Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 22/05/2024, 20:01 PM

Nhà báo Hoàng Anh Sướng trả lời một số câu hỏi quan trọng về ngày Phật đản

"Với tôi, bàn thờ linh thiêng nhất là bàn thờ Tâm - một cái tâm thanh tịnh, chứa đầy hiểu biết và thương yêu. Và lễ vật quý giá nhất cúng dường lên Đức Thế Tôn là NIỆM, ĐỊNH, TUỆ".

Audio

Hôm nay là ngày rằm tháng 4 - ngày Phật đản. Đối với những đất nước theo Phật giáo, ngày Phật đản là ngày lễ trọng đại nhất, được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Theo phái Nam tông, Ngài sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch. Nhưng theo phái Bắc tông thì Ngài sinh vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Ở Việt Nam, vào ngày lễ trong đại này, các nghi thức được tổ chức vô cùng trang trọng và thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch. Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức nhiều hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Người đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng

Nhà báo Hoàng Anh Sướng

Nhà báo Hoàng Anh Sướng chia sẻ về một số thắc mắc của Phật tử:

* Xin nhà báo Hoàng Anh Sướng cho biết ý nghĩa của lễ tắm Phật?

- Lễ tắm Phật là nghi thức truyền thống quan trọng trong ngày lễ Phật đản. Nghi thức này bắt nguồn từ câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh được ghi lại trong kinh điển.

Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi Đức Phật ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi trời nâng đỡ. Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử. Kinh Vị Tằng Hữu cũng mô tả tương tự như vậy: “Khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn”.

Hai dòng nước nóng và lạnh của lễ tắm Phật tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch, vui và buồn, sướng và khổ của cuộc đời mà tất cả mọi người trong chúng ta khi sinh ra đều sẽ trải qua. Cũng giống như Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài đã chịu đựng được hai dòng nước đó và sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong kinh sách, Đức Phật cũng dạy rằng: Người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời mà vẫn giữ được tâm bình thản, an nhiên, tự tại thì người đó chính là một vị Phật của tương lai.

Nghi thức tắm Phật hàm chứa một ý nghĩa vô cùng vi diệu. Pháp thân thanh tịnh, Phật tính luôn tiềm ẩn trong mỗi người, thế nhưng vì phiền não, tham sân si mà bị che lấp khiến cho Phật tính không được lộ ra. Muốn lộ Phật tính, chúng ta phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần.

* Do điều kiện không cho phép nên tôi không thể tham gia lễ tắm Phật và thả đèn hoa đăng, chỉ dâng lễ tại Ban thờ Phật tại gia. Như vậy thì có được không?

- Hoàn toàn được. Cá nhân tôi, nhiều năm nay, không tham dự lễ Phật đản ở chùa. Một phần, là người tu thiền, tôi không thích sự đông đúc, ồn ào, xô bồ. Một phần, tôi lập bàn thờ Phật tại gia. Hàng ngày, tôi đều dâng hương, hoa, trà, quả, thực, ngồi thiền, tụng kinh… (Hôm nay cũng vậy. Tôi dậy từ sáng sớm, đi mua những đóa hoa sen đẹp nhất rồi tự tay cắm, dâng lên Đức Thế Tôn. Thắp một nén hương trầm, tụng một phẩm trong Diệu pháp liên hoa kinh mà trong lòng tôi trào dâng niềm xúc động và biết ơn vô hạn).

Là người học và hành theo giáo lý đạo Phật nhiều năm, tôi hiểu, Phật ở trong tâm. Hàng ngày, tôi thực hành chánh niệm mọi nơi, mọi lúc. Không chỉ trong lúc tọa thiền mà ngay cả trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Không chỉ trong lúc tụng kinh mà ngay cả trong lúc thưởng trà, ăn cơm, chải răng, rửa mặt… Làm thế nào có sự tỉnh thức để nhìn rõ mình, nhận diện những cảm xúc, cảm thọ bên trong mình, từ đó mà điều chỉnh suy nghĩ, lời nói, hành vi để mang lại bình an, hạnh phúc cho mình, cho người. Hạn chế tối đa những suy nghĩ, lời nói, hành vi gây bất an, khổ đau, đổ vỡ cho người, cho mình.

Khi mình có sự tỉnh thức, hiểu rõ mình, hiểu rõ người, tâm chứa đầy những hiểu biết và thương yêu, tâm vững chãi, thảnh thơi, an lạc thì khi đó, mình tiếp xúc một cách gần gụi nhất, sâu sắc nhất với Phật. Phật không ở ngoài ta. Phật ở chính trong tâm mỗi chúng ta. Và vì thế, muốn tiếp xúc với Phật, không nhất thiết phải đến chùa.

Không gian lễ đài Phật đản tại tư gia của nhà báo Hoàng Anh Sướng

Không gian lễ đài Phật đản tại tư gia của nhà báo Hoàng Anh Sướng

* Xin nhờ anh giải thích đôi chút về ý nghĩa cúng dường ngày Lễ Phật đản. Khi tìm hiểu thông tin trên mạng có rất nhiều gợi ý về vật phẩm cúng dường?

- Trong Phật giáo, có 6 lễ vật cúng dường. Đó là hương, hoa, quả, đèn, thực và nhạc.

Hương là biểu hiện của Phật pháp. Thắp hương nhắc nhở chúng ta nghĩ đến việc tu giới, tu định, tu tuệ. Giới hương, Định hương, Tuệ hương là ba loại hương chân thật. Ba loại hương này thuộc năm phần pháp thân cùng hai loại nữa là giải thoát và giải thoát tri kiến hương.

Hoa, quả là biểu hiện cho nhân, quả trong luật nhân quả. Trước ra hoa, sau mới kết quả. Vì thế mỗi khi thấy hoa, chúng ta phải nhớ đến việc tu nhân thiện, tương lai sẽ được quả báo thiện.

Đèn, nến là biểu tượng của ánh sáng trí tuệ. “Duy tuệ thị nghiệp”. Mục đích rốt ráo của người tu là phải phát triển được trí tuệ. Vì có ánh sáng trí tuệ mới xóa được màn vô minh che lấp – nguyên nhân của khổ đau, để đến bến bờ an vui, hạnh phúc.

Thực là thực phẩm, thức ăn như xôi, chè, trà. Đây là biểu hiện lòng thành kính, biết ơn của chúng ta đến Đức Thế Tôn.

Nhạc là tiếng chuông, mõ. Đó là biểu tượng tiếng gọi của Đức Thế Tôn gọi tâm của chúng ta trở về với thân của chúng ta trong giây phút hiện tại. Tập trung lắng nghe để để xua tan vọng tưởng, tập trung tâm trí, nhờ đó mà khai mở trí tuệ.

Trên đây là 6 vật phẩm cúng dường lên Đức Thế Tôn ngày Phật đản. Song với tôi, bàn thờ linh thiêng nhất là bàn thờ Tâm - một cái tâm thanh tịnh, chứa đầy hiểu biết và thương yêu. Và lễ vật quý giá nhất cúng dường lên Đức Thế Tôn là NIỆM, ĐỊNH, TUỆ.

Xin cầu chúc cho ai cũng chế tác được những vật phẩm quý giá ấy!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa: "1.000 ngày thiền ở Myanmar đã thay đổi đời tôi"

Phỏng vấn 10:42 04/06/2024

Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, là con út trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, học kiến trúc ở Nhật Bản, tốt nghiệp tiến sĩ ở trường Waseda, thành lập Võ Trọng Nghĩa Architects vào năm 2006 tại TP.HCM.

Phật tử Niệm Từ - trà sư Ngô Thị Thanh Tâm nói về học viện trà sư tại Việt Nam

Phỏng vấn 16:01 24/05/2024

"Từ khi có ý tưởng mở học viện về trà cho đến ngày ra mắt hôm 22/5 vừa qua, tôi đã tìm hiểu tất cả các thủ tục, tiến hành liên thông hợp tác với nhiều trường và các trà sư, trong đó có cả các vị là thầy của mình..."

Nhà báo Hoàng Anh Sướng trả lời một số câu hỏi quan trọng về ngày Phật đản

Phỏng vấn 20:01 22/05/2024

"Với tôi, bàn thờ linh thiêng nhất là bàn thờ Tâm - một cái tâm thanh tịnh, chứa đầy hiểu biết và thương yêu. Và lễ vật quý giá nhất cúng dường lên Đức Thế Tôn là NIỆM, ĐỊNH, TUỆ".

Ca sĩ Trần Duy Hưng: “Hát nhạc Phật tâm hồn tôi trở nên rất an định, thư thái, tự tại vô cùng”

Phỏng vấn 18:49 20/05/2024

Ca sĩ Trần Duy Hưng sinh ra và lớn lên tại vùng quê Thái Bình, trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật.

Xem thêm