Chín chữ Cù Lao
Khơi nguồn pháp Vu lan duyên khởi, đáp lời thỉnh cầu của Tôn giả Mục Kiền Liên, vị đại đệ tử xưng tán là bậc hiếu hạnh đệ nhất trong Thánh chúng. Đức Phật đã thuyết Kinh Vu lan báo hiếu để nhắc nhở về công ơn sinh thành sâu nặng của cha mẹ và dạy phương pháp báo đáp thâm ân...
Trong Kinh Tâm Địa Quán, Phật dạy: “Ân cha cao lành như núi chúa, Đức mẹ hiền sâu như bể khơi. Dầu ta dâng cả một đời. Cũng không trả được ân người sanh ta”.
Lời kinh khẳng định ơn của cha cao cả như núi chúa, cao hơn cả mọi ngọn núi; và đức của mẹ lớn tợ biển, rộng hơn mọi nguồn nước. Đề cao công ơn cha mẹ, ca dao Việt Nam cũng nói: “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Phải chăng câu ca dao được gợi ý từ lời kinh?
Bên cạnh đó ta còn có câu: “Công cha như núi ngất trời – Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông – Núi cao biển rộng mênh mông – Cù lao chín chữ ghi lòng ai ơi”. Chín chữ cù lao đi vào ca dao, đi vào giấc ngủ yên bình của bao thế hệ người Việt Nam nhưng cù lao thể hiện ý nghĩa gì trong mối quan hệ sâu dày giữa cha mẹ con cái, thì ngày nay ít ai quan tâm tìm hiểu.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, ngoài ý nghĩa có một khối đất có lẫn đá nhỏ lên trên mặt biển thì cù lao còn là một từ Hán Việt có nghĩa là sự siêng năng lao nhọc. Được biết trong một tập sách ghi nhận có những câu ca dao cổ của người Trung Quốc gọi là Kinh Thi có hai câu mà ý nghĩa gần nhau. Câu thứ nhất mô tả cụ thể ơn đức của cha mẹ “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, xúc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực” có nghĩa là: “Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn, dạy bảo ta nên người, chăm lo ta, ôm ấp ta, ra vào để bảo vệ cho ta, muốn đáp trả ơn huệ ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng”. Lại có một câu khác mang tính hình tượng nêu lên khát khao báo đáp của người con: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực” nghĩa là: “Cha sinh ta, mẹ nâng đỡ ta – Thương thay cha mẹ, sinh ra ta bao khó nhọc. Muốn đáp trả ơn sâu ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng”. Từ hai câu ấy, ta biết mỗi khó nhọc của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái được thể hiện bằng thuật ngữ “Cù lao” bao gồm chín ơn lớn mà người ta thường nói là cù lao chín chữ. Chín chữ đó được thể hiện trong câu đầu gồm: Sinh – Cúc – Phủ – Súc – Trường – Dục – Cố – Phục – Phúc.
1. Sinh: Rõ ràng không ai có mặt trên đời mà không từ cha mẹ sinh. Nhưng để con ra đời bình thường, khỏe mạnh, xinh đẹp, thông minh... rồi nuôi cho con khôn lớn, cha mẹ chịu bao lao đao cực nhọc, phải chuẩn bị từ vật chất, tình cảm đến tinh thần. “Đặt con vào dạ mà mạ đi tu”. Khi biết mình mang thai, bà mẹ tự nguyện chọn lối sống khắc khổ chẳng khác người tu hành. Ăn uống nói năng kiêng cử, ngủ nghỉ có giờ giấc, đi đứng cẩn thận... hy sinh mọi thú vui, bỏ cả phấn son điểm trang. Lúc sinh nở, người mẹ chịu bao đau đớn đến mức hiểm nguy. Trước đây khi chưa có máy siêu âm, cha mẹ biết bao hồi hộp chờ đợi giây phút trọng đại là lúc đứa con chào đời ; cho đến khi thấy con bình thường, cha mẹ mới yên tâm và bà mẹ mới nở nụ cười mừng rỡ.
2. Cúc là nâng đỡ. Từ “cục thịt” mới chào đời nặng chừng hai ký cho đến ba ký... nuôi nấng cho con lớn, cha mẹ dù nghèo cùng túng bấn cũng mọi cách xoay sở, chạy đôn chạy đáo lo cho con không đủ ăn đủ mặc ; không quản ngại nguy hiểm, chịu trăm bề khổ nhục, có khi bị tù tội, thậm chí làm điều bất nhân bất nghĩa chuốc hậu quả đắng cay cũng cam, miễn sao con được sung sướng ! “Nuôi con chẳng quản chi thân. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”.
3. Phủ là ôm ấp, vuốt ve trìu mến. Để con lớn lên bình thường, cha mẹ không những nuôi con bằng bầu sữa, thức ăn mà đứa con còn tưới tẩm bằng tình cảm thương yêu, trìu mến từ mẹ cha, người thân. Xã hội công nghiệp ngày nay do áp lực đời sống, nhiều trẻ con được mọi tiện nghi mà thiếu sự gần gũi, chăm sóc của cha mẹ, tâm lý bị tổn thương khiến đứa trẻ không phát triển bình thường, dẫn đến trầm cảm, khủng hoản, bất mãn... là nguyên nhân đưa đến bạo động. “Công cha nghĩa mẹ cao dày. Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
4. Súc là bú móm, cho ăn. Trước đây ba bốn mươi năm không bà mẹ nào không cho con bú và nhai mớm thức ăn, sú nước cho con uống. Sữa mẹ không những là thức ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển đứa trẻ mà còn có sức đề kháng hữu hiệu với vi khuẩn xâm nhập cơ thể, giúp sự tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất của em bé được dễ dàng. Cho con bú còn hàm dưỡng ngồn tình cảm, tinh thần người mẹ trao truyền cho con qua cử chỉ nâng niu khi ẵm bồng, khi đưa bầu vú vào miệng con. Do xu thế thời đại bảo vệ sắc đẹp hay không có thì giờ nhiều, bà mẹ ngày nay cho rằng cho con bú không hợp thời, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ. Mặc dù được bồi bổ bằng thức ăn chọn lọc và sau này cao cấp mà trẻ em vẫn thường bị mắc các chứng bệnh về đường ruột, trầm cảm... có nguyên nhân từ không được bú sữa mẹ trong sự yêu thương trìu mến của người mẹ. “Nhớ ơn chín chữ cù lao. Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
5. Trưởng là nuôi lớn. Đây là quá trình đầy gian nan vất vả của cha mẹ nuôi con đến trưởng thành. Có đứa trẻ nào không còi cọc, đau ốm trở mình khóc đêm khiến cha mẹ “năm canh chày thức đủ năm canh”. Con có bề nào cha mẹ mất ăn bỏ ngủ chạy đôn chạy đáo tìm thầy thuốc, không có tiền bạc cũng vay mượn chữa chạy cho con qua khỏi. Tìm trường, chọn Thầy trang bị cho con kiến thức học rộng biết nhiều, có công danh sự nghiệp ; mở mày mở mặt với bạn bè, thiên hạ. Đến lúc con cái trưởng thành cha mẹ lo dựng vợ gả chồng : Con cái nên gia thất trăm bề yên ổn cha mẹ vẫn chưa yên lòng, còn lo toan đến cả cháu chắt. “Mẹ già trăm tuổi tóc sương – Lo con tám chục năm trường chưa yên!”
6. Dục là dạy dỗ. Cha mẹ là người thầy đầu đời về tình yêu thương, sự trìu mến. Tiếng cha, tiếng mẹ... bập bẹ tiếng nói đầu đời, âm thanh biết bao du dương, ấn tượng ! hướng dẫn con những bước chập chững, truyền đạt cho con điếu hay lẽ phải, kiến thức sơ đẳng về thế giới chung quanh. Từ ai nếu không phải cha mẹ ? “Dạy con từ thuở còn thơ – Mong con lanh lợi mẹ cha yên lòng”.
7. Cố là trông nom, đoái hoài. Cha mẹ luôn quan tâm theo dõi con, mỗi bước tiến dù nhỏ bé của con cũng là niềm hạnh phúc lo lớn của cha mẹ. Những bước chập chững đầu tiên, tiếng nói bặp bẹ đầu đời , chứng kiến khả năng đi đứng nói nghe... khác nào điều kỳ diệu. Cha mẹ mới thực sự yên tâm con đủ đầy khả năng bình thường. Một giác quan có thể bị khiếm khuyết là biết mấy bất hạnh thiệt thòi cho con, cũng là nỗi khổ tột cùng của cha mẹ. Vất vả khổ cực đến mấy cha mẹ cũng không từ nan, đêm ngày lo lắng, tìm thấy hỏi thuốc khắp nơi lùng sục chạy chữa cho con.
8. Phục là ôm ấp trở đi trở lại. Để con được sung sướng hạnh phúc, cha mẹ tùy thuộc vào khả năng, năng khiếu của con để uốn nắn, dạy dỗ, hướng con đi vào nghành nghề phù hợp. Tuy thế trong thực tế không phải lúc nào cũng được như ý. Không thiếu trường hợp con cái chống trái cha mẹ, theo sự lôi kéo của bạn bè rơi vào tù tội, ảnh hưởng xấu đến uy tín gia đình. Hoặc giả khi có sự nghiệp con cái bôn ba danh lợi, chạy theo tiếng gọi tình yêu vô tình để cha mẹ già mòn mỏi đợi mong. Thế nhưng cha mẹ nào nỡ từ bỏ con, ngược lại luôn theo dõi bảo bọc chở che dầu con có thế nào. Con đi cải tạo cha mẹ lo lắng xách bới, con còn ngồi tù cha mẹ còn chưa yên! Trường hợp đặc biệt con cái chọn đường tu học giải thoát, cha mẹ thuận phục cho con “Cắt ái ly gia” mà dư luận thế gian cho là không thực hiện nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ. Thật ra mục tiêu học giải thoát của người xuất gia tu hành chân chính gắn liền với hạnh nguyên cứu độ chúng sinh trong đó có cha mẹ, ông bà nhiều đời. Trên cơ sở đó gia đình sẽ an vui, xã hội được ổn định. Qua đó, là người con, bậc tu hành đã thực sự báo đáp thâm ân của cha mẹ, ông bà. “Công cha nghĩa mẹ cao vời – Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta”.
9. Phúc là bao bọc, che chở. Cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con cái, không chỉ trong đời sống vật chất mà cả đời sống tình cảm tinh thấn ; từ đó tạo ra mọi thuận lợi cho con được chấp cánh để bay xa vươn cao. Với duyên lành thuận buồm xuôi gió, con cái đi lên theo tiếng gọi công danh sự nghiệp, có khi bỏ quên cha mẹ. Nhưng nếu gặp khi không may vấp ngã, thất bại trước phong ba bão táp mà con phải quay về... cha mẹ vẫn sẳn sàng dang rộng vòng tay che chở. “Còn cha gót đỏ như son. Mai đây cha mất gót con đen sì !”
Qua đó ta thấy công ơn cha mẹ thật vô cùng to lớn ; nhưng cha mẹ nuôi con không bao giờ kể, không hề mong con đáp trả. Chính vì thế mà lời ca dao của người Trung Hoa cổ đã nói rằng để báo đáp thâm ân cha mẹ, hãy nghĩ đến bầu trời lồng lộng kia là vô cùng. Tuy nhiên người Phật tử có một biện pháp để báo hiếu xứng đáng.
Người con là Phật tử phải ý thức được công ơn cha mẹ. Ở mức độ thế tục, biết công ơn cha mẹ chưa đủ, người Phật tử còn phải biểu hiện lòng hiếu một cách cụ thể qua hành động. Một lời thăm hỏi qua điện thoại nếu ở xa; thường xuyên thăm viếng cha mẹ nếu ở gần. Chỉ đơn giản thế và không mất tiền mua nhưng lại là liều thuốc bổ nuôi dưỡng cha mẹ già. Điều đó ai chẳng làm được? Nhưng buồn thay! ngày nay khó làm, vì sao?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm