Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 30/05/2023, 07:07 AM

Phật tử Ngọc Lộc: 'Mình học cách tùy duyên, sống không miễn cưỡng, không lo sợ, không hơn thua'

"Sau khi đối mặt với không ít thách thức của một người trẻ ở tuổi đôi mươi, mình học cách tùy duyên, sống không miễn cưỡng, không lo sợ, không hơn thua, sống biết ơn và sống chân thành với mọi người" - Đó là những chia sẻ rất chân thực của Phật tử Ngọc Lộc trong quá trình tu tập.

Phật tử Ngọc Lộc trong một lần đến chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP.HCM)

Phật tử Ngọc Lộc trong một lần đến chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP.HCM)

PV: Nhân duyên nào giúp bạn đến với đạo Phật?

- Phật tử Ngọc Lộc: Mình đến với Phật pháp dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Từ nhỏ mình đã được quy y tam bảo, đi chùa, phóng sanh, tụng kinh, lạy Phật,... Cha mẹ mình ăn chay trường và là Phật tử lâu năm, mỗi ngày đều tụng kinh sám hối. Sau này lớn lên khi đi học và đi làm, mình cũng thường hay đi chùa vì đa phần các trường mình theo học và khu vực mình sinh sống đều gần chùa. 

Tuy nhiên, nhân duyên từ cha mẹ hay nền tảng gia đình theo Phật giáo cũng chỉ là những cái duyên ban đầu. Mình tiếp tục theo đuổi và tìm hiểu đạo Phật không chỉ vì giá trị và quan niệm đúng đắn mà Phật giáo khuyến khích, mà còn vì những giá trị tinh thần mà đạo Phật mang đến cho cuộc sống của mình. Triết lý về sự giản đơn, lòng từ bi, và nhân quả - nghiệp báo đã trở thành những nguyên tắc cơ bản mà mình hướng tới và cố gắng áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

PV: Điều gì khiến bạn tâm đắc và muốn tìm hiểu nhiều nhất khi đến với đạo Phật? 

- Có rất nhiều điều mình tâm đắc khi đến với đạo Phật, nhưng để nói đến điều tâm đắc nhất thì chính kho tàng phong phú về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Phật giáo. Đó là những câu chuyện về các vị Bồ Tát và đệ tử của Đức Phật (sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi địa ngục, các sự tích về Quan Âm Bồ Tát, sự tích về Địa Tạng Vương Bồ Tát và câu nói “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục!” của Ngài), những giai thoại về cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Đức Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để tìm kiếm sự giải thoát; những câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật) và những công trình Phật giáo mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc (Nalanda, Ấn Độ - trường đại học Phật giáo cổ đại nổi tiếng thế giới và cũng là nơi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của triết học Phật giáo, Borobudur, Indonesia - ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới với kiến trúc thể hiện vũ trụ học Phật giáo và hành trình hướng tới giác ngộ hay Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ) – một thánh tích có cây bồ đề nơi Đức Phật đã ngồi thiền nhập định 49 ngày đêm và thành đạo).

Việc khám phá văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Phật giáo cũng là một cách để mình kết nối với cội nguồn của đạo Phật. Nó giúp mình hiểu rõ hơn về những nền tảng và giá trị cốt lõi của đạo Phật, từ đó củng cố sự tin tưởng và cam kết của mình với con đường này. Với sự tâm đắc về những điều đó khi đến với đạo Phật, mình luôn không ngừng tiếp tục học hỏi để làm giàu vốn hiểu biết về Phật pháp, đồng thời rèn luyện và áp dụng những triết lý và giá trị này trong cuộc sống hàng ngày.

Phật tử Ngọc Lộc là tác giả đạt giải nhì với bài viết 'Thả trôi những sợ hãi, muộn phiền và bất mãn của đời người'

Phật tử Ngọc Lộc là tác giả đạt giải nhì với bài viết "Thả trôi những sợ hãi, muộn phiền và bất mãn của đời người"

PV: Bạn có thể chia sẻ về một khoảnh khắc đau buồn nhất của mình và làm thế nào để bước qua nó được không?

- Mình không hẳn sẽ trả lời “đúng” trọng tâm của câu hỏi này. Mình muốn chia sẻ một khoảnh khắc có ý nghĩa với mình gần đây, qua đó nói về những thay đổi sâu sắc đối với bản thân trong quá trình kết nối với Phật pháp.

Đó là lúc mình viết bài “Thả trôi những sợ hãi, muộn phiền và bất mãn của đời người” để tham gia cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi”. Với mình, việc tham gia cuộc thi lúc đầu là vì thích viết và vì muốn “ẵm giải”, nhưng sau khi hoàn thành bài, mình nhận ra một điều gì đó sâu sắc và có ý nghĩa hơn đối với đời sống tâm linh. Tham gia cuộc thi như một hành trình tự nhìn nhận bản thân và liên kết nó với những giá trị của Phật giáo, là cơ hội để mình chiêm nghiệm lại những trải nghiệm đau buồn, những giây phút khó khăn và những khoảnh khắc yếu đuối nhất. Nó cũng giúp mình nhận ra những điều “hạn hẹp” trong suy nghĩ, những góc khuất của tâm hồn và những điều ích kỷ trong chính con người mình… để từ đó mình hiểu thêm về bản thân, học cách chấp nhận, học cách buông bỏ, học cách tùy duyên, học cách dũng cảm, học cách yêu thương và trân quý tất cả những điều, những người đã đang và sẽ đến bên cạnh mình.

Qua việc viết bài và tham gia cuộc thi, mình nhận ra rằng đạo Phật không chỉ là một tập hợp các quy tắc hay giáo điều mà là một phương pháp để tìm hiểu về chính mình và thế giới xung quanh. Đó là việc khám phá và hiểu rõ về những khía cạnh tâm linh sâu sắc của cuộc sống. Điều này rất có ý nghĩa với mình.

Phật tử Ngọc Lộc trong một sự kiện gần đây ở chùa Khuông Việt (quận Tân Bình, TP.HCM) khi hỗ trợ chùa trong công tác tiếp đón Phật tử và khách đến chùa

Phật tử Ngọc Lộc trong một sự kiện gần đây ở chùa Khuông Việt (quận Tân Bình, TP.HCM) khi hỗ trợ chùa trong công tác tiếp đón Phật tử và khách đến chùa

PV: Trong cuộc sống và công việc của mình, để thân tâm luôn được an lạc, điềm tĩnh trước mọi sự việc, trước mọi biến động của đời sống xã hội, Phật tử đã làm như thế nào?

- Là một Phật tử, mình thấy xấu hổ khi chưa bao giờ có thể để “thân tâm luôn được an lạc, điềm tĩnh trước mọi sự việc, trước mọi biến động của đời sống xã hội”. Thật ra, luôn có những suy nghĩ, lo lắng và sợ hãi vây quanh mình… phải chăng là cách mình đối diện với chúng khác đi thôi.

Nếu nói cuộc sống của mình hiện tại bình yên và hạnh phúc hơn thì đó là sự thay đổi chầm chậm và từng chút một, qua từng ngày, từng tháng, từng năm khi mình dần kết nối lại với đạo Phật… đi chùa, nghe pháp và tự chiêm nghiệm lại bản thân. Sau khi đối mặt với không ít thách thức của một người trẻ ở tuổi đôi mươi, mình học cách tùy duyên, sống không miễn cưỡng, không lo sợ, không hơn thua, sống biết ơn và sống chân thành với mọi người. Dù không có sự an lạc và điềm tĩnh trọn vẹn, nhưng mình nhận ra rằng sự phát triển và thay đổi đã xảy ra trong con người mình. Mình tìm thấy những hướng dẫn và lời khuyên để đối mặt với các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, nhìn nhận cuộc sống một cách khách quan hơn. 

PV: Là một Phật tử trẻ, bạn nghĩ gì về vai trò của mình trong việc truyền tải giáo lý Phật đà tới rộng rãi cộng đồng yêu mến đạo Phật?

- Theo mình, vai trò của người trẻ trong việc truyền tải giáo lý Phật pháp đến rộng rãi cộng đồng yêu mến đạo Phật là vô cùng quan trọng và mang nhiều giá trị tốt đẹp. Người trẻ có thể tham gia vào việc truyền tải giáo lý Phật giáo qua các phương tiện truyền thông và MXH như Facebook, Tiktok,… để giúp đạo Phật trở nên gần gũi và chân thật hơn với tất cả mọi người. 

Người trẻ cũng có thể tận dụng lợi thế của mình trong việc sử dụng khả năng sáng tạo và đặc quyền lớn lên trong thời đại công nghệ để truyền bá giáo lý nhà Phật, không chỉ cho cộng đồng yêu mến đạo Phật mà còn cho tất cả mọi người trong xã hội. Việc tạo ra nội dung giáo dục, video, blog, podcast hoặc ứng dụng di động có thể giúp truyền đạt thông điệp Phật pháp là một cách hiệu quả và hấp dẫn. Ngoài ra, thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội, như các dự án từ thiện, hoạt động bảo vệ môi trường, hoặc hỗ trợ cộng đồng, người trẻ không chỉ giúp tạo dựng một hình ảnh tốt về Phật giáo mà còn giúp lan tỏa tinh thần từ bi và lòng nhân ái trong xã hội.

Mặc dù chia sẻ nhiều về người trẻ như vậy, nhưng mình cho rằng không nhất thiết phải là người trẻ mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể và có trách nhiệm lan tỏa tinh thần Phật giáo. Người trẻ có thể có nhiều lợi thế hơn trong việc tạo ra sức ảnh hưởng và các nội dung hấp dẫn trên MXH hay trong cộng đồng, nhưng lại thiếu sự từng trải cần thiết trong đời sống cá nhân và tâm linh để có thể thật sự truyền tải các giá trị đạo Phật đến mọi người một cách chính xác, đầy đủ, sâu sắc và ý nghĩa nhất. Do đó cá nhân mình cho rằng để làm được điều này tốt nhất cần có sự hỗ trợ và định hướng rõ ràng của quý ni sư hay những Phật tử thật sự “hiểu” và “thấm” đạo Phật, đồng thời kết hợp với năng lượng đầy tươi trẻ và nhiệt huyết của người trẻ để có thể giúp “thẩm thấu” đạo Phật một cách tốt hơn cho tất cả mọi người.

PV: Chúc bạn thân tâm an lạc và tinh tấn trong quá trình tu tập.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Đại đức Thích Tuệ Minh: “Trẻ không đến chùa, không tu tập thì bao giờ mới tu?”

Phỏng vấn 08:00 01/05/2024

Trong những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An nói riêng và các tỉnh, thành, thị nói chung đã chọn các điểm chùa là di tích lịch sử văn hóa để học sinh học tập tham quan thực tế và tham dự các khóa tu, trải nghiệm đời sống tu hành.

Đại đức Thích Thiện Đức: “Du lịch tâm linh có công năng chữa lành, tưới tẩm hạt giống an vui, giải thoát”

Phỏng vấn 18:14 28/04/2024

Đại đức Thích Thiện Đức - người có nhiều năm kinh nghiệm trong du lịch hành hương, đặc biệt là hành hương về đất Phật (Ấn Độ, Nepal) - đã nói như vậy.

Phỏng vấn Pháp sư Tịnh Không về việc yêu quý sinh mạng và quả báo của nghiệp phá thai

Phỏng vấn 15:40 26/04/2024

"Việc phá thai chính là giết người. Người bị giết là ai? Là chính những đứa con mà mình đứt ruột sinh ra. Nếu như đứa trẻ này đến để báo ân mà bạn lại giết nó thì ân biến thành thù. Còn nếu nó đến để báo thù thì khi bạn giết nó, oán thù sẽ chồng chất."

Đại đức Thích Nguyên Quang: “Tự nghiệm, tôi thấy mình có ‘nghiệp’ thiện nguyện”

Phỏng vấn 11:07 22/04/2024

Đại đức Thích Nguyên Quang, trụ xứ chùa Đông Yên, xã Quỳnh Thuận, H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm cứu giúp những cảnh đời nghèo khó.

Xem thêm