Làm cách nào để tạo số mệnh của mình?
Tất cả chúng ta hãy nên hồi quang phản chiếu và tự hỏi: Từ khi sanh ra đến nay, chúng ta đã làm những gì? Làm nhiều việc thiện hay nhiều việc ác? Ta có làm nhiều lợi ích cho người hay là đã hại họ nhiều hơn?. Chúng ta hãy tự kiểm điểm.
Có câu kệ rằng:
"Quân tử có cái học tạo mệnh,
Mệnh do mình lập,
Phước do mình cầu.
Phước họa chẳng có cửa vào,
Chỉ do mình tự chiêu cảm.
Thiện ác báo ứng
Như bóng theo hình."
(1) Tại sao bảo rằng bậc quân tử có thể kiểm soát vận mạng của mình? Khâu Trường Xuân, vị tổ sư Đao giáo, một trong bảy vị chân sư Đao giáo (Thất Chân), đáng lẽ là số bị chết đói nhưng nhờ ông tu hành tinh tấn, cho nên không những không bị chết đói mà còn trở thành một trong những vị thiên tiên siêu việt nhất.
Có những người sanh ra số nhà nghèo, nhưng do họ làm nhiều việc thiện nên sau này trở nên giàu có. Mục đích chúng ta không phải là làm giàu nhưng phần lớn người ta cho rằng người giàu phải là hạnh phúc. Tại sao làm giàu không phải là mục đích tối hậu của chúng ta? Mục đích tối hậu chúng ta là thật sự hiểu rõ ràng, như thế chúng ta đã không uổng phí một kiếp người. Nếu quý vị thiếu hiểu biết, quý vị không làm chủ được sự sanh ra của mình, và sanh ra trong hồ đồ. Quý vị cũng không thể kiểm soát được cái chết của mình, quý vị cũng chết trong hồ đồ. Cho dù có giàu có công danh, vinh hoa phú quý bao nhiêu, tất cả đều vô ích.
Nhưng nếu quý vị hiểu rõ, quý vị sẽ có được tự do về sanh tử. Nếu quý vị muốn sống, quý vị có thể sống đến 800 tuổi. Nếu quý vị muốn chết thì quý vị có thể chết bất cứ lúc nào không trở ngại. Đó là tự do về sanh tử. Đạt được tự do sanh tử là một điều tối quan trọng. Từ xưa đến nay, người ta đã quên đi điều này khi đeo đuổi sự giàu sang và phú quý, họ sống cuộc đời như trong cơn say, chết đi như trong giấc mộng, suốt đời sống hồ đồ.
Không có ai ý thức được vấn đề này. Bây giờ trong thời đại không gian, chúng ta nên nghiên cứu lại việc này. Trên thế giới hiện nay các bệnh AIDS và ung thư đang phổ biến. Đó chính là những hình thức của quả báo, cho thấy ngiệp báo của chúng sanh rất là trầm trọng. Những tội ác của chúng sanh về sát sanh, trộm cắp, tà dâm và nói dối rất nặng nề. Quả báo từ việc uống rượu hay dùng ma túy cũng rất nặng. Cho nên đã có rất nhiều các bệnh quái lạ không có thuốc chữa xuất hiện. Đó chính là hiện thân thuyết pháp cho người ta mau đắc trí huệ chân chánh và đừng làm các chuyện hồ đồ nữa.
Nếu quý vị có thể tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng chất say thì dù quý vị nói gì, những lời quý vị nói ra đều linh nghiệm. Quý vị không cần phải trì bất cứ loại Chú nào hay lạy đức Phật nào, nếu quý vị có thể giữ được năm giới thì những gì quý vị nói đều linh nghiệm. Để tôi nói cho quý vị biết, tôi vốn không có tài năng bản lãnh gì, nhưng từ khi sanh ra, tôi đã không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối hay uống rượu. Cho nên bất kỳ tôi đi đến đâu, tôi nói cái gì cũng đều thành linh nghiệm.
Khi tôi đến Hồng Kông vào năm 1949, tôi cất một cái am nhỏ và trồng đu dủ, trúc, cái loại cây và nhiều bông hoa bên bờ núi gần thôn Mã San ở Tây Loan Hà. Trái đu đủ cũng rất là ngọt. Nhưng vào một năm nọ, có cơn bão lớn thổi đến làm hư hại hết các cây cối, hoa quả. Lúc đó tôi thấy hơi khó nhịn nên đã nổi nóng với ông Trời. Tôi đưa tay chỉ lên Trời và nói, "Thiên Đế, nếu Ngài biết Hồng Kông sắp bị bão lớn, thì tôi mong là hễ ngày nào tôi còn ở đây thì Hồng Kông sẽ không có bão lớn. Nếu Hồng Kông mà bị bão lớn đánh vào, tôi nói thẳng là tôi sẽ không khách sáo với Ngài đâu."
Sau khi tôi nói xong, thì thật kỳ lạ là mỗi khi đài thiên văn khí tượng báo tin Hồng Kông sắp bị bão và các tín hiệu báo động được phát ra thì cơn bão khi đến gần Hồng Kông chỉ còn cách 4 đến 6 dặm thì bão lại chuyển hướng đi hướng khác. Tôi sống ở Hồng Kông trên mười năm và không hề có một cơn bão nào nữa xảy ra. Nhưng có một lần tôi đi Úc một tháng, Hồng Kông bị bão tàn phá. Đường xá đầy các tấm bảng quảng cáo bị gió thổi sập. Số người bị thương vong rất nhiều và sự thiệt hại về tài sản cũng không tính xuể. Điều này chứng minh cho thấy là vì tôi không hề vọng ngữ nên ngay cả Thiên Đế cũng không dám xem thường lời nói của tôi. Khi tôi đã rời Hồng Kông đi Mỹ, thì có cơn lũ ở Hồng Thủy Kiều tại Hồng Kông khiến 150 hay 160 người chết đuối, và ngoài ra cũng có nhiều bão lớn. Tôi nói cho quý vị nghe về những kinh nghiệm quá khứ này của mình là để hy vọng tất cả quý vị sẽ không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng chất say. Nếu quý vị tuân theo, thì bất kể chuyện gì xảy ra, quý vị suốt đời sẽ được các vị Thiên Long Bát Bộ và tất cả thiện thần hộ pháp đều bảo vệ quý vị. Mọi việc đều sẽ được cát tường như ý.
Nếu người chân thật tu hành, mọi vấn đề đều được giải quyết. Chúng ta trước hết phải làm người tốt, sau đó chúng ta mới nghĩ đến việc thành Phật. Chúng ta không nên quên gốc rễ làm người của mình, đó là Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ (2). Những đức hạnh này là tinh hoa của văn hóa Trung Hoa, cho nên cho dù chúng ta sống ở hải ngoại, là người Trung Hoa chúng ta nên làm gương tốt cho nhân loại. Chúng ta nên làm tốt bổn phận làm người. Chúng ta vốn có nhân duyên với nhau nên tôi nói với quý vị với hết cả tấm lòng.
Chúng ta không nên xem trọng đồng tiền. Tiền cũng không hơn gì phân hay cát bụi. Chúng ta nên làm việc dựa trên di sản văn hóa Trung Hoa là Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ; cùng với Nhân, Nghĩa, Đạo và Đức. Đó là căn bản của con người.
(Buổi thuyết pháp của HT Tuyên Hóa ngày 22/12/1990 tại Hội Quán Hậu Duệ Trung Hoa tại Paris, Pháp).
Ghi chú:
(1) Nguyên văn Hoa ngữ:
君子有造命之學,
命由我立,福由己求。
禍福無門,
唯人自召;
善惡之報,
如影隨形。
Quân tử hữu tạo mệnh chi học,
Mệnh do ngã lập,
Phúc do kỷ cầu。
Họa phúc vô môn,
Duy nhân tự triệu;
Thiện ác chi báo,
Như ảnh tùy hình。
(2) Bát Đức - Tám đức tính căn bản làm người:
Hòa thượng Tuyên Hóa giảng:
Khi Khổng Tử soạn Thi thư, định Lễ nhạc, thì Ngài có quy định mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè. Bàn về năm mối quan hệ đó, Ngài dạy rằng vua tôi phải có Nghĩa, cha con phải có Thân, vợ chồng phải có Biệt, anh em phải có Bậc, bạn bè phải có Tín. Ngài lại giảng về tám đức: Hiếu, Ðễ, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Liêm, Sỉ, và dùng tám đức này để duy trì quy củ trong xã hội.
1. Hiếu: tức là hiếu thảo. Hiếu thảo với cha mẹ là điều căn bản làm con. Hiếu thảo nghĩa là báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, hiếu thảo cũng có nghĩa là biết vâng lời cha mẹ chỉ dạy.
2. Ðề: tức là kính trọng. Kính trọng người lớn hơn mình vì mình làm em nên có bổn phận phải kính trọng anh chị mình.
3. Trung: tức là trung thành. Hết lòng trung thành với đất nước của mình, đó là trách nhiệm của người công dân, có tận trung thì mình mới báo đền được công ơn của đất nước.
4. Tín: tức là tín nhiệm. Ðối với bạn bè phải có tín nhiệm, hứa với bạn chuyện gì thì phải làm chuyện đó, không thể thất tín, sai hẹn.
5. Lễ: tức là lễ phép. Ðối với người, mình phải có lễ phép, phải hết sức khiêm nhường. Nếu không có lễ thì mình chỉ là thú vật mà thôi. Cho nên các bạn nhỏ, khi gặp các thầy cô thì phải biết chào hỏi, về nhà gặp cha mẹ phải biết lễ phép.
6. Nghĩa: tức là nghĩa khí. Thấy điều gì có nghĩa thì phải dũng cảm mà làm. Khi thấy ai gặp tai nạn thì mình phải tận lực giúp đỡ, giải quyết vấn đề giúp họ. Với bạn bè thì mình phải có đạo nghĩa ; khi giúp ai không cần có điều kiện gì cả, tuyệt đối không có tâm mưu đồ mong đền ơn đáp nghĩa.
7. Liêm: tức là liêm khìết. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn hưởng tiện nghi. Hơn nữa mình phải có tinh thần chí công vô tư, và biết quên mình mà làm chuyện ích chung.
8. Sỉ: tức là hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình thì tuyệt đối chẳng làm. Con người nếu không biết hổ thẹn thì giống như cầm thú vậy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm