Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 22/02/2016, 14:41 PM

Nghiện like và "vô cảm"

Chỉ vì vài cái like hư ảo ấy mà một con vật đáng thương đã bị tước đoạt đi quyền sống. Chúng ta là con người nhưng đừng bao giờ cho mình cái quyền được làm những việc nhẫn tâm như vậy. 

Mới đây có nhiều trang báo đã đưa tin về sự việc xảy ra trên bãi biển nghỉ dưỡng Santa Teresita, Buenos Aires ở Argentina:

Các du khách đã phát hiện hai chú cá heo con ở chỗ nước cạn. Hiếu kì, ngay lập tức họ kéo chúng lên bờ. Hàng chục người tò mò vây quanh, cố gắng chen lấn để chạm vào con vật bé nhỏ đang giãy giụa. Sau đó họ chuyền tay nhau để chụp ảnh selfie với chúng.

Sau khi chụp xong, những du khách này để một trong hai chú cá heo nằm thoi thóp trên cạn. Nhiều du khách tiếp tục chạy ra để chụp ảnh chú cá heo sắp chết thay vì thả nó về đại dương chỉ cách đó có vài mét. 

Đây thực sự một hành động tàn nhẫn và đáng bị lên án. Chúng vốn là loài cá heo La Plata, thuộc giống cá heo hiếm có, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng khi chỉ còn vài chục ngàn con trên thế giới. Cũng không phải là lần đầu tiên trường hợp này xảy ra. Năm ngoái một con cá heo ở Trung Quốc và một con cá mập con ở Mỹ cũng bị bỏ mặc trên bờ biển cho tới chết sau khi bị du khách lôi lên bờ để chụp ảnh. 

Câu chuyện này càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về “Nghiện like – căn bệnh thời hiện đại”. Facebook (FB) ngày nay đã trở thành một người bạn không thể thiếu với mỗi người. Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ là một phương tiện để cập nhật thông tin cũng như giải trí, facebook dường như đang trở thành chủ nhân còn con người đang dần biến mình thành nô lệ cho chúng.
 
Điều đáng nói là căn bệnh “nghiện like” không chỉ xuất hiện ở giới trẻ mà rất nhiều người có tuổi, có học thức cũng không thoát nổi “con virus” này. Mới đầu chơi FB cũng vì ham vui nhưng rồi sau đó dùng FB và mong chờ những cái like ảo đã biến họ trở thành những người nghiện mạng xã hội. Nhiều người lúc nào cũng dán chặt mắt vào chiếc điện thoại để check FB. Trong khi con cái được phó mặc hết cho người giúp việc thì những bức ảnh được chụp ban sáng khi đi làm được họ sửa rất kĩ lưỡng qua rất nhiều phần mềm với hi vọng up lên FB sẽ được “bão” like.

Chú cá heo đáng thương trong câu chuyện tôi vừa chia sẻ với các bạn ở trên cũng là nạn nhân của căn bệnh này. Chỉ vì một vài cái like trên FB hay một bức ảnh độc lạ để khoe với bạn bè mà dẫn đến cái chết của một con vật vô tội. Có đáng không khi bạn nhẫn tâm tước đi mạng sống của con vật bé nhỏ ấy chỉ vì sở thích tầm thường của bản thân? 

Đáng buồn hơn cả là khi con vật ấy đã nằm thoi thóp trên nền cát, người ta lại không trả nó trở về với biển cả mà vẫn vô tư chụp ảnh tiếp, không quan tâm đến sự sống chết của nó. 

Trách ai bây giờ?

Có trách cũng chỉ trách nó đã đi lạc để rồi vô tình rơi vào tay những con người sống đắm chìm trong thế giới ảo. Và cũng vì nó chỉ là một con vật nhỏ bé không hề có tiếng nói chứ không phải một con người biết kêu la hay van xin khi gặp nguy hiểm.

Căn bệnh “nghiện like” tưởng đơn giản mà nguy hiểm vô cùng. Nó ngấm ngầm len lỏi vào từng gia đình, đầu độc từng cá nhân chúng ta lúc nào chẳng hề hay biết. Cha mẹ nghiện FB thì bỏ bê con cái, bạn bè hơn thua nhau vài cái like là nói xấu, lăng mạ dẫn đến xích mích rồi gây gổ, đánh nhau. 

Cháu tôi năm nay học cấp 3, đi học về kể các bạn toàn dùng FB trong lớp. Học thì chẳng học, toàn đến lớp chụp ảnh, chỉnh sửa rồi up lên. Xong rồi ngồi chờ like. Cứ lén để điện thoại trong hộp bút rồi thỉnh thoảng vào xem được bao nhiêu like. Số like càng tăng thì kết quả học tập càng giảm. 

Hồi trước không có điện thoại cũng chẳng có FB lớp tôi cứ ra chơi là lại rủ nhau xuống sân trường cho đỡ buồn. Bạn bè tâm sự với nhau đủ thứ chuyện rồi an ủi nhau khi gặp chuyện buồn. Còn ngày nay giờ ra chơi là mỗi người cầm một cái điện thoại rồi check FB, chẳng ai nói với ai câu gì.

Nghĩ càng buồn hơn khi căn bệnh “nghiện like” lại dẫn tới căn bệnh khác nghiêm trọng hơn. Đó là căn bệnh vô cảm. Chúng ta dường như đang vô cảm với chính cộng đồng của mình. Đã bao giờ sống giữa xã hội mà các bạn lại cảm thấy mình vô cùng lạc lõng và cô đơn hay chưa? Chúng ta đang sống trên mạng nhiều hơn là sống với đời thực. Chúng ta giao tiếp với nhau qua những con chữ vô tri và nhìn nhau qua màn hình máy tính. Việc đó đã khiến chúng ta vô cảm với nỗi đau cũng như bất hạnh của người khác. Giờ đây, số like mới là thứ chúng ta quan tâm nhất.

“Mạng ảo nhưng nỗi đau là thật”. Chỉ vì vài cái like hư ảo ấy mà một con vật đáng thương đã bị tước đoạt đi quyền sống. Chúng ta là con người nhưng đừng bao giờ cho mình cái quyền được làm những việc nhẫn tâm như vậy. 

Nếu chúng ta đều mang trong mình lòng trắc ẩn và từ bi thì có lẽ sự việc đau lòng ấy đã không xảy ra.

Tôi chỉ mong sao căn bệnh “nghiện like” cũng như lối sống vô cảm có thể giảm bớt và biến mất khỏi cuộc sống này. Với những ai mắc phải căn bệnh thởi hiện đại ấy thì hi vọng các bạn sẽ dần ý thức được những hậu quả mà chúng đang đem tới cho bản thân mình. 

Ngày này, giới trẻ có lẽ đang là bộ phận mắc căn bệnh này nhiều nhất. Bởi tôi cũng giống các bạn. Đã từng sống cùng FB, ăn cùng FB, cái gì cùng up lên FB vì muốn có thật nhiều like. Nhưng rồi tôi nhận thấy cuộc sống của mình bị ảnh hưởng trầm trọng khi đắm chìm vào FB. Việc học bị sa sút, thị lực bị giảm do sử dụng điện thoại quá nhiều. Tôi đã sực tỉnh và thấy mình đã lún quá sâu vào thế giới ảo. 

Bạn có thấy mình đã đánh mất đi bản thân khi cứ chìm đắm vào thế giới đầy thị phi như FB không? Khi không có nhiều like như mong ước bạn sẽ dễ buồn phiền rồi nóng nảy, ảnh hưởng đến người xung quanh. 

Mới đầu sẽ thấy bứt rứt khi phải bỏ đi một thói quen đã bén rễ rất lâu nhưng bạn cứ tập dần, giảm bớt thời gian sử dụng FB. Thay vào đó, bạn có thể tìm đọc những cuốn sách mà mình yêu thích mà trước đây đã bỏ lỡ vì mải lên FB. 

Việc đọc sách sẽ mang lại kiến thức thực tế cho bạn. Còn những bức ảnh hay bài viết có nhiều like của bạn đâu có mang lại lợi ích thiết thực nào ngoài niềm vui hời hợt. Ngoài ra, bạn hãy tham gia vào những buổi sinh hoạt của thanh niên do các chùa tổ chức vào mỗi dịp hè cũng như những buổi đi từ thiện ở bệnh viện để thấy mình may mắn đến nhường nào.

Cuộc sống này có muôn màu chứ không chỉ đơn thuần là một màu xanh như biểu tượng FB mà mỗi ngày bạn đều nhìn thấy. Đó không phải những quán cà phê nơi có các hot girl, hot boy đang ngồi uống với hàng ngàn lượt like. 

Đó là nơi những mảnh đời bất hạnh đang cố gắng mưu sinh để lo một bữa cơm cho gia đình. Nơi ấy không có nước, không có internet. Thứ họ có chỉ là những củ sắn còi cọc hay những ruộng lúa đang chết dần đi vì giá lạnh. 

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

Khi thấu hiểu nỗi đau cùng những thiếu thốn, khó khăn của mọi người quanh mình, trái tim bạn sẽ ngập tràn hơi ấm của tình thương. Con tim bạn đang hòa chung nhịp đập với cuộc sống thì đâu còn chỗ cho căn bệnh vô cảm tồn tại được nữa. Chúng ta sẽ đối xử với nhau bằng tất cả tấm lòng tin yêu và tình yêu thương ấy sẽ lan tỏa khắp mọi nơi….

Nguyễn Linh Chi
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm