Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 03/11/2019, 09:04 AM

Hồi sinh sau hai lần cận kề cái chết từ đam mê với tiếng đàn Guitar Hawaii

Nhà giáo Bùi Bạch Liên (SN 1942) - học trò của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - được mệnh danh là người giữ lửa cho cây đàn guitar Hawaii (còn gọi là Hạ Uy cầm) tại Việt Nam. Trải qua hai lần kề cận cái chết, nhưng nhờ có cây đàn bà lại hồi sinh, tìm cách để guitar Hawaii không mai một.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Luân hồi

Học trò cưng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Nhà giáo Bạch Liên biểu diễn Guitar Hawaii trong ngôi nhà của Trịnh Công Sơn tại Huế. Ảnh: Lương Đình Khoa

Nhà giáo Bạch Liên biểu diễn Guitar Hawaii trong ngôi nhà của Trịnh Công Sơn tại Huế. Ảnh: Lương Đình Khoa

Nhà giáo Bạch Liên kể: “Một lần đi học qua phố Cửa Nam, nghe được tiếng đàn văng vẳng, âm thanh du dương và rất lạ khiến tôi quên cả đường về. Lân la hỏi thăm mới biết đó là tiếng Hạ Uy cầm do nhạc sĩ Hoàng Vân chơi. Tiếng đàn ấy ám ảnh, khiến tôi nung nấu được học đàn. Gia đình không cho phép, tôi phải trốn bố mẹ để theo đuổi đam mê, và có duyên trở thành học trò của thầy Đoàn Chuẩn.”

Bài liên quan

Bà Liên cũng cho biết, số học sinh nữ ngày đó không nhiều, lại do khó khăn nên nhiều người bỏ cuộc. Chỉ bà kiên trì bám trụ nên được thầy rất quý, chỉ dạy tận tình. Chương trình các dịp lễ lớn, thầy Chuẩn đều chọn cô học trò đi biểu diễn. Bà cũng là người được thầy tặng riêng bản nhạc “Thuở trâm cài” (mà gần đây lo tuổi gần đất xa trời sẽ để thất lạc một tình khúc hay của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nên bà đã công bố với dư luận, gửi tặng lại gia đình nhạc sĩ).

Cây đàn trở thành tri kỷ, là chỗ dựa cho bà trong cuộc sống từ đó. Năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, mỗi lần nghe còi báo động là bà một tay bế con, một tay ôm đàn cùng chạy. Chưa bao giờ bà bỏ rơi cây đàn của mình.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà vừa lo hoàn thành nhiện vụ giảng dạy tại một trường Trung học nghề ở Hà Nội, vừa“chạy sô” từ các câu lạc bộ đến các quán cà phê… phục vụ tất các tầng lớp, tham gia ủng hộ các chương trình từ thiện để quảng bá tiếng Hạ Uy cầm tới công chúng.

Muốn gần những người trẻ để cùng kết nối, học tập, tạo niềm vui sống mỗi ngày cho bản thân, tạo nên những điều ý nghĩa cho cộng đồng là cách sống của nhà giáo Bạch Liên. Ảnh: Lương Đình Khoa

Muốn gần những người trẻ để cùng kết nối, học tập, tạo niềm vui sống mỗi ngày cho bản thân, tạo nên những điều ý nghĩa cho cộng đồng là cách sống của nhà giáo Bạch Liên. Ảnh: Lương Đình Khoa

Vịn tiếng đàn vượt qua đau đớn

Bài liên quan

Xót xa khi thấy tiếng Hạ Uy cầm có nguy cơ chìm vào quên lãng, năm 1992 nhà giáo Bạch Liên thành lập câu lạc bộ (CLB) “Đêm guitar Hawai – Hà Nội” với 10 thành viên. CLB duy trì được 5 năm thì bà bị tai nạn chấn thương sọ não và mất trí nhớ, sống đời sống thực vật, gia đình tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng nghị lực và khao khát sống để thực hiện những dự định còn dở dang với cây đàn đã dần vực bà đứng dậy.

Năm 2004, một tai nạn xe máy làm bà gẫy xương bả vai, xương sườn và dập nát đầu gối. Những ngày tranh đấu với bệnh tật ấy, bà càng thấy quý hơn cuộc sống và tiếng đàn. “Vợ tôi yêu tiếng đàn guitar Hawaii mà vượt lên bệnh tật không khác gì Phùng Quán yêu thơ vậy: “Những lúc khổ đau ta vịn câu thơ mà đứng dậy”. Chồng bà – nhà văn, nhà giáo Cao Sơn chia sẻ.

Ảnh tư liệu khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ốm, cô học trò Bạch Liên đến thăm thầy.

Ảnh tư liệu khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ốm, cô học trò Bạch Liên đến thăm thầy.

Bài liên quan

Không đành lòng nhìn tâm huyết của mình mất đi, bà nối lại liên lạc với anh em trong CLB, dành trọn tầng 1 trong căn nhà nhỏ của mình ở phố Phan Văn Trường làm trụ sở sinh hoạt. Số tiền hai vợ chồng già dành dụm được, cùng 4.000 USD con gái ở Đan Mạch gửi về cho mẹ phẫu thuật đầu gối, bà đầu tư hết vào đàn và các thiết bị âm thanh cho CLB. Bà bảo: “Với người nghệ sĩ thì âm nhạc có thể quý hơn tính mạng. Tôi mon men tập đi mỗi ngày. Giờ đi đâu cũng phải buộc vào chân mình 4 thanh trì nặng 1,5 kg để giữ thăng bằng. Tôi chấp nhận chân mình như vậy để có được cây đàn, tạo điều kiện cho tiếng đàn phát triển. Không có âm nhạc, chắc tôi không thể sống nổi.”

Những khi trái gió trở trời, cơn đau nhức từ não đến bả vai, xương sườn, đầu gối hành hạ, bà đều âm thầm chịu đựng, gắng giữ tinh thần để người thân yên tâm. Bà suy nghĩ: “Dù điều gì xảy ra, tiếng cười vẫn phải luôn thường trực trên môi. Nếu mình buồn bã con cháu sẽ không vui, lo lắng theo. Mình có thể tự lập và hạn chế được những khó khăn cho cộng đồng, cho con cháu thì coi như cuộc sống của mình hạnh phúc rồi”.

Tiếng đàn kết nối vang xa

Nhà giáo Bùi Bạch Liên và bộ sưu tập đàn Giutar Hawaii biệt của bà - ảnh Lương Đình Khoa.

Nhà giáo Bùi Bạch Liên và bộ sưu tập đàn Giutar Hawaii biệt của bà - ảnh Lương Đình Khoa.

Năm 2006 CLB “Đêm Guitar Hawaii Hà Nội” hoạt động trở lại với 10 hội viên “cứng” và gần 100 người đam mê âm nhạc thường xuyên lui tới. CLB còn thu hút nhiều tên tuổi trong làng nhạc Việt tham gia như nhạc sĩ Hoàng Vân, Hoàng Giác, các nghệ sĩ Quang Hạnh, Mai Hoa,  Đức Long, Quỳnh Hoa, Hồng Vinh… Hội quán văn nghệ Nhánh Lan Rừng của nhạc sĩ Thế Hiển trong Sài Gòn cũng là địa chỉ giao lưu thường xuyên của CLB.

Nhiều Việt kiều về nước mê mẩn tiếng đàn mà tìm đến tham gia như nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt (Canada), Phi Long (Pháp) Lê Quý  (Úc). Thậm chí cảm phục đam mê hết lòng vì tiếng đàn của nhà giáo Bạch Liên, ông Phi Long thường xuyên về nước giao lưu, tặng bà cây đàn hiệu Rickentracker mang về từ Pháp. Cây đàn ấy theo bà đi biểu diễn nhiều nơi, ra đến cả nước ngoài như Đan Mạch, rồi chương trình “Đại hội Trưng Vương hạnh ngộ toàn thế giới" vào tháng 7/2010 ở California (Mỹ).

Bài liên quan

Ngày 22/9/2012, Hội quán Di sản - đơn vị bảo tồn và phát triển, quảng bá văn hóa Việt - đã quyết định tổ chức chương trình âm nhạc đặc biệt “Một thuở yêu đàn” để tôn vinh nhà giáo – nghệ sỹ Bạch Liên, đưa tiếng đàn Guitar Hawaii trở lại với đời sống âm nhạc Việt. Khán giả yêu nhạc Hà Nội có cơ hội được nghe nghệ sĩ Bạch Liên chia sẻ nhiều thông tin về nguồn gốc, lịch sử, cấu tạo, cách chơi Hạ Uy cầm và những câu chuyện thú vị xung quanh cây đàn này, cùng một loạt các ca khúc trữ tình vượt thời gian qua tiếng đàn mê hoặc của bà.

Chương trình gây tiếng vang lớn, để sau đó hai chương trình “Guitar Hawaii - Cung đàn xưa trở lại” (21/2/2013) và “Guitar Hawaii – Thu Hà Nội” (3/8/2013) liên tiếp được bà phối hợp cùng Hội quán Di sản thực hiện. Nghệ sĩ Phi Long (Việt kiều Pháp), các nghệ sĩ trẻ như Nguyễn Hữu Tâm, Lê Văn Thường, Cao Ngọc Hải... từ Quảng Ninh, Hội An cũng tìm về góp mặt. Chương trình thu hút sự thưởng thức của GS sử học Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc, họa sĩ - nhà giáo nhân dân Lê Thanh, GS Hà Ðình Ðức, NSND Phạm Thị Thành và hàng trăm khán giả khác, đặc biệt là các khán giả trẻ.

Người nghệ sĩ già luôn nhìn lại những ký ức đã qua, cả bình yên và gian khó, đớn đau để tìm ra những gì vui tươi, lạc quan nhất đi tiếp trong hiện tại - ảnh Lương Đình Khoa

Người nghệ sĩ già luôn nhìn lại những ký ức đã qua, cả bình yên và gian khó, đớn đau để tìm ra những gì vui tươi, lạc quan nhất đi tiếp trong hiện tại - ảnh Lương Đình Khoa

Ngày 9/9/2014, chương trình “Guitar Hawaii – Đêm Hoàng Thành” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long thành công, được coi là thỏa mãn giấc mơ lớn trong đời để tôn vinh tiếng Hạ Uy cầm của nhà giáo Bạch Liên.

Thắp lửa tình yêu tiếng đàn cho giới trẻ

Không chỉ hợp với dòng nhạc trữ tình bất hủ của các nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy…, Hạ Uy cầm còn có thể thể làm say đắm lòng người với những giai điệu trẻ trung, sôi nổi cho giới trẻ như Paloma, Sibone, Tango bleu, Twis sông  Hồng, Quả táo trắng, các tình khúc nhạc Nga, và dân ca quan họ như: “Hoa thơm bướm lượn”, “Bèo dạt mây trôi”… 

Thế hệ trẻ ngày nay ít biết và không có điều kiện theo học Hạ Uy cầm vì trong các trường dạy nhạc không có bộ môn này. Bởi thế nên nhà giáo Bạch Liên tự thấy mình có trách nhiệm cần phổ biến tiếng đàn độc đáo này đến với đông đảo người trẻ, với hy vọng “nhen đốm lửa tàn”.

Bài liên quan

Bà thường xuyên đến biểu diễn giao lưu ở nhiều phòng trà, quán café âm nhạc tại Hà Nội mà không lấy tiền công. Bà nói: “Bây giờ nhịp sống hiện đại cuốn con người ta đi, những bạn trẻ tôi gặp, ai cũng thấy đầy lo toan, mệt mỏi. Thế nên chỉ cần mỗi ngày có thêm những người mới biết đến và yêu âm thanh của cây đàn này, coi như đó là một niềm vui rồi”. Cũng vì thế mà bộ sưu tập đàn của bà ngày càng phong phú hơn. Bà còn lo xa, sợ sau này đàn khan hiếm, không ai sản xuất các phụ kiện cho đàn nên mua sẵn cả hàng chục bộ dây và móng đàn dự trữ.

Đến nay dù đã ở tuổi 77, sức khỏe yếu dần, bệnh tật và những cơn đau về xương khớp hành hạ nhiều hơn, nhưng chưa bao giờ nhà giáo Bạch Liên cho phép tiếng đàn của mình ngừng nghỉ. Bà không nhận mình có năng khiếu gì đặc biệt, mà chủ yếu lấy cần cù bù thông minh để rèn rũa, hoàn thiện tiếng đàn hơn mỗi ngày. Bà tâm sự: “Tôi không dám tập đàn buổi tối, vì đã tập là say mê không dứt ra được, có khi tập suốt đêm không ngủ. Mà sức khỏe giờ lại không cho phép như vậy. Tôi mong các trường đào tạo về âm nhạc sẽ quan tâm đến việc đưa cây đàn guitar Hawaii vào giảng dạy. Tôi sẵn sàng dạy người nào muốn học và hỗ trợ nếu cần giúp đỡ. Chỉ cần được thấy những người trẻ chơi guitar Hawaii là tôi thấy thích và xúc động lắm!".

Ngôi nhà nhỏ ở phố Phan Văn Trường trở thành địa chỉ đỏ cho những người yêu Giutar Hawaii chốn Hà Thành - ảnh Lương Đình Khoa.

Ngôi nhà nhỏ ở phố Phan Văn Trường trở thành địa chỉ đỏ cho những người yêu Giutar Hawaii chốn Hà Thành - ảnh Lương Đình Khoa.

Bên cạnh đó, nhà giáo Bạch Liên còn tích cực tìm tòi, tự học thêm tiếng Anh, các kỹ thuật vi tính đủ sử dụng Facebook, yahoo để gần gũi, hòa nhập vào đời sống của giới trẻ, tìm cách chia sẻ về tiếng đàn.

Một đời  sống với đam mê, Nhà giáo Bạch Liên như ngọn lửa nhỏ thắp lên niềm hy vọng lớn trong việc phổ biến guitar Hawaii tại Việt Nam.

Quý vị có thể lắng nghe: 32 tình khúc vượt thời gian qua tiếng đàn Guitar Hawaii nhà giáo Bùi Bạch Liên tại:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bài thơ về cơm chùa

Góc nhìn Phật tử 17:16 26/04/2024

Tôi còn nhớ hôm đó, khi mặt trời đã lừ đừ lặn về hướng Tây xa xa có những rặng núi xanh rì, tôi ra khỏi tam quan của chùa để trở về nhà…

Đối trị phiền não khi niệm Phật

Góc nhìn Phật tử 11:05 26/04/2024

Thực ra không phải tới lúc niệm Phật chúng ta mới có phiền não, hoặc nhận biết ra chúng ta đang có, thậm chí quá nhiều phiền não, mà nói cho đúng: phiền não đã có trong chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay.

Trường sinh bất tử qua cái nhìn của nhà Phật

Góc nhìn Phật tử 21:39 25/04/2024

Từ ngàn xưa, con người đã hằng nung nấu, ôm ấp ước mơ được trường sinh bất tử. Tuy nhiên, sự bất tử trường sinh dường như chỉ thấy có được trong những câu chuyện thần thoại hoang đường, hay truyền thuyết mơ hồ viễn vông.

Lành thay nếu được là học trò của Đức Phật

Góc nhìn Phật tử 14:37 25/04/2024

Giả như có một lần úp mặt vào lòng bàn tay suy ngẫm, ta sẽ thấy con người ngay từ lúc thoát thai đã chịu bất công: người rạng ngời tướng tốt ủ yên trong gấm vóc lụa là, kẻ đui què câm điếc lại còn sinh trong gia đình bần tiện.

Xem thêm