Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 16/04/2016, 17:33 PM

Tự hào truyền thống Việt, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Không phải “mình tự khen mình”, nhưng theo tôi, dân tộc Việt Nam chúng ta thật là hạnh phúc. Chúng ta vừa có đạo Phật, một tôn giáo quá đẹp đẽ, mang tính quốc tế, vừa có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong đó có thờ quốc tổ Hùng Vương. 

Nếu như người phương Tây coi trọng ngày sinh (sinh nhật), thì người phương Đông, trong đó có người Việt coi trọng ngày mất (ngày giỗ). Ngày giỗ, là dịp con cháu quây quần lại, tưởng nhớ đến người quá cố với lòng thành kính, với mâm cơm, lễ vật lòng thành dâng cúng tỏ lòng biết ơn, mong người đã khuất phù hộ độ trì cho con cháu. Và như vậy, ý chí của người trước được trao truyền cho lớp sau, mạch nguồn văn hóa được chảy mãi. Thật hạnh phúc, dân tộc Việt Nam ta có có một ngày giỗ chung, ngày giỗ Quốc Tổ.
 
“Dù ai đi ngược về xuôi
 Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng ba” 

Ngày đó, người Việt từ Nam chí Bắc, từ miền ngược xuống miền xuôi, từ trong nước ra tới kiều bào ta ở nước ngoài ai cũng đều hướng về đất Tổ Phong Châu - Phú Thọ để tưởng nhớ đến cha ông từ 4 ngàn năm về trước. Ví như trong một gia đình, anh em có thể có những xung khắc về tính cách, hay quan điểm, nhưng với việc đại sự như giỗ chạp, thì những sự việc “xích mích” nếu có được gác lại một bên, một quốc gia dân tộc cũng như vậy. Nghĩ đến đất nước, nghĩ đến dân tộc, đến đồng bào, bất kỳ ai con dân Việt có tự tình dân tộc, những ngày này đều trào dâng niềm thương tưởng về quá vãng cha ông ta. Bởi, như Bác Hồ nói, “đã là người Việt Nam thì ai cũng yêu nước” cả. Niềm yêu nước ấy không phải tự nhiên mà có mà được vun bồi từng chút một, từ những điều rất giản dị, từ tấm bé. 

Từ ngày còn bé tí, tôi đã đọc và bây giờ còn nhớ rõ bài thơ “Qua Thậm Thình” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi:

“Đi qua xóm núi Thậm Thình 
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm 
Vua Hùng một sáng đi săn 
Trưa tròn bóng nắng nghĩ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy 
Báng chưng mấy cặp, bánh dầy mấy đôi 
Đẹp lòng vua phán bầy tôi 
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa 
Múa chày đôi với chày ba rập rình 
Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình... 
Cối thơm thơm cả nghĩa tình nước non.
Không còn dấu cũ lầu son 
Phía sau thành phố khói vờn trong mây 
Trời cao nắng tỏa đường cây 
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây...Thậm Thình”.

Khi lớn lên, tôi đã tìm đến mảnh đất Phong Châu - Phú Thọ, đi lần tìm cái “xóm núi Thậm Thình” khi xưa, trong bài thơ ấy. Ngồi lặng nơi “xóm núi”, khi “trưa tròn bóng nắng”, lắng nghe tiếng “thậm thình” của tiếng chày giã gạo để dâng vua của những cư dân Việt cổ, từ cách nay 4 ngàn năm vọng về, mà lòng bộn rộn, bâng khuâng! Có ở đâu trên trái đất này, có câu chuyện tình đẹp như chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ không (đẹp hơn chuyện Romeo và Juliet!)?, có ở đâu có loại bánh ngon và rất giàu ý nghĩa về tình cảm, về triết lý nhân sinh, thế giới quan như bánh chưng- bánh giày không? Có con chim nào đẹp hơn chim lạc? Có tiếng nhạc cụ nào trầm hùng như tiếng trống đồng, mà kẻ địch phải thốt lên “nghe tiếng trống đồng bạc cả tóc”...? Tất cả những cái đó, đều là của người Việt cả. Theo nghiên cứu, người ta còn cho rằng Kinh Dịch, giá trị lớn của văn minh phương Đông là của người Việt nữa cơ (chữ khoa đẩu và bãi đã cổ Sa Pa đã có những bằng chứng)!

Cha ông ta thông minh và quả cảm, sinh ra các lớp con cháu thông minh, quả cảm. Dù còn bao gian khó, nhưng với sự thông minh và quả cảm, với sự phù trì của cha ông, chúng ta sẽ gỡ được những khúc mắc, thách thức của lịch sử- như đã làm được trong quá khứ, để đến những bến bờ của tương lai  tươi sáng. Tôi đã suy tưởng, và tin tưởng vào dân tộc này. 

Nhà anh bạn tôi ở một xã thuộc Văn Giang (Hưng Yên), sát đường 5, cứ đến Giỗ Tổ Hùng Vương cả làng, nhà nào cũng đều làm giỗ “bánh trôi, bánh chay”, dâng mâm bánh lên ngôi đền thờ trong làng. Theo lời mời, tôi đã về ấy dự mấy lần, có lần có được vĩnh dự ngồi “xếp bằng” ở đình làng với các bác cao niên. Vì các bác ấy bảo, “quý hóa quá, cán bộ từ Hà Nội về...”. Trong mâm cơm ngày giỗ Tổ, câu chuyện ngày xa xưa đan quyện với chuyện ngày nay. Còn nhà tôi, ở quê, trước ông nội tôi có mâm cỗ, hay nhiều khi ít nhất thì ông cũng thắp nén hương lên ban thờ vào ngày này.

Hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được sự công nhận quốc tế khi tổ chức UNESCO liệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đạo Phật đã vào Việt Nam tự khi nào? Có nghiên cứu cho rằng, đạo Phật vào nước Việt ta từ 200 đến 300 năm Tr.CN (có thể cùng thời với vua Asoka); địa danh mà đạo Phật vào là Luy Lâu, nay là chùa Dâu (cùng với Bành Thành, Lạc Dương bên Trung Quốc, là những trung tâm Phật giáo lớn), hay là Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) như tên gọi; hay Quỳnh Viên (Nghệ An)...?

Theo “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của Thiền sư Lê Mạnh Thát thì người Phật tử đầu tiên của Phật giáo Việt Nam là Chử Đồng Tử và người truyền Pháp cho ông là sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên tương đương thời vua Asoka (A Dục) ở Ấn Độ. Ở thời kỳ này, Phât giáo Việt Nam đang trong giai đoạn làm quen, những tư liệu từ truyền thuyết đến lịch sử chỉ cho thấy Phật giáo đương thời mang một sắc thái huyền bí, linh dị. Nếu đúng thì có lẽ chưa thể hình thành đầy đủ Tăng đoàn. Còn về tự viện thì cho đến nay chưa có một minh chứng nào xác nhận sự tồn tại còn lưu lại. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, Phật giáo thời Hùng Vương tuy chưa có các tự viện to lớn, tăng đoàn... những đã có những điểm rõ nét.  

Đặc biệt, thông qua nghiên cứu của Lê Mạnh Thát thì Phật giáo thời Hùng Vương đã kết hợp nhuần hóa với văn hóa hậu kỳ, tạo ra một lực lượng mới, định hình phong cách cho nền văn hóa bản địa, đủ sức tự vệ với cuộc đấu tranh Bắc hóa của văn hóa Trung Quốc sau này. 

Như vậy, đạo Phật đã hòa vào văn hóa bản địa giàu bản sắc một cách tự nhiên, nhuần nhị, làm cho nền văn hóa ấy phong phú hơn, lấp lánh sắc màu hơn - có những triết lý Phật giáo đã trở thành lời ăn tiếng nói, câu cửa miệng hàng ngày để mọi người răn nhau. Có thể nói thế này, đạo Phật đã vào nước ta, hay chính cha ông  chủ động tiếp nhận, hay tiếp nhận một cách rất hoan hỉ- không phải cưỡng ép hay những cuộc chiến tranh. Cái sự từ bi của đạo Phật, rất tương hợp với sự nhân văn, khoan hòa trong trong bản tính của cư dân lúa nước Việt “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi).

Đạo Phật, tôn giáo tuyệt vời, như ông Anhxtanh, nhà khoa học lỗi lạc nhất thế kỷ 20 đã nhận xét “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận bằng cách, lấy ngày đức Phật Đản sinh làm ngày tôn giáo, văn hóa của thế giới (lễ Vesak)... Tôn giáo tuyệt vời ấy, đã vào Việt Nam (theo nghĩa bị động), hay cha ông ta bằng “minh triết” của mình đã lựa chọn cho cháu con ngày ngay (theo nghĩa chủ động). Chỉ cần biết rằng, đạo Phật đang đồng hành với dân tộc, với những bước thăng, lúc trầm của dân tộc này, đó là cái hồng phúc lớn lắm.  

Ngày hôm nay (mồng 10, tháng Ba), khu đất thiêng - núi Hy Cương, Phong Châu, Phú Thọ, hàng vạn con dân nước Việt tìm về, hàng triệu người dõi về với niềm thành kính khôn nguôi. Biết rằng như hôm nay sẽ rất đông, tôi đã đi Đền Hùng từ trước đó. Bâng khuâng trong làn sương mờ của sớm tinh khôi... Vẫn đây, nằm trong quần thể di tích Đền Hùng, gồm Đền Trung, Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Giếng, Cột đá thề, lăng Hùng Vương, đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ... có cả một ngôi chùa, chùa Thiên Quang. Chùa Thiên Quang có tên chữ là “Viễn sơn cổ tự”, “Sơn cảnh thừa long tự” nay gọi là “Thiên Quang Thiền tự”. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, chùa được xây dựng vào thời nhà Trần (TK XIII-XIV). Ban đầu chùa kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”. Theo văn bia “trùng tu chùa Thiên Quang, được viết tháng 10 năm Canh Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 3 Hoàng Triều (1950) có ghi về việc tu sửa chùa như sau: “... tân tạo gác chuông vào năm Ất Tỵ (1845).

Đến năm Đinh Mùi (1847), trùng tu chùa và hậu đường. Đến ngày tốt tháng 8 năm Kỷ Dậu (1849), thiền tăng đứng ra chiêu tập những người thiện tín phát lòng trang hoàng tượng Phật vàng ngọc, gồm hơn 30 tòa, làm mới thêm tòa Hộ pháp, một tòa Long thiên, một tòa Đại phạm, một tòa Thiên vương, cùng các đồ tế khí như đèn, hoa, bàn, mâm dùng để thờ tự được trang nghiêm...”.

Dân tộc Việt có 2 nguồn tâm linh, một nguồn mang tính quốc tế, giá trị nhân loại; một nguồn là sở hữu dân tộc. Hai nguồn tâm linh đó bổ sung cho nhau, làm nên sức mạnh nội tại của dân tôc này, để vượt qua bao can qua bão táp của những nghịch cảnh lịch sử. Ngôi chùa trong quần thể Đền Hùng, đã nói lên hai nguồn tâm linh đan xen, bổ sung cho nhau. Đó là hạnh phúc, hay hồng phúc của dân tộc này. May mắn thay. 

Hà Quang Đức
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm