Ý nghĩa 'Thọ Giới' trong Phật giáo
Người xuất gia có để tâm thiết tha đến sự tồn vong của chánh pháp, có thao thức ưu tư đến vấn đề “Tre tàn măng mọc”, có hoài bão “Thiệu long Thánh chủng, kế vãn khai lai” thì không thể không để tâm nghiên cứu học hỏi tường tận về các pháp Yết-ma, nhất là Yết-ma truyền giới cụ túc, độ người xuất gia.
Đứng về mặt giới pháp, hàng ngũ đệ tử Phật được chia làm 7 nhóm: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Nhưng tổng quát mà nói thì chỉ có hai đoàn thể chính bao gồm tất cả, đó là đoàn thể xuất gia và tại gia. Được gọi là đệ tử Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, đều phải lãnh thọ giới pháp, tức là phải trải qua một buổi lễ phát nguyện chấp hành những quy ước sinh hoạt truyền thống trong phạm vi của đoàn thể mình theo một nguyên tắc nghi lễ đã được ấn định, nhằm mục đích để làm nhân tố thực hiện mục tiêu chung nhất là phát triển tâm linh, nâng cao phẩm chất đạo đức cá nhân, làm chất liệu bồi dưỡng trí tuệ tiến đến giác ngộ và giải thoát.
Tuy cả hai đoàn thể đều cũng phải lãnh thọ giới pháp như thế, nhưng do bản chất và sự quan hệ có tính chất cá nhân hay tập thể trong khi hành trì mà sự truyền trao giới pháp cho hai đoàn thể có sự khác biệt nhau. Bản chất của giới tại gia là xây dựng và hoàn thiện về tư cách đạo đức của một cá nhân. Khi đã trở thành một phật tử (sau khi đã phát thệ vâng giữ những nội quy của đoàn thể tại gia), người tại gia có thể tiến bộ, phát triển hay sa đọa, trụy lạc trên đường tu tập trong mục tiêu giải thoát, giác ngộ thì chỉ là vấn đề cá nhân của người ấy mà thôi.
Do đó, việc truyền thọ giới pháp cho đoàn thể tại gia có thể do một người truyền cho nhiều người, dĩ nhiên người truyền giới cũng phải có một số điều kiện tối thiểu nào đó, như phải là một Tỳ kheo hay một Tỳ kheo ni thanh tịnh chẳng hạn. Nhưng đối với người xuất gia, vì sự tiến bộ, phát triển hay sa đoạn, thoái hóa của một cá nhân không phải chỉ riêng cá nhân ấy đơn phương chịu trách nhiệm mà lại có liên hệ đến vấn đề hưng thịnh hay suy tàn của Tập thể Tăng già, và từ đó đưa đến sự hưng thịnh hay suy tàn của đạo pháp.
Tăng già là một trong ba ngôi báu biểu hiện sự tồn tại của Phật pháp, và cũng vì Tăng già là người trực tiếp thay Phật tuyên dương chánh pháp, như ta từng biết: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”. Do đó vấn đề truyền thọ giới pháp cho người xuất gia phải do tâp thể Tăng truyền cho một người và sự tiến hành truyền thọ cũng phải được chấp hành nghiêm chỉnh theo nhưng quy tắc đã chế định sau khi đẫ nghiệm xét kỹ lưỡng tư cách của giới sư cũng như của giới tử. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến sự truyền giới pháp cho đoàn thể xuất gia. Nhưng trước khi đi vào vấn đề, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần biết qua một số quan điểm khác nhau về tính chất thọ giới như sau:
1) Giới tự nguyện:
Trong Luật học, được gọi là chính thức thọ giới khi giới tử đối trước hội đồng thập sư gồm một vị Hòa thượng, một vị Yết ma, một vị Giáo thọ và bảy vị Tôn chứng của Tăng già, chí thành nhận lãnh. Khi điều khoản của Giới (Giới tướng) được đọc lên, giới tử nghe rõ, hiểu thấu và nhận lãnh bằng sự phát thệ dũng mãnh thì mới gọi là thành tựu. Nhưng trong một vài trường hợp, khi không thỏa mãn nhu cầu chính thức như vậy, người ta có thể thực hiện một cuộc tự phát thọ giới gọi là Giới tự nguyện như Hoàng hậu Thắng Man trong kinh Thắng Man.
2) Giới lý tưởng:
Còn gọi là thọ giới viên đốn, đây là chủ trương của Thiên Thai Tông, một tông phái lấy tinh thần viên đốn thuần túy đại thừa trong kinh Pháp Hoa làm tôn chỉ. Theo chủ trương của tông phái này, tất cả giới luật đều có sẵn trong tâm ta, nó không phải là sản phẩm tạo ra do sự nổ lực thực hiện qua thân nghiệp và khẩu nghiệp. Giới lý tưởng ngày còn gọi là giới tự hữu hay tự tâm bản cụ giới, đây là chủ trương đặc biệt của Thiên Thai Tông.
3) Giới tự tánh:
Đây là chủ trương của Thiền Tông. Theo tông phái này, ý niệm giới luật nguyên lai sẵn có trong tự tính của con người. Như Lục tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn không ô nhiễm” nếu hồi quang phản chiếu, người ta có thể làm hiển lộ giới tự tánh ấy ra trong khi hành động. Tuy chủ trương như thế, nhưng trên mặt hình tướng của sự truyền thọ giới pháp cũng được Thiền Tông đặc biệt chú trọng, như ta thấy, dù đã ngộ được chơn tâm và đã được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng, nhưng khi cơ duyên hành đạo đã đến, Ngài Huệ Năng đến chùa Pháp Tánh xin đăng đàn thọ cụ túc giới với Hòa thượng Trí Quang Luật Sư, giới đàn do Pháp sư Ấn Tông đứng ra tổ chức.
Trong 3 quan điểm trên đây, giới tự nguyện là trường hợp duy nhất và đặc biệt được phép tự thọ, nhưng thường được áp dụng cho sự thọ giới Bồ Tát, còn giới lý tưởng và giới tự tánh tuy chủ trương vốn sẵn có trong tâm vẫn không chủ trương tự thọ. Trong ba tạng kinh điển, không nơi nào cho phép có sự tự thọ đối với các Tỳ kheo hữu học dù cho vị ấy đã thành tựu Bất Lai (A-na-hàm), chỉ trừ vị Thánh giả A-la-hán. Bởi vì trong một ý nghĩa nào đó, tự thọ là một hình thức phá hòa hiệp Tăng, vì làm như thế là mặc nhiên phủ nhận sự hiện hữu Tăng gia. Đây là một nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự phân hóa đoàn thể đệ tử xuất gia của Phật. Ngoài ra sự truyền thọ giới pháp còn có một điểm quan trọng hơn nữa, đó là hình thức trang nghiêm của giới đàn và sự tác pháp Yết Ma long trọng đã tác động mạnh vào tâm tư của giới tử trong khi thọ giới, làm cho giới thể được phát sinh.
Dù thời gian thọ giới quá ngắn ngủi so với thời gian giữ giới dài suốt cuộc đời, nhưng nó lại là thời điểm cực kỳ quan trọng có tính cách quyết định sự tuân thủ giới hạnh có nghiêm túc hay không trong suốt cuộc đời hành trì của giới tử. Bởi vì giây phút đầu tiên ấy, tâm lý giới tử được tác động mạnh do hình thức truyền giới trang nghiêm làm phát sinh ra cái tinh thể của giới vốn có trong tự tánh, nhờ đó mà về sau có những trường hợp người giữ giới lâm vào hoàn cảnh có thể phạm giới một cách dễ dàng nhưng vẫn kềm chế được. Cái tinh thể ấy là “Giới thể” hay còn gọi là “Giới thể vô biểu”. Giới thể này rất quan trọng, nếu thiếu, việc gìn giữ giới khó mà hoàn bị được. Giới này là vô biểu nghiệp, tức năng lực tác ý luôn luôn được hoạt động sâu mạnh do một ấn tượng thâu nhập được trong khi thọ giới một cách trung thành. Sự thực, đó là kết quả của sự tự nguyện diễn ra vào lúc trang nghiêm thọ giới.
Năng lực này nó tự bộc lộ trong tư tưởng, trong ngôn ngữ, trong hành vi bất cứ lúc nào cần thi hành nhiệm vụ, nhờ đó, người ta sẽ hành động thích ứng với giới pháp. Có thể nói, giới thể là sức mạnh đạo đức hoạt động sâu thẳm trong tâm chỉ đạo hành vi giữ giới. Nói chung, sự quan trọng của Luật học là được đặt trên cái tinh thể của giới thể, tức thế lực được tạo ra khi phát nguyện, nó luôn luôn tác động mãnh liệt chống lại bất cứ sự vi phạm nào đối với sự tự nguyện đó. Hữu Bộ Câu Xá Tông cho giới thể thuộc sắc pháp (Vô biểu sắc), còn Thành Thật Tông lại cho là một pháp đặc biệt phi sắc phi tâm, Duy Thức Pháp Tướng Tông thì coi nó như một hình thức tự giác được hiện hành từ chủng tử của tư tâm sở (Cetana) khi thọ giới. Đây là một tác dụng tâm lý không lộ diện mà giữ được cho người trì giới ứng hợp được với sự hành trì giới hạnh của mình.
Vì tính chất quan trọng của giới thể như thế nên để cho giới thể phát sinh viên mãn, tư cách của người truyền giới và người thọ giới cũng phải được nghiệm xét kỹ càng trước khi tiến hành truyền thọ.
1) Tư cách người truyền thọ:
Năm trọng tội của một Tỳ kheo là phá Yết ma tăng, phá Pháp luân tăng, phá kiến, phá giới, nuôi đệ tử mà không biết dạy. Do trọng tội thứ năm này mà tư cách làm thầy phải được trang bị ngay từ khi đắc giới Tỳ kheo: “Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật), hay có thể nói là đã bắt đầu học tập từ lúc còn là Sa di (tuy Tỳ kheo sự, Sa di đương dự tri chi). Trong tư cách làm thầy có nhiều đức tính, nhưng chung quy chỉ gồm hai mặt vật chất và tinh thần. Nhất là mặt tinh thần, người làm thầy phải đủ khả năng hướng dẫn người đệ tử thực hiện mục tiêu giải thoát bằng cách chỉ dẫn con đường tu tập Giới, Định, Huệ và vị ấy còn phải có trí tuệ để giải quyết những thắc mắc cho người đệ tử.
Trong kinh Khu Rừng (Vanapattha suttam_ trong bộ Majjhima Nikaya) Phật dạy: Một vị đệ tử phải từ bỏ mà đi khi nhận thấy vị đạo sư của mình không có khả năng chỉ dạy cho mình Giới, Định, Huệ dù cho nơi đó có đầy đủ tứ sự cúng dường; và một đệ tử tha thiết xin ở lại dù cho nơi đó có bị vị đạo sư hất hủi, khi vị ấy có đủ khả năng hướng dẫn mình tu tập Giới, Định, Huệ và cho dù nới đây có hay không có đầy đủ tứ sự cúng dường. Nói cụ thể hơn, một vị Tỳ kheo có đủ tư cách làm thầy khi vị ấy hội đủ 5 đức tính như sau:
1. Tuổi thọ phải đủ 10 hạ.
2. Phải biết rõ thế nào là trì, phạm, khinh, trọng.
3. Đa văn (có kiến thức rộng rãi)
4. Có khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đoạn tận, đoạn trừ tà kiến cho đệ tử. Nếu xét thấy tư cách làm thầy của mình chưa hội đủ thì không nên làm thầy vội mà phải tiếp tục tu tập trao dồi giới hạnh và kiến thức.
Nói riêng về tư cách của vị Hòa thượng đàn đầu lại càng quan trọng. Ngày xưa do điều kiện sinh hoạt của Tăng già khép mình trong phạm vi tự viện riêng lẻ, chưa có những tổ chức giới đàn truyền thọ cụ túc có quy mô rộng lớn như ngày nay, nê Hòa thượng truyền giới, Hòa thượng y chỉ sư và vị Bổn sư thường là một vị. Theo nghĩa nguyên thủy, Hòa thượng có nghĩa là “Lực sanh” là vị có trách nhiệm lo lắng cho đệ tử về mặt vật chất và đời sống tinh thần.
Do đó, theo quy định trong Luật tạng, một vị Hòa thượng không được đồng thời truyền thọ giới cụ túc cho hai Sa di trong cùng một năm, vì làm như thế sẽ không làm sao chu toàn trách nhiệm nuôi nấng và giáo dục được. Nhưng trên thực tế ở nước ta ngày nay, nguyên tắc này không được áp dụng. Do vì sự sinh hoạt của Tăng già đã gắn liền với sinh hoạt của Giáo hội, có hệ thống tổ chức từ Trung ương cho đến địa phương, nên việc tổ chức giới đàn truyền giới cụ túc có quy mô rộng rãi trên toàn quốc hay cho một khu vực rộng lớn nào đó, và được Giáo Hội đứng ra đảm trách. Trong trường hợp này, Hòa thượng đàn đầu là một vị Tôn túc trong Hội Đồng Giáo Phẩm được mời ra nên cùng một lúc, cùng một giới đàn, một vị Hòa thượng có thể truyền giới cho một số Sa di đông đảo có khi lên đến 1000 người.
Đồng thời, trong chính giới đàn ấy, giới Sa di và giới Bồ tát cũng được tổ chức truyền thọ. Trong trường hợp như thế, ý nghĩa nguyên thủy của danh từ Hòa thượng trở thành trách nhiệm của vị Thế độ Bổn sư. Vì vị Hòa thượng truyền giới trong trường hợp này nhiều khi không biết gì nhiều về thân thế của người thọ giới với mình.
2) Tư cách người thọ giới:
Về sự nghiệp, xét tư cách của giới tử trong buổi đầu chỉ đặt trọng tâm ở niềm tin nơi ngôi Tam bảo và có đời sống phạm hạnh (Tứ bất hoại tín). Nhưng do khi giáo đoàn được mở rộng cho mọi người không phân biệt thành phần giai cấp trong xã hội gia nhập, thì sự nghiệm xét đơn giản như trước chưa được gọi là tương đối đầy đủ để xác định tư cách một giới tử, do nhu cầu khách quan đó, sự nghiệm xét kỷ lưỡng giới tử lại được thêm vào. Đó là kiểm nghiệm 13 Già nạn, còn gọi là 13 chướng ngại đạo pháp, tức là những điều gây trở ngại cho việc chứng đắc Thánh quả ngay trong đời này do thân và tâm có khuy khuyết.
Công việc kiểm nghiệm này được thực hiện bởi Tăng, nó thuộc về giai đoạn chính thức tác thành Yết Ma cho thọ cụ túc giới. Luật Tứ phần quy định: Trước khi bạch Yết Ma cho thọ Cụ túc giới, Tăng phải khảo hạch 13 Già nạn. Một giới tử nếu có một trong 13 già nạn này thì không thể thành tựu mục tiêu phạm hạnh nên không được phép thọ cụ túc giới. Nếu do không xét nghiệm kỹ mà một người được Tăng cho thọ cụ túc, nhưng về sau nếu bị khám phá ra, thì dù người ấy có được chính thức truyền thọ giới bởi Tăng đi nữa cũng bị tẩn xuất. Vì sự tồn tại và hưng thạnh của Tăng là do có thành tựu mục tiêu phạm hạnh, chứ không phải do số đông. Nay một người không đủ điều kiện để chứng đắc Thánh quả là dấu hiệu của sự suy thoái của Tăng, do đó mà tẩn xuất.
13 Già nạn:
1) Phạm biên tội
2) Phá tịnh hạnh Tỳ kheo ni
3) Tặc trú
4) Phá nội ngoại đạo
5-9) Phạm tội ngũ nghịch
10) Bất năng nam
11) Phi nhân
12) Súc sinh
13) Nhị hình (bán nam, bán nữ)
Ngoài ra, giới tử còn bị thẩm tra 10 khinh nạn, vì do 10 điều này không phải là pháp chướng ngại pháp, nhưng đó là những mối ràng buộc bản thân với gia đình và xã hội mà giới tử cần phải giải quyết xong trước khi xuất gia tu tập.
Mười khinh nạn được thẩm tra dưới các câu hỏi:
1. Có phải là quan trốn đi tu không?
2. Có phải là người trốn nợ không?
3. Ngươi có phải là đầy tớ trốn chủ không?
4. Ngươi có phải là đàn ông không?
5. Đàn ông mà có bệnh cùi hủi, ung thư, ghẻ lở, lao phổi, tiểu đường không?
6. Tuổi đủ 20 chưa?
7. Y bát có đủ không?
8. Cha mẹ có cho phép chưa?
9. Pháp danh ngươi là gì?
10. Hòa thượng của ngươi hiệu gì?
Về việc nghiệm xét tư cách của giới tử thọ Tỳ kheo ni cũng tương tự như của Tỳ kheo, nhưng do tính chất khác nhau nên các già nạn của giới tử ni có vài điểm khác nhau. Ni chỉ có 9 già nạn như sau:
1. Đã Tỳ kheo ni giới chưa? (Ni đã thọ cụ túc mà hoàn tục, thì dù không phạm biên tội cũng không được xuất gia thọ giới lại)
2. Tặc tâm xuất gia.
3. Giết cha
4. Giết mẹ
5. Giết A La Hán
6. Gây thương tích cho Phật
7. Phi nhân
8. Súc sanh
9. Nhị hình
Các khinh nạn sau cũng giống như của các Tỳ kheo…
Việc nghiệm xét tư cách của giới sư và giới tử như thế sẽ có tác động mạnh mẽ cho sự phát sinh giới thể vô biểu. Như sự thành tựu của pháp Yết-ma (Yết-ma như pháp) cũng có vai trò quan trọng trong sự phát sinh giới thể vô biểu này. Trước khi tiến hành bạch Tứ Yết-ma thọ cụ túc giới, có một số thủ tục cần phải tiến hành đúng pháp thì Yết-ma mới thành tựu. Có 4 điều kiện để Yết-ma thành tựu, đó là:
1) Giới thành tựu: Để cho giới thành tựu, tất cả hành sự của Tăng phải được thực hiện trong cùng một cương giới ấn định gọi là giới trường để tránh hiện tượng chia rẽ trong Tăng. Truyền giới cụ túc là việc của tập thể Tăng truyền cho một người. Nhưng túc số tăng chính thức chỉ là 10 vị mà không phải là tập hợp tất cả chư Tăng có mặt trong trú xứ. Vì thế phải có cương giới để khuôn khổ hạn chế đúng pháp Yết-ma (và giải quyết này được tính theo nguyên tắc đa số tuyệt đối, có nghĩa là Yết-ma chỉ thành tựu khi 10 giới sư đều nhất trí qua sự yên lặng của mình, không một ai có ý kiến phản đối)
2) Sựu thành tựu: Sự thành tựu là sự nghiệm xét tư cách của giới sư và giới tử. Sự nghiệm xét này phải được tiến hành trước khi chính thức tác pháp Yết-ma, do một vị Giáo thọ A-xà-lê đảm trách hướng dẫn (sự nghiệm xét tư cách như đã trình bày trên). Và sau cùng là Đàn nghi sắp đặt thứ lớp trang nghiêm long trọng đúng pháp.
3) Tăng thành tựu: Phải là Tăng thanh tịnh, nếu có phạm các học xứ thì đã được sám hối như pháp. Về túc số Tăng thì chính thức là 10 vị như nếu ở những vùng biên địa (Tăng số không đủ) thì được phép tiến hành tác pháp với túc số là 5 vị, trong túc số ấy phải có ít nhất là một vị am tường các pháp Yết-ma về lý thuyết cũng như về mặt thực hành. Chư Tăng trong túc số này phải tập trung trong một giới trường đã quy định và phải có những cử chỉ biểu hiện tinh thần hòa hợp, trong đó phải có một vị Hòa thượng và một vị Yết-ma.
4) Yết - Ma thành tựu: Yết-ma được thành tựu khi pháp Yết-ma được thực hiện như pháp, nghĩa làkhông có một trong bảy điều phi pháp sau đây:
1. Nhân phi
2. Pháp phi
3. Sự phi
4. Nhân pháp phi
5. Nhân sự phi
6. Pháp sự phi
7. Nhân pháp sự phi
Ở nơi khác có nêu ra 7 phi tướng của Yết-ma tuy tên gọi có khác nhưng cũng không ngoài ý nghĩa như sau:
1. Phi pháp phi Tỳ-ni
2. Phi pháp biệt chúng
3. Phi pháp hòa hợp
4. Như pháp biệt chúng
5. Pháp tương tự biệt chúng
6. Pháp tương sự hòa hợp
7. Bị ngăn mà không chịu đình chỉ
Ngoài ra trong khi tác pháp bạch Tứ Yết-ma, chư Tăng trong giới trường phải hoàn toàn nhất trí, không một ai phản đối (đa số tuyệt đối) Đối tượng của Yết-ma thọ giới cụ túc là giới tử cũng phải nhất trí tự nguyện lãnh thọ giới pháp. Nếu trong giờ phút thỉnh bạch Yết-ma mà giới tử bỗng nhiên sanh tâm hối hận, không muốn thọ giới thì Yết-ma cũng xem như không thành.
Trong khi tiến hành Yết-ma truyền giới, mỗi lần chỉ được phép truyền thọ cho một giới tử mà thôi. Tuy nhiên nếu số giới tử cầu thọ giới quá đông thì có thể mỗi lần truyền cho 3 giới tử, nhưng tuyệt đối không được quá ba. Nói chung là không có trường hợp Tăng truyền giới cho Tăng. Như những thủ tục trên đã được nghiệm xét đầy đủ, pháp Yết-ma bắt đầu tiến hành đó gọi là Yết-ma như pháp, và giới tử trong trường hợp này được gọi là đắc giới. Đắc giới ở đây không chỉ có nghĩa khi giới tử nghe đọc lên các điều khoản của các học xứ (227 điều theo truyền thống Pàli, 250 điều theo truyền thống luật Tứ phần cho Tỳ kheo, 348 điều cho Tỳ kheo ni) giới tử thành tâm lãnh thọ, mà còn phải vâng giữ 4 thanh tịnh pháp còn gọi là Tứ y pháp, đó là:
1. Y trên y phấn tảo
2. Y trên sự khất thực
3. Y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ
4. Y nơi hủ lãn dược Theo thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, có 10 trường hợp đắc giới cụ túc:
1. Tự nhiên đắc giới: Trường hợp của vị Độc Giác Phật
2. Kiến đế đắc giới: Đắc giới do thấy lý Tứ Đế, như trường hợp năm anh em Kiều-trần-như
3. Thiện Lai tỳ kheo: Do Phật gọi: “Thiện lai Tỳ kheo” mà đắc giới như trường hợp Da-xá
4. Xác nhận Phật là bậc đạo sư: Như trường hợp của Tôn giả Ca-diếp, khi gặp Đức Thế Tôn liền tuyên bố: “Đây là bậc Đạo sư của tôi”, và liền đắc giới.
5. Do khéo trả lời: Đây là trường hợp duy nhất dành cho thiếu niên Tô-đà-di mới 7 tuổi nhưng đã khéo trả lời câu hỏi “Nhà con ở đâu?” của Phật bằng câu: “Ba cõi không đâu là nhà” mà đắc giới
6. Do thọ Bát kỉnh pháp: Đây là trường hợp của Ba-xà-ba-đề.
7. Do gửi đại biểu: Đây là trường hợp của Tỳ kheo ni Pháp Thọ, do sợ nạn phạm hạnh mà Phật cho phép cử đại diện đến thọ rồi về ruyền lại.
8. Tam ngữ đắc giới: Do tuyên bố 3 lần :Tôi xin quy y Phật, Pháp, Tăng” đây là trường hợp thường xảy ra khi Phật chưa quy định pháp bạch Tứ Yết-ma thọ giới.
9. Thọ giới với tăng mười người: Dành cho mọi giới tử thọ giới ở nơi đô thị có đông đảo Tỳ kheo.
10. Thọ giới với tăng năm người: Đây là trường hợp dành cho giới tử ở những nơi biên địa không có đông đảo Tăng chúng. Trong trường hợp này phải có ít nhất là một vị trì Luật và hiểu các pháp Yết-ma.
Trong 10 trường hợp trên, 8 trường hợp đầu chỉ xảy ra khi Phật còn tại thế, và cũng là những trường hợp đặc biệt cho một số người thôi.
Chỉ có 2 trường hợp cuối cùng, gọi chung là “Bạch Tứ Yết-ma đắc giới” là được áp dụng phổ thông lưu truyền chính thức cho đến ngày nay. Riêng trường hợp Ni thọ giới cụ túc thì có những điểm sai khác như ngoài hội đồng thập sự Tăng, còn có một hội đồng thập sự Ni. Giới tử Ni sau khi được xét nghiệm về tư cách của giới tử, đại khái như đã nêu trên, pháp Yết-ma truyền thọ được tiến hành tại trong Ni Tăng gọi là bản bộ Yết-ma (chính thức truyền giới). Bản bộ Yết-ma thực hiện xong, nội trong ngày ấy (không được để qua đêm), hội đồng thập sự Ni phải dẫn giới tử Ni qua hội đồng thập sự Tăng để cầu chánh pháp Yết-ma (Ấn chứng cho sự truyền thọ). Ở đây, chỉ nêu sơ lược các chi tiết kiểm nghiệm giới tử, cách thức tác pháp Yết-ma trong các bộ Yết-ma đều nói rõ từng chi tiết.
Sau khi đắc giới, nghiễm nhiên giới tử trở thành một Tỳ kheo (hay Tỳ kheo ni) và chính thức trở thành thành viên của đoàn thể Tang già, có những nghĩa vụ và quyền lợi như những thành viên khác. Tuy nhiên, vị tân Tỳ kheo ấy, suốt thời gian 5 năm đầu phải y chỉ nơi một vị Thượng tọa Luật sư (vị Tỳ kheo thông hiểu giới luật) để học tập cho am tường cac bổn phận trách nhiệm cũng như những điều tác thành tư cách của một Tỳ kheo, tức là am tường các học giới, hiểu rõ thế nào là danh, chủng, tánh, tướng; thế nào là khai, giá, trì, phạm; thế nào là khinh trọng và thông thạo các pháp Yết-ma về lý thuyết cũng như thực hành. Một trong những bổn phận người xuất gia là tục Phật Thánh lưu, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Muốn thực hiện bổn phận ấy, vị Tỳ kheo phải có đủ tư cách làm thầy.
Do đó, Phật quy định Tỳ kheo phải đủ 10 hạ, Tỳ kheo ni phải đủ 12 hạ mới được thu nhận đệ tử, độ người xuất gia, và trước khi độ người xuất gia, phải được Tăng thông qua với pháp Yết-ma súc chúng. Nếu Tăng thấy chưa đủ tư cách thâu nhận đệ tử xuất gia, dù người ấy đã đủ tuổi hạ, thì cũng không được tự tiện độ người xuất gia. Nếu làm thì phạm Ba-dật-đề. Tóm lại, Tăng đoàn là tập thể có vai trò quan trọng quyết định sự tồn tại của Phật pháp. Khi nào hàng ngũ Tăng già có những bậc chân tu thạc học, đạo cao đức trọng, có đủ tư cách làm nghi biểu cho đời, có đủ trí huệ làm đuốc sáng cho đời, thì khi ấy Phật pháp được hưng thịnh. Trái lại, khi nào trong hàng ngũ Tăng già không có những vị Tăng tài đức như trên, thì dù số lượng có đông nhiều đi nữa, đó cũng là dấu hiệu suy đốn của chánh pháp.
Nhưng làm sao để có thể đào tạo được những con người, có được những con người có được những đức tính như thế? Dĩ nhiên là phải y cứ vào giới luật làm kim chỉ nam cho sinh hoạt Tăng đoàn, mà một trong những vấn đề giới luật có vai trò quan trọng trong việc tác thành nhân cách một Tỳ kheo, đó là sự truyền thọ giới pháp. Nếu không có sự truyền thọ như pháp thì không có Tỳ kheo đắc giới. Không có Tỳ kheo đắc giới như pháp thì bản thể của Tăng không thành tựu. Tăng không có giới bản thể thì không thể nào tiến bộ về mặt tâm linh, không thể nào có người tu chứng. Và như vậy, chánh pháp sẽ không làm sao tồn tại được, cho nên vấn đề truyền thọ giới pháp cho người xuất gia có một ý nghĩa quan trọng trong Phật pháp. Cũng vì vậy mà vấn đề này chiếm một phần trong bốn phần của Luật Tứ Phần.
Với mục tiêu giải thoát, giác ngộ trên tinh thần tự giác là châm ngôn hành động mà Phật đã dùng để khuyến hóa, giáo dục những người xuất gia. Nhưng trong giáo đoàn xuất gia vẫn có những người xuất gia không vì mục tiêu chân chính đó, không cùng sống trong tinh thần hướng thượng với lý tưởng giải thoát, cũng không chuyển hóa tâm linh qua sự nghiêm trì phạm hạnh. Chính vì điều này mà càng về sau, sự truyền thọ giới pháp càng được chính Đức Phật đề ra những quy định chặt chẽ để kiểm nghiệm, để thử thách, để thanh lọc hàng ngũ Tăng đoàn, nhằm bảo đảm tánh trong sạch cho cá nhân và tập thể để xứng đáng là một trong ba ngôi báu trong Phật pháp.
Tuy chú trọng về việc tự giác và pháp triển tâm linh, nhưng cũng phải dựa vào hành vi biểu lộ bên ngoài để làm tiểu chuẩn pháp định. Vì thế mà sau khi Phật diệt độ, Luật tạng được kiết tập một cách trung thành, dù Phật đã có cho phép bỏ bớt những điều chi tiết nếu thấy không cần thiết sau này. Chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên gì khi Tôn giả Ca-diếp được cử làm thủ lãnh giáo đoàn, Tôn giả Ưu-ba-ly được suy tôn làm vị chấp chưởng về giới luật vì là những vị có giới hạnh tiêu biểu nhất.
Tôn trọng giới luật, thì cũng tôn trọng việc truyền giới là lẽ đương nhiên. Tôn trọng sự truyền giới, thì những quy định của pháp Yết-ma không thể bỏ qua được, dù bất cứ lúc nào, ở đâu, và dù là theo hệ phái nào. Vi phạm quy định ấy cũng đồng nghĩa với sự làm tổn thương đến phẩm chất và quyền lực của Tăng già, đó là dấu hiệu suy đồi của chánh pháp.
Những ai trong hàng ngũ xuất gia có để tâm thiết tha đến sự tồn vong của chánh pháp, có thao thức ưu tư đến vấn đề “Tre tàn măng mọc”, có hoài bảo “Thiệu long Thánh chủng, kế vãn khai lai” thì không thể không để tâm nghiên cứu học hỏi tường tận về các pháp Yết-ma, nhất là Yết-ma truyền giới cụ túc, độ người xuất gia.
Hòa thượng Thích Huệ Hưng giảng - Đại Đức Thích Thiện Toàn ghi
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm