Đạo và đời (2)
Trong khi cái lý của đạo là buông ra thì cái lẽ của đời là ôm vào, cái lý của đạo là tĩnh cái lẽ của đời là động, là lao đi không mệt mỏi trong cuộc truy tìm hạnh phúc.
Đạo có cái lý của đạo, đời có cái lẽ của đời.
Cái lý của đạo là chân lý, tự tại: Khổ,Tập, Diệt, Đạo.
Cái lẽ của đời là sống với sự thành đạt, giàu có, an hưởng cuộc sống đầy đủ, thỏa mãn những nhu cầu vật chất, tinh thần. Đó là những ước muốn thiết thực của tất cả mọi người. Và trong cái lẽ đó, con người thường xuyên đi qua những chật vật, những nỗi khổ, phiền não, bệnh tật, tai ương, hoạn nạn...Và họ xem đó là định mệnh của mỗi người.
Có chăng một định mệnh?
Và để cho cái định mệnh khắc nghiệt không đến với mình, họ cầu cúng, van xin, mong cầu tha lực để chuyển đổi số mệnh. Họ thường xuyên đến các chùa, chăm làm công quả, chăm làm từ thiện. Họ cúng vong để giải oan gia trái chủ, cố làm công đức để thay đổi định mệnh. Họ làm tất thảy mọi điều để cố đạt được ước nguyện. Khi đạt được ước nguyện, họ càng cố giữ gìn thành quả. Để giữ thành quả thì việc phân phối lại giống như một phương cách “hối lộ” người trên. Thành quả càng lớn càng lo lắng bất an, càng cố níu giữ, sợ sẽ mất đi bất cứ lúc nào. Khi đó, cái mất đi có thể làm cho họ lồng lộn, tức tối hơn là mừng vui với cái tìm được, dù cùng giá trị.
Trong khi cái lý của đạo là buông ra thì cái lẽ của đời là ôm vào, cái lý của đạo là tĩnh cái lẽ của đời là động, là lao đi không mệt mỏi trong cuộc truy tìm hạnh phúc.
Alexander đại đế, con người từng chinh phạt thế giới, hấp hối lúc tuổi đời còn xanh, trên đường chinh chiến đã để lại 3 ước nguyện:
1. Cho ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ông. Để người đời sau hiểu rằng dù là ngự y giỏi nhất cũng không cứu sống ông được.
2. Rải tất cả vàng bạc kim cương trên đường đến huyệt mộ. Để minh chứng cho của cải cũng chỉ là phương tiện lót đường.
3. Bỏ thõng hai tay ông ra ngoài cổ áo quan. Để hai tay phất phơ trong gió, minh chứng cho việc ông ra đi hoàn toàn với hai bàn tay trắng.
Trước cái chết, con người chợt bừng ngộ nhiều điều.
Trong chuyện những người quanh tôi, tôi có trình bày về hành vi, tính cách, số phận. Mọi cuộc đời đều có một lập trình do chính họ thiết lập từ nghiệp của Thân - Khẩu - Ý.
Đức tin về số mệnh cũng chính là 10 ngụy tín mà Đức Phật đã nêu trong lòng tin chân chánh. "Này các Kàlàmà! Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì nghe truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền, chớ có tin vì bậc sa môn là đạo sư của mình v.v..”
Đáng tiếc, do mê muội mà con người cứ nhắm mắt tin theo, bỏ qua lời cảnh báo "nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”.Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
Sự khủng hoảng lòng tin chính là lý do mà người đời tìm đến tôn giáo. Sẽ có hai cách để thỏa hiệp (Tất nhiên chỉ thỏa hiệp thôi chứ đã nhập dòng thánh thì chẳng có gì để nói). Một là “kéo” đạo về với đời, thay đổi, chuyển những luận thuyết thô cứng cho phù hợp với đời sống nhiều dục lậu, khổ ãi, phiền não. Hai là đem đời về gần với đạo để xoa dịu những nỗi khổ mà Đức Phật đã tuyên ngôn sau khi chứng đắc.
Chúng ta có thể thấy cả hai hiện tượng thỏa hiệp trong đời sống hàng ngày.
Đời sống với sự vô minh, u mê, đầy những ngụy tín, tham đắm, đầy dục lạc. Cái nào cũng đáng yêu, cũng đem lại nhiều thích thú, khoái cảm, cho dù các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau. Ấy thế mà vẫn không thể dứt bỏ được. Ấy thế mà vẫn cứ huân tập vào. Và chính vì vậy, đạo được kéo vào đây, đạo phải thích nghi để thỏa mãn tham đắm, dục lạc, mê muội. Đạo trở thành mê tín, đạo trở thành thần quyền, ban phước, giáng họa, trở thành “người trên” để nhận bổng lộc dâng cúng, hối lộ. Và con đường “hành pháp” của đạo là chức sắc tôn giáo, là nhận cúng dường để nhiệt tâm làm Phật sự. Con đường làm chức sắc tôn giáo hấp dẫn hơn cả việc làm công chức, làm cán bộ cao cấp. Bởi đơn giản, làm cán bộ, nhận hối lộ rồi sẽ đến lúc nhận lấy kết cục bi thảm, vào tù ra tội. Còn chức sắc thì không bao giờ, do đàn na thí chủ tự dâng cúng. Chính vì vậy mà giáo pháp của đức Phật chẳng khác gì một hạt giống được gieo trên đất và từ đó đâm chồi nẩy lộc thành một cội cây đầy đủ gốc, cành, thân lá. Đứng trước cội cây đó, mỗi người một cách chọn lựa: kẻ thích gốc, người thích cành...Cứ cái nào tiện thì ta hái về dùng, Pháp Phật biến tướng, đủ thứ pháp môn được sinh từ đây. Thậm chí, người ta sẵn sàng vẽ ra, hư cấu ra vị tổ sư một phái thiền.
Thỏa hiệp thứ hai dễ chấp nhận hơn: Mang đời về gần với đạo. Khi thiện pháp được gìn giữ, hạnh và đức được nêu cao, người đời biết quí trong nhân nghĩa, hiếu đạo. Cuộc sống ngoài những nổ lực vượt qua khốn khó, kiếm tìm cho mình đời sống đầy đủ, cân bằng vật chất - tinh thần việc hành thiện hoàn toàn do tâm từ bi, chia sẻ với nỗi đau khổ, thiếu thốn của đồng loại trước thiên tai, hạn hán. Cùng là việc hành thiện nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Đồng tiền cho đi, đó là sự sẻ chia, không tính toán khác với những thương vụ đầu cơ, mong tạo một vòng quay danh - lợi, đồng tiền trong những thương vụ lúc này được cân nhắc đặt đúng chỗ, đúng chùa được nhắm vào sự tăng trưởng khi nó quay vòng trở lại.
Như đã nói, mỗi cuộc đời đều được lập trình từ Thân - Khẩu - Ý, không có định mệnh. Mọi ác nghiệp đều có thể chuyển dịch, thay đổi, cài đặt lại để khi về đến chặng cuối của cuộc đời an nhiên, tự tại sang thế giới bên kia nhẹ nhàng thanh thản. Rất nhiều những chức sắc tôn giáo, dù chưa chứng đạt đạo vô thượng bồ đề, nhưng sống trong môi trường thiện pháp, hướng tâm chúng sinh về với cái lý của đạo, tạo môi trường thiện nghiệp, giữ gìn nhân luân, đạo lý, chuẩn bị cho cuộc tái sinh trong từ trường thiện ấy.
Song cũng có rất nhiều, nhiều vô số kể những người được thừa tự nghiệp lành đời trước nay trở thành bậc chức sắc cao cấp trong tôn giáo, trở thành cán bộ nhiều quyền lực trong tay, trở thành người thành đạt, trở thành bậc đại gia...họ tạo thành một vòng tròn “kẻ nhận hối lộ” “người đưa hối lộ” trong cái cơ chế tâm linh ám muội, vô minh, đầy những mê tín, thần quyền, đầy những hiểm họa. Trong cái vòng tròn ấy, nhiều kẻ tham nhũng đã vào tù, đã đứng trước vành móng ngựa. Và cũng có vài bậc tôn túc Hòa thượng đổ nhào, trượt khỏi vị trí béo bở ngày nào mà chúng sinh còn cung kính, cúi rạp người hôn chân sư thầy.
Quả rồi sẽ hóa thành nhân. Nhân rồi sẽ lại thành quả. May mắn hôm nay thuộc về những người được thụ hưởng phước hữu lậu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm