Cư sĩ có nên đọc giới luật của hàng xuất gia?
Hỏi: Vừa qua, tôi có thỉnh quyển Sa di luật giải về nghiên cứu học hỏi nhưng rất băn khoăn không biết hàng Phật tử tại gia có được phép tìm hiểu giới luật của người xuất gia không? Một số người nói cho tôi biết rằng, người cư sĩ tìm đọc giới luật của hàng xuất gia là mang tội. Điều ấy đúng không?

Đáp:
Đối với hàng Phật tử mới sơ cơ nhập đạo, điều cần yếu trước mắt là phải học tập giáo lý và những lễ nghi căn bản để ứng dụng tu tập nhằm trau dồi đạo đức, tăng trưởng niềm tin và nâng cao nhận thức, hiểu biết về Chánh pháp. Do đó, tham dự các khóa học giáo lý tại chùa, các đạo tràng hay tự tìm đọc, nghiên cứu kinh sách Phật giáo là điều đáng ca ngợi và cần làm.
Tuy nhiên, việc tìm hiểu, học tập và nghiên cứu giáo pháp cũng như tất các chuyên ngành khác cần phải theo thứ lớp, tuần tự từ thấp đến cao. Nếu không đi theo trình tự này sẽ mất căn bản và không thể hiểu được giáo pháp. Đối với hàng Phật tử mới quy y Tam bảo và thọ trì năm giới, trước tiên, phải tìm hiểu về ba pháp quy y và năm giới đã phát nguyện thọ trì. Đây là nền tảng quan trọng cho sự tu tập. Tìm hiểu và thực tập để thực sự trở về nương tựa ba ngôi báu Phật Pháp Tăng và hoàn thiện nhân cách đạo đức của người Phật tử thông qua việc giữ gìn trọn vẹn năm giới là cả một quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng.
Kế đến là học thuộc các kinh sám trong kinh Nhật tụng để trì tụng cùng đại chúng ở chùa, đạo tràng hoặc tự trì tụng tại tư gia. Tiếp theo là từng bước học các giáo lý nền tảng như Nhân quả, Nghiệp báo, Tứ diệu đế, Bát Thánh đạo, Duyên khởi, Bố thí cúng dường… và lịch sử Đức Phật Thích Ca, các vị Thánh tăng, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sau đó, lần lượt tìm hiểu và ứng dụng các pháp môn tu tập như Thiền định, niệm Phật v.v… để thực hành trong đời sống hàng ngày. Đây là những nét đại cương của lộ trình học Phật cho hàng Phật tử tại gia.
Đối với vấn đề tìm hiểu giới luật của hàng xuất gia, thực ra giới luật hay Luật tạng Phật giáo là công truyền, không phải bí truyền, không chỉ dành riêng độc quyền cho hàng xuất gia học tập. Mặt khác, nội dung Luật tạng vốn đã có mặt rải rác trong kinh điển. Nghiên cứu đại tạng kinh sẽ biết được rất nhiều điều luật do Đức Phật chế định cho các Tỷ kheo.
Vì thế, về nguyên tắc, ai cũng có thể tìm hiểu giới luật hay Luật tạng, vốn phần lớn liên hệ đến người xuất gia. Đành rằng, hiện vẫn tồn tại quan niệm “người cư sĩ đọc giới luật của người xuất gia là mang tội” (có thể ảnh hưởng quan điểm của Luật sư Hoằng Tán [1611-1685], Trung Quốc) nhưng sự thực không hẵn như vậy (HT.Thích Phước Sơn, Giới luật công truyền hay bí truyền?). Như vậy, không có gì ngăn cản hay trở ngại việc Phật tử tìm hiểu Luật tạng Phật giáo. Nhưng điều đáng nói ở đây là bạn đang ở giai đoạn sơ cơ nên nghiên cứu luật Sa di của người xuất gia là không phù hợp, không cần thiết và không mang lại lợi ích thiết thực. Do đó, bạn không nên nghiên cứu tác phẩm này mà cần tìm đọc những kinh sách hoặc giáo lý căn bản như đã nói ở trên để được lợi ích hơn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Lần thứ hai Ma Vương tìm cách phá hoại Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra sao?
Hỏi - Đáp
Hỏi: Lần thứ hai Ma Vương đã tìm cách phá hoại Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra sao?

Bản kinh ngắn, dễ hiểu dành cho Phật tử tụng kinh cầu an đầu năm
Hỏi - Đáp
Hỏi: Tôi muốn tụng kinh cầu an đầu năm tại tư gia để cầu nguyện gia đạo an lành. Tuy nhiên vì không có nhiều thời gian cũng như không rành rẽ các pháp thức kinh kệ nên tôi chỉ muốn tụng đọc bình thường những bản kinh ngắn, dễ hiểu, dễ thực hành.

Vì sao đầu năm cầu an cần tụng kinh, niệm Phật Dược Sư?
Hỏi - Đáp
Vì sao đầu năm các chùa thường tụng kinh Dược Sư để cầu an? Tôi muốn trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư để được gia hộ. Xin cho biết nên trì niệm danh hiệu nào vì Phật Dược Sư có nhiều danh hiệu và ý nghĩa của danh hiệu cùng công năng của việc trì niệm Phật Dược Sư.

Vào chùa nên đi lối nào và đứng ở đâu để khấn nguyện?
Hỏi - Đáp
Vấn: Xin thầy cho con biết vào chùa con nên quỳ hoặc đứng ở đâu là đúng nhất khi thắp nhang và khấn nguyện? Vào chùa con nên đi cửa nào vào là đúng? Có bạn bảo là không được đi bằng cửa chính vì chỉ dành cho các thầy hay để cử hành lễ nhưng nếu chùa có một cửa thì phải làm sao?
Xem thêm