Từ kẻ cướp thành nhà sư ẩn tu

Có những người không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hiện tại không sống ở Sài Gòn nhưng thành phố này vẫn luôn trong tim họ như một đốm lửa đượm ân tình, bởi trong những đoạn đời gian khó, họ từng được Sài Gòn đỡ dậy, dìu đi…


Dẫu ẩn tu trên núi Thị Vải, sư Thích Minh Thủy vẫn luôn nhớ về Sài Gòn với lòng tri ân sâu đậm - Ảnh: Diệu Hiền

Quá khứ lỗi lầm

“Cha tôi tên Thụ, đặt tên tôi là Hưởng. Chẳng biết cái tên có vận vào người hay không mà tôi từng trải, hưởng thụ mọi lạc thú trên đời, từ ăn chơi sa đọa, hút chích ma túy đến đâm thuê chém mướn, vào tù ra khám, ngập ngụa trong trụy lạc, tội lỗi” - sư Thích Minh Thủy cởi mở thổ lộ với chúng tôi về thời trai trẻ dữ dội của mình.

Sư Minh Thủy có tên thật là Phạm Văn Hưởng, sinh năm 1953, quê ở tỉnh Thái Bình. Là thầy đồ, cha ông kỳ vọng sau này ông sẽ học thành bác sĩ nhưng khi lớn lên, ông trượt dài trong “tứ đổ tường” và trở thành tên cướp hung hăng ở Sài Gòn.

Sư nói: “Hơn 20 năm nay, tôi ẩn tu trên núi Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cuộc đời thảnh thơi, an lạc. Để có điều này, tôi mang ơn cha mẹ đã cho tôi hình hài, mang ơn Phật pháp đã soi sáng cho tôi thoát khỏi mê lầm, mang ơn những ân nhân ở Sài Gòn đã sinh tôi ra lần nữa”.

Vị ân nhân đầu tiên là người chị quá cố của ông, tên Phạm Thị Át (Hiên), ở huyện Hóc Môn, TPHCM. Bà đã thay em mình phụng dưỡng cha mẹ bệnh tật, lo hậu sự cuối đời. Bà đã dành cho em tình thương vô bờ bến bất kể em có hư hỏng, bất nghĩa, lừa lấy tài sản của mình. Bà vẫn nấu cho ông những bữa ăn ngon kèm theo lời khuyên nhủ, động viên nhẹ nhàng để ông vượt qua mặc cảm, có động lực thay đổi.

Năm 1988, sau khi ra tù vì hành vi cướp có dùng súng, ông Hưởng liền quay lại chốn giang hồ và càng hung hăng, bất chấp. Một lần, chịu đựng quá ngưỡng, bà Hiên đã nói với ông: “Em cũng có tuổi rồi, lo mà tu tâm dưỡng tánh, nếu không thì chị đành phải cắt đứt tình chị em. Ăn chơi như vậy mãi thì đời em sẽ về đâu? Em nên vào chùa làm công quả để sám hối tội lỗi”. Lời nói này khiến ông trắng đêm thao thức. Ông hiểu rằng, 2 chữ “cắt đứt” của chị không phải là lời dọa suông.

Trang đời mới

Năm 1995, ông bắt đầu vào làm bảo vệ trong chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn). Tình thương, lòng kiên nhẫn của Thượng tọa Thích Chân Tính - trụ trì chùa - và các sư đã từng bước giúp ông khắc chế “cái tôi” ngỗ nghịch, tự mãn để sống chan hòa với người đồng tu, với Phật tử bốn phương. Quá khứ của ông được các sư đặt ngoài cổng chùa, chỉ còn lại niềm tin và lời khuyên nhủ, vỗ về để ông an tâm lo tròn trách nhiệm và hoàn lương.

3 năm ở chùa, ông rũ bỏ lớp áo của một tên giang hồ để trở thành một người bảo vệ mẫn cán. Tại đây, ông có duyên gặp được Hòa thượng Thích Giác Viên của tịnh xá Ngọc Phật, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được Hòa thượng thâu nhận làm đệ tử, đặt cho pháp danh Thích Minh Thủy. Từ ngày 13/5/2000, ông tới ẩn tu trên núi Thị Vải.

Sau phút tọa thiền, sư Minh Thủy nhẹ nhàng đi qua các tảng đá, dẫn chúng tôi tham quan núi Thị Vải. Phóng tầm mắt xa ngút, sư Minh Thủy chỉ tay về hướng TPHCM với ánh mắt trìu mến. Sư luôn giữ trong lòng mình những kỷ niệm với Sài Gòn, cả những ngày lầm lạc hay những lần lột xác nhờ niềm tin và ngọn lửa thiện lương từ chị và sư thầy.

Khi được hỏi “yêu Sài Gòn, sao sư lại rời xa”, sư Minh Thủy đáp: “Do sư có duyên tu núi nên phải rời Sài Gòn. Sư chỉ rời chứ không xa bởi sư vẫn thỉnh thoảng về đó thăm lại chùa Hoằng Pháp hay tham gia các chương trình quyên góp giúp bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi, đi nói chuyện với giới trẻ ở chùa chiền, nhà giam… để chúng tránh xa con đường tối như sư từng sa vào”.

Ghé Sài Gòn, bạn có bị níu chân bởi những điểm sửa xe miễn phí, những giường trọ 0 đồng, những người bộ hành xắn tay xách giỏ nặng phụ bạn qua đoạn đường ngập nước, những phần cơm chay từ thiện, những gói xôi ấm trong mưa đêm khi đang lỡ đường đói lả?

Theo Phụ nữ TP.HCM

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Từ kẻ cướp thành nhà sư ẩn tu

Phật pháp và cuộc sống 11:15 15/12/2024

Có những người không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hiện tại không sống ở Sài Gòn nhưng thành phố này vẫn luôn trong tim họ như một đốm lửa đượm ân tình, bởi trong những đoạn đời gian khó, họ từng được Sài Gòn đỡ dậy, dìu đi…

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Phật pháp và cuộc sống 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Hơn 60 y bác sĩ cúi đầu tri ân chàng trai chết não hiến tạng

Phật pháp và cuộc sống 10:44 14/12/2024

Trước lúc thực hiện ca mổ lấy tạng, hơn 60 nhân viên y tế đã cúi đầu nói lời tiễn biệt, tri ân chàng trai 18 tuổi chết não.

Lòng từ bi là phương pháp tu tập quan trọng hàng ngày

Phật pháp và cuộc sống 10:25 14/12/2024

Trong giáo lý nhà Phật, lòng từ bi là nền tảng quan trọng giúp con người chuyển hóa khổ đau và tiến đến hạnh phúc. Từ bi không chỉ là lòng thương yêu, mà còn là sự thấu hiểu và mong muốn chân thành giúp giảm bớt khổ đau cho mọi người, mọi loài.

Xem thêm