Mùa Phật đản an lạc, đồng hành với dân tộc
Lễ Phật đản năm nay được tổ chức gọn nhẹ, không tập trung đông người, không đoàn xe rước. Đó là chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời lan tỏa tinh thần đồng thuận xã hội của Đức pháp chủ.
Mùa Phật đản giãn cách
“Lễ Phật đản năm nay tổ chức gọn nhẹ, không lễ đài, không tập trung đông người, không có đoàn xe hoa rước cũng không tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng thu hút đông người”, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nêu. Giáo hội có Thông tư, văn bản hướng dẫn các Ban trị sự GHPGVN, chùa, cơ sở tự viện thực hiện mùa Phật đản an lạc trong thời giãn cách xã hội.
Hôm 30/4, tất cả trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chùa, cơ sở tự viện đồng loạt cử ba hồi chuông trống Bát nhã, tụng nghi thức Khánh đản và kinh Chuyển pháp khởi đầu tuần lễ cầu quốc thái dân an, mừng Phật đản. Lễ tắm Phật tại các chùa được thực hiện trang nghiêm, đảm bảo không tập trung quá đông người (không quá 30 người). Giáo hội cũng khuyến khích các chùa tổ chức đại lễ Phật đản trực tuyến để đảm bảo giãn cách, Phật tử có thể theo dõi trên các nền tảng số.
Thông điệp ý nghĩa của Phật đản 2020
Ngày chính lễ Phật đản rằm tháng Tư (7/5) được tổ chức trang trọng tại chùa Quán Sứ-trụ sở của GHPGVN. “Nghi lễ cử hành trang nghiêm, truyền hình trực tiếp trên các kênh của An Viên, VTV cab, các nền tảng số để người dân theo dõi lễ Phật đản ấm áp, đúng tinh thần Chỉ thị 19 của Chính phủ trong thời dịch bệnh COVID-19”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi tổ chức Phật đản quy mô lớn nhất nước, năm nay không có lễ đài. Trụ sở của Giáo hội cũng chỉ chăng cờ, treo băng rôn phía ngoài.
Một số nơi như Tam Chúc, Yên Tử sớm tổ chức nghi lễ tắm Phật truyền thống theo đúng tinh thần trang trọng, gọn nhẹ và tránh tụ tập đông người. Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết, nghi thức tắm Phật diễn ra thành kính, không quá 30 người sáng 5/5 tại chùa Hoa Yên, Yên Tử. Nghi lễ sau đó được đưa lên các trang thông tin điện tử, báo chí để lan tỏa rộng rãi tới đồng bào Phật tử. Bên cạnh nghi thức, nghi lễ mừng Phật đản, Giáo hội khuyến khích Tăng, Ni, Phật tử hướng tới những hoạt động an sinh xã hội như tặng vật phẩm chống dịch, tặng quà cho các gia đình khó khăn, cận nghèo.
Đức Phật đản sinh vào năm nào?
Mùa Phật đản đồng hành
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN chuẩn bị diễn văn mừng Phật đản Phật lịch 2564, đồng thời căn dặn Tăng, Ni và Phật tử cả nước suy ngẫm về đạo và đời. “Hơn lúc nào hết đây là thời khắc mà nhân loại cùng nhau đoàn kết, tỉnh thức, nhận biết về bản thân, hành động của mình, nhận biết về thế giới xung quanh, quan tâm hơn đến vận mệnh nhân loại. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhận chân giá trị, cùng suy nghiệm những bài học từ chính cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những như những lời dạy của Ngài cho cuộc sống hôm nay”.
Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ GHPGVN đưa ra thông điệp Đại lễ Phật đản PL. 2564, nhấn mạnh sự đồng thuận xã hội được Đức Phật nêu trong Kinh Trường Bộ, tới nay còn nguyên giá trị khi nhân loại đang đương đầu với dịch bệnh. “SARS-CoV-2 làm cho hơn ba triệu người bị nhiễm bệnh, hàng vạn người tử vong. Nó đã thực sự làm cho thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Nhân loại thực sự phải thức tỉnh trước đại dịch này. Mỗi quốc gia, mỗi công dân của một đất nước phải trở về với hành động chính niệm trong sự thức tỉnh, nhìn nhận về văn hóa sinh hoạt, về ý thức đồng thuận trong xã hội và trên hết là phải học tập theo các công dân Vajji thời Đức Phật”, Đức Pháp chủ nêu. Đức Phật dạy người dân Vajji muốn chống giặc, xây dựng đất nước cường thịnh nhất định phải đoàn kết, làm theo luật lệ nhà nước ban hành, sống đúng truyền thống.
Mùa Phật đản năm nay bớt đông vì dịch dã. Thượng tọa Thích Đạo Hiển phân tích, đạo Phật luôn đồng hành dân tộc, nhất là trong bối cảnh chung cả đất nước phòng, chống dịch, nên chuyện bớt chăng đèn kết hoa cũng là lẽ thường. “Việc tu đạo đầu tiên phải bảo vệ sức khỏe, có vậy mới mong được an lạc, hạnh phúc. Quy mô lễ to hay nhỏ đối với Phật giáo không thành vấn đề. Trong giai đoạn này việc bảo vệ sức khỏe cho Tăng, Ni, Phật tử mới là ưu tiên hàng đầu để mang lại bình an, hạnh phúc”, Thượng tọa nói. Đạo Phật là đạo của tinh thần hòa hợp. Phật giáo nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hòa hợp cho tất cả chúng sinh, mọi giai tầng trong xã hội, không phân biệt giai cấp, địa vị, màu da. Thượng tọa Thích Đạo Hiển nhận định, tinh thần đồng thuận đó được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn cả dân tộc đồng lòng phòng, chống dịch bệnh.
“Chiến thắng dịch COVID-19 vừa qua của nước ta chính là nhờ sự đồng thuận xã hội-cái gốc là tinh thần lục hòa của đạo Phật. Qua đó chúng ta thấy bản sắc văn hoá và tính ưu việt của xã hội Việt Nam: lãnh đạo các cấp chăm lo đời sống, sức khỏe của người dân. Đồng hành dân tộc là bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Công tác từ thiện, an sinh xã hội vốn là việc làm thường xuyên của Giáo hội. Trong đợt phòng, chống dịch này, Giáo hội không những tặng quà, vật phẩm cho gia đình khó khăn, còn tích cực đóng góp trao tặng trang thiết bị y tế chống dịch. Truyền thống đồng thuận của dân tộc, truyền thống của Phật giáo Việt Nam chắc chắn là yếu tố quan trọng đưa nước ta vượt qua dịch bệnh và mọi khó khăn, thách thức khác”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa qua vận động Tăng, Ni, Phật tử cả nước phát tâm ủng hộ vật chất và tinh thần phòng, chống dịch. Giáo hội ủng hộ trên 4 tỷ đồng, lắp đặt 6 phòng áp lực âm, phát hàng trăm nghìn khẩu trang, nước sát khuẩn, mở các cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng tại nhiều chùa, cơ sở tự viện. Ban trị sự GHPGVN phối hợp với liên đoàn lao động các tỉnh thành giúp đỡ công nhân ở một số khu công nghiệp như Bắc Ninh, Hà Nam, Cần Thơ. Đức Pháp chủ cũng kêu gọi toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước đóng góp thiết thực cho xã hội bằng hành động cụ thể.
> Xem thêm video "Ý nghĩa của bái sám":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm