Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/10/2014, 14:14 PM

Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân Nam Trung bộ

Có nhiều cách giải thích khác nhau về thuật ngữ âm hồn. Theo Việt Nam tự điển thì âm hồn có nghĩa là hồn người chết . Thờ linh hồn từ vua đến dân thường chết không có nơi thờ tự.

Tóm tắt

Bên cạnh các loại hình tín ngưỡng, như: tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Cá Ông, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên… vốn đã rất phổ biến trong đời sống của người dân nói chung thì tín ngưỡng thờ cúng âm hồn lại càng rất quan trọng với cư dân ven biển Nam Trung bộ.

Khái lược về âm hồn

Trước hết, có thể gọi Thuyết vật linh (Animism) trong Văn hóa nguyên thủy của E.B.Tylor có vai trò như một viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về thế giới tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng âm hồn.

Lý thuyết vật linh cổ về sự sống đã giải thích được nhiều điều thuộc những trạng thái vật chất và tinh thần bằng lý thuyết về sự bay đi của toàn bộ linh hồn. Lý thuyết này chiếm một vị trí rất quan trọng và bền vững trong sinh hoạt của người hoang dã. Theo Tylor thì: “niềm tin vào sự bay đi tạm thời của linh hồn được thấy trên toàn thế giới ở những nghi lễ của phù thủy, thầy cúng và thậm chí cả những người bói toán” (E.B.Tylor, 2000, tr.524). Tylor còn mở rộng ra linh hồn của động vật, cây cối, đồ vật… ma được phân loại thành ma hiền và ma dữ, từ đó sinh ra học thuyết ma ám, những câu thần chú, hiến tế, thuốc chống ma, học thuyết về bái giáo vật, thờ thú vật, thần thánh…

Có nhiều cách giải thích khác nhau về thuật ngữ âm hồn. Theo Việt Nam tự điển thì âm hồn có nghĩa là hồn người chết . Thờ linh hồn từ vua đến dân thường chết không có nơi thờ tự.
Ảnh minh họa
Theo Hán tự âm hồn là hồn người chết về cõi âm. Theo học thuyết nhân quả của nhà Phật, con người sau khi chết, phần hồn tùy theo nghiệp quả sẽ đầu thai theo lục đạo:

- Thiên: cõi trời như Phật, Bồ Tát,…
Người: con người (sang, hèn, giàu, nghèo, hạnh phúc, bất hạnh…).
- A tu la: Quỷ thần (bậc ở trung gian).
- Súc sinh: súc vật như trâu, bò, ngựa, dê…
- Ma quỷ: loài quỷ đói thường ở nơi dơ bẩn, ẩm ướt.
- Địa ngục: nẻo về của kẻ ác (cõi âm).

Còn theo Từ điển Văn hóa, phong tục cổ truyền Việt Nam, âm hồn là: “hồn của người chết ở nơi cõi âm theo tưởng tượng, có thể quanh quẩn bên người thân còn sống” (nguyễn như Ý - chu Huy, 2011, tr. 17). Âm hồn cũng có thể là linh hồn của những người chết từ nơi khác trôi dạt về, không biết danh tín được người dân trong làng, vạn lo mai táng, chôn cất. Âm hồn còn là “cộng đồng vong hồn gồm đủ loại từ vua quan đến thứ dân, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ con người đến côn trùng thú vật” (Huỳnh ngọc Trảng - Trương ngọc Tường, 1999, tr.138).

Như vậy, âm hồn là những người đã chết nhưng vì nhiều lý do khác nhau không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Họ có thể là ngư dân gặp bão bùng, tai nạn trên biển trôi dạt vào đất liền mà trên người không có một dòng địa chỉ liên lạc. cũng có thể họ có gia đình, bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh, bất thình lình gặp tai ương bất trắc, bệnh tật bất ngờ, cọp tha, hổ vồ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm hồn cô độc… Từ những cách giải thích âm hồn đã nêu trên, chúng tôi định nghĩa thuật ngữ âm hồn như sau: Âm hồn là những linh hồn cô độc, chết vì nhiều lý do khác nhau chưa được siêu thoát, lang thang vất vưởng, không được thân nhân thờ cúng.

Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn ở Việt Nam

Nói về tín ngưỡng thờ cúng âm hồn ở Việt Nam, nhà nghiên  cứu  nguyễn  Lang  trong  công  trình  Việt  nam Phật giáo Sử luận viết: Lễ siêu độ ngạ quỷ, cô hồn có nguồn gốc từ ấn Độ được truyền sang và thịnh hành ở Trung Hoa vào đời Đường do ngài bất Không Kim cang (amogha), còn gọi là bất Không Tam Tạng, người bắc ấn Độ, một truyền nhân nổi tiếng của mật giáo (Kim Cang Thừa - Vajrayāna) hoằng hóa.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy tài liệu nào cho biết chính xác niên đại của nghi thức lễ siêu độ ngạ quỷ cô hồn có ở Việt nam từ khi nào. Theo tác giả nguyễn Lang thì lễ siêu độ cô hồn đã được phổ biến rộng rãi ở đời Trần. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép, phép thí thực này du nhập vào Đại Việt vào năm 1302 do một đạo sĩ tên Hứa Tôn Đạo.

Năm 1320, Pháp Loa tổ chức trai đàn chẩn tế ở chùa Phổ ninh trong cung để cầu cho Thượng hoàng Trần Anh Tông sống lâu thêm. Trong những trai đàn lớn, nghi thức chẩn tế được dùng là nghi thức Du Già Khoa nghi, đầy những ấn quyết và thần chú.

Trong  thiền  môn,  thời  khóa  tụng  niệm buổi  chiều thường có một nghi thức thí thực cô hồn ngắn, gọi là mông Sơn thí thực văn. cả hai nghi thức đều mang nặng màu sắc mật giáo (nguyễn Lang, 1974, tr.412).

Theo Đại nam nhất thống chí, phần về tỉnh Quảng bình, nghệ an thì: “về việc tế âm hồn, năm 1449 lập đền tế âm hồn không ai thờ cúng. Đến năm 1464 mới định lễ vật thịt rượu tế âm hồn, chia làm ba bực thượng, trung, hạ đều theo như lễ vật tế bách thần, hàng năm sai quan phủ đặt tế lễ ba mùa (xuân, hạ, thu), làm thành lệ” (nguyễn Duy Hinh, 1996, tr. 75). còn Phan Huy chú thì nhận định: “Lễ này có từ đầu nhà Lê, về sau vẫn làm theo, không đổi” (Phan Huy chú, 1992, tr. 143).

Tục cúng cháo thí thường tổ chức tại các đình chùa cho những cô hồn chết đường chết chợ, những người chết oan, chết mất xác ngoài chiến trận, hoặc những người chết mất xác trên biển, không ai biết tên tuổi để cúng giỗ hàng năm. Khi thực hiện nghi lễ này, người ta cho rằng các cô hồn uổng tử sẽ đến nhận chén cháo cho no bụng ấm lòng, và để hưởng ơn “xá tội vong nhân” cho mau chóng được đầu thai sang kiếp khác.

Việc thờ cúng âm hồn ngoài cộng đồng bên cạnh nguyên nhân không có người thân thờ tự thì theo quan niệm dân gian, đối tượng này cũng có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân. Việc cúng bái xuất phát từ tâm lý sợ hãi, mong âm hồn đừng quấy phá công việc làm ăn, buôn bán và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của mình. ngoài ra, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn còn là một hình thức cầu an, cầu mùa, cầu mong xứ sở, xóm làng được bình yên.

Vì vậy, tín ngưỡng này có ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là sự cảm thông sâu sắc giữa người sống với người đã chết và còn là sự tri ân đối với các bậc tiền bối đã có công giữ gìn cho làng xóm bình yên, đã có công khai phá và xây dựng làng mạc, ruộng đồng. có nhiều hình thức thờ cúng âm hồn khác nhau, có loại cúng nhưng không thờ thường phổ biến ở gia đình, cá nhân. có loại cúng có cơ sở thờ tự (nghĩa tự) thường phổ biến ở cộng đồng làng, xã (đặc biệt phổ biến ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ).

Tư tưởng lão giáo trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn Tuy có sự hỗn dung tam giáo trong hệ tư tưởng, song thực tế, chúng ta có thể khu biệt các quan niệm ứng xử khác nhau trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn. nhìn chung, chất lượng của mối quan hệ giữa người sống với âm hồn được quy vào việc thực hành tế tự, thờ cúng. Theo đó, vong hồn cô độc theo quan niệm dân gian, do không có người tế tự, cúng kiếng nên bị bỏ đói khát, lạnh lẽo thường phải lang thang vẩn vơ, gieo rắc tai họa cho con người trần thế, đặc biệt là các vong hồn uổng tử vốn còn nhiều sân hận nên trở thành đám “ôn hồn dịch lệ” hại đời.

Đó là các đối tượng mà pháp sư, phù thủy Lão giáo phải giải trừ bằng bùa, chú, pháp thuật. ở các vùng ven biển nam Trung bộ, theo lời kể của các cụ cao niên, trước đây tập tục này rất phổ biến, vai trò của thầy pháp rất quan trọng trong việc giải trừ tà ma, ôn dịch. nhưng hiện nay đã mất, hoặc còn thì cũng đã mờ nhạt và lược bỏ đi nhiều khâu phức tạp. nó chỉ còn được thể hiện rõ ở một vài lễ hội lớn như Lễ hội miếu bà Yên Phú, Tư nghĩa (Quảng ngãi), bên cạnh việc tổ chức cúng tế các nữ thần, các vị thần phối thờ, người dân còn cúng tế âm hồn.

Sau lễ tế, họ còn làm lễ thả thuyền tống ôn và phóng đăng trên sông cổ Lũy - Phú Thọ, hoặc trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, với vai trò của pháp sư thực hành nghi lễ. Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, nghi thức này vẫn còn được thấy phổ biến, như trong lễ Tống ôn/Tống gió/ Tống tiễn cô hồn “xuống tàu” bằng bè chuối thả trôi sông sau lễ Kỳ yên của đình làng nam bộ [Huỳnh ngọc Trảng 2011: 276], hay tục tống ôn, một nghi lễ nằm trong diễn trình lễ tế Âm linh của hầu hết các làng biển Quảng nam - Đà nẵng, còn gọi là “tống cói hạ kỳ” hay “tống ôn đưa khách”.


Tư tưởng Phật giáo trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn Theo tư tưởng Phật giáo, công việc cúng âm hồn thuộc các vị xuất gia tại chùa bắc tông và tiến hành thực hiện vào buổi chiều mỗi ngày. cúng cầu siêu cho âm hồn ngoài được tổ chức chính tại các chùa, còn lại thường cúng tại gia, không được tổ chức cúng tập thể như ở các làng quê ven biển nam Trung bộ. Theo thuyết nhà Phật, có ba điều cần nắm vững trước khi tiến hành lễ mông Sơn thí thực.

Thứ nhất, đối tượng của nghi thức này là các hương linh chưa được siêu thoát sau khi trút hơi thở cuối cùng trên cõi trần thế. Trong đó có sáu nguyên nhân cơ bản, và để lễ cầu siêu có kết quả các nhà sư phải tập trung vào những nguyên nhân đó để giúp hương linh được siêu thoát:

- Hận thù trong chiến tranh mà cái chết thình lình xảy ra thì làm cho mối thù hận ấy tăng thêm, chết trong hận thù như vậy khó siêu thoát.

- Chết bất đắc kỳ tử, bao gồm các loại chết  “ngang xương”, chết “lãng xẹt” khi nghiệp chưa hết, tuổi thọ chưa hết như: chết thiên tai, động đất, lũ lụt,  hạn  hán, dịch bệnh, tai nạn giao thông…

- Các loại chết tự tử, tìm đến cái chết khi con  người đứng trước những nghịch cảnh, rơi vào tuyệt vọng dẫn đến trầm cảm nặng và nghĩ rằng cái chết là phương tiện duy nhất để giải thoát khổ đau.

- Chết trong nỗi oan ức, người ta chỉ còn cách chọn cái chết để thanh minh cho sự trong sạch của mình.

- Chết trong tình yêu quyến luyến, da diết không buông. Khi chồng hoặc vợ mất đi, người còn lại vội vàng tái hôn trong vòng một năm để tạo ra một khoảng thời gian an toàn cho việc siêu thoát của người đã từng đầu ấp tay gối.

- Sự tiếc nuối tài sản, sự nghiệp, vị trí xã hội, danh dự.

Thứ hai, trong Kinh điển Đại thừa, sáu đối tượng chết như trên thường có nhu cầu ăn uống vào giờ chiều tối. nhưng có một điều cần nhận thức rõ là các hương linh không ăn như con người trần thế mà chỉ thưởng thức hương vị dâng cúng của người còn sống đối với người đã chết, thể hiện lòng tôn kính, tiếc nhớ dành cho hương linh. Hương linh không có miệng để đưa thực phẩm vào, không có cổ để nuốt, bao tử để chứa, hệ tiêu hóa để tiêu hóa. Tuy nhiên, dựa vào lễ vật dâng cúng như cơm, cháo, hương, đèn…, ý niệm về sự no đủ xuất hiện với họ. chính vì vậy, trong nghi thức dâng cúng, phẩm vật rất đơn giản. cần hiểu rõ nhu cầu đói khát của hương linh khác với con người, để chúng ta không quá bận tâm cúng các món người chết thích khi còn sống. Vì cúng như vậy không những không có giá trị, mà còn tốn kém.

Thứ ba, theo quan điểm Phật giáo, toàn bộ nhận thức của hương linh chỉ đơn giản là cảm nhận bằng cái tâm. Vậy nên, những người tham gia cúng âm hồn, cô hồn vào buổi chiều tối, quan trọng nhất là năng lực hoán tưởng và hành trì. Vì vậy, khi tiến hành cúng hoặc cầu siêu cần tập trung cao độ vào đối tượng thờ cúng, tránh phân tâm dẫn đến cúng kiếng và cầu siêu không còn ý nghĩa, âm hồn không cảm nhận được.

ở xã nghĩa  Hòa, huyện Tư nghĩa  (Quảng ngãi)  có lễ hội chùa Ông - Thu Xà rất nổi tiếng. Trước khi bước vào lễ chính tế Quan công, ban tế tự chùa Ông còn tổ chức đăng đàn chẩn tế ngoài sân rất long trọng với nhiều lễ vật nhưng toàn là lễ vật chay tịnh như cháo trắng, trái cây, gạo, muối… để cúng âm hồn.

Cũng cần phải nói thêm rằng, lễ Vu Lan và lễ cúng âm hồn là hai lễ cúng hoàn toàn khác nhau của Phật giáo, với hai tích hoàn toàn khác nhau dù được cử hành trong cùng một ngày rằm tháng bảy. một đằng thì liên quan đến chuyện tôn giả mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi chốn địa ngục, một đằng lại liên quan đến chuyện tôn giả anan thực hiện nghi thức bố thí cho các loài ngạ quỷ. một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phước.

Sự khác nhau giữa hai bên là điều hiển nhiên. Tuy vậy, vẫn có nhiều người còn lẫn lộn giữa hai lễ thức. chẳng hạn như nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa nguyễn Duy Hinh, khi học giả này cho rằng: “Ngày rằm tháng 7 vốn là lễ Vu Lan của Phật giáo ghi nhớ việc báo hiếu của Mục Kiền Liên nhờ Phật cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Nhưng người Việt đã chuyển hóa thành ngày tế cô hồn” [nguyễn Duy Hinh 2007: 532].

Tư tưởng Nho giáo trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn một điểm khác, theo quan điểm “thượng tôn nhân nghĩa” của nho giáo về việc thờ cúng âm hồn, hình thức tế nghĩa trủng - nghĩa tự  phổ biến ở hầu khắp các làng quê nam Trung bộ. Đối với nho giáo, việc thờ cúng tổ tiên là một chuẩn mực chính yếu của đạo hiếu.

Do vậy, các âm hồn cô độc, tức người quá vãng không có con cháu nối dõi thờ tự (mồ mả không được tu bổ, sửa sang, hàng năm không được cúng giỗ) là những trường hợp bất hạnh, vô phúc. Vậy nên, để thể hiện lòng nhân nghĩa, các làng xóm phải lập sở nghĩa trủng, nghĩa tự (hoặc am âm hồn, miếu âm linh) để thờ cúng các đối tượng đó như một thiết chế văn hóa địa phương và hàng năm, vào trước dịp cúng thần ở đình làng, vào rằm tháng Giêng, hoặc phổ biến nhất là vào dịp Thanh minh, cư dân ven biển nam Trung bộ đều tiến hành lễ tế nghĩa trủng, nghĩa tự (giẫy cỏ, vun đất cho các nấm mộ hoang và bày lễ vật cúng tế theo nghi thức tế lễ của Nho giáo: trống, chiêng, dâng lễ vật, đọc văn tế…). ngoài ý nghĩa đạo đức, việc cúng lễ cho các âm hồn cô độc cũng nhằm hướng chúng vào việc phục vụ lợi ích cộng đồng, biến chúng thành lực lượng siêu nhiên có tác dụng bảo hộ trật tự của làng xóm, khu vực làm ăn sinh sống.

Và, theo nhận định chủ quan của chúng tôi, nếu như mục đích cuối cùng của lễ xá tội vong nhân trong tư tưởng Phật giáo là giúp cho âm hồn, vong linh được siêu thoát về miền cực lạc, không còn ở chốn dương gian để hại người, hại đời, thì tín ngưỡng thờ cúng âm hồn trong dân gian, đặc biệt là của cư dân ven biển vùng nam Trung bộ, dường như là chấp nhận sự tồn tại của những thế lực âm hồn này song hành trong cuộc sống của họ. cúng bái một mặt là để tỏ lòng thành kính, tình yêu thương, trân trọng “thập loại chúng sinh”, bên cạnh đó là cầu xin các thế lực âm hồn phù hộ độ trì cho cuộc sống của người dân được ấm no, đủ đầy. Như vậy, có thể nói, việc thờ cúng âm hồn ngoài cộng đồng làng xóm tại các nghĩa trủng, nghĩa tự của cư dân sinh sống dọc ven biển nam Trung bộ chịu ảnh hưởng lớn từ triết lý tư tưởng nho giáo, thấm đượm tư tưởng nhân nghĩa, hiếu hòa.

“Đã biết anh hùng vô định cốt, gặp vận này đất Việt trời Nam. Nhưng mà đồng loại vẫn thương tâm, thảm cho kẻ mồ hoang cỏ loạn. Nay xin điện một diên trà quả, dưới nhưỡng tuyền hoặc thấu cho chăng, tạm dùng đôi ngọn hương đăng, lòng dân sĩ xin soi đến đó”.

Văn tế Âm Linh tự – an Vĩnh, Lý Sơn, Quảng ngãi.

Kết luận

Tóm lại, xuất phát từ các tín niệm khác nhau về âm hồn, người dân có cách cúng tế các đối tượng này đa dạng với những hình thức diễn xướng và thực hành nghi lễ phong phú. ở đó, nếu hình thức nghi lễ Lão giáo nhằm chức năng giải trừ, tống ôn thì hình thức tế lễ ở các nghĩa trủng, nghĩa tự theo tư tưởng nho giáo lại có chức năng giáo hóa, đề cao đạo lý nhân nghĩa không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa người với người mà còn giữa người sống và người đã chết, xác lập một công ước giữa quá khứ và hiện tại. riêng Phật giáo, các nghi lễ cúng tế âm hồn, vong hồn luôn nhắm đến sự cứu cánh, giải thoát.

Qua những tập tục cúng tế trình bày ở trên, chúng ta thấy hình thức tín ngưỡng thờ cúng âm hồn là một tổng thể được hình thành dựa trên những giáo thuyết khác nhau trong hệ thống tín ngưỡng từ xưa. Và, dù hiểu trên góc độ nào, tín ngưỡng dân gian vẫn là một hình thái ý thức xã hội, một nhu cầu cần thiết của xã hội, hay nói cách khác, tín ngưỡng dân gian vẫn là nguồn gốc của giá trị đạo đức, niềm an ủi, sự nâng đỡ về tâm lý cho con người.

Điều này được thể hiện rất rõ trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân vùng ven biển nam Trung bộ. ở nhiều nơi, lễ vật cúng tế âm hồn tại các nghĩa tự rất đa dạng, bởi mỗi gia đình, tùy theo điều kiện kinh tế mà đồ cúng lễ khác nhau, có thể là một một rổ khoai lang, một nồi bắp luộc, một mâm bánh ít lá gai hoặc bánh lá dong, vài đòn bánh tét, bánh nổ, bánh thuẩn…

Lễ vật không câu nệ sang hèn, có gì cúng nấy, miễn là có tấm lòng thành kính dâng lên chư vị tôn thần và âm linh. Về việc bày biện lễ vật cũng không quá câu nệ, phép tắc, có bát đĩa thì lễ vật được bày biện lên bát đĩa, còn không có bát đĩa thì lấy lá đa, lá chuối, lá dong... làm vật dụng bày biện thay thế vẫn được.

Sau khi hiến tế cho thần linh và âm hồn thì tất cả mọi người trong làng, xóm đều được bình đẳng trong việc thừa hưởng tất cả các lễ vật đã được dâng cúng. Từ đó, tính dân chủ, bình đẳng được thiết lập thật sự qua một hình thức tín ngưỡng dân gian. Không quá ràng buộc vào những khuôn khổ, phép tắc thường thấy như trong các tôn giáo.

Như vậy, trong tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển nam Trung bộ, cho dù có sự đan cài, gắn bó, hòa trộn giữa tín ngưỡng dân gian với một số tôn giáo du nhập từ bên ngoài như nho - Phật - Lão, nhưng trên hết, văn hóa truyền thống của người Việt; văn hóa làng xã hay cụ thể hơn là tín ngưỡng dân gian vẫn là cái cốt lõi trong tục thờ cúng âm hồn của cư dân ven biển nói riêng, của người Việt Nam nói chung. bởi, dù chịu ảnh hưởng của nho giáo, Phật giáo hay Lão giáo thì đều xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Lòng yêu thương con người, trọng tình nghĩa. Công việc thờ cúng âm hồn là công việc chung, tự nguyện, không có sự ép buộc, mỗi một cá nhân tham gia cúng lễ tại miếu âm linh, sở nghĩa tự, nghĩa trủng cảm thấy vui, cảm thấy có ích vì những việc mình đã làm, đó vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự của cả cộng đồng. nhờ thế, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn càng thêm được củng cố chặt chẽ hơn.

Ths.Phạm Tấn Thiên/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014
-
Tài liệu tham khảo
1. E.B.Tylor. 2000. Văn hóa nguyên thủy.  Hà Nội: Nxb Tạp chí
Văn hóa Nghệ thuật, 1044 tr.
2. Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường - Hồ Tường. 1993. Đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và nghi lễ. TP.HCM: Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 309 tr.
3. Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường. 1999. Đình Nam Bộ xưa và nay. Biên Hòa: Nxb Đồng Nai, 313 tr.
4. Nguyễn Duy Hinh. 1996. Tín ngưỡng Thành hoàng  Việt Nam. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội, 255 tr.
5. Nguyễn Duy Hinh. 2007. Tâm linh Việt Nam. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách Khoa, 558 tr.
6. Nguyễn Lang. 1974. Việt Nam Phật giáo Sử luận. Sài Gòn: Nxb Lá Bối, 466 tr.
7. Nguyễn Minh San. 1998. Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam. Hà Nội: Nxb Văn hóa Dân tộc, 392 tr.
8. Nguyễn Như Ý - Chu Huy. 2011. Từ điển văn hoá, phong tục cổ truyền Việt Nam. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam, 439 tr.
9. Nguyễn Xuân Hương. 2009. Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách khoa & Viện văn hóa, 425 tr.
10. Nhiều tác giả. 2011. Sài Gòn sau màn bụi. Hà Nội: Nxb Hội Nhà văn, 309 tr.
11. Phan Huy Chú. 1992. Lịch triều hiến chương loại chí. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 414 tr.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm