Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 08/11/2023, 08:34 AM

Con đường truyền thông với năng lực siêu nhiên của Đức Quan Âm

Tinh ba của đạo Phật đã thể hiện rõ nét khi đề xướng Phật tánh hay chân tánh của con người, theo đó không có tướng nam nữ, không có tướng già trẻ, không có tướng sang hèn...

Bồ Tát Quán Thế Âm

Bồ Tát Quán Thế Âm

Nói chung là không có hình thái cố định đối với người tu đắc đạo, vì họ đã giải thoát khỏi sự chi phối của định luật của định luật thiên nhiên và xã hội. Với tâm trí sáng suốt, thấy đúng mọi việc, nên tùy theo yêu cầu của xã hội mà Bồ-tát xuất hiện với thân hình tương ưng thích hợp để thể hiện lòng từ bi, cứu nhân độ thế.

Đức Quan Âm chính là vị Bồ-tát tiêu biểu rõ nét tinh thần này qua 32 ứng hiện thân của Ngài trên cuộc đời. Bồ-tát Quan Âm có thể hiện thân cao quý nhất là Phật thân để khai ngộ cho những bậc đại nhân, hoặc hiện thân Thanh văn thể hiện Tứ Thánh đế một cách siêu tuyệt để giúp người tu vượt qua được những vướng mắc của ngữ ngôn văn tự, tâm trí được lắng yên và lên bờ giác.

Hoặc Ngài hiện thân người lãnh đạo anh minh, tài giỏi, giữ vững biên cương, làm cho dân chúng được an lạc; thậm chí Đức Quan Âm còn xuất hiện thân tầm thường như trẻ con. Tất cả hiện thân của Ngài chỉ để đáp ứng yêu cầu của mọi người ở mọi lãnh vực. Ngay cả với những mong ước rất đời thường của con người là sinh được con trai, hay con gái, Ngài cũng sẵn lòng dang tay giúp đỡ, nhất là cứu người thoát khỏi những tai nạn hiểm nguy trong cuộc sống, được kinh Phổ môn ghi là “thất nạn nhị cầu”.

Vì thường xuyên ở Ta-bà cứu khổ độ sinh, nên Bồ-tát Quan Âm phải có 32 hiện thân tiêu biểu cho năng lực vô cùng ở mọi dạng thức; còn có một thân, một dạng cố định tất nhiên việc làm phải bị giới hạn.

Quan Âm Bồ-tát được tôn thờ, kính lễ vì Ngài làm được vô số việc khó làm. Đức Phật Thích Ca cho biết Bồ-tát Quan Âm là một vị cổ Phật hiện thân làm Bồ-tát. Trong khi Bồ-tát mới phát tâm vừa hành đạo, vừa rút kinh nghiệm và phải nương theo các Bồ-tát lớn để tu tạo công đức, nhưng chỉ làm được một số việc mà thôi. Còn Bồ-tát thành Phật rồi hiện thân lại cứu độ chúng sinh thì việc gì cũng làm được. Đức Quan Âm là Chánh Pháp Minh Như Lai ở Tịnh độ, nhưng Ngài hiện thân làm Bồ-tát lóng tai nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh ở Ta-bà có nhân duyên căn lành với Ngài để cứu giúp nên có tên là Quán Thế Âm.

Có nhân duyên căn lành với Đức Quan Âm nghĩa là có niềm tin sâu sắc với Ngài, có độ cảm tâm mãnh liệt với Ngài và tâm trí luôn nghĩ nhớ đến công hạnh của Ngài, thì cầu Ngài gia hộ mới có kết quả. Thật vậy, Bồ-tát Quan Âm ở thế giới Tịnh độ, tâm Ngài ly trần, sáu trần hoàn toàn không tác động đến Ngài. Nếu chúng ta dùng thanh trần mà kêu Ngài, chắc chắn không được, nhưng Ngài nghe được tâm tha thiết kính trọng của chúng ta, chúng ta chỉ tương thông được với Ngài qua tâm thành và thanh tịnh.

Vì vậy, người niệm Quan Âm rất nhiều, nhưng không phải ai cũng được Ngài cứu. Theo tôi, Bồ-tát cứu giúp nếu chúng ta bị hàm oan, còn tội thiệt thì không cứu được. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tạo tội thật sự đáng chết, nhưng Bồ-tát cũng cứu để họ tu hành, lập công chuộc tội. Thứ hai là bị tai nạn, nhưng nhờ đã tạo một công đức nào đó, mới được cứu.

Điển hình như Hòa thượng Thiện Hào kể cho tôi nghe rằng thuở sanh tiền, vào giai đoạn ngài làm trụ trì chùa Giác Ngạn. Thời đó, ông Nguyễn Văn Tâm làm Tổng trưởng An ninh của chính quyền Pháp, ông đã ra lệnh phòng Nhì đến bắt Hòa thượng. Nhưng bà vợ của ông nghe được tin này, liền đem xe công an Pháp đến chùa chở Hòa thượng xuống Mỹ Tho trốn thoát. Thiết nghĩ Bồ-tát Quan Âm đã tác động đến bà này, hay nói cách khác, bà này là hiện thân của Đức Quan Âm trong đúng công việc cứu Hòa thượng. Không phải Quan Âm cỡi rồng xuống cứu.

Và quan trọng nhất là những ai một lần được Đức Quan Âm gia hộ thì cuộc đời họ sẽ từng bước phát triển tâm từ và làm lợi ích cho người. Đó chính là hình ảnh Bồ-tát Quan Âm cao quý mà chúng ta kính lễ, tôn thờ.

Từ biểu tượng Quan Âm có quyền năng vô hạn mà chúng ta kính ngưỡng, tôn thờ, trở lại thực tế cuộc sống, quan sát sinh hoạt xã hội, theo tôi, bất cứ người nào dù khoác áo hình thức nào, nhưng mang lại an vui cho đời và giúp đỡ người vượt qua những khó khăn hiểm nguy, thì người đó chính là thị hiện của Bồ-tát Quan Âm.

Và càng kính lễ Bồ-tát Quan Âm, bước theo dấu chân Ngài, chúng ta càng nuôi lớn tâm từ bi, hạnh từ bi của chính mình. Đó thật sự là con đường truyền thông nối liền chúng ta và Bồ-tát Quan Âm trong Pháp giới, là nhịp cầu trợ giúp chúng ta tiếp nhận được năng lực siêu nhiên của Đức Quan Âm. Nhờ sự gia bị của Ngài, chúng ta mới dễ dàng thành tựu những việc làm lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo, những việc thật khó khăn vượt ngoài khả năng và suy nghĩ của con người bình thường.

Vì vậy, có lúc nhận thấy một người rất tầm thường, nhưng họ lại làm được việc phi thường. Và sau đó, họ lại sinh tâm cao ngao, tự cho rằng mình tài giỏi, tự làm được, thì Phật lực, Bồ-tát lực không gia bị nữa và niềm tin của họ đối với Phật, Bồ-tát không còn. Phạm sai lầm này, họ rơi trở lại thân phận con người tầm thường, chẳng làm nổi việc gì dù nhỏ nhất.

Trì tụng Pháp hoa, chúng ta cần suy nghĩ, tìm hiểu hành trạng của chư vị Bồ-tát. Học theo hạnh nguyện của các Ngài, tâm hồn chúng ta sẽ giống các Ngài, suy nghĩ giống và áp dụng được hạnh đức của các Ngài thì hành động và việc làm của chúng ta cũng giống các Ngài. Học hạnh Bồ-tát để tự trang nghiêm thân tâm như vậy, chúng ta sẽ thành tựu công đức, là người khách quý mà chúng sanh hằng mong đợi.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tâm lìa tướng ngôn ngữ

Kiến thức 13:20 14/11/2024

Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn.

Cháo và trà

Kiến thức 10:24 14/11/2024

Thiền sư Triệu Châu rất chú trọng Phật giáo trong sinh hoạt, sư ở bất cứ nơi nào cũng thể hiện thiền phong trong cuộc sống sinh hoạt.

Tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần

Kiến thức 09:30 14/11/2024

Phật giáo đời Trần thật xứng đáng với vai trò của hệ tư tưởng chủ đạo tích cực và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời đại, phù hợp với truyền thống yêu nước, tạo nên một triều đại vàng son trong lịch sử nước nhà.

Thấy rõ sự thật về già bệnh để không quá buồn lo

Kiến thức 09:15 14/11/2024

Trải qua thời gian thân này bị già là sự thật tất yếu. Già suy thì bệnh tật phát sinh cũng là tất nhiên. Ai rồi cũng như vậy, mọi sự vật hiện tượng đều như thế. Vậy thì chấp nhận sẽ an yên hơn chạy trốn hay chối bỏ hoặc lo sầu.

Xem thêm