Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Phim truyền hình Phật hoàng Trần Nhân Tông

Phim Phật hoàng Trần Nhân Tông có thể coi là viên gạch đầu tiên xây dựng hình tượng vua Trần Nhân Tông - một vị vua tài hoa, lỗi lạc trong lịch sử các vị vua Việt Nam.

Sau một năm triển khai bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, bộ phim truyền hình Phật Hoàng Trần Nhân Tông dài 45 tập chính thức được khởi động. Phim do đạo diễn, NSƯT Văn Lượng, giám đốc HFS đứng ra thực hiện với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Việt Nam Tinh Hoa, dựa trên 15 tập phim tài liệu Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã sản xuất tháng 11/2011. 45 tập phim sẽ xoay quanh cuộc đời, phẩm cách của vị vua hiền Trần Nhân Tông, khắc họa hình ảnh một trong những vị vua lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam. Nói như Phó giáo sư Trần Ngọc Vương “Trần Nhân Tông là một trong những người đẹp nhất mà lịch sử cung cấp cho chúng ta, một trong những người Việt đẹp nhất đầu tiên mà chúng ta có được”.

Theo đạo diễn, NSƯT Văn Lượng, bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã hoàn thành đề cương kịch bản chi tiết và hiện đang gấp rút hoàn thành các khâu chuẩn bị cho bộ phim đến ngày được bấm máy. Ngoài những yếu tố vất vả bình thường của một bộ phim thì Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn mang một yếu tố “khó nhằn” khác chính là thiết kế bối cảnh, đạo cụ, phục trang cho đúng với bối cảnh lịch sử. Đây là vấn đề nặng nhọc nhất của đoàn làm phim khi sức ép từ dư luận lên những bộ phim lịch sử, cổ trang trước đó đang đè nặng lên vai ekip sản xuất. Đạo diễn, NSƯT Văn Lượng tâm sự về bộ phim chuẩn bị bấm máy của mình: “Chúng tôi không cầu mong điều gì, ngoài việc góp phần cho vẻ đẹp Việt, bản sắc Việt, con người Việt, tích tụ thành tinh hoa trong  phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông được lưu danh thiên cổ...”.

Chuyển nỗi lo thành sự chuẩn bị kỹ càng, trung tuần tháng 10 vừa qua, tại khu di tích Phật giáo Yên Tử (Quảng Ninh), đạo diễn Văn Lượng cùng Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa phối hợp với xưởng phim truyền hình Hải Phòng (HFS) đã tổ chức tọa đàm “Hướng tới bộ phim về Phật hoàng Trần Nhân Tông” với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử với mong muốn tạo thành công trình nghệ thuật xứng tầm, khắc họa chân dung một trong những con người lỗi lạc  nhất của lịch sử Việt Nam. Ngoài những ý kiến đóng góp cho bộ phim, ekip làm phim còn cùng các nhà sử học, các chuyên gia, nhà báo... cùng tham quan, khảo cứu các di tích, các câu chuyện, sự tích liên quan đến vị vua Trần Nhân Tông cũng như sinh hoạt, phục trang, bối cảnh thời kỳ đó. Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc (với vai trò Trưởng ban cố vấn Dự án sản xuất phim Phật hoàng Trần Nhân Tông) là: “Cầu thị những ý kiến tham góp của tất cả những ai yêu kính, ngưỡng mộ Ngài để chúng ta thực sự có được một công trình văn hóa xứng đáng với một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của lịch sử dân tộc và của thế giới. Đây là một bộ phim của tất cả chúng ta chứ không phải của riêng chúng tôi!”.

Nói về lý do chọn vị vua Trần Nhân Tông làm đề tài. Đạo diễn Văn Lượng tâm sự: Về vua Trần Nhân Tông, trong những câu chuyện được ghi trong sử sách, nhiều người đặc biệt thích cuộc gặp gỡ giữa vua và Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, đại ý rằng: Năm ấy tại bến Bình Than, vua nhìn ra ngoài sông và thoáng thấy một chiếc thuyền theo dòng đổ về xuôi, trên thuyền có một người đội nón lá, mặc áo ngắn, ngộ ngộ, quen quen, vua bèn hỏi: “Người kia có phải là Nhân Huệ Vương đó không?”, rồi lập tức sai quân đuổi theo gọi. Nhưng lát sau thấy quân trở về tâu, kẻ lái than ngang bướng ấy không những không quay lại mà chỉ nói rằng: “Lão già này là người bán than, có việc gì mà vua gọi đến!”. Lẽ thường với một đấng quân vương, tội khi quân chắc là phải trảm? Nhưng nghe xong Trần Nhân Tông cười mà rằng: “Thế thì đúng là Nhân Huệ Vương rồi, người bình thường không dám trả lời ta như thế!”.

Cc_nh_nghin_cu_c_vn_lch_s_cng_on_lm_phim_ti_Yn_T.jpg

Các nhà nghiên cứu cố vấn lịch sử và đoàn làm phim tại Yên Tử

Sau cuộc gặp đó, Trần Khánh Dư trở lại việc quân, nguyện một lòng theo vua lập công chuộc tội, cùng những trận thủy chiến bất hủ đã lừng lẫy đến cỡ nào, thì lịch sử đã soi rọi. Câu chuyện nhỏ mà hiện lên hình tượng một vị vua với khả năng thu phục, biết việc hiểu người như vậy, chẳng thế mà thời đại Trần Nhân Tông, nhân tài tuấn kiệt nườm mượp kéo ra giúp nước. Ông đã quy tụ quanh mình những danh tướng như Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật..., các danh sỹ như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thuyên... một thế hệ những vì sao chói sáng trên đỉnh cao của niềm tự hào dân tộc Việt. Trong suốt chiều dài lịch sử, khó có một vị vua nào toàn diện về phẩm cách như Trần Nhân Tông, bao gồm cả chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế... Chỉ riêng một hội nghị Diên Hồng, đã được xem như một biểu tượng của tinh thần dân chủ, diễn ra giữa thế kỷ 13 tại một đất nước chìm sâu trong thể chế phong kiến Đông phương.

Nên thế nhà Trần mới đánh thắng giặc Nguyên Mông, để nước Việt nổi danh thành hiện tượng toàn cầu. Nhìn từ góc độ quen thuộc, Trần Hưng Đạo được tôn là thánh, nhưng liệu có vị thánh đó không nêu thiếu đi bậc vua hiền biết dụng nhân? Sự vĩ đại càng thêm vĩ đại, bởi những vĩ nhân ấy còn có trước 6 thế kỷ so với cặp đôi Aleksandri đại đế và Kutuzov của nước Nga khi chiến thắng Napoléon Bonaparte, trước 7 thế kỷ khi Stalin và Nguyên soái Zhukov của Liên Xô chiến thắng Adolf Hitle...

o_din_ngh_s_u_t_Vn_Lng_bn_tri

Đạo diễn, NSƯT Văn Lượng (bên trái)

Lý giải về cái tên “Phật hoàng” Trần Nhân Tông chứ không phải là vị vua, đạo diễn Văn Lượng cho biết, sau khi vua Trần Nhân Tông lên ngôi, thế sự đã thành, đất nước trên đỉnh cao oanh liệt đang bước sang phồn vinh thì ông lại nhường ngôi (1293) rồi chọn đường hướng Phật. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: “Tháng 7, năm Kỷ Hợi, dựng am Ngự Dược ở núi Yên Tử. Tháng 8, xuất gia tu khổ hạnh...”. Tại đây ông ngộ được niềm đạo: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xa hề khốn tắc miên, Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, dịch nghĩa là: “Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo, đói thì ăn, mệt thì ngủ, trong nhà sẵn của báu đừng tìm đâu khác, đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền nữa”. Ý nghĩa giáo lý “Phật ở tại tâm” của Trúc Lâm Yên Tử do ông sáng lập dường như hiển hiện hết cả ở bài thơ Cư trần lạc đạo này. Và theo Giáo sư – Tiến sỹ Lê Mạnh Thát, người đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về vua Trần Nhân Tông, thì thuyết giảng của Trần Nhân Tông với các thiền sinh cho thấy tại nước ta, thiền đã phát triển theo một hướng hoàn toàn khác. Nó đã ra đời nhằm giải quyết một vấn đề tư tưởng, đó là tại sao tu mà không thấy Phật? Thiền ra đời nhằm trả lời câu hỏi ấy, đã đưa một quan niệm mới về Phật, rằng Phật không phải chỉ là một đức Phật lịch sử, càng không phải là một đức Phật nằm bên ngoài ta, mà Phật nằm ngay chính trong ta... Sử sách ghi rằng, khi Trần Nhân Tông viên tịch, triều đình và thần dân thương khóc vang động cả đất trời, Việc chay xong rước ngọc cốt nhập vào Đức lăng, dâng miếu hiệu là Nhân Tông. Rồi đem ngọc cốt vào trong khám báu, chia xá lợi làm hai phần, một phần đưa vào bảo tháp đặt ở Đức lăng của Long Hưng, một phần đưa vào tháp vàng đặt ở chùa Vân Yên (Yên Tử). Dâng tôn hiệu Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Huệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Chính vì vậy, Giáo sư - TS Lê Mạnh Thát đã nhận xét rằng: “Ít có vị vua nào trong lịch sử dân tộc lại có sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như thế...”. Một cuộc đời có một kết thúc hết sức bình dị nhưng lại vô cùng cao đẹp, đối với dân gian, còn gì đẹp hơn hai chữ “Phật hoàng”.

Phathoang_TranNhanTong

Phật hoàng Trần Nhân Tông

Ngoài việc tôn vinh một vị vua hiền tài lỗi lạc thì lý do nữa mà đoàn làm phim quyết tâm làm bằng được đó là hình tượng vị vua Trần Nhân Tông không chỉ có giá trị trong sử sách của con dân Việt mà đã vượt biên giới quốc gia, trở thành một đề tài nghiên cứu mang tầm quốc tế. Tại Trường đại học Harvard nổi tiếng của nước Mỹ, ngày 19/6/2012 đã ra đời một viện nghiên cứu mang tên Trần Nhân Tông cũng như một giải thưởng quốc tế về hòa giải và yêu thương cùng tên. Đáng tiếc cho đến thời điểm này, trong nước chưa có một công trình nghệ thuật nào thực sự tương xứng với tầm vóc của ông. Chính vì vậy, phim Phật hoàng Trần Nhân Tông có thể coi là viên gạch đầu tiên xây dựng hình tượng vua Trần Nhân Tông - một vị vua tài hoa, lỗi lạc trong lịch sử các vị vua Việt Nam.


Tác giả: Lê Minh Thắng
Bài đã đăng trên báo Thế giới Điện Ảnh

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bài thơ về cơm chùa

Phật pháp và cuộc sống 17:16 26/04/2024

Tôi còn nhớ hôm đó, khi mặt trời đã lừ đừ lặn về hướng Tây xa xa có những rặng núi xanh rì, tôi ra khỏi tam quan của chùa để trở về nhà…

Phiên chợ 0 đồng tại Điểm an sinh xã hội chùa Thiền Giác (TP.Thủ Đức)

Phật pháp và cuộc sống 15:20 26/04/2024

Sáng ngày 26/4/2024 (nhằm ngày 18/3 ÂL), Thượng tọa Thích Đạo Phước, Ủy viên HĐTS, Phó ban - Chánh Thư ký Ban TTTT TƯGH, trụ trì chùa Thiền Giác (phường Phú Hữu, Tp.Thủ Đức, TP.HCM) kết hợp cùng Uỷ ban MTTQVN phường Phú Hữu tổ chức Phiên chợ 0 đồng chủ đề "Phú Hữu nghĩa tình - Kết nối chia sẻ yêu thương”.

Thấy chú rùa bị bán ở ven đường, cô gái đã vận động giải cứu thành công

Phật pháp và cuộc sống 14:50 26/04/2024

Hôm qua, 25/4 là ngày đặc biệt của Phật tử Giác Sen (quê Nông Sơn, Quảng Nam, đang làm việc tại TP.Đà Nẵng) vì đã cùng những người bạn giải cứu thành công "bạn rùa" đang bị bán để lấy thịt.

Tưởng vậy nhưng không phải vậy

Phật pháp và cuộc sống 11:34 26/04/2024

Từ Khổng Tử, một hiền triết, cho đến Trương Sinh, một con người đa nghi, đều không tránh khỏi được “TƯỞNG là vậy mà không phải là vậy”.

Xem thêm