Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 20/01/2023, 08:15 AM

Từ Đại thừa... đến nhập gia

Tiếng Việt có câu thành ngữ 'Nhập gia tùy tục', có thể có trước cả khi đạo Phật truyền vào nước ta. Điều lý thú là câu ấy trùng hợp với một tuệ giác rất thâm sâu của Phật Đà.

LTS: Có thể có người sẽ nói, có mỗi câu thành ngữ ai cũng biết là “nhập gia tùy tục”, sao phải đưa cả Kinh Đại thừa ra mà luận giải? Bởi trí tuệ Đại thừa vốn có sẵn trong ngôn ngữ vậy. Và bạn có thấy hiện giờ nhiều người có vẻ như cái gì cũng biết, mà chỉ biết lơ mơ, chung chung và rốt cục, thì đều vướng vào ma sự chứng khoán, trái phiếu, mua hàng giả qua mạng... hay đi vào cửa quan gia mà rồi hóa ra vào... lò. Là bởi vì, nói chung, họ đều không biết “tùy tục” vậy. 

Huống nữa, khi văn hóa Phật giáo đã lan rộng, thì nhân mùa xuân vào chùa lễ Phật, ta cũng nên rốt ráo lắng nghe những lời Phật dạy để nhận thức sâu sắc rằng, Phật giáo là vô thần, là một khoa học về tâm linh nhằm tránh cho chúng sinh khỏi sa vào mê lầm ma sự. Vâng, “nhập gia tùy tục” chính là nét văn hóa Đại thừa của người Việt ta, là một không gian sống lành mạnh, khả dĩ đưa chúng ta đến thành công, an lạc...

Đức Phật có phải là một nhân vật có thật trong lịch sử không? Đến nay vẫn còn nhiều học giả ngờ rằng Ngài là một nhân vật huyền thoại. Nhưng số học giả không tin Đức Phật là có thật ít bằng một nửa số học giả khác. Số này còn không tin rằng kinh điển Đại thừa là do Phật thuyết, mà do đời sau ngụy tạo… Nếu số sau nhiều như cát sông Hằng, thì số trước nhiều như cát sông Hi Liên, sông Hi Liên to bằng nửa sông Hằng. Hai con sông ấy là có thật, nên hai “chủng” học giả có căn tính nghi ngờ kia cũng có thật, từ cổ xưa đến giờ. Thói thường, trong vọng tưởng vốn đầy rẫy nghi ngờ, nhưng nghi ngờ giáo pháp Đại thừa là một “triệu chứng” thuộc về tiến hóa trí tuệ, nghi mà không thuộc về nghi, mà thuộc về si. Vì si mà sinh nghi thì uổng phí cả một kiếp. Ngay lúc Đức Phật còn tại thế, một “bậc thuyết pháp đệ nhất / thiện diệt chư hý luận” như Ngài cũng còn bị nghi ngờ, huống hồ càng những đời sau càng cách xa Ngài…

Nhưng ngay cả những người trong đạo cũng có những cách nhìn Phật khác nhau, nói chi đến các học giả hầu hết là ngoại đạo. Phân loại theo “tứ giáo” (tạng, thông, biệt, viên) của Thiên Thai Trí Giả, thì có bốn cách nhìn Phật như sau:

Tạng giáo nhìn Phật có chỗ tương tự các học giả. Tin rằng Phật là Ngài Cồ Đàm, tức Thái tử Tất Đạt Đa, một nhân vật có thật trong lịch sử. Bốn bộ kinh A Hàm được thuyết ra từ kim khẩu của Ngài, nhưng giáo lý Đại thừa thì không phải Ngài thuyết, mà do đời sau ngụy tạo…

Thông giáo nhìn Phật như một nhân vật thị hiện, để khai mở tri kiến Phật cho mọi chúng sinh, sự xuất hiện của Ngài ở cõi Ta Bà là một đại sự nhân duyên. Nên tin rằng Phật là có thật, và giáo lý Đại thừa là do chính Ngài thuyết.

Vài nét về mối liên hệ giữa Đại chúng bộ và Đại thừa

2

Biệt giáo nhìn Phật như một cuộc đại pháp thí bất khả tư nghì. Pháp thí là khai mở trí tuệ để giải thoát, giác ngộ. Vì là khai mở (khác với dạy dỗ, ban phát…) nên bất khả tư nghì, người được hưởng pháp thí không thấy ai pháp thí, không thấy mình được pháp thí, người được khai mở không thấy ai khai mở, không thấy mình được khai mở… Sự xuất hiện của Phật là một trong những ứng hóa thân của bậc Toàn Giác ở cõi Ta Bà. Có đại sự nhân duyên thì Ngài xuất hiện dưới danh nghĩa một vị Phật, chưa đủ duyên thì dưới danh nghĩa một vị Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn hay thiện tri thức… Không lúc nào, không thời nào chư Phật Thế tôn dừng công cuộc pháp thí của mình lại cả, lúc có Phật cũng như lúc không có Phật…

Viên giáo nhìn Phật như một cuộc xứng tính pháp thí, của Pháp thân Phật ở cõi Ta Bà. Pháp thân Phật đầy khắp cả thế gian, Pháp thân là cõi mà cõi cũng tức là Pháp thân. Chúng sinh trong cõi ấy có đức đến đâu, thì (tự nhiên) được hưởng pháp thí đến đó, Pháp thân Phật không đến, không đi (Như Lai), thường hằng và viên dung, trong toàn bộ không gian và thời gian. Chư Phật Pháp thân lặng như hư không, bình đẳng và cùng khắp, nhiều như vi trần, tuy không phải một, song cũng không phải khác. Phật ứng hiện ra ở đâu, hình tướng như thế nào, thuyết những giáo lý gì… đều do nhân duyên (cũng tức là đức) của chúng sinh cả. Phật chính là “tự tính” của mỗi mỗi chúng sinh. Cho nên chúng sinh nhìn Phật như thế nào là tùy theo căn tính, tức là theo “nghiệp quả” của mình…

Thời mạt pháp không tin nhân vật lịch sử (Đức Phật Thích Ca là có thật) thì có thể thông cảm, vì lịch sử thường hay bị xuyên tạc, bọn chép sử chuyên bịa đặt và bóp méo sự thật hòng hưởng lộc của các triều đại cũng nhiều lắm, nhiều bằng cả số cát của sông Hằng và sông Hi Liên cộng lại, nên lịch sử cách xa sự thật là điều không có gì lạ. Nhưng không tin kinh điển Đại thừa do Phật thuyết thì thật là đáng tiếc. Tại sao phải đáng tiếc? Tại cái mối nghi ấy sẽ khiến bị tổn đức không sao kể xiết, tổn đức vì đã lạc mất tâm Bồ Đề, tức là tự đánh mất cơ hội tiến hóa, chẳng biết đến kiếp nào mới lấy lại được đây?

Mất cơ hội tiến hóa như thế nào? Ngày trước, Tuệ Trung Thượng sĩ là người tỏ việc thiên hạ như trong lòng bàn tay, thường lấy điều đó làm đắc ý lắm. Đến khi học đạo với Tiêu Dao thiền sư, thiền sư bảo:

- Kẻ sĩ tỏ việc thiên hạ mà lạc mất tâm Bồ Đề, thì dẫu có lợi ở đời này, nhưng có hại cho đời sau.

- Hại như thế nào? - Tuệ Trung hỏi.

Thiền sư trả lời:

- Thời Chiến quốc, thiên hạ nhà Chu có ai tỏ tường bằng tướng quốc nước Ngô là Ngũ Tử Tư hay không?

Tuệ Trung ngẫm nghĩ rồi lắc đầu, trả lời.

- Không.

- Đấy đấy - thiền sư nói - Ngũ Tử Tư biết tỏng bụng dạ vua nước Việt là Câu Tiễn, nên mới khuyên vua Ngô là Phù Sai đánh trước đi để trừ hậu họa. Phù Sai không nghe, còn sai người đưa kiếm cho Tử Tư tự xử. Tử Tư nuốt hận mà chết. Một kẻ sĩ tài giỏi đến như thế, mà kiếp sau phải đầu thai làm con ễnh ương, chỉ biết phình bụng, giương mắt ngồi giữa đường mà nhìn quân Việt kéo sang hủy diệt nước Ngô, thì chẳng đáng tiếc lắm hay sao?

Tuệ Trung Thượng sĩ nghe xong sợ toát mồ hôi. Từ đó không dám đắc ý việc thiên hạ nữa, mà chuyên tâm học đạo, không màng gì đến chuyện công hầu khanh tướng.

Lạc mất tâm Bồ Đề có hại đến tiến hóa, cho nên phải tin. Bởi nếu không có trí tuệ của một bậc Đại Giác, thì không thể thuyết nổi, dù chỉ một câu, một bài kệ… trong kinh điển Đại thừa.

Kinh điển Đại thừa dùng ngôn ngữ của thế gian, tức là của phàm tục, để khai mở Tri kiến Phật, tức là tri kiến xuất thế gian cho các loại chúng sinh. Chính vì thế mới có thể dịch ra tất cả các loại ngôn ngữ, của loài người, loài Trời, của phi nhân, phi thiên, kể cả ngôn ngữ của loài vật (súc sinh)… Tại sao lại có thể dùng ngôn ngữ thế gian, để khai mở tri kiến xuất thế gian? Bởi vì có tuệ giác. Và chỉ có bậc Đại Giác, mới nhìn thấy tri kiến xuất thế gian, nằm trong chính tri kiến thế gian, chứ không ở đâu khác. Tục đế tức Chân đế, phiền não tức Bồ Đề, sinh tử tức Niết Bàn… là vì như vậy.

Chân lý không có chỗ cho sự nghi ngờ. Nếu biết rằng Phật tức là Giác, Giác tức là Phật… thì không cần phải thắc mắc đến tác giả cụ thể của những ngôn thuyết ấy làm gì. Các học giả nếu thấy cần phải nghi ngờ, thì hãy quay ngược lại, nghi ngờ chính “nghiệp quả” của mình, đã không may sinh vào “chủng tính” tán loạn và bất khả tín ấy, nên mới không có “duyên” để nhận ra chân lý. Chỗ này nhà Phật gọi là “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ), vì nếu phát tâm ngờ được điều đó, thì sẽ có cơ hội lớn để “chuyển căn”, để có “duyên” tiếp xúc với Tri kiến Phật. Ở đâu chỉ ra cách “chuyển căn” màu nhiệm ấy? Ở trong chính kinh điển Đại thừa.

Nhưng khác với các thứ “chủ nghĩa”, “học thuyết”, “tư tưởng”… tràn ngập thế gian, gọi chung là “ngoại đạo” cần phải hiểu rồi mới tin, “đức” của Đại thừa thì ngược lại, cần phải tin rồi mới hiểu, tri kiến xuất thế gian là như thế. Nó nằm trong chính tri kiến thế gian, nghĩa là tính bản Giác, Đại Giác vốn có sẵn, có trước cả Đức Phật, có thường hằng, vô thủy vô chung. Chư Phật ba đời xuất hiện luôn là người chỉ ra điều đó, chứ không phải mang điều đó đến thế gian này.

3

Mọi tư tưởng, tập quán, văn hóa, ngôn ngữ… trên thế gian đều từ một bản Giác mà sinh ra, thì sự gặp gỡ, trùng hợp nhau, từ nhỏ đến lớn, từ cạn đến sâu… là chuyện bình thường, nếu để ý thì chỗ nào cũng thấy, thời nào cũng có…

Tiếng Việt có câu thành ngữ: “Nhập gia tùy tục”, có thể có trước cả khi đạo Phật truyền vào nước ta. Điều lý thú là câu ấy trùng hợp với một tuệ giác rất thâm sâu của Phật Đà. Hiểu một cách giản dị, trong phạm vi tập quán, phong tục… thì “Nhập gia tùy tục” là văn hóa ứng xử, là phép đối nhân xử thế… rất khôn ngoan và đúng đắn. Nôm na là phải tùy theo “tục” của “nhà” của người ta, bỏ những “tục” (hay thói quen) cố hữu của mình đi, thì mới hòa nhập vào “nhà” khác được… Nhưng câu ấy nếu hiểu rộng ra, thì không chỉ “nhập gia”, mà ngay cả “nhập môn”; đến “nhập thế”; tiến tới “nhập pháp giới”… thì cũng đều phải “tùy tục” cả. Chữ “tục” trong câu thành ngữ này không chỉ có nghĩa là phong tục, tập quán… mà còn có nghĩa là văn hóa, là chuỗi tương tục, đứt rồi lại nối, là truyền thừa, đại thống của tiến hóa trí tuệ…

Đó là một nguyên lý tối thắng của giải thoát, giác ngộ mà giáo Pháp Đại thừa đã chỉ ra, gọi là “tùy thuận trí”. Trong “nhập gia tùy tục”, nếu người có học hiểu “tục” là văn hóa… thì ở đây, văn hóa đã được nâng lên thành “trí”. Người có “tùy thuận trí” là người không “thủ”, không “chấp”, không kiên cố với tư tưởng, kiến thức và đẳng cấp… của mình, thì mới mở ra cơ hội để tiếp xúc, và có thể nhập được với những tư tưởng lớn hơn, kiến thức và đẳng cấp… cao hơn.

Lịch sử phát triển của khoa học đã chứng tỏ nguyên lý “tùy thuận trí” quan trọng đến thế nào. Nếu nhân loại cứ chôn chân mãi với quan sát của Ptolemaeus, thì kiến thức vũ trụ thời cận đại sẽ không thoát ra khỏi thuyết Địa tâm, để “nhập môn” Nhật tâm của Copernicus. Đến lượt thuyết Nhật tâm, rồi trí tuệ của nhân loại cũng phải thoát ra, để nhập vào môn vũ trụ học vô biên… Toán học càng chứng tỏ điều đó. Hình học hữu hạn Euclid đã thống trị tri kiến cổ điển của nhân loại suốt bao nhiêu thế kỉ, khiến những tri kiến tổng quát hơn, của hình học phi Euclid của Lobachevsky… ra đời cũng phải chật vật như thế nào. Song song với tri kiến toán học ấy, cơ học cổ điển của Newton cũng ngự trị tri thức của các nhà thông thái hàng mấy thế kỉ, và sự ra đời của cơ học lượng tử của Mc. Plan, cũng diễn ra những quá trình “nhập môn” tương tự…

Và không chỉ đối với sự tiến hóa của tri kiến cộng đồng, mà tri kiến của bất kì một cá nhân nào, cũng phải có “tùy thuận trí”, thì mới mong tiến bộ được. Ngày nay các học trò ngồi trên ghế nhà trường, các tu sĩ tu ở chùa chiền, tu viện… muốn tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và trí tuệ… của thế gian, của xuất thế gian… thì lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng một tinh thần “tùy thuận trí”. Các giáo sư, tiến sĩ… vẫn còn hay đã hết khả năng tiếp cận với tiến hóa trí tuệ… tất cả đều do năng lực “tùy thuận trí” (cũng tức là “nhập gia tuỳ tục”) cao hay thấp nó quyết định.

