều được Phật thọ ký Vô thượng Bồ đề. Đây là sự thọ ký rất đặc biệt mà các kinh khác không có, gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng tất cả mọi người dù xuất gia hay tại gia, kể cả quỷ thần nghe kinh mà khởi tâm tùy hỷ, hộ niệm thì cũng được Phật thọ ký.
Như vậy, kinh Pháp Hoa đã dung nhiếp được cả ngoại đạo; cho nên chúng ta tu theo kinh Pháp Hoa, coi ngoại đạo như Phật đạo, không phải chúng ta chia tông phái rồi chê trách nhau là sai lầm lớn. Đương nhiên trong Phật đạo, tất cả đều là anh em gần ta hơn, vì đều tin Phật, tu theo Phật. Người tu Thiền, người tu Tịnh độ, hay tu theo Mật tông, hoặc tu theo Nguyên thủy đều có chung một vị thầy cao cả là Đức Phật Thích Ca, thì không có lý do gì mà lại bài bác nhau. Đó là điều mà tôi muốn lưu ý quý vị. Ở thế kỷ XXI, Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa là một. Tu sĩ theo Nguyên thủy mà không tin Phật giáo Đại thừa là tăng thượng mạn. Tu sĩ Đại thừa mà không chấp nhận Phật giáo Nguyên thủy là mất gốc.
Người tu đúng nghĩa Đại thừa trước tiên phải học bốn bộ kinh A Hàm theo Phật giáo Nguyên thủy được dịch từ tạng kinh Pali. Đó là điều căn bản Phật dạy các Tỳ kheo sống trong xã hội phải tu rèn thành người đạo đức và kế tiếp chúng ta học kinh Bát Nhã để buông bỏ tất cả, nhằm phá chấp hoàn toàn, tức pháp Không và ngã cũng không, nhờ đó tâm chúng ta hoàn toàn trống không, an trụ giải thoát. Như vậy, chúng ta học kinh Nguyên thủy trước, kế đó chúng ta thực tập Thiền quán, vào Không môn giải thoát, thì tất cả mọi việc bên ngoài không còn vướng bận tâm ta; như vậy còn gì mà chê trách nhau.
Trong kinh Nguyên thủy, Đức Phật cũng đã có cái nhìn tổng quát về muôn loài chúng sinh. Thật vậy, ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài đã thấy rõ tướng chân thật của tứ sanh lục đạo ở thế giới Ta bà này, trong đó mỗi loài chúng sinh đều có Phật tánh mà Ngài ví như mầm sen trong đầm sình lầy. Có mầm sen còn nằm trong đất bùn, có mầm sen vừa nứt mầm, có mầm sen vừa ra khỏi đất, có mầm sen đã nhô lên mặt nước và có mầm sen đã nở hoa tỏa hương thơm ngát cho cuộc đời. Tu Pháp Hoa, nhìn chúng sinh trong sinh tử đều có Phật tánh, nhưng người tu trước, người tu sau, người tu mau, người tu chậm, mà ai cũng thành Phật. Vì vậy, Phật thọ ký cho tất cả mọi người, mọi loài đều thành Phật, nếu phát Bồ đề tâm. Nhận thức đúng đắn như vậy, từ cửa thực tế của Nguyên thủy đi vào cửa Không của Thiền, đều được thọ ký thành Phật. Tôi chia sẻ ý này để tất cả thấy được con đường mình đi như thế nào.
Trong phẩm Pháp sư thứ 10, kinh Pháp Hoa nói rằng sau khi Như Lai diệt độ, tức không có Phật trên cuộc đời này mà người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép kinh Pháp Hoa thì người này phải là bậc Vô thượng Đẳng giác thương nhân gian mà sanh lại đời.
Câu này gợi cho chúng ta suy nghĩ chúng ta đang thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Pháp Hoa, thì chúng ta có phải là Phật sanh lại hay không. Nếu nghĩ mình là Phật sanh lại là rớt vô tăng thượng mạn. Vì chỉ có Như Lai thành Vô thượng Chánh đẳng giác mới đủ tư cách giảng nói được kinh mà thôi. Chúng ta không làm được việc này; chúng ta chỉ làm được một việc nhỏ là biên chép những gì Phật nói, Phật làm và chúng ta thực tập lời Phật dạy cũng như truyền trao cho người đồng hành đồng sự cùng tu với mình, chứ không dám tự coi mình là Phật. Người nói được kinh Pháp Hoa thì thân như hoa sen không nhiễm trần, không bị ngũ uẩn chi phối và trí tuệ ngời sáng thấu suốt được thật tướng của tất cả các pháp. Người có thân tâm như vậy thì chỉ có Phật mà thôi. Chúng ta phải cân nhắc vì chúng ta chưa là hoa sen, nghĩa là cơm ăn áo mặc chúng ta không vượt nổi, còn phải thọ dụng của đàn na tín thí để nuôi sống thân mạng và tâm chúng ta còn vướng bận vui buồn vinh nhục của trần thế. Nghe lời khen tiếng chê thì phản ứng nội tâm của ta nổi lên. Như vậy, chúng ta luôn sống với thân tha thọ dụng, tức còn thọ lãnh vui buồn của tâm và thọ dụng vật chất của thân. Trong khi Đức Phật hoàn toàn sống với tự thọ dụng thân, vì Ngài không lệ thuộc vật chất và ngũ uẩn, tâm Ngài cũng hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Tâm chúng ta còn đem đủ thứ nhơ bẩn bên ngoài vào, còn vô số phiền não trần lao và tầm nhìn chúng ta còn rất giới hạn cũng như chưa sáng. Như vậy, tâm chúng ta chưa phải là viên ngọc ma ni.
Người Tây Tạng thọ trì kinh Pháp Hoa không đọc nguyên bộ kinh, họ chỉ đọc Om Mani Pad Me Hum, nhưng đó là kinh Pháp Hoa có nghĩa là viên ngọc ma ni nằm trong hoa sen trắng. Ngoài ra, nhiều khi họ không đọc mà viết câu đó để trong chuông, rồi người ta dùng tay lăn cái chuông là coi như thọ trì xong một bộ kinh Pháp Hoa. Đến chùa Tây Tạng ở Ấn Độ, tôi cũng lăn đủ 108 cái chuông đi giáp vòng chùa thể hiện ý nghĩa thọ trì 108 bộ kinh Pháp Hoa.
Như vậy, thực chất của kinh Pháp Hoa là ngọc ma ni đặt trong hoa sen trắng. Hoa sen ví cho thân ta và ngọc ma ni ví cho tuệ chúng ta tu chứng được. Hiểu như vậy, người trì kinh Pháp Hoa phải đạt cho được tâm là ma ni và thân là hoa sen.
Trên bước đường tu, chúng ta thường rơi vô hai cực đoan. Một là chúng ta dùng thân tứ đại ngũ uẩn nên biết tất cả mọi việc thế gian và chúng ta bị kẹt với cuộc sống vật chất, nên rất khổ, không được giải thoát. Hai là muốn hết khổ, muốn thoát ly vật chất, chúng ta cắt đứt thế gian và hướng về Niết bàn thì không biết việc thế gian mà Tổ thường quở là thành củi mục than nguội. Ngài Thiên Thai gọi là thủy tinh cũng giống ngọc ma ni. Tỳ kheo đầu tròn áo vuông chứng quả A la hán đồng với Phật, nhưng khác Phật; vì thấy Phật thì người ta an lạc, giải thoát, hoan hỷ, nhưng thấy Tỳ kheo thì họ thản nhiên. Các thầy suy nghĩ ý này để tu.
Khi người thấy mình, họ ghét bỏ là họ thấy tội lỗi của mình. Còn thấy mình mà họ vẫn tỉnh bơ là tự biết mình đã thành than nguội củi mục rồi. Nghĩa là Tỳ kheo tu hành đã ra ngoài sinh tử rồi, nhưng tác dụng của người này không làm lợi ích cho cuộc đời. Thủy tinh và ngọc ma ni cũng trong suốt giống nhau, nhưng một ngàn viên thủy tinh cho vô ao nước đục thì nước vẫn đục như thường, không có tác dụng gì. Còn ngọc ma ni chỉ một viên thôi để vào ao nước tù thì ao nước dơ bẩn này liền biến thành trong sạch. Đức Phật ví như ngọc ma ni. Tỳ kheo A la hán là thủy tinh. Chúng ta còn trần lao, nghiệp chướng thì còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh.
Các vị Thánh La hán mà còn bị coi là thủy tinh, chưa được xếp vào hàng trì kinh Pháp Hoa. Chúng ta là phàm Tăng thì làm sao có thể trì kinh Pháp Hoa, nhưng chúng ta may mắn là chỉ có một niệm tâm tùy hỷ cũng được Phật thọ ký. Cho nên, tâm chúng ta bám vô sự thọ ký đó mà tu hành, mới nhận được kết quả tốt đẹp. Vì vậy, tôi luôn nghĩ đến Phật và lạy Phật gọi là bám vào tòa sen của Phật để tu hành. Niềm tin của chúng ta đặt trọn vẹn vào Phật và chúng ta tu hành dưới tòa sen Phật, lần lần cảm thấy an lạc. Và có được một phần an lạc giải thoát sẽ tác động cho cuộc đời, làm cho người có nhân duyên với ta cũng được an lạc giải thoát. Như vậy, cuộc sống an lạc của chúng ta tới đâu thì sẽ ảnh hưởng tốt đẹp cho cuộc đời đến đó. Nếu mình chưa an lạc được, chắc chắn không thể nào tác động cho người an lạc. Và nếu mình còn nghiệp, còn phiền não nhiều, tâm buồn phiền, bực tức, thì sẽ tác động cho người buồn phiền, đau khổ. Đó là người mặc áo Sa môn, nhưng tâm thế tục.
Đến giai đoạn hai, mặc áo Sa môn nhưng được giải thoát riêng mình, chứ không tác động được cho người giải thoát theo, ví như củi mục than nguội, hay thủy tinh. Sang giai đoạn ba, tu Đại thừa, ta là Sa môn được an lạc phần nào thì làm cho người thấy ta, nghe ta cũng an lạc theo. Bấy giờ, quý thầy không cần thuyết pháp, không khuyên bảo ai, nhưng người thấy ta trì kinh, hay thấy ta cuốc đất, trồng rau, họ cũng được giải thoát. Đó là pháp tu theo Đại thừa mà chúng ta cần suy nghĩ.
Theo kinh Pháp Hoa, tất cả mọi người đều được Phật thọ ký thành Phật, dù tu pháp môn nào. Và dù có Phật hiện hữu trên cuộc đời này hay không mà chúng ta nương được diệu nghĩa của kinh để thể hiện trong cuộc sống những kết quả tốt đẹp, thì vẫn được Phật thọ ký cho chúng ta. Với cái nhìn sáng suốt thấy tất cả mọi người đều lần lượt sẽ thành Phật, cho nên chúng ta thấy mọi người đều là anh em, người đi trước có bổn phận dìu dắt người đi sau, mà chư Tổ thường nhắc chúng ta phải tiếp dẫn hậu lai để báo Phật ân đức. Riêng Nhật Liên thánh nhân nói rằng không tội nào lớn bằng tội làm cho người thoái tâm và không có công đức nào lớn bằng công đức làm cho người phát tâm. Nghĩa là khai thị khiến cho người muốn gần Phật, muốn tu hành thì được công đức vô lượng; trái lại, làm cho người chán đạo Phật, không muốn đi chùa, không muốn thực hành lời Phật dạy, đó là phạm tội phá pháp. Sau mùa an cư, quý vị trở về bổn tự, làm sao cho quần chúng đến chùa đông hơn và họ phát tâm lạy Phật, tụng kinh, được an vui là ta tu hành đúng.
Ngoài ra, trong phẩm Pháp sư thứ 10, Đức Phật ví người tu như người đào giếng trên cao nguyên; nghĩa là từ người nghiệp chướng trần lao mà đi vào cánh cửa giải thoát của Phật, chúng ta phải trải qua quá trình tu hành. Ý này có chỗ được Phật nói là vượt qua 500 do tuần đường hiểm. Đào giếng trên cao nguyên nhằm chỉ chúng ta từ cuộc sống vật chất cần phải đi sâu vào nội tâm, chứ không thể sống mãi với đời sống vật chất; vì lúc nào cũng bị ràng buộc với cuộc sống vật chất thì không thể tiến xa trên con đường tâm linh.
Phật khuyên chúng ta phải ra công đào giếng, nghĩa là siêng năng tu hành. Mặc dù đã nỗ lực đào giếng, tức miệt mài công phu tu hành mà vẫn thấy khổ, thấy đất vẫn khô tiêu biểu đầy đủ ba thứ là nghiệp chướng, phiền não, trần lao, thì đối với người này cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua lớp đất khô. Đầu tiên, chúng ta phải vượt được phiền não trong tầng đất khô. Phiền não phát sinh khi chúng ta gặp việc không bằng lòng trong chùa và ngoài xã hội. Có người chán đời mới vô chùa, họ nói ở ngoài đời khổ mà vô chùa không được an lạc, còn khổ hơn; vì cũng gặp chuyện phải trái hơn thua, hoặc gặp người đi trước hành hạ người đi sau, nghĩa là đã gặp ma phiền não rồi.
Nếu ta xuất gia không gặp được vị chân sư dìu dắt, mà chỉ gặp ma cũ ăn hiếp ma mới. Ta là ma mới, tức nghiệp chướng của ta là ma mới dẫn ta đến cảnh giới ma, làm sao gặp Phật được. Nhưng nếu thực tu, có quyết tâm cao, chúng ta sẽ vượt qua được cảnh giới ma này. Khi ta không phải là ma mới đương nhiên không gặp ma cũ, nhưng ta gặp thiện tri thức. Tôi nhớ lúc mới tu, tôi tới chùa Linh Sơn ở Đức Hòa, Hòa thượng Hồng Phẩm thấy tôi, liền cho tôi xuất gia với tên Huệ Nghiêm. Tôi không bị cảnh ma cũ ăn hiếp ma mới, mà trái lại, huynh đệ trong chùa thương tôi, giúp đỡ tôi. Và khi chùa Linh Nguyên mở giới đàn, tôi đến xin thọ giới. Tôi gặp thầy nào tôi cũng không nhớ, vị này nói gì tôi không hiểu; nhưng lúc đó Hòa thượng Bửu Ý làm Chánh chủ kỳ của giới đàn, Ngài đã cho tôi thọ giới Sa di dù Ngài chưa biết tôi. Nhờ gặp được những vị thiện tri thức như vậy giúp tôi cảm nhận được niềm an lạc trên bước đi đầu tiên khi vào cửa đạo và điều đó đã lưu đậm ấn tượng tốt đẹp sâu sắc trong tâm hồn tôi ở chốn thiền môn. Điều này hoàn toàn khác với người chất chứa phiền não trần lao đến với đạo lại gặp người phiền não trần lao, thì phiền não trần lao được nhân đôi và bùng phát.
Người phát tâm xuất gia cầu đạo không tiếc thân mạng chắc chắn tác động cho người trông thấy phải cảm mến. Đó là kinh nghiệm của tôi, nhờ hết lòng vì đạo, nên đi đâu cũng gặp thầy thương bạn mến. Nếu tâm chúng ta không như thế, mà còn kẹt quyền lợi vật chất, chúng ta sẽ thấy việc không bằng lòng thì đi đâu cũng gặp khó khăn, cũng bị xua đuổi; vì mình mang phiền não, nghiệp chướng và trần lao, nên luôn bị phiền não, nghiệp chướng và trần lao tác động. Thực tế cho thấy có những sư bà tu lâu, hiền lành, nhưng khi gặp mình là sư bà nổi giận; vì chính mình là phiền não, trần lao, nghiệp chướng, mình đem phiền não, trần lao, nghiệp chướng này đến, làm cho nghiệp chướng trần lao của sư bà nổi lên.
Trên bước đường tu, càng gặp khó khăn, chúng ta càng phải tinh tấn, càng cẩn thận hơn, nhất định sẽ vượt được gian nan. Ý này được kinh Pháp Hoa diễn tả là ra công đào giếng, càng gặp đất khô, thì càng nỗ lực đào sâu thêm cho đến gặp được đất ướt, đất bùn là biết sắp được đến nước, tức chỉ cho nguồn tâm của chúng ta. Và khi nước từ nguồn tâm chúng ta chảy ra được, chúng ta thấy việc khó khổ là vinh quang nhất của chúng ta. Thật vậy, trong đời tôi chỉ mong được học và được làm việc phục vụ Giáo hội; cho nên gặp hoàn cảnh càng khó càng khổ, nhưng lòng tôi cảm thấy rất vui, đó chính là nước trong từ nguồn tâm chảy ra rồi, thì không còn bị phiền não quấy rầy.
Lúc mới tu, phiền não chúng ta nhiều, nên phiền não của ta luôn đụng với phiền não của người. Với thời gian trải qua quá trình đào giếng, tức siêng năng thể nghiệm được lời Phật dạy, nhờ đó nước từ nguồn tâm chảy được, thì mặc dù đời sống vật chất hẩm hiu, nhưng tâm chúng ta được an lạc. Người ngoài thấy cuộc sống tu hành của ta là hầm hố gai chông, nhưng đối với chúng ta, đó là huy hoàng tráng lệ nhất. Thấy như vậy mới tiến tu được.
Xưa kia Đức Phật đi tìm chân lý, Ngài từ bỏ cuộc sống quyền uy sang giàu bậc nhất mà người đời mơ ước. Ba cung điện thích hợp với ba mùa dành cho Ngài nhưng Ngài coi đó là địa ngục. Người đời cho rằng Ngài phải chịu khổ cực với cuộc sống lang thang khất thực, nhưng Ngài lại coi đó là đời sống thanh cao, an lạc. Cái thấy của người trần gian và của người hành đạo theo Phật hoàn toàn khác nhau.
Càng cực khổ, gian nan, Đức Phật và chư vị Tổ sư càng tinh tấn. Nếu không có những bậc tinh tấn như vậy, chúng ta đã không có những ngôi chùa ngày nay. Từ thuở ban sơ, nơi đây chắc chắn là vùng sình lầy, không có bóng người; nhưng với công đức tu hành miên mật của chư vị Tổ sư, chúng ta mới có ngôi chùa Long Thạnh ngày nay.
Nỗ lực đào giếng không ngừng nghỉ, cho đến gặp đất ướt, đất mềm, tức chúng ta tinh tấn tu hành, đạt đến nguồn tâm và sống được với nguồn tâm thì lòng chúng ta an lạc và cũng làm cho người khác an lạc theo.
Và khi chúng ta thực tu rồi, thì nếu ở chỗ vắng vẻ, Phật sẽ khiến hóa nhân đến học đạo, khiến người có căn lành đến tìm ta. Đọc lịch sử về cuộc đời của chư vị Tổ sư, hoặc sang thăm Trung Quốc, chúng ta thấy các Tổ ẩn thân nơi sơn lâm cùng cốc, một mình ở chòi lá, hay ở dưới gốc cây, hoặc hang đá, nhưng Phật khiến người lên núi, hay vào rừng, tìm đến cúng dường, học đạo với các ngài. Ở Việt Nam, Đại Đăng quốc sư ẩn tu trên núi Yên Tử. Khi vua Trần Thái Tông bị bức ngặt đã tìm đến ngài và ngài đã giải tỏa nỗi niềm oan trái cho nhà vua một cách nhẹ nhàng. Đến đời vua Trần Nhân Tông sau khi đã lo cho đất nước thái bình nhân dân an lạc, đức vua cũng đã lên núi Yên Tử xuất gia và mở đạo. Đường lên núi rất nguy hiểm khó khăn vào thời các ngài lên đó ẩn tu. Đến khi tôi đi lên núi, cách nay 30 năm mà tôi còn phải qua chín suối mười đèo. Tôi nhớ từ chân núi ở chùa Lân leo bộ từ sáng sớm đến chiều mới tới chùa Hoa Yên. Nhưng hiện nay xe chạy đến nơi và cũng có cáp treo, không phải lội bộ nữa. Tuy nhiên, khi phương tiện vật chất quá đầy đủ, tôi có cảm giác người ta lười biếng hơn, đó cũng là điều trở ngại khiến người ta không đắc đạo, vì công phu không có.
Đường đi khó khăn vất vả phải mất nhiều ngày mới tới được, nhưng chư Tổ đã ẩn tu nơi sơn lâm và đắc đạo, thì Phật khiến Thiên long bát bộ phải bảo vệ, giữ gìn; cho nên các ngài sống rất an ổn và sáng tâm. Bấy giờ, Phật lại khiến người tìm đến nghe pháp, cúng dường. Điều Phật dạy trong kinh Pháp Hoa chúng ta học được và đồng thời quan sát thực tế đời sống tu hành của chư vị Tổ sư, chúng ta thấy cũng thể hiện đúng như Phật dạy trong kinh. Còn nếu không nghe lời Phật, không quyết tâm tu hành, mà lo tìm mua đất, thì dễ bị rắc rối, phiền muộn.
Khi có người tìm đến hỏi đạo, cúng dường, chúng ta chỉ họ tu hành, thì Phật bảo phải có ba điều kiện mới nói pháp được; đó là vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và lên tòa Như Lai. Không đủ ba điều kiện này, không thể nói pháp. Ngồi tòa Như Lai nghĩa là trụ pháp Không, phiền não không còn nổi dậy mới tuyên pháp Phật được.
Tu Pháp Hoa trụ pháp Không thì dù được trời người cung kính cúng dường, chúng ta cũng không bận tâm. Họ cúng cũng được, không cúng cũng chẳng sao. Hoặc có quỷ dữ đe dọa, ta cũng không sợ. Tâm ta luôn đứng yên. Tôi thường nói rằng chết là cùng, vì tu hành thì mình không có gì để lo, nên đối trước nguy hiểm không sợ, đối trước sự cúng dường không màng. Còn cần vật chất sẽ bị ma dẫn, bị ma gây áp lực, làm mình phát sinh phiền não. Có nhiều cũng ăn ít, không có thì chết cũng không sao. Sống như vậy, ma không chi phối được và xã hội cũng không bức ngặt mình được. Còn cần cơm ăn, áo mặc, chỗ ở sẽ bị lệ thuộc người cung cấp, sẽ bị họ gây khó dễ.
Không còn lệ thuộc cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và trụ pháp Không, chỉ còn việc duy nhất là hoằng pháp thì ta phải nhớ chỉ giảng pháp khi phát tâm đại bi. Ta thương chúng sinh hữu duyên và thương chỗ đó, nên muốn truyền trao sở đắc của mình, ta mới đi đến đó, không phải đến để nhận lễ vật. Tu Pháp Hoa, Phật dạy chúng ta thừa kế Phật cũng nghĩ như Phật là lấy gì để cho chúng sinh; không có gì để cho thì đến làm gì. Cho tâm giải thoát, cho lời nói lợi lạc, hay cho vật chất giúp người qua cơn hoạn nạn; được như vậy thì đến với người.
Ngoài tâm đại bi và trụ pháp Không, điều thứ ba là mặc áo nhu hòa nhẫn nhục. Người mặc y Phật cần có sức kham nhẫn, chịu đựng. Vì nhiều khi chúng ta đến giúp đỡ người, nhưng họ lại hiểu lầm là chúng ta đến chiếm chùa, hay đến để hại họ, nên họ gây khó dễ cho ta. Gặp tình huống như vậy, cần có sự nhu hòa nhẫn nhục, nghĩ rằng vì họ không hiểu ta mới chống phá ta. Chúng ta phải có sức chịu đựng để làm Phật sự. Thực tế cho thấy ai làm Phật sự mà không bị chống phá, làm ít thì bị chống ít, làm nhiều thì bị chống nhiều và thành tựu viên mãn, người ta không chống nữa hay muốn chống cũng không được. Phải khẳng định rằng không có sức kham nhẫn thì không thể hành đạo được. Chúng ta kham nhẫn và đóng góp được cho chùa rồi, giúp họ thành tựu được pháp nào rồi, chúng ta ra đi. Tôi nghĩ rằng Thượng tọa Nhật Ấn trụ trì tổ đình này, đương nhiên có khó khăn, nhưng nay thầy đã sửa sang lại chùa rất tốt và xây cổng hàng rào trang nghiêm, chúng ta tùy hỷ với công đức này của thầy.
Tóm lại, tất cả đệ tử Phật trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, đều cần có sức kham nhẫn chịu đựng, đều vì thầy tổ và có tâm đại bi thương người, cùng an trụ pháp Không, được giải thoát, mới trì được kinh Pháp Hoa. Chúng tôi mong rằng mãn hạ, chư Tăng trở về tự viện sẽ làm được nhiều việc lợi ích cho chúng sinh để cúng dường Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm