Việc chùa, việc tu?
Hỏi: Tôi vào chùa được hơn hai năm, đang tập sự xuất gia. Hiện giờ trong chùa các vị lớn đều đi học xa, chỉ còn mình tôi với sư phụ tuổi đã già, do đó mọi việc tôi đều phải gánh vác. Tôi rất muốn hoàn thành công việc chùa để tiến tu nhưng thực sự không thể nào kham nổi.
Hỏi:
Tôi vào chùa được hơn hai năm, đang tập sự xuất gia. Hiện giờ trong chùa các vị lớn đều đi học xa, chỉ còn mình tôi với sư phụ tuổi đã già, do đó mọi việc tôi đều phải gánh vác. Tôi rất muốn hoàn thành công việc chùa để tiến tu nhưng thực sự không thể nào kham nổi. Lúng túng giữa công việc, sức khỏe và học hành nhưng tôi không dám bày tỏ với ai. Hãy cho tôi những lời khuyên để vượt qua thử thách này và tiến tu trên con đường học đạo.
Đáp:
Trong lộ trình xuất gia, giai đoạn tập sự có thể nói là khoảng thời gian nhiều cam go, vất vả nhưng thật đẹp, hồn nhiên và thú vị. Khi “thời thơ ấu” trong veo ấy đã đi qua, nhớ lại ai cũng thấy nao nao, tiêng tiếc, lẫn lộn vui buồn. Hiện tại, tuy vất vả bởi nhiều việc và đôi khi trống trải vì thiếu vắng huynh đệ nhưng không làm bạn nản lòng, tâm nguyện xuất gia của bạn vẫn nồng nàn, tha thiết.
Trước hết, bạn phải nhận thức rằng bạn đang được thử thách để rèn luyện thể lực, un đúc ý chí trước khi chính thức nhập môn. Khó khăn trên đường tu càng lên cao càng chồng chất, nếu không được tôi luyện từ những tháng ngày đầu tiên thì bạn sẽ không cứng rắn, vững chãi khi trưởng thành. Bạn đã phát nguyện dấn thân thì không ngại khó, xem đó như là chướng ngại vật đầu tiên cần phải vượt qua.
Mặt khác, đây là giai đoạn hết sức cần thiết để bạn gieo trồng phước điền với Tam bảo. Nền tảng của tất cả phước báo mà một người xuất gia thành tựu khi trưởng thành đều xuất phát từ đây. Vì thế chấp tác, lao dịch, sản xuất, tụng kinh, công phu, bái sám, hầu Thầy và học tập giáo lý, oai nghi, tế hạnh là nhiệm vụ bắt buộc bạn phải hoàn thành. Kinh nghiệm từ những bậc đi trước cho thấy khả năng kham nhẫn, quyết tâm đi tới không lùi bước, nỗ lực bền bỉ của người xuất gia được hình thành ngay từ giai đoạn này.
Do đó, làm tất cả công việc ở trong chùa, từ nhỏ đến lớn, nếu làm được thì đó là cơ hội quý báu để tích lũy và phát triển phước báo của tự thân. Tuy nhiên, còn tuỳ thuộc vào khả năng, tình trạng sức khỏe của bản thân để sắp xếp công việc, ổn định học hành.
Khi đã xuất gia, cố nhiên bổn sư của bạn là trụ cột vững chắc mà bạn cần nương tựa trong tất cả các phương diện cuộc sống, từ vật chất đến tinh thần và cả đời sống tâm linh. Bất kỳ những khó khăn hay trở ngại gì trong cuộc sống bạn phải “tâm sự” cho bổn sư biết để được giúp đỡ.
Bổn sư chính là cha mẹ và tất nhiên bạn cũng được quý ngài xem như con cái. Đạo tình trong thiền môn tuy dựa trên nền tảng từ bi hỉ xả vô lượng nhưng thật thắm thiết, keo sơn, bền vững và chan chứa nghĩa tình. Bạn cứ mạnh dạn trình lên bổn sư (tốt nhất là trong những lúc gần gũi hầu Thầy) tất cả những tâm tư, nguyện vọng cùng với hết thảy nhưng vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau của bạn một cách chân tình, thuần phác như con cái đối với cha mẹ. Thậm chí bạn cũng có thể động viên, an ủi bổn sư trong những lúc bệnh tật hoặc gặp trở ngại, khó khăn.
Nếu làm được như vậy, chúng tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, bổn sư sẽ hiểu và có phương án để giúp đỡ một cách hữu hiệu nhất, nhằm trợ duyên cho bạn tu học tốt hơn. Bạn phải biết rằng hiểu và thương là một nhu yếu rất quan trọng của con người. Trong thiền môn, hiểu và thương là một đạo lý sống rất căn bản và cần yếu. Bạn muốn được bổn sư thương hơn thì cần phải cho bổn sư hiểu thật nhiều về bạn.
Bổn sư thường bận rộn với Phật sự bộn bề nên đôi lúc thiếu sự quan tâm và chưa thực sự hiểu hết về đệ tử. Mặt khác, những khó khăn trong Phật sự không phải là ít nên nhiều khi bổn sư có những đăm chiêu, nghiêm nghị khác thường khiến bạn không dám gần gũi, thân mật trong tình thâm đúng nghĩa thầy trò. Bạn phải thấy rõ điều này để hiểu và thương bổn sư hơn và cố gắng hết mình với công việc khi chùa neo người.
Trong hoàn cảnh của bạn, để tháo gỡ những vướng mắc cho bạn không ai khác ngoài bổn sư và chính tự thân bạn. Tâm nguyện xuất gia ban đầu của bạn còn lớn mạnh, sơ tâm còn trong trắng và thánh thiện, ý chí và nhiệt huyết tu học còn tràn trề, vậy thì chỉ cần thêm một tí nỗ lực nương tựa, chân thành, tin tưởng, thương kính, tỏ bày và gần gũi với bổn sư, chắc chắn bạn sẽ được hỗ trợ để vượt qua những thử thách trong hiện tại.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cầu an có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 15:05 22/11/2024Hỏi: Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi muốn hỏi là cầu an có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có thì xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy trong những kinh nào?
Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?
Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?
Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?
Tượng Phật có từ bao giờ?
Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.
Xem thêm