Phật có cấm người tu hai pháp môn không?
Phật dạy giáo pháp cho chúng sanh tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, không buộc một ai phải tuân thủ pháp môn nào. Ðiểm cốt yếu là pháp môn đó có đem lại sự an lạc nội tâm, có đem lại sự ổn định cho gia đình, cho sự thanh bình của xã hội hay không?
Hỏi: Thành thật cảm ơn Thầy đã trả lời câu hỏi của con vào tháng 11: Tu pháp môn niệm Phật có tội không? Nhiều Phật tử chùa Quang Minh, thành phố Melbourne rất tán thán công đức của quý Thầy đã hoằng pháp qua hệ thống internet. Nay con hỏi thêm một câu nữa về Thiền Tịnh song tu. Trong Phật giáo có rất nhiều vị Tổ sư vừa tu Thiền vừa tu Tịnh Ðộ. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư đã nói: “Có thiền có tịnh độ như hổ thêm sừng”. Trong khi đó, một vị lại giảng: “Thiền tịnh song tu giống như người có việc gấp muốn qua sông, khi chạy đến bờ sông, liền thọt hai chân xuống hai chiếc ghe.” Phật có cấm người tu hai pháp môn không?
Kính chúc Thầy thân tâm an lạc.
(Trần Văn Tường - Thiện Huệ)

Đáp: Xin chào Phật tử Thiện Huệ,
Qua lời thưa của Phật tử, quý Thầy đoán là Phật tử đã quy y nhiều năm và tham cứu nhiều kinh điển của nhà Phật, đặc biệt là kinh điển liên quan đến pháp môn tu niệm Phật. Quý Thầy cầu chúc Phật tử đạo tâm luôn được tăng trưởng và hành trì theo pháp môn mà quý Phật tử nhận thấy là có lợi ích cho bản thân, gia đình, và góp phần làm lành mạnh hóa xã hội, và trên hết là pháp môn đó có khả năng hướng đến quả vị giác ngộ.
Như Phật tử đã biết,
Ngài Vĩnh Minh Thọ đã nói:
“Có thiền có Tịnh Ðộ
Như cọp mạnh thêm sừng
Hiện đời làm thầy người
Ðời sau làm Phật Tổ.”
Vậy thì có vị giảng mặt tiêu cực của tu hai pháp môn Thiền-Tịnh như Phật tử vừa trình bày, như vậy có được chuẩn xác lời Phật dạy không? Phật có cấm người tu hai pháp môn không?
Quý Thầy nghĩ rằng tự trong thâm tâm của Phật tử đã có một câu trả lời tương đối thỏa đáng rồi, nhưng để khẳng định lại một lần nữa thì quý Thầy trình bày vài ý sau:
Phật dạy giáo pháp cho chúng sanh tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, không buộc một ai phải tuân thủ pháp môn nào. Ðiểm cốt yếu là pháp môn đó có đem lại sự an lạc nội tâm, có đem lại sự ổn định cho gia đình, cho sự thanh bình của xã hội hay không? Và nếu là bậc xuất gia pháp môn đó có đưa đến yểm ly, ly tham, thắng trí, giác ngộ và chứng nhập Niết-bàn hay không?
Thật ra, niệm Phật cho đúng cách cũng không phải dễ. Trong cuốn Pháp Bảo Sưu Tập của Thầy Thích Hồng Hạo, xuất bản năm 1969 có ghi một đoạn như thế này, Thầy trích lại, xin tặng quý Phật tử:
“Người chân thật niệm Phật: trong thì quên thân, ngoài quên cảnh, đó gọi là đại bố thí; không sanh lòng tham sân si là đại trì giới; chẳng chấp thị phi nhơn ngã là đại nhẫn nhục; niệm Phật không gián đoạn là đại tinh tấn; vọng tưởng không móng khởi là đại thiền định; không bị sự khác và pháp khác làm mê lầm là đại trí huệ.”
Một đoạn khác của Ngài Thích Tịnh Ðức cũng trong cuốn trên triển khai về công năng của niệm Phật nhứt tâm dung thông với lục độ:
1. Nếu nhứt tâm niệm Phật thì mọi duyên tự xả, mọi ác pháp được tiêu, gọi là bố thí. Bố thí nghĩa đen là phân bố của cải, lời lẽ cho người; nghĩa bóng là giải tán các sự ràng buộc nơi lòng.
2. Nếu nhứt tâm niệm Phật thời những điều phi pháp được tiêu trừ, các điều chánh pháp được bảo vệ, gọi là trì giới. Trì giới theo nghĩa đen: không làm tổn hại đến sinh mạng, của cải, phẩm giá và hy vọng của người. Nghĩa bóng: tránh được điều ác, làm các điều lành.
3. Nếu nhứt tâm niệm Phật, tâm được nhu nhuyến, ý được ôn hòa, là nhẫn nhục. Nhẫn nhục: nhịn nhục tất cả điều phật lòng đối với hoàn cảnh xung quanh, người ta làm nhục, mình không nóng nảy, mà đủ phương tiện để giải hòa.
4. Nhứt tâm niệm Phật, tâm không thối hóa, ý không chán nản là tinh tiến. Tinh tiến: luôn luôn một mặt tiến tới. Không vì hoàn cảnh gì hay sự bất bình gì với cá nhơn mà để trở ngại việc tu niệm của mình và việc Phật sự chung.
5. Nhứt tâm niệm Phật, những tư tưởng tạp vọng không sanh, ý được chuyên nhất, là thiền định. Thiền định: tâm được yên tịnh, trong sạch, không còn chấp năng và sở. Năng: người chủ niệm là ta; sở: người được niệm là Phật. Nếu còn thấy có hai thì tâm chưa được chuyên nhất vậy.
6. Nhứt tâm niệm Phật thì chánh niệm phân minh, tinh thần sáng suốt, là trí tuệ. Trí tuệ: kết quả trực tiếp của thiền định. Ðược huệ thì không còn mốc nghi ngờ dụ dự, mà có thể thấu suốt sự thật của muôn pháp. Ðịnh như ngọn đèn yên lặng. Huệ như ánh sáng tỏa ra.
Ðể đả thông vấn đề hơn, Thầy giới thiệu quý Phật tử phần Niệm Phật trong trang nhà, đặc biệt phần: Quan hệ giữa Thiền tông và Tịnh Ðộ tông.
Quý Thầy hy vọng, sau khi đọc những bài Thầy vừa giới thiệu, tâm Phật tử được nhẹ nhàng, dung thông, thọ trì giáo pháp của đức Phật dung thông vô ngại.
Lời cuối, chúc Phật tử thân an tâm lạc và gặp nhiều thắng duyên trong tu học.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Lần thứ hai Ma Vương tìm cách phá hoại Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra sao?
Hỏi - Đáp
Hỏi: Lần thứ hai Ma Vương đã tìm cách phá hoại Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra sao?

Bản kinh ngắn, dễ hiểu dành cho Phật tử tụng kinh cầu an đầu năm
Hỏi - Đáp
Hỏi: Tôi muốn tụng kinh cầu an đầu năm tại tư gia để cầu nguyện gia đạo an lành. Tuy nhiên vì không có nhiều thời gian cũng như không rành rẽ các pháp thức kinh kệ nên tôi chỉ muốn tụng đọc bình thường những bản kinh ngắn, dễ hiểu, dễ thực hành.

Vì sao đầu năm cầu an cần tụng kinh, niệm Phật Dược Sư?
Hỏi - Đáp
Vì sao đầu năm các chùa thường tụng kinh Dược Sư để cầu an? Tôi muốn trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư để được gia hộ. Xin cho biết nên trì niệm danh hiệu nào vì Phật Dược Sư có nhiều danh hiệu và ý nghĩa của danh hiệu cùng công năng của việc trì niệm Phật Dược Sư.

Vào chùa nên đi lối nào và đứng ở đâu để khấn nguyện?
Hỏi - Đáp
Vấn: Xin thầy cho con biết vào chùa con nên quỳ hoặc đứng ở đâu là đúng nhất khi thắp nhang và khấn nguyện? Vào chùa con nên đi cửa nào vào là đúng? Có bạn bảo là không được đi bằng cửa chính vì chỉ dành cho các thầy hay để cử hành lễ nhưng nếu chùa có một cửa thì phải làm sao?
Xem thêm