“Nhập môn” thì đại loại như vậy, đến “nhập thế”, thì nguyên lý “tùy thuận trí” còn kinh dị hơn. Đó chính là nguyên lý chọn lọc (rất tự nhiên), đã hình thành nên cả thế gian này, để làm nơi “y báo” cho mọi loại chúng sinh. Đừng nói vũ trụ, thiên thể… là có sẵn, có trước muôn loài… mà hiện ra cùng lúc với muôn loài, không cái nào trước, không cái nào sau. Hiện ra như thế nào? Giống như sóng truyền hình, cứ theo “nghiệp” mà xuất hiện, trên (màn hình) thế gian. Vì toàn thị “sinh” kiểu như thế, nên Tổ Long Thọ mới nói: “Thị cố tri vô sinh” (sinh tức vô sinh). Các cõi giới định hình do nghiệp lực hải (năng) của muôn loài, đến lượt muôn loài lại lấy đó làm nơi “y báo” (sở) của mình. Kinh nói: “Do có cái sở hữu đó, nên từng phần, từng đoạn giả dối sinh ra, vì thế mà không gian (vũ trụ) thành lập; do phi nhân làm nhân, không có năng trụ, sở trụ nên dời đổi mãi, không an trụ, vì thế mà thời gian thành lập…”.

Vũ trụ Không - Thời gian (y báo) được thành lập, thì cố nhiên đó là vũ trụ tâm linh, không phải vũ trụ mà khoa học của con người vẫn hằng quan sát xưa nay. Đừng ai cố đi tìm núi Tu Di ở chỗ nào, hay Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới… cái nào ở trên, cái nào ở dưới… làm gì. Là vũ trụ tâm linh, nhưng không có nghĩa là ảo, là Không, mà là “diệu hữu”, vì nó gần với Thật tướng hơn cái vũ trụ do con người quan sát. Cũng như loài quỷ nhìn nước hóa lửa, loài trời nhìn nước hóa lưu ly… con người quan sát vũ trụ cũng theo “nghiệp thức” của mình, cho nên vũ trụ của khoa học thực ra mới chính là “huyễn”, còn cách rất xa Thật tướng. Ai thoát ra khỏi “nghiệp” người, sẽ nhìn thấy vũ trụ khác hẳn. Cõi giới (y báo) là “sở” đã định hình, thì “chánh báo” là “năng”, cũng theo nghiệp sinh ra cùng lúc, vừa có “tướng”, vừa có “tính”. Như sau:

Phân theo tướng nghiệp có 12 loài, do vô minh sinh: loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng.

Phân theo tính nghiệp có 25 loài, do luân hồi sinh, chia ra tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Mỗi (cõi) giới đều có giống hữu tình trú ở đó mà thọ quả. Gồm: Dục giới có 14 loài, Sắc giới có 7, Vô sắc giới có 4, tổng cộng là hai mươi lăm(*).

Nghĩa là chính nhân quả luân hồi đã làm nên các quá trình Thành, Trụ, Hoại, Diệt của mỗi kiếp thế gian. Nhân quả chính là “tục”, vừa là tương tục, vừa là “thông tục”, cho nên các chúng sinh theo nghiệp của mình, muốn “nhập” vào các cõi giới, thì cũng phải “tùy tục”, tức là tuỳ thuộc ở nhân quả, không thể nào khác được.

Giáo lý Đại thừa dùng “nhất thiết chủng trí”, nên đã chỉ ra một cách mạch lạc và tối thắng như thế. Các học giả thường dùng kiến thức khoa học, hoặc khá hơn, dùng năng lực Độc Giác, thì có thể nhìn thế gian theo những góc nhìn khác. Đại khái chúng sinh do “nghiệp” sinh, “nghiệp” vô cùng sai khác nên ban đầu vô cùng hỗn độn và tán loạn. Nhưng “định hình” lại gồm hai dạng là “cộng nghiệp” và “biệt nghiệp”. Trong tán loạn tít mù, may có nguyên lý “tùy thuận trí”. Cứ theo “tùy thuận trí”, cũng tức là “tùy thuận nghiệp” mà tự động, nhập vào hoặc tách ra… giống như quá trình hình thành vũ trụ, các thiên thể… mà thuyết Bigbang mô tả. Tam giới, tứ thiên hạ, hai mươi lăm cõi giới… được hình thành, cảm giác tựa như có sự phân loại, xắp xếp và chọn lọc nào đó… nhưng thực ra nó diễn ra một cách rất… tự nhiên, chứ không hề có bàn tay của “Thượng Đế”, thần thánh hay ma quỷ… nào ở đây cả. Kết quả “cộng nghiệp” thì thành các loài, các cõi thai sinh, noãn sinh… như Người, Súc sinh… “biệt nghiệp” thì thành các loài, các cõi hóa sinh như Trời, Địa ngục…

Nhà Phật nói chúng sinh chết đây sinh kia… nếu không biết phép “nhập gia tùy tục”, không có đức “tùy thuận trí”, thì hoặc sẽ vô định mãi mãi, hoặc sẽ bị đào thải. Nhập vào bất cứ “cõi” nào của thế gian, cũng phải tuân theo sự chi phối của nguyên lý “tùy thuận trí”. Tương tự như “chọn lọc tự nhiên” của Đác Uyn (ở đây tạm gọi là “chọn lọc tâm linh”).

Vậy chúng sinh nhập thế như thế nào?

Chúng sinh, đại khái là mọi giống hữu tình, do “đắc” nghiệp mà sinh vào một trong 25 loài, cũng là 25 cõi giới. Đắc nghiệp tức là được, (hoặc bị) cấp “visa” sinh vào thế gian, tuân theo “thông tục” bất khả cưỡng cầu của nhân quả luân hồi, chúng sinh phàm phu dẫu có muốn “tùy” cũng không được, vì “tùy thuận trí” trong Như Lai tạng (tức là thức thứ 8, thức sơ biến thứ nhất) đã “quyết” như thế rồi. Đồng thời cũng xác định ngay “mạng căn” (tựa như số phận…). Cùng cộng nghiệp, còn vô vàn chúng sinh khác gọi là “chúng đồng phận”. Nhưng ai nấy vẫn có riêng biệt nghiệp của mình gọi là “dị sanh tánh”… Đại khái chỗ này nằm trong 24 tâm “bất tương ưng hành” của Duy Thức học Phật Giáo, nên ở đây không cần phải bàn thêm nữa.

Chúng sinh “đắc nghiệp” thì tạo ra nghiệp lực, sẽ lập tức bị hút về một trong 25 cõi giới làm nơi “y báo” ấy, nhanh hơn vận tốc ánh sáng, nhanh đến nỗi Phật cũng không đuổi kịp. Nghiệp lực cũng tương tự như lực hấp dẫn, nay tạm gọi là “hấp dẫn tâm linh”. Muốn thắng lực “hấp dẫn tâm linh” thì phải có đạo lực, mà muốn có đạo lực thì trước tiên phải có “tùy thuận trí”. Đạo lực tạo ra vận tốc, tạm gọi là “vận tốc giải thoát”. “Vận tốc giải thoát” phải nhanh hơn vận tốc do nghiệp lực tạo ra, thì mới thắng được nghiệp lực. Đại khái mô phỏng vận tốc vũ trụ trong khoa học hiện đại cho dễ hiểu, thì “vận tốc giải thoát” cũng có 4 cấp:

1- Vận tốc giải thoát cấp 1: Đạo lực đủ lớn để tạo ra vận tốc cân bằng với vận tốc do nghiệp lực tạo ra (nhưng ngược chiều) nên không bị hút đi, kết quả kéo dài được mạng căn. Đây là trường hợp của những người theo đạo tu Tiên (thực ra là cầu thọ).

2- Vận tốc giải thoát cấp 2: Đạo lực đủ lớn để tạo ra vận tốc thắng vận tốc do nghiệp lực tạo ra, nhưng chưa thoát ra khỏi Dục giới, kết quả phải tiếp tục nâng cao đạo lực hơn nữa, trong vòng 7 kiếp vị lai thì mới thoát ra khỏi luân hồi. Đây là trường hợp của những người đắc quả Tu Đà Hoàn (kiến đạo vị).

3- Vận tốc giải thoát cấp 3: Đạo lực lớn hơn nữa, đủ để tạo ra vận tốc thắng hẳn vận tốc do nghiệp lực tạo ra, đến mức thoát ra khỏi Dục giới, nhưng vẫn chưa ra khỏi Sắc giới, kết quả vẫn phải tiếp tục nâng cao đạo lực, ít nhất phải một kiếp nữa. Đây là trường hợp của những người đắc quả Tư Đà Hàm và A Na Hàm (Tu đạo vị).

4- Vận tốc giải thoát cấp 4: Đạo lực lớn đến mức, tạo ra vận tốc thắng tuyệt đối vận tốc do nghiệp lực tạo ra, đủ để thoát ra khỏi luân hồi. Đây là trường hợp của những ngài đắc quả A La Hán (cứu cánh vị).

Hàng Thanh Văn, Độc Giác (hoặc tương tự) thoát khỏi thế gian thì như vậy. Còn Bồ tát nhập thế thì như thế nào?

Các vị Bồ Tát nhập thế để hành Bồ Tát đạo thì bất khả tư nghì. Nếu các Ngài nhập thế theo cách của Thông giáo, thì hạng người có trí may ra còn có thể nhận ra, chứ theo cách của Biệt giáo và Viên giáo, thì chúng sinh phàm phu không thể biết được. Chỉ biết rằng các ngài ra vào luân hồi một cách tự tại, không những thắng mọi nghiệp lực, mà còn sử dụng nghiệp lực như một “phương tiện” để hành đạo…

Đấy là nói về “hành đạo”, còn về “tu đạo” ở địa vị Bồ Tát, thì “tùy thuận trí” đã nâng lên rất cao, thành “tùy thuận tính viên giác”, “tùy thuận” ngay từ khi các ngài còn là phàm phu. Tại sao nói tùy thuận tính viên giác? Bởi vì đối với Như Lai, thì Thế Gian chính là Viên Giác, nhập thế cũng chính là Nhập vào Viên Giác. Kinh Viên Giác cũng chỉ ra bốn thứ lớp:

1- Phàm phu phát tâm Bồ Đề, trước tiên là thập tín. Thập tín là tin một cách trọn vẹn, viên mãn, không còn chỗ dành cho mảy may sự nghi ngờ. Tin cái gì? Tin rằng không thật có cái Ta (ngã), tin rằng thân tâm này là trần lao vọng lự… Việc khó tin đến như thế mà cũng tin được, nếu không có “tùy thuận trí” thì sao được như thế? Đoạn trừ được trần lao vọng lự, ngộ được pháp giới thanh tịnh rồi, nhưng vẫn thấy mình ngộ, nghĩa là cái chấp Ngã (năng) vẫn còn, nên vẫn là phàm phu, nhưng đã nhập vào hàng thập tín, thì gọi là phàm phu (hay thập tín) tùy thuận tính viên giác.

2- Đoạn trừ cả cái biết thanh tịnh (Ngã), thì đạt tới địa vị tam hiền (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng). Việc này càng khó hơn nữa. Nhưng vẫn còn chấp ở nơi Giác, tức là chấp vào Pháp (sở) thì chưa phải bậc thánh, nhưng đã nhập vào địa vị tam hiền, gọi là tam hiền Bồ Tát tùy thuận tính viên giác.

3- Không dừng lại ở nơi Giác, tức là xóa nốt cái chấp vào Pháp, thì tính Giác mới quy về nhất thể, không còn chia ra “năng” (chủ thể), và “sở” (đối tượng) nữa, thì nhập vào hàng thánh địa, gọi là Bồ Tát thập địa tùy thuận tính viên giác.

4- Tột cùng là quả vị Đẳng Giác, Diệu Giác (ngang với Phật). Bồ Tát ở địa vị này thì không cần phải “tùy thuận trí” nữa, vì Giác và Mê, phàm và thánh… đã viên dung với nhau. Đoạn này trong kinh đọc lên khiến ta rợn người, có cảm giác cả đất trời dạt dào một Mùa Xuân Viên Giác: “Tất cả chướng ngại là giải thoát. Trì giới hay phá giới đều là Niết Bàn. Trí huệ hay ngu si đều là Bát Nhã. Bồ Tát và ngoại đạo đồng là Bồ Đề. Vô minh và Chân như đồng một cảnh giới. Giới, Định, Huệ và Dâm, Nộ, Giận, Si… đều là hạnh thanh tịnh. Chúng sanh và quốc độ đồng một pháp tánh. Địa ngục và Thiên đường đều là Tịnh độ. Hữu tình và vô tình đều thành Phật đạo. Tất cả phiền não đều là rốt ráo giải thoát. Biển huệ chiếu soi các tướng cũng như hư không… Đây gọi là Như Lai tùy thuận tính viên giác”.

Bồ Tát nhập thế thì như vậy. Nhưng thế gian không chỉ có loài người… mà lúc nào cũng tràn ngập ma quỷ. Vậy ma quỷ nhập thế như thế nào?

Vũ trụ vật chất do lực hấp dẫn tạo thành các thiên thể, hành tinh, vệ tinh… có bố cục khá quy củ trong các hệ sao, hệ mặt trời… Song vẫn còn vô vàn tiểu hành tinh, vật thể… lạc loài, lang thang vô định trong khoảng không gian bao la của vũ trụ. Vũ trụ tâm linh cũng tương tự như vậy. Tùy thuận trí đã tạo ra các cõi giới, đến lượt nghiệp lực đã “bổ giới” chúng sinh vào đó để thọ nghiệp… song vẫn còn vô vàn chúng sinh cũng lang thang vô định, không biết “nhập” vào cõi giới nào do chưa được (hoặc bị) cấp… “visa”, tức là chưa “đắc nghiệp”. Hoặc do có đạo lực đấy, nhưng tiếc thay lại là ngoại đạo, hoặc lạc sang tà đạo… thì vẫn phải ở trong luân hồi. Ở trong luân hồi mà không làm người, làm thánh… thì làm ma.

Lang thang trong luân hồi, nhưng không biết phép “nhập gia tùy tục”, nên ma quỷ hiện ra ở đâu, thì nơi đó náo động, lòng người bất an… Có đủ loại thiên ma, địa ma, nhân ma… Chúng ma đánh mất “tùy thuận trí”, nên Bồ Tát bó tay hoá độ, ngay cả Phật cũng không dạy được, đành phải chờ cho đến lúc chúng mãn nghiệp ma...

Đánh mất “tùy thuận trí”, nên ma quỷ không biết theo lối “cửa trước” mà vào đàng hoàng, thì sẽ “nhập” theo lối “cửa sau”.

“Cửa sau” cũng vô vàn, không thể kể ra hết được. Tựu trung có 3 “đường” như sau:

1- Ma vương, ma tướng… đại khái hạng ma có “số má”, vì có năng lực nhiếp tâm, và khai mở được ít nhiều “thư viện chủng thức” trong Địa tạng, nên đánh cắp được nhiều thông tin về “nghiệp thức” của chúng sinh. Hạng này nương vào “trí” của những tà sư, ngoại đạo, những nhà đạo đức giả… dùng thông tin đã đánh cắp được để tiếm xưng thành những “oan gia”, “trái chủ”, hoặc nhà đạo đức, tư tưởng… để hưởng cúng dường, hoặc ngự trên bàn thờ nhà người ta, có khi ngự trên bàn thờ đình miếu khắp nơi… để cai quản hồn vía và phát ngôn… của cả thiên hạ.

2- Ma dân, ma nữ… đại khái hạng không có “số má”, như thi hào Nguyễn Du đã mô tả trong “Văn tế thập loại chúng sinh”:

“Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi

Hoặc là nương ngọn suối chân mây

Hoặc là bụi cỏ bóng cây

Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ…”

Hạng này nương vào “duyên” của những thầy bà, đồng cốt, những nhà ngoại cảm… để nhập thế, khiến những người trong giới này hành nghề tíu tít, bất kể xuân hạ thu đông, bất kể ngày đêm, bất kể gò đống, mồ mả…

3- Thiên ma, địa ma, là hạng có thừa năng lực nhiếp tâm, thì nương theo “ngũ ấm” mà nhập, hoặc nội ma thì chả cần phải nhiếp tâm. Cứ có cơ hội là phá hủy huệ căn của những người tu đạo. Hạng này mới đặc biệt nguy hiểm vì rất khó nhận biết.

Thiên ma, địa ma lúc nào cũng rình sẵn ở bên ngoài, trước 3 cửa Sắc ấm, Thọ ấm và Tưởng ấm. Người tu đạo không mở ra thì thôi, hễ mở ra là lập tức “nhập” vào ngay, không cần phải khách sáo, cũng chả phải “tùy tục” nào hết.

Nội ma rình sẵn ngay trong tâm người tu đạo. Theo 2 cửa Hành ấm và Thức ấm mà sổ lồng. Nội ma đã sổ lồng thì huệ mạng của người tu đạo kể như chấm dứt.

Đường ma quỷ nương theo “ngũ ấm” để “nhập thế” thì vô cùng lắm, nhiều như vi trần và tinh tướng như… hoa hậu. Kinh Phật đã khái quát tất cả trong (đại khái) 50 chủng loại. Những ai quan tâm xin mời đọc phẩm 50 loại Ấm ma trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Khuôn khổ có hạn của một bài viết thì không thể kể ra ở đây được.

Trên đây đã nói “nhập môn”, “nhập thế”. Còn “nhập pháp giới” thì sao? Nếu “nhập gia tùy tục” có thể coi là cái “đức” căn bản để diệt “phiền não chướng”, thì mở rộng ra thành “tùy thuận trí”, có thể diệt cả “sở tri chướng” nữa. Đây mới là chỗ khó khăn, vất vả nhất, người tu đạo phải diệt nốt “sở tri chướng”, thì mới “nhập pháp giới” được. Nghĩa là phải có “tùy thuận trí”.

Nhập pháp giới tức là giải thoát, giác ngộ, tức là nhập Vô thượng Chánh Giác… Cũng là nhập Đại Bát Niết Bàn. Kinh Hoa Nghiêm, một bộ kinh siêu quần bạt thế của đạo Phật, chỉ duy trí tuệ của Phật Đà mới thuyết nổi bộ kinh này, có hẳn một “phẩm” gọi là “Nhập pháp giới”, chiếm tới 1.300/5.000 trang của toàn bộ kinh. Mô tả ngài Thiện Tài Đồng tử đi gặp 53 vị “thiện tri thức” để cầu hạnh Bồ Tát. Hạnh Bồ Tát là một việc rất khó học, đến nỗi Ngài Văn Thù Sư Lợi phải nói trước: “Nầy thiện nam tử! Nếu có chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, đây là việc rất khó. Đã có thể phát Bồ đề tâm rồi, lại cầu Bồ tát hạnh, việc này càng khó gấp bội”. Cho nên trước khi đi, Ngài phải ân cần căn dặn Đồng tử: “Thấy thiện tri thức chớ có nhàm đủ. Thiện tri thức có dạy bảo điều chi phải đều tùy thuận”. Một bậc Đại trí tuệ đã phải nói như thế, thì đủ thấy cái món “tùy thuận trí” kia cần thiết trong việc cầu đạo và tinh tấn hạnh nguyện… đến mức nào.

Hạnh Bồ Tát chính là nhập pháp giới. Vậy cầu hạnh Bồ Tát khó như thế nào? Thiện tri thức mà Thiện Tài Đồng tử gặp đầu tiên là Tỳ kheo Đức Vân, người “thường thấy tất cả chư Phật mười phương”, nghĩa là đã thành tựu môn “niệm Phật”, thì cũng “đâu biết hết được vô biên trí huệ thanh tịnh hạnh môn của đại Bồ tát…”. Phải tìm đến vị thiện tri thức thứ hai là Tỳ kheo Hải Vân, người đã thấy được “thiện căn xuất thế của Như Lai”, hiện ra dưới dạng một bông sen lớn, nghĩa là đã thành tựu môn “kiến Phật”, nhưng cũng không thể nói được công đức của hạnh Bồ Tát. Thiện tri thức thứ ba là Tỳ kheo Thiện Trụ, người mà: “Mỗi đức Như Lai có bao nhiêu lời dạy bảo ta đều thọ trì cả”, nghĩa là đã thành tựu môn “cúng Phật”, thì cũng không thể biết hết công đức của hạnh Bồ Tát…

Người thứ tư không phải Tỳ kheo, mà là một cư sĩ, tên Di Già, đang thuyết pháp ở giữa chợ, có mười ngàn người vây quanh. Đại sĩ Di Già có thể thuyết pháp bằng ngôn ngữ của tất cả các loại chúng sinh, nghĩa là đã thành tựu môn: “giải nhất thiết chúng sinh ngôn ngữ”. Một bậc “đệ nhất chém gió” của muôn loài muôn kiếp, tầm cỡ đến như thế, mà khi nói về công đức của hạnh Bồ Tát, cũng không thể biết hết, nói hết. Cứ như thế, Thiện Tài Đồng tử phải cầu đến vị thứ năm là một Trưởng giả, tên Giải thoát, rồi vị thứ sáu, thứ bảy… cho đến 53 vị, trong đó gồm cả tiên nhân, người Bà la môn (tức là ngoại đạo)... Xem thế đủ biết năng lực “tùy thuận trí” của Ngài cao đến cỡ nào, thì mới không phát cáu, không nản chí và xem thường những trưởng giả, ngoại đạo… mới kiên trì và nhẫn nại được như vậy.

Tóm lại toàn bộ vấn đáp với 53 vị thiện tri thức của Thiện Tài Đồng tử, trong phẩm “Nhập Pháp Giới”, thực ra là diễn tả quá trình diệt “sở tri chướng” của người tu đạo. Xem thế đủ biết diệt sở tri chướng nó khó khăn và công phu đến cỡ nào.

“Nhập Pháp Giới” là một tuyệt tác của văn học Phật Giáo. Không một đại văn hào nào của nhân loại cổ kim có thể viết ra nổi, huống hồ đối với văn chương phàm phu thì bất khả thuyết bất khả thuyết. Một nghìn ba trăm trang là một nghìn ba trăm đại dương ngôn ngữ, chỉ có người không biết sợ là gì thì mới bơi qua nổi. Là một nghìn ba trăm đỉnh núi Tu Di, mô tả thế giới Hoa Tạng, với những địa danh và nhân vật, không có trong bất cứ kho tàng sử sách nào của nhân loại, nhưng vốn có trong tâm địa (Như Lai tạng) của mỗi chúng sinh. Cũng giống như vũ trụ trong “Hoàng Tử Bé” của Saint Exupéry, Thiện Tài Đồng tử cũng là Hoàng Tử Bé, và Hoàng Tử Bé cũng là Thiện Tài Đồng tử vậy.

Kinh nói: “Phát tâm Bồ Đề là bỏ nhà thế tục, sinh vào nhà Như Lai”, cầu hạnh Bồ Tát là: “vượt qua khỏi biển sinh tử, vào được biển Phật trí”. Vào nhà Như Lai thì phải “nhập gia tùy tục”, vào biển Phật trí thì phải “tùy thuận trí”… Đức Văn Thù đã dặn Thiện Tài Đồng tử như thế, và người Việt cũng dặn nhau như thế, từ thượng cổ đến nay.

Chú thích: 

(*) Dục giới có 14 gồm 1. Địa ngục, 2. Súc sinh, 3. Ngạ quỷ, 4. A tu la, 5. Đông Thắng thần châu, 6. Tây ngưu hóa châu, 7. Bắc cu lu châu, 8. Nam Thiệm bộ châu hay Nam Diêm phù đề, 9. Tứ thiên vương thiên, 10. Đao Lợi thiên, 11. Diệm ma thiên, 12. Đâu suất đà thiên, 13. Lạc biến hóa thiên, 14. Tha hóa tự tại thiên.

Sắc giới có 7 gồm: 1. Sơ thiền, 2. Nhị thiền, 3. Tam thiền, 4. Tứ thiền, 5. Đại phạm thiên, 6. Vô tưởng thiên, 7. Bất hoàn thiên.

Vô sắc giới có 4 gồm: 1. Không vô biên xứ, 2. Thức vô biên xứ, 3. Vô sở hữu xứ, 4. Phi tưởng phi phi tưởng

Tổng cộng là hai mươi lăm cõi “hữu”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm