Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 07/12/2022, 19:53 PM

Tại sao phải quay vào bên trong?

Chúng ta sống/trưởng thành/phát triển nhờ tương tác với thế giới bên ngoài. Không chịu tương tác với thế giới bên ngoài, động vật xã hội không thể tạo nên những cuộc cách mạng kỳ vĩ cả trong nông nghiệp, công nghiệp cũng như nhận thức của chính mình.

Audio

 Nhưng, "bên ngoài" vừa như một đối tượng chinh phục, một thách thức lý thú, lại vừa như một cạm bẫy mà nếu không cẩn thận lại trở thành tác nhân gây đau khổ cho chính mình. Ai đó tấn công/nói xấu sau lưng ta, đấy là một biểu hiện bên ngoài. Ai đó ném chua, cay, mặn, đắng vào đời ta, đấy là một biểu hiện bên ngoài. Nếu cứ chạy theo cái bên ngoài, coi cái bên ngoài như căn cứ luận duy nhất/tuyệt đối đúng của đời mình thì những hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ai đó ném ớt từ bên ngoài, ta thấy đời mình cay. Ai đó ném chanh từ bên ngoài, ta thấy đời mình chua. Ai đó ném thuốc độc từ bên ngoài, ta thấy đời mình đắng. Ta phụ thuộc hoàn toàn vào cái bên ngoài. Vậy thì năng lực làm chủ bên trong của ta đâu? Tôi có một chị bạn bị phụ thuộc vào cái bên ngoài một cách quá mức.

Ảnh: ST

Ảnh: ST

Chỉ cần nghe ai đó nói người A, người B, người C nói xấu sau lưng mình là chị lập tức tìm gặp người A, người B, người C để "hỏi cho ra nhẽ". Chị không chịu được những lời chê sau lưng, luôn tưởng tượng/sợ hãi với một chùm những lời chê sau lưng. Và, trái lại, nếu được khen, kể cả khen sau lưng lẫn khen trước mặt, chị đều sung sướng ra mặt. Khoa học tâm lý gọi những người dạng này là những người sống thứ sinh. Tức là những người sống bằng khen/chê dư luận, coi khen/chê dư luận như chân lý tối thượng của cuộc đời mình. Khỏi nói cũng thấy, năng lực làm chủ nội tâm của những người này yếu đuối tới đâu.

Lại tồn tại những kiểu người không quá nhạy cảm với những khen/chê bên ngoài, nhưng luôn có xu hướng chạy theo những giá trị bên ngoài. Thấy bạn bè mình có một chức vụ, họ cũng phải làm mọi cách, mọi kiểu để hy vọng có được chức vụ. Thấy bạn bè mình có một chiếc ô tô xịn, họ cũng phải làm mọi cách để mua một chiếc ô tô xịn. Thấy bạn bè mình có biệt thự sang trọng, họ cũng phải cố nói với bạn bè là mình cũng có biệt thự sang trọng ở chỗ nọ, chỗ kia, cho dù cái biệt thự ấy chỉ có trong thế giới tưởng tượng của họ. Những người này rất sợ mình không có những thứ mà bạn bè xung quanh mình có. Và, họ thường coi vật chất, quyền lực, năng lực sở hữu là thước đo duy nhất của cuộc đời. Họ thường có xu thế gần gũi, cung phụng, sợ hãi những người giàu có hơn mình, quyền lực hơn mình và coi khinh những người nghèo khó hơn mình, vai vế dưới mình.

Câu hỏi đặt ra, cố chạy theo những thước đo bên ngoài, làm chủ các hệ giá trị bên ngoài có hạnh phúc không? Câu trả lời là có, nếu hiểu hạnh phúc đơn thuần chỉ là một sự thỏa mãn về cảm xúc. Tôi muốn tiền và tôi có tiền, thế là hạnh phúc rồi. Tôi muốn quyền và tôi có quyền, thế là hạnh phúc rồi. Tôi muốn sở hữu/điều khiển/chi phối người khác và tôi được sở hữu/điều khiển/chi phối người khác, thế là hạnh phúc rồi. Vấn đề nằm ở chỗ: Sự thỏa mãn đó có vĩnh viễn không? Bạn duy trì được sự giàu sang, quyền lực trong bao nhiêu năm, bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ? Đã có những trường hợp mà khi có quyền thì có tất cả, nhưng chỉ cần nghỉ hưu là mất tất cả. Mất quyền đã đành. Mất cơ hội kiếm tiền đã đành. Mà còn mất cả bạn bè, anh em, đồng chí.

Ảnh: ST

Ảnh: ST

Như đã nói ngay từ đầu, là một động vật xã hội, chúng ta chắc chắn phải tương tác với thế giới bên ngoài. Muốn hay không muốn cũng không thể đoạt tuyệt được thế giới bên ngoài, với những hệ giá trị và tiêu chuẩn thẩm mĩ của xã hội bên ngoài. Nhưng, nếu quá chú trọng cái bên ngoài, tuyệt đối hóa cái bên ngoài và nhất nhất không chịu quay vào bên trong để kiểm nghiệm những vận động ở tâm thức bên trong thì khả năng mất mát, sụp đổ là rất lớn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một người cụ thể, sống ở một thời điểm cụ thể, cách chúng ta khoảng 2.600 năm trước. Thời điểm ấy rất nhiều người đi theo Đức Phật, tức là đi theo những hệ giá trị tốt đẹp ở bên ngoài mình. Việc đi theo, gần gũi, thậm chí được sống cạnh Đức Phật từng ngày, từng giờ có phải là điều kiện tối quan trọng dẫn tới giải thoát hay không?

Trong số các đệ tử của Đức Phật có một đệ tử tên là Ananda, người mà trước khi trở thành đệ tử lại là anh họ của Đức Phật. Theo nhà huyền môn Osho - một bậc thầy tâm linh nổi tiếng của Ấn Độ - thì trước khi để Đức Phật thọ giáo cho mình, Ananda đã đưa ra 3 điều kiện quan trọng. Thứ nhất: Người không được bắt ta đi truyền đạo, nếu ta không mong muốn. Thứ hai, ta dắt tới một người, người phải thọ giáo ngay. Thứ ba, ta thắc mắc điều gì, ngươi phải trả lời ngay, chứ không được để ta chờ đợi. Đức phật chấp nhận cả 3 điều kiện này và sau đó thọ giáo cho Ananda. Đây là một trường hợp rất hiếm hoi, đến gặp Đức Phật, đưa ra các điều kiện và lập tức được chấp nhận. Osho lý giải: Vì Đức Phật sống với người anh họ của mình từ nhỏ, rất hiểu bụng dạ người này, nên tin rằng người ấy đưa ra 3 điều kiện thế thôi, chứ không bao giờ sử dụng. Quả đúng như vậy, hàng chục năm sau đó, Ananda lặng lẽ đi theo Đức Phật, ở gần Đức Phật và trở thành người chăm lo khăn áo cho ngài. Gần gũi, mật thiết, ân tình như vậy, nên trong cái khoảnh khắc Đức Phật nhập Niết Bàn, Ananda đã rơi nước mắt. Lúc ấy Đức Phật đã nói một trong những câu cuối cùng với người đệ tử gần gũi nhất của mình:

- Ananda, hãy là ánh sáng soi tỏ chính ngươi. Ta không phải ánh sáng của ngươi và ta không phải cứu tinh của ngươi. Cái chết của ta không thay đổi điều gì cả. Thực chất bây giờ ngươi sẽ phải hiểu điều ta nói trong suốt sáu mươi năm qua, đừng mãi lầm tưởng, chỉ bởi vì phụng sự ta và đã vô cùng tận tụy. Thật khó để có được sự tận tụy đến vậy, nhưng điều đó không thể cứu rỗi được ngươi.

Câu nói này thật sự ý nghĩa. Nó chứng tỏ, đi theo Phật, ở gần Phật, phụng sự Phật không làm nên sự cứu rỗi. "Ananda, hãy là ánh sáng soi tỏ chính ngươi" - hóa ra chỉ có mình mới cứu rỗi nổi chính mình. Phật giáo khác các tôn giáo hữu thần ở chỗ này: Nếu các tôn giáo hữu thần tin rằng luôn có một thế lực siêu phàm nào đó cứu rỗi chúng ta thì Phật giáo không tin như vậy. Đức Phật không phải thần linh, không phải người cứu rỗi. Đức Phật chỉ là người tỉnh thức, tức là người hiểu quy luật của cuộc đời, từ đó đưa ra những công thức quý báu để mỗi chúng sinh tham khảo/áp dụng, từ đó tự tìm cách cứu rỗi cuộc đời mình. Công thức là của Đức Phật. Nhưng, tham khảo/áp dụng công thức là việc của mỗi chúng sinh. Do vậy, cứu rỗi là câu chuyện của mỗi chúng sinh.

Muốn là ánh sáng soi tỏ chính mình như những gì Đức Phật nói với Ananda thì chẳng còn cách nào khác ngoài việc quay vào bên trong, quan sát tâm thức và tìm cách làm chủ tâm thức trước muôn trùng biến thiên, bão tố của cuộc đời. Có lần Đức Phật nói, nếu tâm ta chỉ là một cốc nước, người ta ném vào đó một nắm muối, cốc nước sẽ mặn. Nhưng, nếu tâm ta là một dòng sông thì đừng nói một nắm muối, nhiều nắm muối cũng chẳng làm dòng sông mặn thêm lên. Do vậy, thay vì mong mỏi người ta không ném muối, hãy tìm cách biến tâm thức mình từ cốc nước thành một dòng sông. Muốn vậy thì phải thực hành quan sát tâm thức một cách nghiêm túc, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.

Tâm ta đang ở đâu?

Tâm ta đang muốn gì?

Tâm ta rồi sẽ trôi về đâu?

Đấy là những câu hỏi tối quan trọng để luyện tâm, từ đó dần dần tiến tới quá trình làm chủ tâm. Với những bậc tu sĩ, quá trình làm chủ tâm có thể được đẩy tới mức tuyệt đối, tới mức mà mọi mưa - nắng, vui - buồn ở bên ngoài đều không thể làm thế giới bên trong của họ lung lay. Nhưng, chúng ta là những người bình thường chứ không phải tu sĩ. Chúng ta vẫn phải sống với những tương tác bên ngoài rất đời thường, ở cả khuôn khổ gia đình lẫn khuôn khổ xã hội. Do vậy, làm chủ tâm - làm chủ cái bên trong lại có mối quan hệ rất tinh tế với hoàn cảnh bên ngoài. Nếu cái bên ngoài của chúng ta quá bi đát, vợ ta chết đói, con ta chết khát thì làm sao ta "chủ tâm" cho được! Ngược lại, nếu cái bên ngoài của chúng ta quá ê hề, thừa mứa và sự ê hề, thừa mứa đó luôn là một hấp lực ghê gớm của ta thì làm sao ta chủ tâm cho được!

Thực tế, có những người chỉ nhận thức được giá trị của việc quay vào bên trong sau khi phải trải qua một tai nạn nào đó của cuộc đời. Lại có những người ngay từ đầu đã giác ngộ được giá trị của cái bên trong và luôn biết cách cân bằng giá trị bên trong với giá trị bên ngoài. Mỗi hoàn cảnh, mỗi căn cơ sẽ dẫn đến mỗi trường hợp khác nhau. Chúng ta không nên so sánh những trường hợp đó rồi phán xét. Điều duy nhất chúng ta cần nhận thức chỉ là: Tâm thức bên trong có giá trị đặc biệt của nó. Quay vào bên trong, làm chủ con người bên trong và tạo ra một mối liên hệ nhịp nhàng giữa bên trong và bên ngoài có thể là chìa khóa hạnh phúc trong cuộc sống quá ồn ào hôm nay.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tình thương của đức Phật

Góc nhìn Phật tử 10:10 17/05/2024

Tình thương của đức Phật dành cho chúng sinh lúc nào cũng đong đầy như hư không vô tận luôn ôm ấp dưỡng nuôi muôn loài. Nhưng còn đâu đó những chúng sinh vẫn vô tình không biết, hoặc cố tình lãng quên.

Nếu không có Phật Đản sinh?

Góc nhìn Phật tử 13:46 16/05/2024

Nếu không có Phật đản sanh, thế gian ngụp lặn trong đau khổ nhưng không biết là khổ. Bao phen khóc cười đều do tham đắm chi phối, để được phần mình mà bất chấp hậu quả, không từ tàn ác giành giật về.

Phật đản sinh trong tâm mỗi người

Góc nhìn Phật tử 09:36 16/05/2024

Ngày 14 và 15 âm lịch tháng 4 hằng năm, thành truyền thống thiêng liêng: là ngày lễ kỷ niệm Phật đản sanh - ngày quan trọng nhất đối với hàng Tăng Ni, Phật tử nói riêng và chúng sanh nói chung.

Một câu nhịn, chín câu lành...

Góc nhìn Phật tử 09:17 16/05/2024

Theo cách hiểu thông thường của đa số chúng ta, nhẫn nhục có nghĩa là nhịn nhục, chịu đựng. Tiêu biểu nhất là tinh thần nhẫn nhục này khi đi vào dân gian đã được người xưa thể hiện qua câu tục ngữ: “Một câu nhịn, chín câu lành.”

Xem thêm