Người hoằng pháp trong thời Phật giáo Nguyên thủy
Thời đức Phật còn tại thế, các vị Tỳ kheo sau khi tìm nơi yên tĩnh để tọa thiền quán tưởng, đức Phật mới các vị Tỳ kheo “Hãy đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người”.
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, ở xứ Ấn Độ đức Phật ra đời với mục đích “Khai ngộ chúng sanh nhập Phật tri kiến”, tức là khơi nguồn tuệ giác cho tất cả chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh ra khỏi sanh tử khổ đau. Nguồn sống tuệ giác đó không gì khác chính là nền tảng đạo đức, phẩm hạnh từ bi và trí tuệ.
Với giáo lý từ bi hỷ xả, luật nhân quả, lý duyên sinh, tinh thần vị tha vô ngã, cùng vô số phương tiện thiện xảo khác, nguồn sống tuệ giác từng bước dần dần thấm sâu vào tâm hồn mỗi người con Phật, gieo vào tạng thức mỗi người hạt giống từ bi và trí tuệ, để từ đó đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát.
Vì mục đích đó mà trong 49 năm Ngài đã đi khắp nơi, không hang cùng ngõ hẽm nào mà Ngài không đặt chân đến. Vì mục đích hoằng hóa, Ngài đã đưa giáo lý mà Ngài đã chứng ngộ vào mọi ngõ ngách đời sống, đến với từng con người, hầu giúp mọi người nhận ra chân lý giác ngộ giải thoát.
Đức Phật là nhà hoằng pháp đầu tiên, mẫu mực nhất. Ngài thuyết pháp không phân biệt giai cấp sang hèn, nghèo giàu, ý thức hệ tư tưởng, lãnh vực ngành nghề, giới tính tuổi tác… Ngài linh động uyển chuyển tùy thuận nhân duyên với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh, để mang lại hiệu quả cao nhất, nhằm giúp tất cả mọi người được giải thoát an lạc, đạt đến nguồn sống hạnh phúc chân thật.
“Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa”.
Thật vậy, bất kỳ một học thuyết hay một tôn giáo nào muốn tồn tại thì phải truyền thừa. Mà người truyền thừa và tư cách của người truyền thừa ấy là quyết định phần lớn sự thịnh suy của Tôn giáo học thuyết ấy. Đạo Phật cũng vậy, trải qua mấy ngàn năm kể từ nơi Ấn Độ xa xôi ấy, chánh pháp vẫn rạng chiếu với nhiều sắc màu rực rỡ khắp năm châu. Đó là nhờ công lao không ít của các “sứ giả Như Lai”, những người đã biết tự trang nghiêm giới thân, trau dồi đức hạnh, huân tập giới đức của chính mình. Từ đó, người con Phật đã hoằng truyền chánh pháp không những bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo, đem lại lợi ích lớn lao cho tất cả chúng sanh.
Thời đức Phật còn tại thế, các vị Tỳ kheo sau khi tìm nơi yên tĩnh như dưới gốc cây hay trong các khu rừng vắng để tọa thiền quán tưởng đạt đến sự an tịnh của tự thân xong thì đức Phật mới dạy các vị Tỳ kheo “Hãy đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người”. Khi đó chư Tăng đã đem giáo lý của Phật truyền bá vào đời sống, từ đây mở ra con đường nhập thế và nhập thế trở thành một nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình hoằng pháp lợi sanh. Mỗi giai đoạn lịch sử, thuận theo trào lưu tiến hóa và nhu cầu xã hội, định hướng hoằng pháp cũng được thể hiện qua nhiều phương cách, tùy theo yếu tố con người và bối cảnh thời đại.
Trong “Kinh Thiện Pháp”, đức Phật dạy: “Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì ? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người”.
Những điều kiện này đức Phật dạy không ngoài hai mục đích: Tự lợi và lợi tha. Nghĩa là người xuất gia muốn lợi tha trước phải tự lợi. Điều kiện tiên quyết trong con đường giác ngộ là tự lợi sau mới lợi tha. Tự mình phải hiểu rõ Phật pháp, hiểu được Phật pháp có lợi ích gì đến đời sống của con người không, có giúp con người liễu sinh thoát tử không? Từ hiểu rõ Phật pháp mới hành pháp và hoằng pháp, đó là tiến lên cấp độ “lợi tha”, cứu giúp chúng sanh. Như vậy, ý nghĩa nhiệm vụ “lợi tha” hay công việc hoằng dương chánh pháp phải được xây dựng trên cơ sở là người hiểu rõ, thực hành Phật pháp chứ không phải không hiểu không thực hành Phật pháp. Có thể nói đây là 7 điều kiện này, cơ bản định hướng cho việc tu tập cũng như việc hoằng truyền Phật pháp.
Biết pháp:
“…Biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp”.
Chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa là 12 phần giáo. Nghĩa là Đức Thế Tôn đã trình bày pháp qua 12 hình thức khác nhau. Một người xuất gia trước hết phải Biết pháp. Tức cần phải hiểu rõ về các loại hình thức mô tả về pháp này, ngang qua những hình thức đó, để có thể hiểu rõ nắm được cái gì là Phật pháp, hiểu rõ cái gì là chánh pháp, cái gì là tà pháp…Từ đó tu tập đúng đắn để hoàn thiện tự mình và truyền dạy tha nhân.
Biết nghĩa:
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa.
Chúng ta biết rằng trong 49 năm hoằng pháp, đối tượng nghe đức Phật thuyết giảng rất phong phú, gồm cả tu sĩ, cư sĩ, ngoại đạo, … Đối tượng khác nhau thì chắc chắn nội dung và ý nghĩa mà Ngài giảng dạy cũng khác nhau. Sự khác nhau đó biểu thị căn cơ và trình độ, phong tục tập quán của con người không đồng, nhưng tất cả lời giảng dạy đó đều có chung một mục đích là giác ngộ và giải thoát. Vì vậy, dù lời dạy của Ngài như thế này, hay như thế kia, một vị Tỳ-kheo cũng nên biết ý nghĩa của lời dạy đó.
Biết thời:
“…Biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo biết thời.”
Thời nào để chất vấn; thời nào để tu tập, thời nào để thiền định... biết tùy thời tùy lúc để làm những việc thích hợp. Nói cách khác đó là khế thời. Nói năng hay im lặng, hành động hay ngồi yên đều hợp thời, đúng chánh pháp.
Biết tiết độ:
“…Biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ.”
Tiết độ là tinh thần thiểu dục, tinh thần trung đạo của đạo Phật. Đối với mọi sinh hoạt của thân và tâm, vị Tỳ kheo phải biết chọn trung đạo làm phương châm thì đó là biết tiết độ. Tiết độ không mang ý nghĩa khổ hạnh ép xác. Phật giáo chủ trương với thân thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn là phương tiện tốt nhất cho tiến trình tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, do vậy việc ăn uống rất cần thiết để duy trì mạng sống con người. Như vậy, biết tiết độ là việc cần phải làm của người xuất gia, đây là con đường trung đạo không những giúp cho hành giả thuận duyên trong việc đi tìm giác ngộ mà còn giúp cho hành giả thể hiện tinh thần độ tha một cách tốt đẹp.
Biết mình:
“…Biết mình có mức độ ấy tín, giới, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là biết mình.”
Đức Phật dạy biết mình là biết mức độ của niềm tin Phật pháp, sự gìn giữ giới luật, sự bố thí, khả năng của trí tuệ, sự am tường hiểu biết về A hàm và sự chứng đắc của mình như thế nào?
Tín, giới, thí và tuệ là những pháp căn bản cho vị xuất gia muốn thành đạt mục đích giác ngộ giải thoát cũng như hoằng dương Phật pháp. A hàm là những bản kinh đầu tiên và cơ bản của Phật giáo, trong đó có nội dung và ý nghĩa của tín, giới, thí, tuệ, …Như vậy người xuất gia dù cho tu tập theo pháp môn nào điều trước tiên phải hiểu rõ nội dung và ý nghĩa Kinh A hàm. Đó là quan niệm biết mình mà đức Phật đã dạy.
Biết chúng hội:
“…Biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội.”
Theo Đức Thế Tôn, Biết chúng hội là biết mình đang ở đâu, đang nói chuyện với ai, thuộc hạng người nào trong xã hội, nên nói lời nói gì với hội chúng đó. Nói theo cách khác là biết căn cơ của đối tượng nghe pháp.
Trong cuộc sống những tầng lớp có đời sống sinh họat khác nhau, kinh tế khác nhau, và hẳn nhiên cách suy tư, quan tâm vấn đề và quan niệm sống cũng khác nhau. Khi ra hoằng hóa vị giảng sư phải tìm hiểu rõ từng hội chúng một, tìm hiểu phong tục tập quán và cách suy tư của con người trong xã hội đó, để tránh bớt sự đụng chạm xung đột không hay xảy ra. Biết chúng hội có mục đích trang bị cho vị xuất gia có đầy đủ tư cách và biết cách ứng xử khi tiếp xúc với các thành phần khác nhau trong xã hội. Biết chúng hội giúp cho vị Tỳ kheo có phương pháp thích hợp để ứng xử khi ra hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh.
Biết sự hơn kém của người:
“Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người ? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người:
Có tín và bất tín, người có tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín lại có hai hạng: Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém. Người thường đến gặp Tỳ- kheo lại có hai hạng: Có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém. Người có lễ kính lại có hai hạng: Có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn, người không hỏi kinh là kém. Người có hỏi kinh lại có hai hạng: nhất tâm nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: Nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém.
Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém. Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp.
Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém. Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác…; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người… Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian…Người ấy là bậc nhất là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác.”
Qua đoạn kinh văn trên chúng ta thấy rằng, Biết sự hơn kém của người là sự so sánh phân biệt giữa pháp cao và pháp thấp, giữa pháp có lợi lạc và pháp không lợi lạc, pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Mỗi hành giả cần phải phân biệt rõ ràng các pháp ấy, pháp nào là pháp đưa đến sự giác ngộ và giải thoát, pháp ấy cần phải chọn lựa và thực tập, pháp nào làm cản trở cho sự tu tập, phát triển tuệ giác, pháp ấy cần phải xả bỏ.
Như vậy, thông qua bài kinh này chúng ta thấy rằng, bảy điều kiện cần và đủ không ngoài hai mục đích “tự lợi” và “lợi tha” mà đức Phật đã dạy. Hai mục đích này đan xen qua lại tạo nên một người giảng sư chuẩn mực.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Những người Thầy khả kính
Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận
Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.
Xem thêm