Cầu siêu - báo hiếu theo kinh Địa Tạng
Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển lâu dài một phần nhờ vào sự tín ngưỡng. Tiếp nhận kinh điển và các nghi thức hành trì từ chư Tổ sư Trung hoa, Phật giáo Việt Nam hầu như chỉ tuân hành theo các nghi thức ấy mặc dù vẫn có những thay đổi nhưng ít phổ biến.
Từ lâu, các chùa thuộc Bắc truyền thực hành các nghi lễ cầu an và cầu siêu với những bài kinh quen thuộc. Về cầu siêu, hai bản kinh thường được chọn để tụng cầu siêu là kinh A Di Đà và kinh Địa Tạng. Kinh A Di Đà ngắn hơn nên thường bị xem nhẹ về hiệu quả siêu thoát mặc dù đó là một sai lầm đáng tiếc. Lý do là rất nhiều người căn cứ vào độ dài của kinh và thời gian tụng của chư Tăng Ni hành lễ hay của đạo tràng cư sĩ tại gia hơn là căn cứ nội dung của kinh.
Bài viết sẽ tìm hiểu phương pháp cầu siêu - báo hiếu theo kinh Địa Tạng và sự thực hành theo sự tín ngưỡng lâu nay của quần chúng. Bài viết sử dụng hai bản dịch kinh Địa Tạng của HT.Thích Trí Tịnh và TT.Thích Nhật Từ làm cơ sở trích dẫn.
Hạnh nguyện của Bồ tát Địa Tạng
Xuất xứ kinh Địa Tạng
Kinh Địa Tạng thuộc kinh số 412, bộ Đại tập, theo Đại chánh tân tu Đại tạng kinh. Kinh Địa Tạng được tin do Đức Phật nói cho Thánh mẫu Ma Da ở cung trời Đao Lợi. Kinh nêu những nguyên nhân khiến chúng sinh đọa vào các cõi ác là ngạ quỷ, địa ngục. Đồng thời, kinh cũng đưa ra các phương pháp để cứu các chúng sanh đọa cõi ác được siêu thoát. Trong trường hợp người con, cháu cầu siêu cho cha mẹ, tổ tiên siêu thoát thì hành động ấy được xem là báo hiếu khi người thân không còn sống ở đời.
Các tiền thân của Bồ-tát Địa Tạng
Theo bản kinh Địa Tạng, một số tiền thân của Bồ-tát Địa Tạng được nêu trong kinh. Đầu tiên, tiền thân của ngài là một triệu phú. Ngài phát nguyện khi nào giúp cho mọi loài đều được giải thoát thì ngài mới thành quả Phật (Kinh Địa Tạng, tr.13, 22). Thứ hai, tiền thân ngài là một thánh nữ cứu mẹ. Thánh nữ kiếm tiền chân chánh, dùng tiền mua sắm hương hoa, vật phẩm cúng dường các chùa thờ Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, và phát nguyện dùng nhiều phương tiện giúp cho tất cả chúng sanh thoát khổ (sđd., tr. 15, 21, 23, 32). Thứ ba, tiền thân ngài là vị vua thời Đức Phật Nhất Thế Trí Thành Tựu Như Lai phát nguyện cứu muôn loài dứt hết tội khổ mới chịu thành Phật (sđd., tr.40, 54). Thứ tư, tiền thân ngài là Quang Mục cúng dường, tạo hình tượng Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, trì niệm danh hiệu Phật, và phát nguyện giáo hóa hết chúng sanh trong ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mới thành Phật (sđd., tr. 41-44, 56-60).
Trong bốn tiền thân của ngài thì tiền thân một và ba là ngài tự phát nguyện giúp cho tất cả chúng sanh giải thoát khổ đau ở các đường ác xong mới thành Phật. Tiền thân thứ hai và bốn cũng phát nguyện tương tự nhưng hai trường hợp này là vì lòng hiếu cứu mẹ nên phát nguyện rộng lớn như vậy.
Tóm lại, bốn tiền thân của Bồ-tát Địa Tạng đều có điểm chung là giúp cho tất cả chúng sanh thoát khổ rồi ngài mới thành Phật. Với lời phát nguyện rộng lớn như thế thì Bồ-tát Địa Tạng giúp chúng sanh giải thoát bằng cách nào theo bản kinh đã ghi?
Công đức và lợi ích của Địa Tạng Bồ Tát
Nguyên nhân đọa các đường ác
Có thể nói kinh Địa Tạng là bản kinh miêu tả khá nhiều về địa ngục hay tù ngục cũng như các hình phạt, nhưng nguyên nhân đưa đến đọa vào ngục trong một số trường hợp thì khá đơn giản. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy có 5 nghịch tội đưa đến địa ngục, gồm: “đoạt mạng mẹ, đoạt mạng cha, đoạt mạng vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, và phá hòa hợp Tăng”(1). Kinh Địa Tạng cũng có ghi nguyên nhân đọa địa ngục thuộc 5 nghịch tội như giết cha, giết mẹ, hủy hoại thân Phật và thêm nhiều nguyên nhân khác như phỉ báng Tam bảo, trộm của thường trụ, không giữ giới… (sđd, tr.30-31, 42-43). Tuy nhiên, trường hợp đọa địa ngục của thân mẫu Thánh nữ thì do mê tín, khinh chê Tam bảo (sđd., tr. 20); và của thân mẫu Quang Mục thì do nghiệp giết hại và nghiệp mắng nhiếc (sđd, tr. 43, 58). Căn cứ vào các nguyên nhân đưa đến đọa địa ngục thì hầu như chúng sanh đều phạm vào tội tương tự và nghiệp lực đưa đến địa ngục là rất có thể xảy ra. Về nguyên nhân đưa đến địa ngục, có rất nhiều bài kinh ghi chép lại. Ví dụ trong kinh Tăng chi, Đức Phật nêu năm pháp dẫn đến địa ngục gồm: “sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu”(2). Đây là 5 pháp học hay 5 giới của người Phật tử. Nói chung, cả kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa đều nêu nguyên nhân đưa đến địa ngục, nhưng kinh Địa Tạng nêu thêm việc mê tín và xúc phạm Tam bảo.
Hình phạt tại địa ngục
Hình phạt tại các địa ngục được miêu tả trong kinh Địa Tạng là sự mô phỏng của các hình phạt xảy ra trên cõi đời qua các triều đại phong kiến với các công cụ hình phạt thô sơ thời xưa, cộng thêm một số hình thức siêu hình ẩn dụ khác. Các hình thức đâm, chặt, chém, động vật cắn xé, đóng đinh, rót nước đồng sôi… xảy ra khi tra tấn và hành hình các tội nhân, cộng thêm yếu tố siêu hình như quỷ hành hình, lửa đốt, lạnh giá… (sđd., tr.33, 57). Kinh Trung bộ cũng có ghi về cảnh hành hạ ở địa ngục làm cho tội nhân chịu cảm thọ đau khổ như sắt nung đóng vào thân, búa chặt tội nhân, kéo lê thân xác…(3) Nếu kinh được biên tập vào thời nay thì các công cụ hành hình tại địa ngục sẽ được bổ sung bằng các hình thức khác như súng bắn, kim tiêm thuốc độc… Tất cả các dụng cụ hành hình đều nhằm mục đích là làm cho tội nhân chịu sự đau đớn về cảm thọ.
Bồ-tát Địa Tạng cứu độ chúng sanh
Theo kinh Địa Tạng, Bồ-tát Địa Tạng được tin là đã hóa độ vô lượng chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay (sđd., tr.10-11, 18). Kinh ghi, “Nếu thiện nam nữ nào nghe danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng tán thán, chiêm nghưỡng, lễ bái, trì tụng, cúng dường, sơn vẽ hình tượng Bồ-tát thì sẽ được sanh lên cõi trời Đao Lợi không còn đọa vào các đường dữ.” (sđd., tr.12, 20, 45, 61, 119); “Nếu người nam hay nữ tạo nghiệp dữ, không tin nhân quả, tà dâm, vọng ngữ, ác độc… mà quy y Bồ-tát Địa Tạng thì thoát ba đường dữ.” (sđd., tr.45, 61). Nếu hiểu theo “chữ nghĩa” thì năng lực của Bồ-tát rất lớn có thể làm cho chúng sanh thoát khổ. Khi còn là tiền thân, Bồ-tát phát nguyện dùng các phương tiện giúp cho mọi loài đều được thoát khổ trước khi ngài thành Phật (sđd., tr.13, 21). Bồ-tát đã phân thân khắp thế giới để độ chúng sanh (sđd., tr.27, 37, 44). Bồ-tát dạy chúng sanh về nhân quả như quả báo của giết hại là chết yểu, trộm cắp là nghèo nàn, giận dữ thì xấu xí, ăn nhậu thì bệnh tật… (sđd., tr.48-50). Theo nội dung kinh, chúng sanh thoát khổ là nhờ quy y, lễ bái, cúng dường Bồ-tát qua hình tượng. Kinh ghi Bồ-tát dùng nhiều phương tiện, phân thân hóa độ chúng sanh thoát khổ các đường dữ nhưng không phân tích rõ phương tiện gì hay phương pháp tu học như thế nào để chúng sanh nương theo tu tập để thoát khổ. Những phương pháp như cúng dường, niệm Phật… thì rất nhiều kinh, cả Nguyên thủy lẫn Đại thừa, đề cập chứ không riêng kinh Địa Tạng, nên ở đây không có gì đặc biệt.
Một điều cần lưu ý là kết quả của việc chúng sanh làm theo lời kinh dạy là đạt được phước báu, thoát khỏi cõi dữ, và được tái sinh cõi trời hay cõi người. Điều này xét về giáo lý nhân quả là đúng, là phù hợp vì tạo phước báu thì nơi tái sanh là cõi trời hay cõi người. Kinh không có đề cập đến cõi Tây phương Cực lạc hay cõi Tịnh độ. Do đó, một câu hỏi lớn là phải chăng tụng kinh Địa Tạng để người thân qua đời vãng sanh Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà là do tín chúng tu pháp môn Tịnh độ tự hiểu hay tự thêm? Kinh cũng nhấn mạnh lời phát nguyện rộng lớn của Bồ-tát là độ hết chúng sanh “thành Phật” rồi ngài mới thành Phật nhưng không có đoạn kinh nào hướng dẫn cụ thể lộ trình thực hiện cứu độ của ngài ngoài cách chỉ dạy làm phước và cầu nguyện như vừa nêu trên.
Phương pháp cầu siêu - báo hiếu
Có thể nói, điểm mạnh để kinh Địa Tạng được sử dụng tụng vào các thời khóa cầu siêu là việc tụng kinh được tin sẽ làm cho người thân qua đời siêu thoát (kinh không nêu vãng sanh Cực lạc). Một số phương pháp được nêu ra trong kinh để cho những ai tin thực hành theo. Khi có người bị bệnh nặng sắp qua đời, gia đình bà con nên dùng tài sản của người bệnh làm điều thiện như ấn tống, xây chùa, cúng dường Tam bảo, bố thí… và cho họ biết việc làm ấy thì sau khi qua đời họ sẽ thoát khổ tù ngục (sđd., tr.65). Các hương linh nếu chưa siêu thoát thì nhờ người thân tụng kinh Địa Tạng 3 đến 7 lần thì sẽ siêu thoát (sđd., tr.67). Nếu một người chết trong 49 ngày được người thân làm phước hồi hướng thì hương linh thoát đường dữ sinh lên cõi trời (sđd., tr.75, 79). Tụng kinh cho người thân qua đời nghe thì họ sẽ được thoát khỏi đường dữ (sđd., tr.91). Nếu người thân vì người bệnh niệm Phật thì người bệnh khi chết khỏi bị quả khổ (sđd., tr.99). Các hương linh nếu chưa tái sanh nhờ công đức người thân chiêm lễ cúng dường Bồ-tát Địa Tạng sẽ được sinh về cõi trời hay cõi người.
Điểm chung của phương pháp cầu siêu là nhờ sự giúp đỡ của người trong gia đình hay bà con qua việc tụng kinh Địa Tạng và lấy số lượng làm cơ sở siêu thoát, và qua việc làm phước. Như vậy, người thân chỉ việc làm chút phước báu và tự tụng hay mời người tụng kinh Địa Tạng cho đủ số lượng thì người thân qua đời sẽ thoát cõi khổ, sanh cõi trời hay cõi người (kinh không đề cập sinh Tây phương Cực lạc). Xem ra việc cầu siêu cũng khá đơn giản mà ai cũng làm được nhưng kết quả thực thì phần lớn dựa nào niềm tin hơn là nhân quả. Trong bảy phần phước báu, người chết hưởng một phần (sđd., tr.78) nên việc thọ hưởng và siêu thoát của họ có lẽ là khuyến khích nhiều hơn. Chính người tự mình làm phước, tự mình tu tập mới là điểm chính của ý kinh vì xác suất gấp bảy lần.
Sự thực hành của quần chúng
Có lẽ dựa vào lời phát nguyện của Bồ-tát Địa Tạng qua các tiền thân được miêu tả trong kinh, dựa vào nội dung hướng dẫn làm phước và đặc biệt dựa vào nội dung “tụng 3 đến 7 biến kinh Địa Tạng thì các hương linh được giải thoát” nên nhiều tín đồ tin đã làm công việc tụng kinh để cầu siêu cho người qua đời. Vì Tăng Ni không có thời gian để thường đi tụng kinh Địa Tạng tại các tư gia, nên công việc này do các nhóm cư sĩ thực hiện. Và với nội dung vừa nêu trên, họ tin rằng cứ tụng đủ số lượng là hương linh siêu thoát. Giải thoát ở đây không phải khỏi đường ác để sinh cõi trời người mà là khỏi đường ác để vãng sinh Tây phương. Đây là điểm mạnh để các nhóm tụng kinh có cơ hội phục vụ quần chúng tín ngưỡng.
Lời kết
Nội dung kinh Địa Tạng trình bày khá phong phú về cách tạo phước, nhất là lễ bái tín ngưỡng, dành cho người còn sống nhiều hơn người chết. Tuy nhiên, về phương diện truyền bá, có lẽ điểm mạnh của nội dung tín ngưỡng “tụng ba đến bảy biến hương linh siêu thoát” đã làm cho kinh Địa Tạng chiếm ưu thế hơn kinh A Di Đà. Từ đó, nhiều nhóm cư sĩ “tự tin” không cần Tăng Ni vẫn có thể giúp người qua đời siêu thoát vì căn cứ nội dung tín ngưỡng. Hơn nữa, sự thêm vào nội dung siêu thoát là vãng sanh Cực lạc làm cho bản kinh quan trọng hơn, có giá trị hơn về mặt cứu độ hương linh.
Dẫu biết giáo pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Vô ngã là cốt lõi của đạo Phật, nhưng khi mà quần chúng thực hành Phật giáo bằng sự tín ngưỡng thì các giáo lý cốt lõi vẫn còn xa lạ và sự tín ngưỡng vẫn chiếm ưu thế.
Chú thích:
(1) Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng chi, tập 1, chương 5, phẩm Bệnh, mục Ngũ nghịch, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, tr.738.
(2) Thích Minh Châu dịch. (2015). Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, mục Địa ngục. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, tr.787.
(3) Thích Minh Châu dịch. (2012). Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Thiên sứ, số 130. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, tr.514-515.
Sách tham khảo:
- Thích Trí Tịnh dịch. (2010). Kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.
- Thích Nhật Từ soạn dịch. (2016). Kinh Địa Tạng. TP.Hồ Chí Minh: NXB.Hồng Đức.
- Thích Minh Châu dịch. (2012). Kinh Trung bộ, tập 2. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.
- Thích Minh Châu dịch. (2015). Kinh Tăng chi. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm