Chấp nhận và coi cảm xúc như liều thuốc miễn dịch
Nếu không thể từ bi với chính mình, làm sao bạn có thể từ bi với vạn vật, và như vậy, làm sao bạn có thể giúp thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
Trở ngại lớn nhất của hạnh phúc
Một trong những trở ngại lớn nhất của hạnh phúc mà tôi thường quan sát thấy chính là sự sân giận. Điều này khiến tôi rất buồn. Có những sự sân ác tàn bạo ngự trị trong tâm của một kẻ khủng bố hay một ai đó muốn gây tổn thương người khác. Lại có những sự sân giận mà bạn có thể thường xuyên bắt gặp hàng ngày trên đường. Ngày nay, dường như người ta dễ dàng nổi sân kể cả khi không hề bị khiêu khích. Bạn có thể cảm nhận điều đó khi quan sát cách mọi người hành xử với nhau trong cuộc sống thường ngày.
Chúng ta có nên ngạc nhiên không? Đôi khi, những chuẩn mực xã hội ngày nay đã tạo cho con người cảm giác họ có quyền giận dữ. Và đây không phải là một lối ứng xử đáng phê phán của riêng một nơi nào, một đất nước nào, mà dường như đã trở thành một căn bệnh lây lan khắp thế giới. Một người bạn ở Anh đã kể cho tôi rằng trên tàu hỏa họ còn để những tấm biển ghi dòng chữ “Xin giữ yên lặng”. Về cơ bản ý tưởng này có vẻ hay, nhưng khi ai đó không nhìn thấy tấm biển và bắt đầu nói chuyện qua điện thoại, những người xung quanh sẽ bắt đầu xì xào, sự khó chịu tăng dần, họ sẽ ném những ánh nhìn chê trách và chỉ vào tấm bảng. Tất nhiên, tôi cũng hiểu chúng ta đang cố gắng cư xử một cách văn minh, song chúng ta thường nổi nóng quá dễ dàng khi gặp những người không nắm rõ quy tắc hoặc có những ý nghĩ không đồng thuận. Thú thật, có thể xếp tôi vào nhóm người hay nói chuyện, và chắc chắn nếu đi tàu thì tôi sẽ bị phê bình - song điều khiến tôi thấy lo ngại chính là phản ứng sân giận lây lan rất nhanh. Rốt cuộc thì cảm xúc này chỉ khiến cho mọi người khổ sở, và thường thì kẻ chịu tác động nhiều nhất chính là người nổi cơn sân đó.
Không chỉ mỗi sân giận mà cả những xúc tình phiền não khác cũng vận hành như vậy. Tham lam, kiêu mạn, hay tâm trạng bi quan cũng là những thứ bao buộc bản ngã của bạn trong mạng lưới chằng chịt của những hành động đáng buồn và dễ gây tổn thương. Chẳng khó để nhận ra những xúc tình tiêu cực - và mặc dù biết rõ như vậy - chúng ta vẫn để mình trở thành nạn nhân. Làm thế nào để ngăn chặn được điều này? Làm cách nào để các xúc tình không trói buộc được chúng ta? Có một chiến lược rất hay để giải quyếtvấn đề này. Bạn có thể hình dung giống như việc tiêm vắc-xin phòng bệnh vậy. Để cơ thể bạn làm quen với việc chống lại một căn bệnh, người ta sẽ tiêm một liều rất nhỏ mầm bệnh vào trong người, giúp cơ thể của bạn tự xây dựng cơ chế miễn dịch đối với căn bệnh đó.
Nếu không thể chấp nhận những điểm yếu của mình, bạn sẽ làm được gì với những điểm mạnh?
Áp dụng cơ chế nêu trên trong trường hợp này, bạn cần chấp nhận những cảm xúc của mình. Những xúc tình tiêu cực như sân giận, tham lam, kiêu mạn thường phá vỡ sự cân bằng và bình an trong tâm, thế nhưng thay vì kìm nén hoặc phớt lờ chúng đi, bạn cần tỉnh thức hơn để nhận ra khi nào chúng đến và chúng đến từ đâu. Khi nhận thức được những xúc tình tiêu cực, hiểu được vì sao mình đang trải nghiệm chúng, bạn sẽ thấy dễ dàng xả bỏ những xúc tình đó hơn. Thoạt nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng không phải vậy. Đây chính là bài tập giúp chúng ta mở rộng tỉnh thức để bao dung với những thiếu sót của mình.
Thay vì phán xét để khiến cho mọi thứ thêm nặng nề - chúng ta cần tập cách nhẹ nhàng chấp nhận và châm chước cho những thiếu sót của mình. Theo cách đó, khi cởi mở với những lỗi lầm của mình, bạn sẽ học cách rộng lượng hơn trước những lỗi lầm của người khác, mở rộng lòng bao dung và trở nên thân thiện, hòa đồng với mọi người. Điều này như thể bạn đang biến kẻ thù của mình thành một người bạn.
Nếu không “thân thiện”, sẽ không thể có hạnh phúc trong tâm. Nếu không thân thiện với mọi người, với thiên nhiên, với chính mình thì chúng ta đang không cho hạnh phúc cơ hội để hiển lộ. Bạn sẽ lãng phí mọi tiềm năng tuyệt vời khi chỉ tập trung vào những gì mình không thích nơi bản thân và với những người xung quanh.
Vì vậy, khi bạn thành thật nhìn vào mình trong gương, cho dù thoạt đầu bạn có thể không thích lắm nhưng hãy nhớ bao dung với bản thân và thoải mái đón nhận mọi cảm xúc. Nếu không thể từ bi với chính mình, làm sao bạn có thể từ bi với mọi người, làm sao bạn có thể góp phần giúp thế giới trở nên hạnh phúc hơn? Nếu bạn không thể chấp nhận những điểm yếu của mình, thử hỏi bạn sẽ làm được gì với những điểm mạnh?
Trích ấn phẩm “Sống trí tuệ”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm