Nét đẹp văn hóa của tổ tiên
Ở Việt Nam, theo nguyên tắc thì tất cả mọi nhà đều phải dựng một cây nêu ở trước sân để chứng tỏ đây cũng là lãnh thổ của Bụt và chúng ta phải thực tập thì lãnh thổ này mới thật sự là lãnh thổ của Bụt, lãnh thổ của từ bi và trí tuệ.
Sự tích cây nêu
Ở Việt Nam có một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian về sự tích cây nêu. Chuyện kể rằng:
Ngày xưa, Ma vương làm chúa tể cõi đất này. Dưới quyền thống trị của Ma vương có rất nhiều bạo động, hận thù tham vọng nên dân chúng rất khổ. Nhưng trong dân chúng có người có cái thấy bất nhị: nếu có ma thì thế nào cũng có Bụt. Bụt ở đâu đó và thế nào Bụt cũng tới để cứu mình nên mình đừng lo. Mình cứ kiên nhẫn đi, một ngày nào đó Bụt sẽ xuất hiện. Thật vậy, khi ấy Bụt mới thành đạo, Ngài đi thiền hành tới và ngồi xuống rất yên lặng. Ma vương nghĩ: “Anh chàng này là ai mà có vẻ khác người như vậy? Ngồi yên, nhẹ nhàng, không quấy phá ai hết. Vậy cứ để anh ta ngồi”. Bụt ngồi thiền xong đứng lên đi những bước chậm rãi, an lạc, thanh thoát. Bụt đi thiền hành xong, trở lại ngồi xuống thì Ma vương tới hỏi thăm:
– Anh là ai? Anh tới đây làm gì?
Bụt nói:
– Tôi thấy đất này đẹp quá! Sớm mai cũng đẹp, buổi chiều cũng đẹp. Tôi ngồi lắng lòng lại để thấy được những cái đẹp đó. Nó nuôi dưỡng tôi, nó cho tôi hạnh phúc. Tôi không cần sở hữu đất đai, vườn tược, châu báu ngọc ngà. Tôi không tranh đua với anh, tôi chỉ muốn anh cho tôi cơ hội được ngồi yên và được đi những bước thảnh thơi trên hành tinh đẹp đẽ này mà thôi.
Ma vương thấy điều này không có hại gì tới mình nên nói:
– Được, anh muốn ngồi bao lâu cũng được, muốn đi bao nhiêu cũng được.
Mấy ngày sau Bụt nói:
– Nhưng tôi có nhiều bạn lắm. Tôi có tới 1250 bạn mà người nào cũng muốn ngồi thiền, đi thiền. Vậy anh có cho phép chúng tôi được ngồi thiền và đi thiền trên lãnh thổ của anh hay không?
Ma vương nói:
– Được, làm gì chứ đi thiền và ngồi thiền thì được.
Hôm đó trời nắng, Ma vương hỏi:
– Anh muốn bao nhiêu đất, bao nhiêu vùng để ngồi thiền và đi thiền?
Lúc đó chưa có thước đo, Bụt nói:
– Bây giờ nếu anh chịu thì tôi sẽ cởi chiếc áo ca sa của tôi, tung cao lên trời. Bóng của chiếc y che được từng nào thì đó là đất đai mà chúng tôi cần để ngồi thiền và đi thiền.
Ma vương nghĩ nhiều lắm thì chiếc y chỉ che độ một vài cây số nên nói:
– Không sao hết, anh cứ tung lên đi!
Bụt cuốn áo ca sa lại và tung lên trời. Như có thần lực, áo ca sa bay lên cao, cao nữa rồi xòe ra. Và khi xòe ra thì bóng của chiếc ca sa bao trùm hết cả trái đất. Như vậy, theo nguyên tắc thì Bụt và các đệ tử có quyền đi thiền và ngồi thiền khắp nơi trên cõi đất. Đó là giao kèo giữa Bụt và Ma vương.
Chuyện này không có trong kinh mà do dân gian đặt ra. Từ đó về sau mỗi khi Tết đến, tất cả người dân trong nước dựng lên một cây nêu, trên cây nêu có treo một chiếc y của Bụt để nhắc mọi người rằng: Đây không chỉ là lãnh thổ của Ma vương, mà đây cũng là lãnh thổ của Bụt. Chúng ta có quyền tu tập, ngồi thiền và đi thiền trong lãnh vực này. Làm được chuyện này thì chúng ta sẽ làm giảm thiểu đau khổ và chế tác được nhiều hạnh phúc. Từ đó các bạn và các đệ tử của Bụt tha hồ thực tập ngồi thiền, đi thiền, pháp đàm, ăn cơm im lặng tại vì sự thực tập giúp làm lắng dịu thân tâm, làm cho người ta có thể hiểu nhau, thương nhau và hòa giải với nhau.
Từ đó về sau, nhờ sự thực tập mà thế gian bớt khổ rất nhiều. Người ta thấy đây không phải chỉ là lãnh thổ của Ma vương mà đây cũng là lãnh thổ của Bụt. Cứ đến ngày Tết là gia đình nào cũng dựng lên một cây nêu ở trước sân vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, trên đó có treo một chiếc ca sa của Bụt để nhắc nhở rằng mình phải thực tập để chế tác hạnh phúc và làm giảm thiểu khổ đau thì Bụt mới có lãnh thổ. Nếu mình bỏ quên sự thực tập, không ngồi thiền, không đi thiền, không pháp đàm, không ăn cơm trong chánh niệm, không giữ giới thì lãnh thổ này là lãnh thổ của ma cho dù mình được cho phép thực tập đi nữa.
Dựng cây nêu vào ngày 23 Tết để ta quán chiếu từ ngày 23 cho đến ngày mồng một Tết là mình phải tiếp tục thực tập. Chính khi thành Bụt rồi mà còn phải thực tập huống hồ gì ta chưa thành Bụt. Vì vậy ta cần phải thực tập thật tinh chuyên. Theo nguyên tắc thì từ ngày 23 tháng chạp đến ngày mồng một Tết ta phải tự nhắc nhở mình phải tu tập như thế nào để lãnh thổ này là lãnh thổ của Bụt, của an lành mà không phải là lãnh thổ của Ma vương.
Nhưng ở Việt Nam, hình như ở Trung quốc cũng vậy, người ta ăn Tết Tới 10 ngày. Như vậy cũng hay vì chúng ta có nhiều thì giờ để vui chơi với nhau. Nhưng trong xã hội ngày nay con người quá bận rộn nên ta bắt buộc phải giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày. Ở Làng Mai chúng ta cũng sẽ thực tập 4 ngày Tết: mồng một, mồng hai, mồng ba và mồng bốn Tết. Cây nêu là một sự thực tập nhắc nhở chánh niệm. Nếu không thực tập, không giữ giới, không biết ngồi thiền đi thiền, không biết nói lời ái ngữ và thực tập lắng nghe thì những tham giận, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, hận thù sẽ phát triển và lãnh thổ của Bụt sẽ trở thành lãnh thổ của ma.
Cây nêu có chức năng nhắc nhở cho tất cả mọi người là năm mới ta ta phải thực tập cho đàng hoàng để làm giảm thiểu khổ đau và chế tác thêm hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của cây nêu. Ở Việt Nam, ngày hôm nay theo nguyên tắc thì tất cả mọi nhà đều phải dựng một cây nêu ở trước sân để chứng tỏ đây cũng là lãnh thổ của Bụt và chúng ta phải thực tập thì lãnh thổ này mới thật sự là lãnh thổ của Bụt, lãnh thổ của từ bi và trí tuệ.
Chợ hoa
Sáng nay, thay vì đi thiền hành, ta làm lễ dựng nêu và sau đó thì đi chợ hoa. Chợ hoa có mục đích nhắc cho ta nhớ Đất Mẹ là một hành tinh rất xinh đẹp. Cái đẹp của Đất Mẹ là tiếng chuông chánh niệm nhắc ta đừng lo lắng, sầu khổ, đừng theo đuổi bóng dáng hạnh phúc trong tương lai mà phải biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống ngay trong giây phút hiện tại. Đất Mẹ đẹp, dù có sương hay không có sương, dù có nắng hay không có nắng, dù có trăng sao hay không có trăng sao. Mỗi lần mở cửa bước ra ta đều thấy Đất Mẹ đẹp. Cái đẹp của Đất Mẹ mời ta trở về với giây phút hiện tại để sống cho sâu sắc, cho hạnh phúc. Biểu tượng của cái đẹp là những bông hoa, đi chợ hoa ta tiếp xúc được với Đất Mẹ và chính chúng ta cũng là những bông hoa của Đất Mẹ.
Sự tích bánh chưng
Hôm nay chúng ta sẽ học gói bánh chưng. Bánh chưng là một món ăn ngày Tết của người Việt Nam. Bánh chưng có một lịch sử rất hay từ đời vua Hùng Vương thứ hai. Có tất cả 18 vua Hùng nối tiếp nhau. Vua Hùng Vương đầu tiên có tới 22 người con trai, một trong 22 người con đó sẽ được làm vua Hùng thứ hai. Vua Hùng Vương thứ hai xuất thân từ một vị hoàng tử nghèo, tuy là con vua nhưng không được ở trong cung điện, vừa mới lớn lên thì mẹ mất. Các con trai của vua Hùng được gọi là Quan Lang. Lâu lâu vua Hùng triệu tập tất cả các Quan Lang lại để dạy bảo phải sống như thế nào để tiếp nối được nét đẹp văn hóa của tổ tiên. Một ngày sắp Tết vua Hùng triệu tập 22 vị Quan Lang lại và nói:
– Tết này mỗi người con trai của ta phải chuẩn bị một món ăn để dâng lên tổ tiên chúng ta. Đến ngày cúng tổ tiên các con phải mang tới phẩm vật mà chính tay các con chuẩn bị để chứng tỏ lòng thành kính của các con đối với tổ tiên. Sau đó chúng ta ngồi xuống như một gia đình để cảm thấy sự có mặt của nhau.
Ngày Tết là một ngày mà ta có cơ hội tiếp xúc với tổ tiên để dâng lên tổ tiên niềm biết ơn của mình. Nếu cây có gốc rễ, nếu sông có nguồn thì con người cũng có tổ tiên, vì vậy ngày Tết là cơ hội để ta tiếp xúc với tổ tiên của mình. Cách tiếp xúc hay nhất là chúng ta quy tụ lại rồi dâng lên tổ tiên những thức ăn mà mình chuẩn bị bằng tất cả trái tim của mình. Các con mỗi người phải chuẩn bị một món, hôm đó ta sẽ nhìn vào các món để thấy tâm của các con như thế nào. Ta sẽ chọn một người trong số các con để nối tiếp ta làm vua Hùng thứ hai.
Quan Lang này nghe tin đó rất buồn, nghĩ rằng những người anh của mình giàu sang, họ có thể làm ra những món ăn rất cầu kỳ, quí giá. Còn mình nghèo như vậy thì làm sao bày biện ra một món ăn để được chọn lựa? Nghĩ như vậy nên vị Quan Lang này tính bỏ cuộc, không tham dự vào cuộc thi. Nhà nghèo, không đủ chi dụng trong đời sống hàng ngày thì làm gì có thể tranh đua với những anh khác.
Nhưng đêm đó, trong một giấc mơ Quan Lang thấy mẹ hiện về nói:
– Con đừng nên có thái độ bỏ cuộc như vậy. Con hãy nhìn lên trời tròn, con hãy nhìn xuống đất vuông. Từ trời đất con có thể tìm ra được món quà con có thể dâng cúng lên tổ tiên. Nếu nhìn kỹ trời tròn đất vuông con sẽ thấy được những tư liệu có thể sử dụng để làm ra một phẩm vật dâng lên tổ tiên để chứng tỏ lòng hiếu thảo của mình. Còn nếu con không làm thì con không có phương tiện để chứng tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn của mình.
Tới đó thì vị Quan Lang này tỉnh dậy, đi ra ngoài nhìn lên trời, nhìn xuống đất. Tự nhiên anh ta có ý là mình sẽ làm ra hai thứ bánh để cúng dường lên tổ tiên, một thứ bánh hình tròn làm bằng gạo nếp và một thứ bánh hình vuông làm bằng gạo nếp và đậu xanh. Điều hay là những vật liệu được sử dụng rất là dễ tìm. Không chỉ người giàu mới tìm ra vật liệu cần thiết mà tất cả người dân, dù nghèo cách mấy cũng có thể tự cung cấp cho mình, tức là gạo nếp và đậu xanh.
Bánh hình tròn tượng trưng cho trời gọi là bánh dày. Bánh hình vuông tượng trưng cho đất gọi là bánh chưng. Anh chàng đã có ý kiến và có khả năng làm ra bánh đó. Một bên thì nấu xôi, giả ra và nắn thành một mảnh hình tròn tượng trưng cho trời. Một bên thì ngâm nếp cho mềm, nấu đậu cho nhuyễn, cuốn đậu vào nếp và gói thành bánh hình vuông tượng trưng cho đất. Dâng cúng tổ tiên hai thứ bánh như vậy là dâng cúng trí tuệ của mình và không phải chỉ có người giàu mới dâng cúng được mà tất cả người dân đều có thể tỏ bày lòng thành kính của mình đối với tổ tiên. Hai phẩm vật đó có ý nghĩa rất hay: một là nó tượng trưng cho trời đất, hai là tượng trưng cho khả năng có thể tỏ lộ lòng hiếu kính đối với tổ tiên của tất cả mọi người.
Ngày hôm đó anh ta đã thực hiện được hai thứ bánh đó. Ban đêm anh nằm mơ thấy mẹ cười thật tươi nói:
– Con đã làm đúng!
Đến ngày Tết anh ta mang bánh chưng và bánh dày tới mà không có mặc cảm vì anh ta biết rằng mình có tuệ giác, mình có phương tiện của mình. Tuy mình không mặc áo đẹp, tuy mình không giàu sang nhưng mình có tâm và trí tuệ của mình.
Sau khi đi thăm qua tất cả các món sơn hào hải vị của các Quan Lang và tới chỗ bánh chưng bánh dày thì vua Hùng thứ nhất rất ấn tượng khi thấy bánh hình tròn và bánh hình vuông. Vua hỏi vị nào đã làm hai thứ bánh đó. Vị Quan Lang này tới trình bày cho vua biết mình làm bánh hình tròn tượng trưng cho trời, bánh hình vuông tượng trưng cho đất bằng những vật liệu rất đơn giản vì muốn dân chúng trong nước ai cũng có thể tỏ lộ được lòng biết ơn đối với tổ tiên. Vua Hùng nghe rất đắc ý, rất cảm động nhưng vua không nói ra. Một tháng sau lễ Tết vua tuyên bố người thừa kế ngôi vua là vị Quan Lang nghèo, tác giả của hai thứ bánh dày và bánh chưng. Từ đó về sau vua ra lệnh mỗi ngày 23 tháng chạp thì các Quan Lang phải tụ hợp lại như một gia đình và tập làm bánh dày và bánh chưng.
Hôm nay sau khi đã dựng nêu và đi chợ hoa xong chúng ta sẽ ăn cơm. Ăn cơm xong chúng ta sẽ tập hợp lại để gói bánh. Những người đã gói giỏi rồi sẽ chỉ cho những người khác. Chúng ta sẽ tạo ra không khí của vua Hùng ngày xưa, một không khí gia đình. Những người đã biết gói thì gói bánh, còn những người chưa biết gói bánh thì học gói. Ta làm như thế nào để trong khi gói ta xây dựng được tình huynh đệ và tỏ lộ được lòng thành kính của mình đối với tổ tiên.
Bánh của mình được làm bằng gạo nếp và đậu xanh. Bánh được gói trong lá chuối hoàn toàn organic. Theo tục lệ thì phải luộc 10 giờ đồng hồ bánh mới chín. Thường thì người ta luộc vào đêm giao thừa, tức là đêm ta thức suốt cho tới khi năm mới đến. Tất cả mọi người đều quay quần chung quanh bếp lửa, ca hát, trao đổi và chuyện trò với nhau để xây dựng tình huynh đệ, để có cảm tưởng mình cùng là một gia đình. Đó là cách thức ăn Tết của người Á đông: gói bánh chung, nấu bánh chung, thức đêm quanh nồi bánh chưng đang sôi và luôn đưa củi vào cho tới khi bánh chín. Khi bánh chín vớt ra thì cái đầu tiên phải được dâng lên bàn thờ tổ tiên, và tất cả mọi người đều lạy xuống để tỏ bày lòng thành kính của mình đối với tổ tiên. Đó là cách ăn Tết của người Việt Nam còn giữ lại mấy ngàn năm. Và hôm nay chúng ta ăn Tết như vậy cho vui.
Theo: Langmai.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm