Phương pháp chế ngự và đoạn trừ dục lạc
Nguồn gốc của dục lạc là không có đầu mối, nó thật sự chỉ do duyên sinh, phát xuất từ vô minh sai lầm và rút cuộc cũng không có điểm dừng, dục lạc chỉ có mặt khi con người còn có mê mờ chấp ngã, nhưng ngã vốn là không nên dục lạc cũng không.
> Người tham cầu lợi dưỡng khó thực hành được pháp giải thoát
Chứng minh dục lạc có thể đoạn trừ qua kinh Khởi thế nhân bổn:
Nguồn gốc của dục lạc là không có đầu mối, nó thật sự chỉ do duyên sinh, phát xuất từ vô minh sai lầm và rút cuộc cũng không có điểm dừng, dục lạc chỉ có mặt khi con người còn có mê mờ chấp ngã, nhưng ngã vốn là không nên dục lạc cũng không. Trong kinh Trường Bộ, khi nói về sự khởi nguyên và hình thành thế giới đức Phật đã chỉ rõ ra sự khởi đầu của lãnh vực này. Người viết chỉ xin tóm lược bài kinh với nội dung như sau:
Các chúng sanh ở Quan Âm Thiên nuôi sống bằng tự hỷ, sau khi chết tái sinh vào thế giới này cũng nuôi sống bằng tự hỷ, thân chói ánh sáng, bay đi tự tại…
Mặt đất thời kỳ ấy chỉ có nước, chưa có phân biệt nam nữ. Rồi sau đó xuất hiện lớp mỏng phủ trên nước, với màu sắc của bơ và vị ngọt của mật, những chúng sanh có lòng tham nếm các vị ấy, lòng tham ái bắt đầu dấy lên trong tâm của họ, họ mất ánh sáng và dung sắc trở nên xấu đi.
Mặt đất bắt đầu mọc những thứ nấm, rồi lúa cũng tự mọc, con người từ lòng tham ái lớn mạnh dần dần muốn sở hữu lúa gạo để dành ăn.
Con người trở nên thô xấu, nam nữ xuất hiện và tất nhiên đời sống tính dục cũng xuất hiện, con người bắt đầu xây dựng nhà cửa để che dấu các sinh hoạt và cất dấu của cải.
Rồi chuyện trộm cắp tài vật sở hữu, nói dối các thứ xuất hiện….
Như vậy, thời khởi nguyên con người nuôi sống bằng hỷ lạc nơi tâm, sinh ra do hạnh nghiệp và không có vấn đề tham dục. Lòng tham xuất hiện khi họ muốn nếm vị đất, từ sự ham muốn này dẫn đến những ham muốn khác, tham ái nhục dục cũng xuất hiện và sau đó là sự tư hữu tài vật, tội lỗi trộm cắp, nói dối cũng phát sinh từ đó. Khi con người còn thanh tịnh, chưa bị uế nhiễm cũng đồng nghĩa rằng dục lạc chưa có mặt, sự ham muốn khoái lạc chỉ có mặt nơi con người khi những ham muốn này được thỏa mãn.
Vì vậy ham muốn dục lạc vốn dĩ không là bản chất, không phải là bản năng của con người như con người đã từng ngộ nhận, lập luận này cũng cho ta thấy được rằng con người có thể tồn tại mà không cần có mặt của dục lạc, như vậy thì con người sẽ hoàn thiện hơn. Có thể hình dung sự có mặt của dục lạc dưới cung cách sự khoái lạc đê mê của người sử dụng ma tuý. Khi anh ta còn là một người bình thường chưa sử dụng ma túy thì không có sự khoái lạc. Khi tập tành chất trắng ấy rồi, dần dà thành thói quen, anh ta sẽ thấy không có thuốc, không có sự khoái lạc ấy là sự sống cũng như không có, ma tuý trở thành một chất liệu không thể thiếu trong cơ thể con người anh ta, thiếu ma túy đối với anh ta là không thành sự sống trên cuộc đời này. Từ một thứ bên ngoài đã đi vào chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống con người anh ta, trở thành cái “bản chất” của cuộc sống anh ta vậy.
Sự ham thích thỏa mãn các giác quan vốn không hề có mặt nơi một con người thuần tịnh, hay nói cách khác bản chất của con người không có những thứ này, sự khoái lạc đó không phải là bản năng bắt buộc phải có nơi con người mà đó chỉ là sự đòi hỏi, sự ham thích mà con người không cưỡng lại được do không đủ bản lĩnh về mặt đạo đức thuần tịnh.
Như vậy, bản chất con người vốn thanh tịnh không có sự đòi hỏi ham muốn, khi không có những ham muốn tức đó là trạng thái vắng lặng bình yên mà Đạo Phật gọi đó là Nibbàna tức Niết bàn, giải thoát. Mục tiêu của đạo phật là giúp con người cởi bỏ dục vọng, cởi bỏ được sự ràng buộc của ưa thích, ham muốn và chấp thủ, khi đã rũ sạch được những điều này tức vị ấy được xem là người thanh tịnh, người giải thoát xa lìa được sự ràng buộc. Với mục đích trên, đạo Phật đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau để con người thực tập. Sau đây là sự giới thiệu sơ lược một vài phương pháp được tìm thấy trong kinh tạng Nikàya.
Phương pháp quán duyên sinh:
Theo quan niệm của Phật giáo thì các pháp trong vũ trụ này kể cả sắc pháp và tâm pháp, không có pháp nào có thể tồn tại một cách độc lập, mọi thứ đều dựa vào nhau mà hiện hữu và tồn tại. Thuật ngữ Phật học gọi quy luật ấy là “duyên sinh” hay “trùng trùng duyên khởi”. Được tóm tắt như sau:.
Do cái này có mặt nên cái kia có mặt
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt
Do cái này sinh nên cái kia sinh
Do cái này diệt nên cái kia diệt.
dục
Lòng ham muốn có mặt, lớn lên và đạt được khoái lạc không phải tự nhiên mà có, chúng nương nhau mà hình thành. Một niệm ham muốn vừa mới khởi lên nếu không có sự đóng góp của nhân tố khác như vọng tưởng, vô minh… sẽ không tồn tại và không dẫn đến việc thụ hưởng dục lạc.
Ví dụ: bạn vừa khởi lên một ý niệm thích một chiếc xe hơi, liền sau đó với sự góp mặt của vọng tưởng, bạn sẽ mơ về một ngày mai ngồi trên chiếc xe đi du ngoạn đây đó với bạn bè…, thích thú đó cuốn theo đà vọng tưởng ấy mà lớn dần, bên cạnh đó bạn quyết tâm có được xe nên đã cần mẫn kiếm tiền và cuối cùng bạn thỏa mãn được ham muốn đó vì bạn đã có một chiếc xe. Giả sử một ý niệm thích ban đầu vừa mới khởi lên bạn đã thấy nó với sự góp mặt của chánh niệm trong hiện tại, bạn thấy rằng nó là một phương tiện chưa thật sự cần thiết và như vậy niệm ban đầu của bạn sẽ không có cơ sở để đưa đến kết quả.
Áp dụng nguyên lý này vào cuộc sống, muốn đoạn trừ sự ham muốn, bạn chỉ cần cắt đứt một yếu tố trong những yếu tố đưa đến sự hình thành của nó. Bởi vì “cái này có mặt khi cái kia có mặt, cái này sẽ không có mặt khi không có cái kia”. Sự thỏa mãn dục lạc sẽ không có mặt khi vắng mặt sự ham muốn. Nguyên lý duyên khởi này có thể được ứng dụng để quán triệt các thứ dục lạc thuộc thân và ngoài thân. Đây là pháp môn hữu hiệu mang tính truyền thống mà Đức Phật đã phát hiện ra, không phải chỉ để giải quyết dục lạc mà còn là sự giải đáp cho mọi thứ khác.
Phương pháp giới định tuệ:
Giới – Định – Tuệ là ba môn vô lậu học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục Phật giáo. Do tầm quan trọng của nó, giới định tuệ là pháp môn căn bản trong quá trình tu tập giải thoát, và do đó đóng vai trò quan trọng trong việc chế ngự và đoạn trừ dục lạc.
Giới (Paratimokha): Nghĩa là biệt giải thoát giới tức giữ được giới nào thì giải thoát được giới đó, giải thoát từng phần. Giới cũng là sự ngăn che, là ranh giới để ngăn ngừa giữa cái thiện và cái bất thiện, giữa cái đúng và cái sai lầm.
Định (samàdhi): Tức sự tập trung tâm ý vào một đối tượng, tu tập bằng phương pháp suy nghiệm. Định được chia làm hai loại là chánh định và tà định.
Tuệ(panna): Tức sự rõ biết về bốn sự thật của cuộc đời( khổ, tập, diệt, đạo) về khổ, về nguyên nhân của khổ, về sự xa lìa, về con đường dẫn đến lìa khổ. Tuệ như vậy là trái nghĩa với vô minh. Đứng về mặt thực hành, tuệ được chia làm ba loại.
- Văn tuệ: Tuệ do nghe âm thanh ( tức do học, thảo luận, nghe kinh, đọc sách mà phát sinh).
- Tư tuệ: Tuệ phát sinh nhờ suy nghĩ, tìm tòi mà rõ được nghĩa lý, hiểu được sự thật.
- Tu tuệ: Tuệ phát sinh nhờ tu hành thể nghiệm và thể nhập chân lý mà giác ngộ, chứng đạt sự thật.
Tu tập Giới Định Tuệ để đoạn trừ những ham muốn dục lạc cá nhân là phương pháp rất quen thuộc của Phật giáo.
Về phương diện đoạn trừ dục lạc, vì giới là sự ngăn che, là ranh giới cho những cái thiện và cái bất thiện nên dĩ nhiên Giới có công năng đoạn trừ dục lạc. Giới luật của Phật chế ra cho hai chúng tại gia và xuất gia là để giữ gìn nếp sống bình an và hạnh phúc cho gia đình và xã hội, để thanh tĩnh đạo tâm và bồi dưỡng nếp sống tâm linh của con người, lấy điển hình là giới dâm, một trong năm giới cấm căn bản đầu tiên của Phật chế định, để giữ gìn nền tảng đạo đức và hạnh phúc bình an cho xã hội, người tại gia không được tà dâm, tức không quan hệ bất chính với người thứ ba ngoài bạn đới của mình.Với người xuất gia sống phạm hạnh, giới này hoàn toàn dứt sạch, nhường chỗ cho sự tăng tiến an lạc tâm linh.
Về định, định cũng là một pháp môn quen thuộc trong lãnh vực này. Vì khi quan sát đạt đến sự nhất tâm, trí tuệ và nguồn tâm phát triển đạt được sự hỷ lạc, và tất nhiên những ham muốn khoái lạc về nhục dục sẽ bị mất chỗ, không còn cơ sở để tồn tại và phát sinh nữa.
Tuệ trong Phật giáo là sự thấy biết rõ về khổ, tập, diệt, đạo, nên chắc chắn dục lạc là thành lũy đầu tiên mà tuệ nhắm vào và phá bỏ, bởi tất yếu là dục lạc vốn nguyên nhân của khổ. Một niệm ham muốn vừa mới khởi lên, tuệ lập tức thấy được mặt mũi nó, thấy được nguyên nhân nó sinh khởi nên chắc chắn rằng nó có thể đoạn trừ và vì vậy cũng tìm ra cách đoạn trừ nó. Bởi vậy nên một số kinh điển cho rằng : Tuệ là kiếm bén để chặt đứt lậu hoặc.
Phương pháp thay thế:
Lạc - sự vui thích không chỉ có một mà có rất nhiều như đã nói đại khái là: dục lạc, thiên lạc, thiền lạc, giải thoát lạc hay niết bàn lạc… phần này xin nói rõ về phương pháp đoạn trừ dục lạc bằng cách thay thế, tức thay dục lạc – niềm vui thỏa mãn giác quan bằng thiên lạc, thiền lạc, giải thoát lạc.
Nói thay thế nghe như nhẹ nhàng hơn đoạn trừ nhưng thực ra cả hai đều chỉ có một mục đích chung là làm vắng mặt dục lạc. Bất cứ ở phương diện nào, ở trạng thái nào của sự sống, hạnh phúc là nhân tố không thể thiếu để duy trì sự tồn tại, cho nên không thể nói một cá nhân từ bỏ dục lạc thì không có thứ lạc gì khác, hay nói khác từ bỏ những ham muốn lạc thú rồi thì không còn chất liệu gì đáng sống nữa, và như vậy con người trở thành loại cây khô mà Đạo Phật gọi đó là kết quả của tà pháp, là sự ngộ nhận về phương pháp tu tập. Đạo Phật đặt mục tiêu xây dựng nếp sống tâm linh cho con người và vì vậy lẽ đương nhiên mãnh đất tâm linh ấy cần có hỷ lạc tưới tẩm nuôi lớn, hỷ lạc tâm linh là sự thay thế cho dục lạc của ham muốn giác quan và đây chính là sự thay thế mà người viết muốn đề cập. Xét về mặt tổng quát, không phải bao giờ dục lạc cũng được thay thế bởi một loại lạc về tâm linh, tuỳ theo phương pháp tu tập và mục đích mà hành giả muốn hướng đến thì có loại lạc tương ứng.
Thiên lạc thay thế:
Một số trường phái tu tập hướng mục đích về thiên giới để hưởng lạc thú cảnh trời, không còn bị vướng bận bởi cơm, áo, gạo, tiền, không bị vướng bận vì những thứ lo toan của trần gian. Trường phái này tu tập bằng cách làm các việc thiện như cứu giúp người nghèo, giúp đỡ bệnh nhân … nói chung là những việc thiện. Tuy nhiên, khác với những hoạt động của Phật giáo với mục đích lợi ích tha nhân, trường phái này làm việc để chỉ mong hưởng phước lạc cho bản thân về sau (tín đồ Phật giáo hay vấp phải điểm này). Vì là những thiện hạnh như vậy nên họ gặt hái thiện báo như ý muốn, tức cũng được hưởng những lạc thú, hạnh phúc nhưng không còn niềm vui khoái lạc của sự ham muốn giác quan – dục lạc nữa mà đó là thiên lạc, niềm vui cõi trời tế nhị hơn trần gian.
Giải thoát lạc hay Niết bàn lạc thay thế:
Niết Bàn là niềm vui của cảnh giới người không còn tham ái chấp thủ, siêu việt mọi lạc thọ, đó là chất liệu sống của cảnh giới người chứng đắc quả giải thoát, là sự an lạc của Đức Thế Tôn, người đã chứng quả tối thượng. Được niềm vui trong sự giải thoát giác ngộ này, hành giả sẽ không còn tồn tại sự vui thích giác quan, giải thoát lạc là niềm vui vượt hẳn tất cả và cao thượng hơn tất cả, đó là kết quả của sự tu tập lâu dài.
Cả hai loại Thiên và Niết bàn lạc này tuy có khả năng thay thế dục lạc, nhưng không nằm trong đường hướng giáo dục cởi bỏ dục lạc của Đức Thế Tôn. Bởi vì Thiên lạc vẫn còn sự hạn chế, vẫn là niềm vui hữu lậu nhờ kết quả là phước báo, tức vẫn chịu vô thường. Về giải thoát lạc, đó là kết quả tu tập lâu dài và không phải ai cũng có cơ duyên đạt được, mặc dù nằm trong mục tiêu giáo dục nhưng là mục tiêu tối hậu.
Thiền lạc thay thế:
Thiền lạc là niềm vui hạnh phúc sinh ra khi hành thiền, thiền lạc có khả năng thay thế dục lạc vì thiền lạc thì thù thắng hơn dục lạc. Trong kinh điển Nikaya nói về thiền thường hay nhắc đến cụm từ “hiện tại lạc trú” tức trạng thái hỷ lạc được được phát sinh ngay trong lúc hành thiền, chỉ cần bạn tịnh chỉ tâm, dừng đuổi bắt, theo dõi đối tượng duy nhất, gạn lọc những điều gây phiền toái, tâm bạn sẽ được an tịnh, bình yên, một sự tự hỷ xảy ra trong tâm bạn, đó là thiền lạc, là kết quả thanh lọc tâm tư và cảm xúc. Đức Phật gọi thiền lạc là “ly dục lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, giải thoát lạc”, trong khi dục lạc được biết là “cảm giác lạc, hạ liệt lạc phàm phu lạc, phi thánh lạc”. Như vậy, về mức độ thiền lạc tối thắng hơn dục lạc.
Bởi tính chất hướng thượng ấy của thiền lạc mà nó có khả năng thay thế dục lạc thấp hèn. Tuy có khả năng thay cho dục lạc nhưng thiền lạc thuộc nội tâm, cá nhân, không thể chia sẻ với người khác được. Nói khác đi, chỉ những ai có hành thiền mới được thiền lạc, mới thấy được lợi ích thiết thân của thiền. Con đường đi vào thiền lạc rất gần gũi, phù hợp với mọi căn cơ và đối tượng. Vì vậy giáo dục phương pháp hành thiền để có hỷ lạc thay cho dục lạc là đường hướng chủ trương của Đức Thế Tôn, và đây cũng là lời giải đáp mà đề tài này muốn trả lời cho vấn đề dục lạc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm