Ngày Thần Tài nhớ lời Phật dạy
Mùng 10 tháng Giêng – ngày vía Thần Tài, con đây xin có vài lời gửi gắm đến quý Phật tử nhằm nhắc nhớ lại lời Phật dạy về chánh tín, mê tín, những gì nên tin và không nên tin (theo tinh thần Kinh Kalama), những gì nên làm, không nên làm để có hạnh phúc, an lạc thật sự giữa cõi đời này.
Nói một chút về Thần Tài
Thần Tài (財神 Tài thần) là một vị thần trong tín ngưỡng Việt Nam và một số nước phương Đông. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân (財帛星君) hay Triệu Công Nguyên Soái. Đây là vị thần theo quan niệm dân gian sẽ đem lại tiền tài, may mắn và chưa rõ nguồn gốc bởi các truyền thuyết về Thần Tài rất khác nhau và khá là qua loa. Người ta thường vẽ hình tượng ông là một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen hay vẽ ông miệng cười thật tươi, tay cầm tiền vàng trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để cung kính. Người Việt thường thờ cúng Thần Tài cùng với ông Địa ở một góc nhà và tổ chức lễ vía ông vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Tại mỗi quốc gia khác nhau thì sự tích về tín ngưỡng, cách bày trí bàn thờ và cách cúng kiến Thần Tài cũng rất khác nhau. Ở Việt Nam vào ngày vía Thần Tài, nhiều cửa hàng, xí nghiệp, cơ sở buôn bán, người kinh doanh sẽ khai trương, mở hàng, có nơi còn tổ chức múa lân hay thậm chí là đốt vàng mã (xuất hiện nghịch lý thần mà lại đi “xài tiền âm phủ”?!).
Trong ngày này nhiều người dân còn tấp nập, đổ xô đi mua vàng cùng món cá lóc nướng (vướng vào nghiệp sát sanh, đi ngược lại tinh thần từ bi của đạo Phật) để vía Thần Tài. Cũng vì thế mà không khó để chúng ta bắt gặp cảnh tượng người người lũ lượt xếp hàng, chen chút nhau từ 1, 2 giờ sáng để mua vàng hay các gian hàng bán cá lóc nướng lúc nào cũng đông nghẹt.
Cùng ngẫm lại lời Phật dạy
Đứng trước một vấn đề mắt thấy, tai nghe xin mọi người hãy chớ vội tin ngay và cũng chớ vội bác bỏ. Đặc biệt, một quan niệm được đám đông tung hô rất dễ khiến chúng ta mắc vào cái bẫy “tin ngay” vì lẽ thường là “chân lý thuộc về số đông”. Nhưng với quan điểm cá nhân của con thì tư duy số đông chưa hẳn là đúng và con luôn nhắc nhở bản thân mình hãy thấu đáo, tư duy thật kỹ trước những “tâm lý bầy đàn”, “tâm lý đám đông”.
Nhân đây, xin nhắc lại lời Đức Phật dạy trong kinh Kalama, xin lưu ý cùng mọi người: “chớ vội tin” khác với “đừng nghe”, mà là biết lắng nghe để tiếp thu và phân biệt:
Chớ vội tin:
Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Những nghịch lý lạ kỳ ngày vía Thần Tài
Ngày vía Thần Tài (đấng không có thật trong lịch sử, truyền thuyết nhắc đến qua loa) thì người người nô nức, hối hả, có cả Phật tử chạy sấp chạy ngửa bày trí linh đình, cúng bái hết lòng từ lúc sớm hôm; còn Ngày vía Phật Thích Ca (người có thật trong lịch sử, có những đóng góp vĩ đại cho nhân loại cùng trí tuệ cao vời) thì người nhớ kẻ quên, chùa chiền vắng bóng, chẳng mong chẳng thích.
Ngày vía Thần Tài, thấy bao người chen lấn xếp hàng giành nhau mua vàng từ 1, 2 giờ sáng mà ngẫm đến Ngày vía Thế Tôn chẳng thấy ai đến chùa từ 1, 2 giờ sáng để chờ lễ Phật trước tiên. Hơn nữa, những người đi mua vàng ngày này, không phải ai cũng dư giả hay đủ điều kiện để mua vàng về làm của. Không ít trong số họ là những người đi vay mượn hay nhín nhút, bớt ăn, bớt mặc chỉ để mua vàng cầu may dù cuộc sống còn lắm chật vật và cũng chẳng khá giả gì.
Đứng ở góc độ kinh tế, mua vàng vào ngày này là một thương vụ hết sức sai lầm bởi thế nào người mua cũng lỗ, vấn đề là lỗ ít hay nhiều mà thôi. Là một chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng câu chuyện mua vàng vào ngày Thần Tài hết sức vô lý.
“Thực ra câu chuyện về vía Thần Tài mới được xây dựng trong ít năm nay chứ không phải là một tập tục truyền thống của người Việt Nam. Có thể nó xuất xứ từ người kinh doanh vàng khi họ dựng lên câu chuyện mua vàng đầu năm (10/1 âm lịch) đem lại may mắn cho cả năm để kích thích nhu cầu vàng và “hốt bạc” cũng chính từ cầu chuyện này.
Nói cách khác, các nhà buôn vàng có thể đã dùng lời đồn đại, tạo làn sóng marketing để kinh doanh”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với phóng viên.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo nếu mua vàng trong ngày này, người dân có thể chịu thiệt hại rất lớn. Trong những năm qua, giá vàng sau ngày vía Thần Tài thường giảm rất sâu so với trước và trong ngày này với mức chênh lệch giá lên tới 20 - 30%. Phải mất 3 - 5 ngày sau ngày vía Thần Tài giá vàng mới ổn định trở lại (Đức Quỳnh, Theo Kinh tế & Tiêu dùng).
Từ đó có thể thấy ở số đông, tính chất giác ngộ còn thua xa, xa rất xa lòng tham chấp. Sự vĩ đại, cao thượng không bằng, không bằng được cái gọi là tư lợi cá nhân và vô minh, mê tín vẫn còn đang phủ trùm đời sống thường nhật, che mất hết cái bản tâm sáng suốt của mỗi người.
Kẻ biếng lười, ăn không ngồi rồi, phước mỏng tội dày dù có dành cả đời này để mua vàng ngày mùng 10 tháng Giêng hay thờ phụng Thần tài đến chết cũng chẳng thay đổi được gì cái cuộc sống hiện tại của mình ngoại trừ sự nỗ lực hành động đúng phương pháp của tự thân. Không có một ai hay một điều gì có thể ban phước, giáng họa hay chi phối đời sống của chúng ta ngoại trừ chúng ta. Người phật tử mà còn mong ngóng, hưởng ứng cầu may Ngày vía Thần Tài thì thật không đáng danh phật tử vậy!
Là một người phật tử chân chính, chúng ta hãy tỉnh giác từng phút giây, tin sâu nhân quả, sống đúng với lời Phật dạy thông Bát chánh đạo để có thể gặt hái được những phúc lành bền vững thực sự ở hiện đời.
Thay vì lan truyền, hưởng ứng ngày vía Thần Tài vốn không có ý nghĩa cùng giá trị thiết thực, phật tử chúng ta hãy hướng lòng về Đại lễ Tam Hợp Liên Hiệp Quốc - Vesak (Kỉ niệm 3 sự kiện trọng đại của Đức Phật: Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn vào trung tuần tháng tư âm lịch) mà năm nay Việt Nam chúng ta vinh dự được đăng cai tổ chức tại Chùa Tam Chúc (xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
Thông qua Đại lễ Vesak thiêng liêng ấy, chúng ta có thể truyền bá được thông điệp hòa bình, từ bi và trí tuệ của Đức Phật đến cho mọi người, mang lại lợi lạc cho số đông khi họ biết ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của chính mình và gia đình. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp chúng ta giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết thêm về con người, văn hóa và non sông nước Việt.
Cuối lời, xin chúc lành tất cả và chúc cho ngày Lễ trọng đại của Phật giáo thế giới nói chung, niềm vinh dự của Phật giáo Việt Nam chúng ta nói riêng được thành tựu viên mãn, phúc lạc ngập tràn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm