Có nên xem kinh sách trong những ngày bất tịnh?
Chính sự an ổn trong tâm hồn sẽ giúp bạn vượt qua bệnh tật và những mặc cảm để sống mạnh mẽ, yêu đời và làm nhiều việc lợi ích cho chính mình, gia đình và tha nhân trong xã hội.
>>Giải đáp những thắc mắc về kiến thức Phật pháp
Hỏi: Cho phép tôi được hỏi vài điều khá tế nhị: người nữ tu có phải đã tịnh thân tức cắt bỏ buồng trứng để không còn kinh nguyệt trước khi đi xuất gia? Hàng tháng, trong những ngày "bất tịnh", tôi có được xem kinh sách không? Tôi không muốn lập gia đình, vậy có nên cắt bỏ buồng trứng để cho thân thể sạch sẽ và tránh đi những nhọc nhằn, đau ốm do những ngày "bất tịnh" gây ra? Nhiều lúc, bệnh tật và buồn chán làm tôi tuyệt vọng muốn kết thúc cuộc đời. Xin hoan hỷ giúp chúng tôi những lời khuyên.
Đáp:
Người xuất gia - dù nam hay nữ - xét về mặt thể chất thì vẫn là một con người bình thường như bao con người khác. Có khác chăng, đó là tâm nguyện cao cả muốn vươn lên làm chủ chính mình, thăng hoa và hướng thượng tâm hồn để được an lạc và phụng sự chúng sanh. Do đó, không có chuyện "tịnh thân-làm sạch" trước khi xuất gia. Vì vậy, chuyện kinh nguyệt đối với người nữ tu là chuyện bình thường như bao người phụ nữ khác.
Là phụ nữ, tất nhiên người nữ tu cũng bị nhiều ảnh hưởng về tâm sinh lý trong những ngày hành kinh. Đó là các triệu chứng bệnh lý như mệt mỏi, đau nhức và phải mất nhiều thời gian cho công tác vệ sinh.
Đồng thời, tâm lý cũng có vài biến đổi như dễ cáu gắt, lo lắng, bực bội, bất an v.v... Trong thời gian hành kinh, thì người nữ tu vẫn sinh hoạt và tu học bình thường. Ở một vài trường hợp, họ có thể được nghĩ tụng kinh, tọa thiền và tham gia công tác trong đại chúng nhưng không có gì quan trọng đối với họ cả.
Do vậy, mỗi lần bạn "gặp kỳ" thì vẫn tham khảo kinh sách bình thường, không có gì trở ngại cả. Tuy nhiên, cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ trước khi cầm đến kinh sách. Còn nếu thấy trong những ngày ấy cơ thể không được khoẻ, tinh thần không sung mãn thì nên nghĩ ngơi, chờ đến lúc "khoẻ mạnh" thì tiếp tục nghiên cứu.
Theo như tâm sự của bạn thì việc muốn cắt bỏ buồng trứng là điều hoàn toàn không nên. Duyên nghiệp và phước báo đã tạo nên người phụ nữ với một cấu trúc đặc thù, mỗi bộ phận cơ thể đều có một chức năng riêng.
Buồng trứng của người phụ nữ ngoài chức năng sinh sản còn có một chức năng khác rất quan trọng là cung cấp tiết tố nữ, nếu thiếu nội tiết tố này sẽ dẫn đến hiện tượng "nam hoá", kèm theo nhiều thay đổi và rối loạn về tâm lý. Chính vì lý do này mà theo luật Phật, người xuất gia nếu "các căn" không đủ thì không được thọ Đại giới. Bởi cơ thể họ đã khiếm khuyết, tâm cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, không đủ thể lực cân đối và tâm lý ổn định để góp phần hàng phục và triệt tiêu phiền não
Mặt khác, bạn còn trẻ, tương lai còn dài nên cần phải chính chắn trước khi đi đến quyết định quan trọng ấy. Đừng để một mai, bạn khỏi bệnh, bạn gặp được một người tri kỷ mà không được làm mẹ là một bất hạnh lớn trong đời! Cắt bỏ buồng trứng là một việc làm bất đắc dĩ, chỉ dùng cho những trường hợp đặc biệt như triệt sản hoặc vì bệnh tật mà thôi.
Bạn không có hứng thú về hôn nhân, đó là sở thích cá nhân của bạn. Tuy nhiên, hôn nhân cũng như bao chuyện khác đều có hai mặt. Có nhiều người có hạnh phúc trong đời sống hôn nhân nhưng đồng thời cũng có nhiều người có hạnh phúc trong đời sống độc thân. Điều quan trọng ở chỗ họ có tìm ra ý nghĩa đích thực của đời sống trong cuộc sống của chính họ hay không. Nếu tìm được cho mình một lối sống lành mạnh, hướng thiện và có ý nghĩa thì vấn đề sống có gia đình hay sống độc thân chẳng có gì quan trọng cả.
Bạn có nghiên cứu giáo lý, kinh sách và tu tập nhưng bạn giác ngộ chưa nhiều. Làm người ai mà không có nỗi khổ, sự khác biệt giữa họ là khổ nhiều hay ít mà thôi. Là người đệ tử Phật có tu học phải thấy được điều đó để phấn đấu vươn lên.
Bệnh tật và thể chất ốm yếu, phương pháp trị liệu không khó; nhưng tâm bệnh, tinh thần sa sút, bi quan, thiếu tự tin vào chính mình thì rất khó trị liệu. Trước mắt, bạn phải ứng dụng ngay lời Phật dạy vào trong đời sống của bạn. Cuộc đời là vô thường, chuyện còn mất hay sinh tử là lẽ tất yếu. Cuộc đời là bể khổ, ai cũng có nỗi khổ riêng chứ không phải chỉ một mình khổ. Phải nhìn xuống dưới để thấy được có biết bao người còn bất hạnh hơn mình.
Tuy nghiệp lực của mình còn nặng nên gặp nhiều bệnh tật và buồn phiền nhưng mình vẫn còn phước báo được sống và tu học. Được làm thân người là điều may mắn, Phật dạy được làm thân người còn khó hơn một con rùa sống trong đại dương, ba trăm năm mới ngoi lên mặt nước một lần mà đầu lọt vào lỗ thủng của một khúc gỗ lênh đênh trên biển. Do đó phải biết trân quý và giữ gìn đời sống và thân mạng của chính mình.
Đạo Phật không chấp nhận tự vẫn, tự sát trừ những sự hy sinh cao cả để bảo vệ đạo pháp hoặc cứu độ chúng sanh. Tự sát là một hành động trốn tránh nghiệp lực của chính mình nhưng không thể được, đồng thời lại tạo thêm trọng nghiệp giết hại chính bản thân mình.
Bạn phải tự đứng dậy trên đôi chân yếu ớt của mình, dưới sự soi sáng và che chở của giáo lý đức Phật. Bạn nên tập thể dục hoặc dưỡng sinh và kết hợp với điều trị để từng bước phục hồi sức khoẻ. Bên cạnh đó, phải nỗ lực tu học.
Có thể bạn không cần phải học nhiều mà chỉ cần tập trung vào tu tập một pháp môn nào đó mà bạn cảm thấy phù hợp với mình. Bạn cần nương tựa một vị thầy có kinh nghiệm để được hướng dẫn cụ thể. Nếu bạn tu tập đúng pháp, thì một thời gian sau, nghiệp lực của bạn nhẹ đi. Bạn sẽ tìm lại được sự bình an, niềm tin vào cuộc sống.
Chính sự an ổn trong tâm hồn sẽ giúp bạn vượt qua bệnh tật và những mặc cảm để sống mạnh mẽ, yêu đời và làm nhiều việc lợi ích cho chính mình, gia đình và tha nhân trong xã hội.
(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)
Hiền Ngu - Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm