Phật tánh bình đẳng
Dù không phải là Phật tử, hoặc chỉ là kẻ vô thần, có lẽ ai trong chúng ta cũng ít nhất từng một lần nghe câu nói: “Chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Đó là một trong những câu nói bất hủ trong giáo lý của Đức Phật khi nói đến sự bình đẳng giữa người và người. Lời nói này đã mở ra một con đường vô tận và là sự khích lệ lớn đối với tất cả mọi người, khiến họ mạnh dạn vươn lên trên đường đời và đường đạo. Có thể nói không có một tôn giáo nào có được giáo lý bình đẳng đến vậy! Địa vị của một người tín đồ ngang bằng với địa vị của đức giáo chủ. Còn có sự bình đẳng và từ bi nào hơn thế nữa?
Nói về pháp thế gian, sự bình đẳng và từ bi của Đức Phật đã phủ nhận chế độ giai cấp (Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá và Chiên-đà-la) của xã hội Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm trước. Đức Phật đã nâng cao giá trị của những người cùng đinh (Chiên-đà-la) lên ngang bằng địa vị của mình. Nói về pháp xuất thế gian thì câu này tuyên bố khả năng thành Phật của mỗi chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, đức Phật cũng là một chúng sanh như chúng ta, nhưng là một chúng sanh đã giác ngộ thoát ra khỏi vòng luân hồi và không còn bị phiền não ràng buộc. Phật tánh vốn ở tại tâm, nó như là một hạt giống lúc nào cũng sẵn sàng nảy mầm nếu hội đủ các điều kiện tốt cho sự nảy mầm đó. Lời của đức Phật nói đã không sai khi ngài Ưu-ba-li một anh thợ hớt tóc cho hoàng gia, đã chứng quả A-la-hán và trở thành sư huynh của những người mà trước kia mình đã làm công cho họ và là người trì luật đệ nhất. Nàng Liên Hoa Sắc - một kỹ nữ đẹp tuyệt trần trở thành A-la-hán thuyết pháp đệ nhất của Ni đoàn. Chàng Vô Não một kẻ cực ác định giết cả mẹ mình đã trở thành một vị A-la-hán hộ sanh đệ nhất.
Trong “Khuyên Phát Bồ Đề Tâm Văn” Ngài Thật Hiền đã khuyên chúng ta: “Thế nào là trọng linh tánh của mình? Tâm hiện tiền của chúng ta cùng với Đức Thích-Ca Như Lai không hai, không khác. Vậy mà tại sao Thế Tôn từ vô lượng kiếp đã sớm thành chánh giác, còn chúng ta thì vẫn còn là phàm phu hôn mê điên đảo. Lại nữa, Đức Phật Thế Tôn thì có vô lượng thần thông, trí huệ, công đức trang nghiêm; còn chúng ta chỉ có vô biên nghiệp chướng phiền não, sinh tử buộc ràng. Tâm tánh là một mà vì mê ngộ nên cách xa một trời một vực. Lặng đi mà nghĩ mới thấy hổ thẹn. Ví như ngọc báu vô giá vùi xuống bùn dơ mà xem như ngói gạch, không chút thương tiếc quý trọng. Vì thế hãy dùng vô lượng thiện pháp mà đối trị vô biên phiền não. Tu đức có công, thì tánh đức mới lộ. Bấy giờ thì như ngọc báu được rửa, treo trên phướn cao, ánh sáng rực rỡ, chói lấp tất cả. Thế mới gọi là không uổng công Đức Phật giáo hoá, không phụ tánh linh của mình”.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi đại ngộ đã thốt lên rằng: “Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh…”. Vua Trần Nhân Tông cũng đã giác ngộ được cái tâm chân thật ấy:
“Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
Người nào thấy được Phật tánh của chính mình là tôn trọng linh tánh của mình và sẽ giải thoát thanh tịnh, còn nếu không sẽ là dơ bẩn tối tăm. Mặc dù tu hành trong nhiều kiếp, cũng chưa đạt đạo quả Bồ-đề ấy cũng bởi vì còn chấp tướng vậy.
Ai cũng hiểu rằng tâm Phật sáng suốt còn tâm chúng sanh thì không sáng không tối, không nhơ, không sạch. Người học đạo không ngộ tâm thể này bèn ở trên tâm sanh tâm, không nhận được tâm chân thật nên sanh khởi sự tưởng tượng rằng Phật như thế này, thế kia, nghĩa là hướng ra bên ngoài cầu Phật mà không biết rằng chấp tướng tu hành đều là pháp ác, không phải là pháp chân thật, chẳng phải là đạo Bồ-đề. Sự thật đạo là tâm chơn chánh sẵn có nơi mình.
Ngoài bậc Vô Thượng Sĩ là đức Phật, các vị đại Bồ-tát tiêu biểu nơi người đều sẵn có. Tâm thể ai nào có khác chi đâu. Đề cập tới Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi là biểu trưng lý chân không vô ngại. Bồ-tát Phổ Hiền là hạnh đức. Bồ-tát Quán Thế Âm là lòng đại từ. Bồ-tát Đại Thế Chí là lòng kiên định. Bồ-tát Duy Ma Cật là thể tánh tịnh minh… Cả thảy các trạng thái ấy đều hoàn toàn có thể có được nơi tâm của mỗi chúng ta.
Tất cả chúng ta ai cũng sẵn có tâm Phật, ai cũng có thể thành Phật, có quyền làm Phật cho nên phải tự thấy được tâm mình một cách tường tận. Người nào đang tạo nghiệp sanh tử thì sẽ đi vào đường sanh tử, người nào nuôi dưỡng những ý niệm, tư tưởng xấu thì sẽ đi trong bốn đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la. Ai khởi niệm thiện thì sẽ đi vào con đường lành: nhơn, thiên. Ai giữ tâm lúc nào cũng thanh tịnh, không một niệm dấy khởi ngay đây, cắt đứt con đường sanh tử luân hồi.
Trong kinh Kim Cang, Đức Phật nói với ngài Tu Bồ Đề rằng: “Ta đối với A-nậu-đa-la tam-miệu-tam Bồ-đề thật không có sở đắc. Nếu có sở đắc, Đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta”, bởi vì chân thật vốn là cái sẵn có của chúng ta, có cần thêm bớt gì đâu mà gọi rằng sở đắc? Và cũng bởi vì tâm thể chân thật, Phật và chúng sanh vốn bình đẳng không khác nên gọi là đạo vô thượng Bồ-đề. Chúng ta đều có bản tâm vốn tự tròn trịa sáng láng mà không nhận ra, không ngộ được nó mà chỉ lầm chất thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ, tưởng làm tâm, vì vậy bị các thứ giác quan trần tục che đậy nên không thấy được cội nguồn bản thể của tâm.
Bao nhiêu kinh tạng, điển tích để lại cho đời, Đức Phật và chư Tổ Thầy đều chỉ dạy cho chúng ta nhận ra bản tâm hằng tri hằng giác của chính mình. Tiếc rằng ít ai trong chúng ta nhận được ý chỉ ấy mà chỉ chạy theo ngôn ngữ văn từ để rồi lầm chấp nọ kia. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh có đoạn như sau:
Ngoài tâm đi tìm đạo,
Suốt đời chẳng thấy Đạo.
Phế bỏ tâm chấp quấy,
Phiền não tự tan rã.
Thương ghét chẳng quan tâm,
Duỗi thẳng hai chân nằm.
Như vậy, cái đức siêu thoát là cái tự nhiên mà vạn loại hàm linh đều có thể đạt đến tự do tự tại như nhau. Chính Bồ-tát xuất thân từ tội lỗi, Phật sanh ra từ chốn phàm trần. Đúng theo chơn lý lẽ thật thì thiên đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, con người đều do tâm tạo ra. Hết thảy thiện ác, tội phước đều là chúng sanh tự mình làm, tự mình chịu, chẳng phải Thượng Đế, Thiên thần có thể ban phước hay làm tội mình được.
Tất cả pháp môn phương tiện Đức Phật nói trong suốt 49 năm dụ như thuyền bè qua sông hay như ngón tay chỉ mặt trăng, khi đã qua sông rồi hoặc đã thấy mặt trăng rồi thì cũng chẳng cần đến thuyền bè hay ngón tay nữa. Điều đáng nói là có tự tin vào tánh Phật của mình hay không? Dù bị tà sư ngoại đạo dẫn dắt sai lạc chánh pháp, nhưng lỗi đó cũng không phải quy trách nhiệm cho tà sư, cũng không phải vô cớ mà người này đi vào con đường sai lạc ấy.
Chúng ta phải suy tư, chiêm nghiệm sáng suốt, tinh tấn tu hành, để chẳng phụ ân đức vô lượng vô biên của Đức Phật, của Tổ Thầy, ân đức bao la như trời biển của cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp cũng như trong kiếp hiện tại, để đền trả cho sự vay mượn miếng cơm, manh áo cực khổ của đàn na thí chủ trong nhiều kiếp sanh tử thế nào cho vẹn vẻ, và nhất là tôn trọng tánh linh, Phật tánh của mình. Nhìn vào chính bản tánh rỗng lặng của ta mà tinh tấn công phu thiền quán.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm