Trầm tích toả hương
Cũng vì bộ ngà quý giá mà những đàn voi mất dần trong rừng thẳm; vì chiếc sừng có thể “chữa bách bệnh” mà loài tê giác biến khỏi thảm thực vật Đông Dương... Sự huyền bí ấy của ngọc am đã đẩy loài gỗ lẽ ra bất tử này bị tuyệt diệt ở Việt Nam bởi sự tàn phá ghê gớm của con người.
Bài 1: Lên Hà Giang say hương của núi
Kiên “chim” đã hò hẹn năm lần bảy lượt để đi Hà Giang mà đến giờ mới thành hiện thực. Chuyến ngược ngàn này dù không đột ngột nhưng vẫn ngoài suy nghĩ của tôi bởi cách hành trình hơi rích rắc. Phải chạy xe máy từ Hà Nội lên Vĩnh Yên, rồi mới lên xe của Toàn, một chủ tiệm buôn mành và ri đô khá lớn ở thành phố bên cạnh đầm Vạc, ba chúng tôi rời Vĩnh Yên khi trời chạng vạng tối. Qua Việt Trì, Đoan Hùng, Tuyên Quang, men theo dòng sông Lô ngoằn ngoèo uốn khúc, khoảng hơn mười giờ đêm thì tới thị trấn Bắc Quang. Mấy cô bạn thời lính của Toàn đang đợi chúng tôi, vẻ mặt ai cũng tươi vui, rạng rỡ. Thuở trai trẻ Toàn từng đóng quân giữ biên giới phía bắc, ở đây. Chàng lái xe chở quân nhu của trung đoàn pháo binh quen biết dân bản địa khá nhiều, đặc biệt là các cô gái. Thật đúng là tình cá nước, sau hơn hai chục năm gặp lại nhau, đã ngoại tứ tuần mà họ cứ ríu ran bao ký ức, bao kỷ niệm. Thì ra họ vẫn giữ liên lạc với nhau và cuộc hội ngộ khuya khoắt này đã được báo trước bằng điện thoại.
Nơi các bạn cũ của Toàn tiếp chúng tôi là một quán tạp hóa rộng rãi bên quốc lộ 2. Chủ quán là Diệp, một thiếu phụ có nét đẹp đăc trưng của người miền rừng phía Bắc: Cao dong dảy, da trắng mịn và đôi mắt gợi buồn. Nâng ly trà thoảng hương vị Thái Nguyên, một mùi thơm vừa quen vừa lạ phảng phất, tôi ngó quanh nhà thấy mấy bức tượng Phật Di lặc bằng gỗ màu vàng sẫm, nhỏ thôi nhưng tôi đoan chắc chính mùi hương thoảng ra từ đấy: Mùi ngọc am! Không nén nổi tò mò, tôi hỏi Diệp: “Bức tượng tỏa mùi thơm phải không em?”. Cả mấy cô bạn của Toàn nhìn tôi, Diệp cười: “Người miền xuôi mới lên mà tinh thế? Ngọc am đấy anh. Có cả mùi thơm của gù hương nữa.” Phương, một cô giáo, vẻ sành sỏi: “Anh đã nghe nói về gỗ ngọc am chưa? Ngọc am rất tốt cho sức khỏe, anh ạ. Bọn em vẫn tìm về làm gối kê đầu, làm đồ gia dụng, đồ thờ và cả trang trí trong nhà.”
Sau chén trà thơm, tôi xin phép các bạn đi “mục sở thị” những hoang đường còn sót lại đang hiện hữu ở đây. Những mẩu lũa gỗ màu vàng, nguyên sơ, không sơn phết, như hình hài chúng sinh ra, được gọt rũa qua loa, có thể hình dung ra bất cứ hình thù gì theo tưởng tưởng của người nhìn ngắm. Có vẻ chủ nhân không câu nệ lắm về sự tinh xảo của tay nghề chế tác mà chú trọng vẻ tự nhiên thiên phú cho “tác phẩm”, người ta “chơi” như để “lấy mùi” hương rừng lộc đất, như cần thiết có sự hiện diện của ngọc am trong gia thất của mình.
Lời đồn đại về ngọc am quả không ngoa, chí ít là hương thơm và sức lan tỏa của nó trong đời sống người dân. Đã nghe, đã đọc nhiều thông tin, rằng Hà Giang là xứ sở của ngọc am, loài gỗ quý thượng đẳng từ ngàn xưa; loài gỗ họ nhà thông (còn có tên là hoàng đàn rủ) chỉ sống trên núi đá cao của Hoàng Su Phì, của Tây Côn Lĩnh, có hương thơm và ẩn chứa bao điều kỳ diệu, huyền bí đến độ…tâm linh và tính thực dụng của con người; rằng lũa ngọc am là vô giá, tinh dầu ngọc am có thể ướp xác người nguyên vẹn cả ngàn năm…
Và thật bất công, cũng như vì bộ ngà quý giá mà những đàn voi mất dần trong rừng thẳm; vì chiếc sừng có thể “chữa bách bệnh” mà loài tê giác biến khỏi thảm thực vật Đông Dương; vì bộ cốt có thể giúp con người “trường sinh bất lão” khi cô đặc thành cao mà loài hổ - chúa sơn lâm gần như biến mất trên rừng Việt Nam... Chính sự kỳ diệu và huyền bí ấy của ngọc am đã đẩy loài gỗ lẽ ra bất tử này bị tuyệt diệt ở Việt Nam bởi sự tàn phá ghê gớm của con người.
Sách vở báo chí chép lại rằng: Tự xa xưa, người Hán bên kia biên ải tìm đến xứ Hà Giang này khai thác ngọc am, lúc ấy đang mọc thành rừng, thành bãi trên các núi đá xứ lạnh. Lợi dụng sự xa xôi hẻo lánh của vùng biên viễn và sự kém hiểu biết của người bản địa về loài gỗ quý này, các triều đại phong kiến phương Bắc đã cho người lội sông vượt núi sang triệt phá ngọc am. Những cây trăm năm, ngàn tuổi với vóc dáng thanh cao mà vững chải trụ giữ giữa gió tuyết phong ba ấy đã phải làm mồi cho rìu, cưa và sự hám lợi. Ngọc am ngã xuống giữa đại ngàn như những chiến binh đơn độc ngã xuống ở tiền tiêu bởi những đường cưa, lưỡi rìu ác độc tham lam. Chúng được chở về phương bắc hoặc bị chôn vùi vào một địa chỉ nào đó đợi ngày những lâm tặc ngoại bang sang bới lên chuyển đi biệt xứ.
Cây Ngọc am vốn sinh sản tự nhiên, lớn lên hoang dã và phát triển cực chậm; các chiến dịch tận thu cây Ngọc của người Hán đã để lại những khoảng trống vô bờ, vĩnh viễn ở miền rừng biên giới này, để cho đến bây giờ, Ngọc am đang trở thành ký ức, đang trở thành huyền thoại. Những di tích còn sót lại đến hôm nay, là những mảnh, những gốc, những thớ lũa Ngọc am vàng đượm, thơm đến nức nở, nghẹn ngào, được người dân bòn mót từ khắp xó núi nẻo rừng về làm vật báu trong nhà.
Tôi ngắm nghía, hít hà hương gỗ Ngọc am mà ngẫm nghĩ đến chuyến đi của Kiên “chim”. Với Kiên, anh không đi để xem, để biết về một miền Hà Giang chen đầy những di tích, danh thắng mê hoặc lòng người như tôi. Kiên lên Hà Giang lần này là có mục đích hẳn hoi. Cái “đích’ ấy chính là tìm lại sự sống cho loài gỗ Ngọc am đã đi vào huyền thoại.
Vốn sinh trưởng trong một gia đình thành thị, bố người Hà Nội “gốc”, mẹ anh là một cô gái sinh ra bên bờ sông La, được bố đưa sang Xiêm La kiếm sống và hồi hương những năm 1960, về làm công nhân nhà máy thuốc lá Thăng Long. Làng Khương Thượng của anh nổi tiếng từ trận đánh 20 vạn quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung, cũng nổi tiếng vì những món ăn truyền thống ở đất Hà thành. Kiên để vợ đảm đương việc kinh doanh tiệm ăn, còn mình thì tìm đất mở thêm trang trại ở các vùng ngoại ô, thậm chí cả những vùng núi rừng xa Hà Nội để nuôi đủ thứ “con” từ chim chóc đến gia cầm và các động vật khác. Kiên “chim” rong ruổi hết rừng xuống biển, hết bắc đến nam để tìm những món độc chiêu ở các vùng miền. Đi nhiều, anh đâm “nghiện” đi. Chiếc Suzuki chạy dầu năm chỗ ngồi mấy năm nay cùng anh và bạn bầu rong ruổi trên đường bất kể ngày đêm, mưa nắng.
Chứng kiến những miền núi đồi Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên vắng dần cây xanh, mất dần rừng thẳm thức tỉnh tâm hồn nhạy cảm của anh phải góp sức trả lại màu xanh cho môi trường, đem lại lợi ích cho cuộc sống. Nghĩ là làm, anh cùng một số bạn bè, cộng sự lên tìm đất ở Phia Đén, Cao Bằng để đưa đào giống từ Sa Pa, Yên Bái về trồng. Kiên kể: từ miền rừng Phia Oắc, anh được tiếp cận với một loài gỗ mà đồng bào các dân tộc ở đây lấy về nhóm bếp hoặc gọt đẽo thành đủ thứ hình hài để trong nhà cho thơm. Người thì bảo là xá xị, người thì bảo là gù hương…, có chàng kiểm lâm thì lại bí mật thì thầm: cây này quý hiếm đấy, quốc cấm đấy…
Rồi trên đường rong ruổi chốn biên cương, Kiên xác định được những gốc gỗ được moi lên từ đất sâu, từ đáy suối ấy chính là loài Ngọc am quý hiếm.
Kỳ tới: Đến Cao Bằng khe suối cũng thơm.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Văn khấn cúng rằm tháng 10 Âm lịch 2024 tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 11:30 13/11/2024Rằm tháng 10 được biết đến là ngày Tết Hạ Nguyên. Đây chính là một trong những ngày rằm quan trọng, ngày lễ lớn mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với người dân Việt.
Văn khấn cúng rằm tháng 9 Âm lịch tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 14:45 16/10/2024Theo quan niệm của người xưa, vào ngày rằm, mặt trăng và mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn. Bởi thế con người trở nên sáng suốt và trong sạch, đẩy lùi được mọi điều đen tối vẩn đục trong lòng. Đây là thời điểm để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên.
Văn khấn rằm tháng 8 - Tết Trung thu chuẩn nhất
Tâm linh Việt 09:55 15/09/2024Trong ngày Tết Trung thu, mỗi gia đình Việt thường chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Bên cạnh đó việc chuẩn bị văn khấn ngày rằm tháng 8 âm lịch cũng được nhiều người chú trọng.
Văn khấn mùng 1 hàng tháng tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 06:00 03/09/2024Vào ngày mùng 1 đầu tháng, người Việt thường thắp hương cúng thổ công và gia tiên theo phong tục truyền thống. Ngoài chuẩn bị các đồ lễ cúng đầy đủ, văn khấn cúng thổ công và gia tiên mùng 1 hàng tháng theo truyền thống cũng là một trong những nghi lễ quan trọng.
Xem thêm