Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 09/09/2022, 07:09 AM

Nguyên nhân làm cho triều đại nhà Trần hưng thịnh (I)

Bất cứ người Việt Nam nào khi xem qua lịch sử của dân tộc cũng đều thừa nhận triều đại nhà Trần là một trong những triều đại hưng thịnh và vẻ vang nhất trong lịch sử nước ta. Nguyên nhân nào đã đưa đến sự hưng thịnh ấy?

Đó là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu sử học thường đặt ra và cố gắng đưa ra giải đáp. Thế nhưng, hình như chưa có một giải đáp nào làm cho tất cả mọi người hoàn toàn thỏa mãn. Do đó việc tìm hiểu những nguyên nhân kia vẫn còn là trách nhiệm đặt ra cho mỗi chúng ta. Sau đây, chúng tôi xin nêu lên một vài dẫn chứng lịch sử để góp phần làm cho vấn đề này thêm sáng tỏ.

1. Đức anh minh nhân ái yêu dân của các vua đầu đời Trần

Nhằm mục đích chấn hưng nền học vấn nước nhà, tháng 6 năm Nguyên Phong thứ 3 (1253) vua Thái Tông (1225 - 1258) lập ra Quốc học viện, cho người đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Mạnh Tử và vẽ tranh 72 người hiền để thờ. (Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1985, tr. 23)

Qua việc làm ấy chứng tỏ Thái Tông có tầm nhìn xa thấy rộng, có tinh thần khoáng đạt cởi mở. Với cương vị là một Phật tử, chẳng những ông không kỳ thị Nho giáo mà trái lại còn nỗ lực xiển dương Nho học, quí trọng nhân tài, tạo điều kiện cho quốc gia trở nên cường thịnh. Thế thì ông biết đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi bản thân và tôn giáo của mình. Việc tha tội cho Hoàng Cự Đà sau đây càng chứng tỏ điều đó.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vì không được ăn xoài do vua ban, Hoàng Cự Đà tức giận đào ngũ khi quân giặc đến. Sau khi tan giặc, triều đình đòi xử tội Cự Đà, vua nói: “Tội của Cự Đà thật đáng chết, nhưng đó là do lỗi của ta. Nay tha tội chết, cho đánh giặc lập công để chuộc tội” (ĐVSKTT, II, tr. 26)

Đức anh minh nhân ái của Thái Tông như thế, nên khi bàn về nhà vua, sử gia Phan Huy Chú (1782 - 1840) viết: “Thiên tính vua rất nhân hậu, tin dùng hiền tài, định ra các lễ nghi, hình luật, pháp độ điển chương, thật đáng khen ngợi”. (Lịch triều hiến chương loại chí)

Để thấy rõ hơn hành trạng của Thái Tông, chúng ta có thể đọc thêm lời bình phẩm sau đây của sử gia Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780): “(Mấy năm sau) vua để tâm đến việc học nên tiến bộ rất nhiều, lại nghiên cứu sâu nội điển, làm sách Khóa Hư Lục, mến cảnh sơn lâm, coi sống chết như nhau, tuy ý tứ gần với đạo “không tịch” mà chí khí thì xa rộng cao siêu, cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép nát”. (Việt sử tiêu án, Xb 1960, tr. 184). Thiết tưởng, qua ý kiến của hai sử gia trên đây cũng đã minh họa được phần nào chân dung của vì vua khai sáng đời Trần.

Kế nghiệp Thái Tông là Thánh Tông (1258 - 1278). Đức sáng suốt và lòng nhân hậu của ông có thể nói là đã nối chí được vua cha. Khi triều đình mở dạ yến, vua cùng ăn chung với các vương hầu, tôn thất. Hôm nào trời tối không về được thì vua tôi cùng trải chiếu dài ngủ với nhau tại hoàng cung rất là thân mật. Vua từng nói với các người trong Hoàng tộc: “Thiên hạ là thiên hạ của Tổ tông, người nối nghiệp của Tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc” (ĐVSKTT, II, tr. 35)

Chẳng những đối với gia tộc vua cư xử đầy lòng nhân hậu mà đối với triều thần vua cũng tỏ ra độ lượng khoan dung. Khi quân Nguyên tiến vào kinh thành, triều đình có người trở lòng giao thiệp với giặc; đến khi giặc rút, triều đình bắt được một tráp biểu hàng giặc của các quan. Có người đòi khui ra để trị tội những kẻ phản trắc, nhưng Thánh Tông (lúc này đã là Thượng Hoàng) sai đem đốt hết để yên lòng mọi người. (ĐVSKTT, II, tr. 63)

Tư cách đặc biệt của vua đã được Ngô Thì Sĩ mô tả: “Họp quần thần ở Bình Than, đãi phụ lão ở Diên Hồng, không hạng người nào không hỏi đến… Nghĩ lại khi đi Chí Linh, Vạn Kiếp, trận đánh Đại Than, Bạch Đằng, những lúc con thuyền lênh đênh, dùng bát cơm hẩm, vua tôi, cha con vẫn một lòng lo sao cho nước nhà qua cơn sóng gió” (Việt sử tiêu án)

Và sau đây là lời bình luận của sử thần Ngô Sĩ Liên: “Vua trung hiếu, nhân từ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy” (ĐVSKTT, II, tr. 28)

Đức nhân hiếu là cái gốc của con người. Đối với bậc đế vương, đức tính ấy lại càng cần thiết để thu phục nhân tâm, khiến mọi người tin yêu, kính trọng và tuân phục, nhờ đó mới xây dựng được một triều đại hùng cường và thịnh trị. 

Nối nghiệp vua cha, giữ gìn giềng mối xã tắc là Nhân Tông (1279 - 1293). Ông cũng nổi tiếng là bậc minh quân như lời nhận định của sử thần họ Ngô: “Vua bẩm thụ tinh anh của Thánh nhân, hình dáng đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng… nhân từ hòa nhã, cố kết lòng người, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thật là bậc vua hiền của nhà Trần” (ĐVSKTT, II, tr. 42)

Khi Toa Đô thua trận Tây Kết, bị quân ta giết đem đầu đến dâng. Trông thấy đầu Toa Đô, vua thương hại nói: “Người làm tôi nên như thế này”, rồi cởi áo bào bọc đầu Toa Đô, sai quân liệm chôn. Cử chỉ ấy vừa biểu lộ phong độ của bậc đế vương, vừa có tác dụng cổ vũ tinh thần quân sĩ hết lòng vì nước.

Lúc ngự chơi bên ngoài, nếu gặp gia đồng của các vương hầu ở dọc đường, vua thường gọi lại thăm hỏi, không cho các vệ sĩ quát tháo họ, và nói với tả hữu: “Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, nhưng khi quốc gia lâm hoạn nạn thì chỉ có bọn chúng có mặt” (ĐVSKTT, II, tr. 66)

Biểu lộ tình thương chân thật với từng gia đồng hèn mọn của các vương hầu, cử chỉ ấy còn có người làm được, chứ yêu thương cả kẻ thù của mình thì chỉ có Nhân Tông, người đã thấm nhuần tinh thần từ bi vị tha của Phật giáo, một Tổ sư Thiền mơi làm được như vậy.

Năm 1293, Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông (1293 - 1314). Sau khi lên ngôi, Anh Tông vâng di chúc của Thượng hoàng, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân (1306). Vua Chiêm dâng hai châu Ô, Lý để làm sính lễ. Việc làm của Anh Tông vừa giữ được lòng thành tín, gây tình thân với lân bang, vừa mở mang thêm bờ cõi, làm cho đất nước hùng cường.

Một hôm, đã đến giờ rước linh cữu của Thượng hoàng Nhân Tông nhập lăng mà dân chúng đứng chật cả cung điện, quân tướng xua đuổi mấy cũng không tan được. Vua sai Trịnh Trọng Tử giải tán. Trọng Tử bèn tổ chức từng đội quân chia ra làm nhiều chỗ, hát những khúc Long ngâm, dân chúng thấy lạ đua đến xem, nhờ vậy mới rước được linh cữu của Thượng hoàng về an trí ở lăng Qui Đức. Qua cảnh tượng này, chúng ta càng thấy rõ lòng ái mộ của nhân dân đối với triều đình, và đức thân dân của các vua nhà Trần.

Sau khi lên làm Thái Thượng hoàng, một hôm Thượng hoàng cho mời Huệ Túc Vương vào cung đàm luận. Vốn hay bài xích Phật giáo, thấy Thượng hoàng đang ăn chay, Huệ Túc Vương nói: “Thần không biết ăn chay, ăn chay thì có ích lợi gì?”. Thượng hoàng đoán biết ý ông, liền dụ rằng: “Ông cha ta ngày xưa thường ăn chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn có ích lợi gì hay không thì ta không biết”. Huệ Túc Vương im lặng rồi lui ra. (ĐVSKTT, II, tr.114). Lời nói của Anh Tông sao mà thâm trầm, đôn hậu và cung kính đến thế!

Đến khi Minh Tông (1324 - 1329) lên nối ngôi, ông cũng tỏ ra là vì vua nhân hậu, sáng suốt, xứng đáng giữ gìn sự nghiệp vẻ vang của cha ông. Qua câu trả lời của vua với Hiệu Khả cho ta thấy rõ điều đó. Một hôm, Hiệu Khả ca ngợi vua giỏi hơn Anh Tông, vua biến sắc mặt, ngăn không cho nói và trách: “Ai mà khen người khác giỏi hơn cha thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ, nên mới nói ra câu ấy”. (ĐVSKTT, II, tr. 112). Cử chỉ này vừa tỏ lòng tôn kính với Tiên vương, vừa có tác dụng uốn nắn tính tình của Hiệu Khả.

Bấy giờ, có người dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người sống lang thang tới già vẫn không có hộ tịch, không chịu sưu dịch thuế má gì cả, vua nói: “Không như thế, thì sao có thể thành đời thái bình. Ngươi muốn ta trách phạt họ thì có được việc gì không?” (ĐVSKTT, II, tr. 138)

Nhân cách của vua thật đặc biệt nên sử thần Phan Phu Tiên đã ngợi khen: “Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của Tổ tông không thay đổi gì cả.” (ĐVSKTT, II, tr. 137)

Năm 1362, đời vua Dụ Tông (1341 - 1369), đất nước bị thiên tai, mất mùa, dân chúng đói và bệnh, triều đình mở kho lấy tiền gạo đem phát cho dân. Ai đau ốm được phát cho hai viên hồng ngọc sương (viên thuốc trừ trăm bệnh), hai tiền và hai thăng gạo. (ĐVSKTT, II, tr. 141)

Để thấy rõ lòng nhân ái, đức sáng suốt và phẩm cách đặc thù của các vua đời Trần như thế nào, chúng ta có thể nghe lời nhận xét của Lê Quí Đôn (1726 - 1784): “Nét đặc sắc của triều đại nhà Trần là việc truyền ngôi cho con... Nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ. Cho nên nhân tài ngày ấy có chí khí tự lập, hòa hiệp cao siêu, vững vàng vượt qua thói thường, làm rạng rỡ sách sử, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi! người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được. Từ bản triều (nhà Lê) về sau, phong độ ấy dần dần không nghe thấy nữa!” (Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 258)

2. Các tướng lĩnh văn võ toàn tài

a/ Giỏi quân sự

Quân Nguyên Mông là đoàn quân thiện chiến, đánh bộ giỏi, cỡi ngựa hay, vượt đường xa, từng đánh chiếm nửa châu Au, rất tự hào là ít khi thất bại. Thế mà ba lần sang xâm lược nước ta, cả ba lần đều chuốc lấy thất bại thê thảm. Những chiến công lừng lẫy của quân dân ta có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân đó chính là tài thao lược, đức dũng cảm của tướng lĩnh lúc bấy giờ. Các tướng đã biết dùng sở trường của mình để chọi sở đoản của địch: 1) Dùng thủy chiến giao tranh với giặc; 2) Dùng phục binh để đánh bất ngờ; 3) Dùng đội quân ái quốc đánh quân xâm lược; 4) Dùng quân bản địa đánh quân viễn chinh; 5) Chận đánh các đoàn quân tiếp tế.

Phàm là quân viễn chinh thì chúng rất lo ngại về phương tiện tiếp tế. Trần Khánh Dư (? - 1339) hiểu rõ nhược điểm ấy của địch nên đã phục binh đánh đoàn quân tiếp tế của chúng tại bến Vân Đồn, thu được quân lương và khí giới vô số.

Ngày 28-11-1287, Nhân Đức Hầu dùng thủy quân đánh thắng quân giặc tại vũng Đa Mo, thu được nhiều chiến thuyền và khí giới. Đến ngày 8–3–1288, quân ta lại đánh một trận quyết định ở sông Bạch Đằng. Trận đánh này quân ta toàn thắng, giành được chiến công oanh liệt, thu 400 thuyền giặc, bắt sống Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ, kết thúc cuộc chiến. Khi làm lễ mừng thắng trận tại Chiêu Lăng, Nhân Tông đã cảm hứng đọc hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá,

Non sông ngàn thuở vững âu vàng) (ĐVSKTT, II, tr. 60)

b/ Giỏi cả văn chương

Các tướng lĩnh đời Trần không những giỏi quân sự mà còn có tài văn chương, biết dùng ngòi bút để động viên quân sĩ. Đọc đoạn văn sau đây trong bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương (1232 - 1300), ai mà không cảm kích:

“Huống chi ta cùng các ngươi sinh ra thời loạn lạc, gặp phải buổi gian nan. Trông thấy tướng giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem thân dê, chó mà bắt nạt tổ phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng để vét của kho có hạn. Chẳng khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, tránh sao khỏi tai vạ về sau!

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù, dẫu cho trăm thây này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng” (Thơ văn Lý Trần (TVLT), II, q. thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1988, tr.392)

Rõ ràng có một sức kích động phát ra từ những lời văn như hồi trống giục, khiến ta có thể liên tưởng đến lời nhận xét của Quang Trung về ngòi bút của Ngô Thì Nhiệm: “Ngòi bút của Ngô Thì Nhiệm mạnh hơn cả mấy sư đoàn”.

Trong lời di chúc lúc lâm chung, Hưng Đạo Vương đã bàn về chiến lược quân sự với vua Anh Tông: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước dồn sức lại thì chúng đành phải chịu trói... nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa to, gió táp thì đó là tình thế dễ chế ngự... phải gây dựng một “đội quân cha con” rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, nên dưỡng sức dân để làm kế gốc sâu rễ bền, đó là thượng sách giữ nước vậy” (TVLT, II, tr. 397)

Gây dựng một đội quân cha con, đó là mục đích mà Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) đã thực hiện. Ông sống rất bình dị, đối xử với quân sĩ như người thân, đồng cam cộng khổ; người bấy giơ gọi đội quân của ông là “Phụ tử chi binh”. (TVLT, II, tr. 562). Ngoài ra, ông còn có tài làm thơ, trong bài Thuật hoài của ông toát ra một hùng khí ngút trời:

Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu,

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

(Múa giáo, non sông trải mấy thu

Ba quân hùng khí át sao Ngưu,

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).

(Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, xb 1964, tr. 144)

Cùng một giọng lẫm liệt và hùng tráng như vậy là giọng thơ của tướng Trần Quang Khải (1241 - 1294):

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái bình nghi nỗ lực

Vạn cổ thử giang san.

(Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù,

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu). (TVLT, II, tr. 424)

Các tướng mỗi người một vẻ khác nhau. Quang Khải có giọng văn khí khái, hùng hồn. Nhật Duật (1255 - 1330) thì thâm trầm và rất am tường phong tục của thổ dân miền thượng, lại biết rành ngôn ngữ của họ. Do đó, khi Trịnh Giác Mật ở Đà Giang làm phản, ông cùng vài tên lính hầu đến thẳng trại giặc thuyết phục chúng đầu hàng. Giác Mật vì cảm phục đởm lược và tài năng của ông nên đem cả gia thuộc ra hàng, khiến cho ba quân không tốn một mũi tên mà thu được thắng lợi.

Tướng tài của đời Trần còn nhiều, chúng ta có thể nhắc đến một tướng nữa vừa có tài xông pha trận mạc, vừa giỏi binh pháp, đó là tướng Trần Khánh Dư (? - 1339). Khi đề tựa sách Vạn kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương, ông viết: “Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết” (ĐVSKTT, II, tr. 82)

Đời Trần sở dĩ có nhiều viên tướng tài kiêm văn võ như vậy là vì: “Vua lập ra trường học tôn trọng nghề văn, dựng lên nhà tập võ, cả văn lẫn võ đều có vẻ rực rỡ lắm”. Đó là lời nhận xét của Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án. Ông tiếp: “Cho nên, có các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện. Văn Trinh và Hưng Đạo là danh Nho, danh tướng lừng lẫy thời bấy giờ, đó là kết quả của sự tôn trọng văn võ vậy”.

(Còn tiếp)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm