Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 25/04/2016, 12:29 PM

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P4)

Khoa học cũng như con người, ở đâu chất chứa tham-sân-si, ở đó có khổ đau và nguy hại; ở đâu không có tham-sân-si, ở đó có an vui hạnh phúc. Chừng nào con người chưa nhận thức được vai trò quan trọng của nền tảng hạnh đức từ bi trong khoa học, trong cuộc sống, trong bản thân mỗi con người; chừng đó con người vẫn còn là nạn nhân, là nô lệ cho ‘sự quang vinh’ của chính mình.

Nikāya và khoa học
5. Thánh sản từ biển Pháp

Từ xưa cho đến cách nay hơn thế kỷ, con người đứng trước biển lớn chỉ biết có vị mặn của muối và các hải sản khác như cá, tôm, ngọc trai, đồi mồi... Giả sử các nhà hải dương học ngày nay có trở lui về quá khứ, nói với người xưa rằng trong biển lớn có đến 10 tỷ tấn vàng (4) cùng với Vô số các châu báu khác, chắc hẳn nhiều người chẳng dám tin, không khéo người xưa còn ném họ trở ra biển vì cái tội nói khoác.

Thế nhưng, nếu các nhà tài nguyên biển ngày nay trở ngược về thời đức Phật, gặp các vị Tỳ- kheo Thanh Văn và nói về sự giàu có của biển cả, chắc chắn các Tỳ-kheo Thanh Văn sẽ hoan hỷ chấp nhận và lại còn chỉ cho họ cách thức ‘làm giàu như biển.’

Các nhà tài nguyên biển có thể nghe các vị Tỳ-kheo Thanh Văn đọc lên vài đoạn kinh do chính bậc Thầy Trời Người chỉ dạy. Và nếu các nhà tài nguyên biển tin theo rồi khéo thực hành, khi quả dị thục phát sinh, họ cũng có thể trở thành các tỉ phú giàu sang, tiền vô như nước, thay vì chỉ là những kẻ làm công lãnh lương, cặm cụi suốt đời tính đếm tài sản của tự nhiên.

- “Lại nữa, này các Tỳ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này như trân châu, ma ni châu, lưu ly, xa-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não” (Kinh Phật Tự Thuyết, Ud 51 = [Uda.45.9])

- “Biển lớn không hạn lượng, Hồ lớn nhiều sợ hãi, Là kho tàng cất giữ, Vô số lượng châu báu; Cũng là chỗ trú ẩn, Vô số các loại cá; Là chỗ các sông lớn, Quy tựu chảy ra biển. Cũng vậy người bố thí, Ðồ ăn và đồ uống, Vải mặc và giường nằm, Chỗ ngồi và thảm nệm, bậc Hiền thí như vậy, Phước đức ùa chạy đến, Như sông dẫn dòng nước, Ùa chảy vào biển cả” (Kinh Phước Điền, Tăng Chi 2, Chương 5, V. Phẩm Vua Munda, trang 389 = [I.5.45])

Nhưng đấng A La Hán Chánh Đẳng Giác đâu phải chỉ có biết biển cả chứa đầy vàng bạc, ngọc bích, san hô, mã não cùng các sinh vật dưới biển sâu không thôi, ‘Phật nhãn’ của Ngài còn thấy cả những vi sinh vật nhỏ li ti trong từng giọt nước để trải rộng lòng từ bi đến chúng. Thật vậy, hãy nghe Ngài dạy cho Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Này Sārīputta, như thế này là sự yểm ly của Ta. Này Sārīputta, tỉnh giác, Ta đi tới; tỉnh giác, Ta đi lui, Ta an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm tư: "Mong rằng Ta không làm hại một chúng sinh nhỏ nào trong những ác đạo của họ!” Này Sārīputta, như vậy là sự yểm ly của Ta.” (Đại Kinh Sư Tử Hống, TB1, số 12 = [Sb.2.30]).
 
Do vậy, các Tỳ-kheo Thanh Văn theo gương bậc A La Hán cũng biết tu tập trải rộng lòng từ tâm biến mãn đến cả các chúng sinh li ti trong từng giọt nước, mà sự hiện hữu của chúng chỉ có kính hiển vi ngày nay mới chứng minh được. Chính vì lẽ đó, trong hành trang truyền thống của các Tỳ-kheo Thanh Văn, ngoài ba y một bát còn phải có cả phễu và khăn lọc nước là vì vậy.

Các vật dụng này nhằm nhắc nhở các Tỳ- kheo Thanh Văn phải trải rộng lòng từ bi và tránh sát sinh ngay cả đối với các chúng sinh ‘không thấy, không nghe, không nghi.’ Những Tỳ-kheo nào không biết áp dụng luật ‘tam tịnh’ mà thọ dụng đồ ăn thức uống, dù chỉ là một ly nước lã, đều có thể phạm giới sát sinh và không đủ tuệ căn để thực hiện trọn vẹn lòng từ bi biến mãn. Chỉ có những ai biết tuệ tri như thật, mới có thể hiểu thấu điều vi tế này.

Trở lại chuyện đại dương, các Tỳ-kheo Thanh Văn thời Phật biết rất rõ cách thức ‘làm giàu như biển,’ có nhiều người trong số họ cũng thuộc dòng danh gia, hoàng tộc; thế nhưng chẳng ai thèm ôm giữ tài sản, tranh giành nhau chức tước làm gì. Tất cả đều noi theo gương bậc Đạo sư Minh Hạnh Túc, quay lưng với cả cung vàng điện ngọc, xuất gia, ôm bình bát khất thực tu thân, thế thiên hành đạo.

Vì sao họ lại quay lưng hờ hững với cả châu báu, ngai vàng? Bởi vì ngay từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước họ đã ý thức được một điều hy hữu hơn nhiều: biển cả mênh mông là thế, giàu có là thế, nhưng khốn thay, nó cũng có khi vơi khi đầy, lúc tràn lúc kiệt. Đây không phải là chuyện thủy triều lên xuống bình thường mà là hiện tượng các nhà hải dương học gọi là ‘biển tiến, biển thoái.’

Riêng trong thời kỳ ‘biển tiến’, các nhà khoa học ngày nay đã tính được rằng nhiệt độ trung bình của trái đất ấm hơn từ 0,3°C đến 0,6°C sẽ làm băng tan nhiều hơn và mực nước biển trung bình của tất cả đại dương dâng cao hơn từ 1cm đến 2cm mỗi năm. (5) Chính vì thế, chu trình ‘biển tiến, biển thoái’ diễn tiến rất lâu dài qua hàng chục năm, hàng trăm năm, hàng ngàn năm, hoặc lâu hơn.

Khi biển tiến lên thì lục địa chìm xuống, khi biển chìm xuống thì lục địa trồi lên. Dân gian cùng lắm cũng chỉ khắc họa chung chung ‘thế gian biến cải vũng nên đồi.’ Các nhà khoa học ngày nay, dựa vào các hóa thạch cổ sinh và kiến tạo địa chất của dãy núi chúa Himalayas đồ sộ, mới dám tin rằng xưa kia ‘nóc nhà của thế giới’ cũng từng chìm trong biển nước. Thế nhưng đấng A La Hán Chánh Biến Tri từ hai mươi lăm thế kỷ trước đã mô phỏng quá trình này rất ấn tượng:

“Này các Tỳ-kheo, các hành là vô thường. Này các Tỳ-kheo, các hành là không có kiên cố. Này các Tỳ-kheo, các hành là không an ổn. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả hành.

Núi chúa Sineru, này các Tỳ-kheo, dài 84 ngàn do tuần, rộng 84 ngàn do tuần, chìm xuống biển lớn 84 ngàn do tuần, nổi lên trên biển lớn 84 ngàn do tuần. Này các Tỳ-kheo, rồi có thời, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, trời không mưa. Khi không có mưa, các loài chủng tử, các loài thực vật, các rừng rậm dược thảo đều khô héo cằn cỗi không có tồn tại” (Kinh Mặt Trời, TC3, C7, tr.419 = [I.7.62]).

Núi chúa Sineru cũng chính là dãy núi cao nhất Himalayas, và trong kinh Nikāya nó còn có một tên khác là núi Tuyết Sơn - ‘Vua các loài núi.’ Dõi theo bước chân của Phật, từ nơi Ngài đản sinh, hoằng pháp cho đến nơi Ngài nhập Niết Bàn, tất cả chỉ trong phạm vi phía Nam của dãy núi Tuyết Sơn, đây cũng thuộc khu vực đông bắc của Ấn Độ ngày nay.

Với những ai không tin thần thông của đức Phật, không tin Ngài có thể phi hành trên hư không, những người này cần ghi nhớ rằng dù phạm vi sống và hoằng pháp của thân tứ đại Tôn giả Gotama như vậy, nhưng ‘Phật nhãn’ của đức A La Hán lại rộng lớn hơn rất nhiều lần.
Ảnh minh họa
Thật vậy, ngay cho dù Tôn giả Gotama chưa bộ hành hết thế gian này, thế nhưng Ngài vẫn biết núi Himalayas là cao nhất thế giới, cho nên Ngài mới dám phong cho dãy Tuyết Sơn là ‘núi Chúa’, là ‘Vua các loài núi!’ Đặt giả thuyết, chẳng may thế giới này còn có một ngọn núi nào khác cao hơn dãy núi Chúa Himalayas, thì chỉ cần một điều sai lầm này thôi cũng đủ cho những người khó tính lắc đầu dè bỉu ‘một sự thất tín, vạn sự không tin.’ Thế nhưng giả thuyết này đã không xảy ra, và sự phong vương cho dãy núi Himalayas làm ‘Vua các loài núi’ là hoàn toàn chính xác. Chỉ có con người không thấy đúng chánh Kinh chánh Pháp, chứ bậc Thế Gian Giải chẳng có nói sai bao giờ!

Nhưng dù Himalayas có cao nhất thế giới chăng nữa, đối với bậc Thiện Thệ Thế Gian Giải, nó cũng chỉ như một ‘cái gối đầu’ và cả lục địa Á-Âu cũng chỉ như một cái ‘giường nằm’ của Ngài. Vị trí tương ứng này đã được xác định rõ ngay trong ‘giấc mộng’ của Bồ-tát Gotama và đã được xác chứng khi Bồ-tát đắc được Tam Minh, A-la-hán Chánh Đẳng Giác:

“Này các Tỳ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy quả đất lớn này làm giường nằm lớn, núi Tuyết sơn, vua các loài núi làm các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Ðông, tay mặt nằm trên biển phía Tây, hai chân đặt nằm trên biển phía Nam.

Này các Tỳ-kheo, đối với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác Ngài chứng được Vô thượng Chánh giác ngộ, Chánh Ðẳng Giác. Trong khi Ngài Chánh Ðẳng giác ngộ, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.” (Bài kinh Mộng, số 196, TC2, C5 = [I.5.196])

Mộng lớn của Bồ-tát Gotama hiện ra với dãy núi chúa Tuyết Sơn - Himalayas hùng vĩ cũng chỉ như ‘các gối’ của Ngài, thì ‘giường lớn’ tương xứng với ‘các gối’ ấy chính là Bắc-cô-lưu-châu tức lục địa Á-Âu, nơi Bồ-tát đản sinh. Và như vậy, ‘Biển phía Đông’ để Pháp thân Bồ-tát nằm gác tay trái chính là Thái Bình Dương. ‘Biển phía Tây’ để Ngài gác tay phải chính là Đại Tây Dương, còn ‘biển phía Nam’ để gác hai chân chính là Ấn Độ Dương.

Hai mươi lăm thế kỷ sau, con người ngày nay phải nhờ có bản đồ thế giới mới biết được kích thước ‘giường lớn’ và ‘gối lớn’ của Pháp thân Bồ-tát thực sự lớn đến như thế nào! Thế nhưng đó là khi Bồ-tát chưa chứng Chánh đẳng giác, chưa thành bậc A La Hán Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc. Chỉ khi Bồ-tát Gotama chứng ngộ thành vị A La Hán Chánh Đẳng Giác rồi, lúc ấy ‘giấc mộng lớn’ mới hiện ra như thực.
 
Tất nhiên, lúc này ‘giường lớn’ và Pháp thân của đức Như Lai A La Hán to lớn hơn rất nhiều lần, hùng vĩ hơn rất nhiều lần so với Pháp thân của đức Bồ-tát Gotama. Pháp thân của vị A La Hán Chánh Đẳng Giác to lớn đến mức như thế nào thì những con mắt thịt làm sao thấy hết được. Tuy vậy, ai đó ráng hiểu được thứ tự các quả vị chứng đắc của đức Phật - từ Bồ-tát giác ngộ rồi mới thành A La Hán - như thế này thôi, nếu họ còn ngủ mơ vì tin bậy, may ra sáng mắt, tỉnh được giấc mộng dài!

Rõ ràng các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng thời nay, dù họ có óc tưởng tượng phong phú đến đâu chăng nữa, nhưng nếu họ không đọc kinh Nikāya, hẳn họ cũng khó hình dung nổi từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước đã có một ‘giấc mộng khoa học địa lý’ hoành tráng đến như vậy!

Đoạn kinh trên mới chỉ nói đến ‘giấc mộng lớn thứ nhất,’ còn bốn ‘giấc mộng lớn’ khác là gì? Chính bậc Đạo Sư đã giải thích tường tận trong bài kinh Mộng. Những ai muốn tỉnh mộng và muốn biết rõ ràng, hãy tự mình tìm hiểu.
 
Trở lại chuyện ‘núi trồi, núi sụt’ cùng với chu trình ‘biển tiến, biển thoái,’ các nhà khoa học thời nay phải có những phương tiện kỹ thuật tân tiến mới biết được chúng diễn tiến như thế nào. Bởi, như đã nói ở trên, các hiện tượng tự nhiên này diễn tiến rất lâu dài qua ‘nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm,’ trong một đời người khó có thể chứng kiến trọn vẹn.

Một người có trí và có đạo đức nếu không biết rõ chuyện này, chắc chắn không dám nói bừa, không dám ‘dựng đứng lên’ điều không thấy, vì như vậy chẳng khác nào muốn làm trò cười cho khoa học, cho hậu thế. Cây kim lâu ngày còn phải lộ ra, huống hồ ở đây là cả một ngọn núi chúa Sineru dài rộng đến 84 ngàn do- tuần.

Riêng chuyện trái đất có thời gian dài không có mưa trong nhiều năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, điều này phải để dành cho các nhà cổ sinh vật học tìm hiểu, nhờ vậy họ có thêm một cơ sở hữu lý nhằm giải thích cho sự tuyệt chủng của các loài khủng long.

Còn đối với những người học Phật chỉ cần biết rằng, không phải chỉ có khủng long biến mất, mà cả núi cao biển rộng cũng không thoát khỏi quy luật vô thường. Và không phải chỉ có bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác là thấu suốt chuyện biển lớn núi cao biến diệt, hy hữu thay, một vị Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài là tôn giả Xá Lợi Phất cũng biết được sự thật này.

Hãy đọc kỹ đoạn chánh kinh sau đây để thấy vị Tướng Quân Chánh Pháp của Đạo Phật nói đến chuyện ‘biển tiến, biển thoái’ chứ không phải hiện tượng thủy triều thông thường mỗi ngày:

“Chư Hiền, một thời xảy ra khi ngoại thủy giới dao động, nước cuốn trôi làng, cuốn trôi thị trấn, cuốn trôi thành phố, cuốn trôi xứ, cuốn trôi quốc độ. Chư Hiền, một thời xảy ra khi nước biển đại dương hạ thấp một trăm do-tuần, hạ thấp hai trăm do-tuần, hạ thấp ba trăm do-tuần, hạ thấp bốn trăm do-tuần, hạ thấp năm trăm do- tuần, hạ thấp sáu trăm do-tuần, hạ thấp bảy trăm do-tuần (Đây là quá trình biển tiến. Thủy triều không hạ thấp theo mực nước cao tăng dần, và không thể cuốn trôi xứ, quốc độ. PNGP).
 
Chư Hiền, một thời xảy ra khi nước biển đại dương dâng cao đến bảy cây ta-la, dâng cao đến sáu cây ta-la, dâng cao đến năm cây ta-la, dâng cao đến bốn cây ta-la, dâng cao đến ba cây ta- la, dâng cao đến hai cây ta-la, dâng cao chỉ đến một cây ta-la. Chư Hiền, một thời xảy ra khi nước biển đại dương cao đến bảy đầu người, dâng cao đến sáu đầu người, dâng cao đến năm đầu người, dâng cao đến bốn đầu người, dâng cao đến ba đầu người, dâng cao đến hai đầu người, dâng cao chỉ đến một đầu người. Chư Hiền, một thời xảy ra khi nước biển đại dương dâng cao đến nửa thân người, dâng cao chỉ đến hông, dâng cao chỉ đến đầu gối, dâng cao chỉ đến gót chân. Chư Hiền, một thời xảy ra khi nước biển đại dương không có để thấm ướt đốt ngón chân (Đây là quá trình biển thoái. PNGP).

Chư Hiền, tánh vô thường của ngoại thủy giới xưa ấy có thể nêu rõ, tánh hủy hoại có thể nêu rõ, tánh đoạn diệt có thể nêu rõ, tánh biến dịch có thể nêu rõ. Như vậy còn nói gì đến thân thể yểu thọ do khát ái chấp thủ này? Ở đây không có gì để có thể nói là tôi, là của tôi, hay tôi là” (Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Trung Bộ 1, số 28 = [Vd.4.13])

Rõ ràng tánh vô thường biến dịch của biển lớn thời xa xưa ấy đã có thể được nêu rõ dưới ánh sáng của khoa học. Thế nhưng điều mà mọi người cần nhận thức xa hơn, đó là: biển lớn giàu có là thế, tài sản vô số là thế, nhưng nó cũng chịu cảnh vô thường biến diệt, có lúc cũng phải ‘trắng tay’ trống rỗng, vậy thì mớ tài sản nhỏ nhoi trong xã hội mà con người đang tranh giành kia có đáng là gì? Và ngay tấm thân vô thường của mỗi người rồi còn tồn tại được bao lâu để phải vì nó hơn thua với nhau, tàn hại lẫn nhau?

Hơn thế nữa, biết được sự biến diệt vĩ đại của đại dương, của trái đất không thôi chưa đủ, người học Phật còn cần phải biết rõ thêm sự biến diệt khác nữa gây đau khổ hơn nhiều: “Có thể có một thời, này các Tỳ-kheo, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu ... Vua các núi đi đến băng hoại, ... đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu.

Nhưng này các Tỳ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi” (Kinh Dây Thằng, S.iii,149 = [Ve.7.99])

Thật đáng sợ thay bị vô minh che đậy! Thật khốn khổ thay vòng nghiệp báo luân hồi!

Và cũng thật hy hữu xiết bao, khi con người đã được đấng A La Hán Chánh Đẳng Giác chỉ dạy con đường phá vỡ vô minh để thoát khổ ngay trong hiện tại, và còn chấm dứt được cảnh sinh tử luân hồi! Rõ ràng đây là vấn đề quá lớn, phải cả hai tạng Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha mới giải quyết nổi. Ở đây bài viết này chỉ giới hạn trong một khía cạnh nhỏ.

Ngày nay, chỉ trong vài thập niên con người đã chứng kiến một số biển hồ lớn đi đến khô cạn vì những biến đổi bất thường của khí hậu, trong đó có phần trách nhiệm của con người. Ngày xưa, con người chỉ biết ‘Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp,’ thế nhưng bậc A La Hán Chánh Biến Tri đã biết rất rõ: “Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi loài Người trở thành phi pháp, này các Tỳ-kheo, đây là chướng ngại thứ năm cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tưởng không thể kham nhẫn” (Bài kinh Mưa, Tăng Chi 2, Chương 5, số 197 = [I.5.197]).

Một ông thầy xem tướng đương thời nếu không có kiến thức khoa học phổ thông về tự nhiên, chắc hẳn vị thầy bói này không thể đoán biết được vì sao con người lại có thể làm chướng ngại cho mưa. Ngược lại một nhà khoa học không để mắt đến kinh tạng Nikāya cũng không thể kham nhẫn được nhiều tri thức ‘thông thiên đạt địa’ hiện đại hữu ích cho con người đã được nói đến từ lâu.

Một trong những vấn nạn lớn của con người hiện tại là sự biến đổi của khí hậu toàn cầu. Không thể phủ nhận sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người trước tai họa tự nhiên này. Ngay từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đấng A La Hán Chánh Biến Tri đã diễn giải sự tương tác này một cách rất cụ thể:

- “Khi nào, này các Tỳ-kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy, các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo.

Khi nào mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi sai quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo.

Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc trái mùa, khi ấy chư Thiên bực mình. Khi nào chư Thiên bực mình, khi ấy trời mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa.

Này các Tỳ-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy các loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh.” (Bài kinh Phi Pháp, Tăng Chi 2, Chương 4, số 70 = [I.2.70])

Với những người học Phật tin vào quy luật nhân quả và sự cộng nghiệp dễ dàng nhận thức được thực tế này. Nói nôm na cho dễ hiểu, ví dụ, đối với một người say rượu thì không phải chỉ có mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo mà cả vũ trụ này cũng phải lăn quay với họ!

Trong bài kinh trên, đức Thế Tôn cũng nói rõ khi con người sống đúng pháp, lúc ấy các thành phần thuộc không gian và thời gian vận hành đúng theo nhịp điệu của chúng. Và nhờ vậy mọi tai họa từ xã hội cho đến cả tự nhiên cũng được loại trừ. Do vậy, có thể nói nếp sống đúng pháp chính là chìa khoá cho các vấn nạn từ của cá nhân cho đến của toàn thế giới, từ ngay trong hiện tại lẫn ở tương lai.

Theo đó, cần khách quan nhìn nhận thêm, dù khoa học đã giúp con người khám phá tự nhiên tốt hơn, nhưng nó cũng góp phần tàn phá tự nhiên nhanh hơn. Có những tiến bộ của khoa học giúp con người sống lâu hơn, thoải mái hơn; nhưng cũng có những thành tựu của khoa học khiến con người phải chết nhiều hơn, khốn khổ nhiều hơn. Đây là tính tương đối của khoa học, là hai khuôn mặt trái ngược của khoa học.

Khoa học cũng như con người, ở đâu chất chứa tham-sân-si, ở đó có khổ đau và nguy hại; ở đâu không có tham-sân-si, ở đó có an vui hạnh phúc. Chừng nào con người chưa nhận thức được vai trò quan trọng của nền tảng hạnh đức từ bi trong khoa học, trong cuộc sống, trong bản thân mỗi con người; chừng đó con người vẫn còn là nạn nhân, là nô lệ cho ‘sự quang vinh’ của chính mình.

Tóm lại, con người có hãnh diện nhìn lên vũ trụ bao la, có tự hào nhìn xuống biển sâu tăm tối, nhưng đừng quên nhìn thấy ngay trước mắt mình nguyên nhân của khổ và con đường đưa đến đoạn diệt những khổ đau. Phải chăng, đó mới chính là cái nhìn thiết thực của liễu tri ngàn thế giới?

Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình
Còn nữa...
-
(4), (5) Theo Encarta, Microsoft. Các dẫn chứng khoa học khác trong bài viết có thể tra cứu trên Internet, vài số liệu đã được làm tròn. 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm