Mẹ tôi - những mùa xuân đẹp nhất…
Mùa xuân Quý Mão 2023 sắp đến, với biết bao khát vọng, bao điều tốt đẹp mà ai trong mỗi chúng ta cũng đều mong muốn gửi đến những người thân yêu bên mình được an lạc, bình yên, hạnh phúc.
“Chớ bảo xuân tàn hoa đã rụng
Đêm qua sân trước một cành mai”
(trích bài thơ Cáo tật thị chúng – Thiền sư Mãn Giác)
Với tôi, nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi dần ngộ ra thời gian là thứ quý giá nhất trên đời. Đó là những tháng ngày tôi được sống cận kề bên mẹ, là những khoảnh khắc của ngày thơ ấu cùng mẹ đi viếng chùa mỗi độ Tết đến xuân về.
Tôi nhớ những ngày xuân Đinh Sửu 1997, buổi sáng mùng 1 Tết tiết trời se lạnh, qua khe cửa sổ, những giọt sương sớm còn đọng lại trên những cánh mai vàng, thì mẹ đã dậy lui cui bên bếp để chuẩn bị mâm cơm chay cúng ông bà trong ngày đầu năm mới. Ngoài món tàu hủ kho cải muối dưa, khổ qua hầm tàu hủ ky, bún xào cải ngọt còn có dĩa bánh tét chay và củ cải muối. Trong làn khói hương nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên, mẹ tôi khấn vái kính thỉnh ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu trong ba ngày xuân. Cúng cơm sáng xong, tôi được mẹ mặc bộ đồ mới và đôi dép còn thơm mùi nhựa để đi viếng chùa đầu năm.
Trên con đường làng quen thuộc, mẹ một tay dắt tôi, một tay xách giỏ mang theo lễ vật là bó hoa cúc, đèn, ướp nhang trầm, một ít trái cây vú sữa trong vườn cùng hộp mứt gừng mẹ làm từ ngày 23 Tết đưa ông Táo. Gần đến chùa, văng vẳng bên tai, tôi nghe được tiếng chuông ngân vang vội. Thấy tôi tỏ vẻ thắc mắc, mẹ bảo: “Những ngày Tết, các Quý thầy muốn tiếng chuông chùa ngân suốt đó con!”. Đến chùa, trước mắt tôi là một bầu không khí mới, một nếp sống mới mở ra khi có rất đông khách thập phương đến lễ Phật. Mẹ nói ở chùa cũng có xuân, có Tết, nhưng Tết ở chùa có khác ở chỗ là chùa đón Tết như một ngày vía Phật Di Lặc. Mẹ sửa soạn bày lễ vật dâng cúng nơi bàn thờ chính điện và dâng hương cúng Phật.
Là lần đầu viếng chùa, tôi luôn dõi theo những cảnh vật trước mắt mình, đặc biệt là hình ảnh các chú tiểu thay phiên liên tục thỉnh từng hồi chuông khi có khách thập phương lễ bái. Hòa trong âm thanh tiếng chuông ngân vang là những lời khấn thành tâm của mẹ, kính cầu xin quốc thái dân an, gia đạo sức khỏe dồi dào, trên dưới thuận hòa, an hảo bình yên. Trước khi ra về, mẹ xin lộc của nhà chùa là một ít hoa và trái cây để cầu mong gia đạo hạnh phúc khỏe mạnh.
Ở quê, nhất là thời buổi khó khăn thiếu thốn cái ăn cái mặc, như bao đứa trẻ thơ, tôi luôn mong đợi được đến Tết, để được “ ăn Tết”, rồi tự mình cảm thấy Tết sao qua thật nhanh, mới đó mà phải cấp sách đi học lại. Thời khắc ấy, như hiểu ra cớ sự, mẹ xoa đầu tôi: “con ngoan, Rằm tháng giêng mẹ sẽ dắt con đi viếng chùa đón Tết nguyên tiêu !”. Vâng ! khi ấy trong tôi như có một cơn gió xuân thổi qua mát rượi làm tươi mới tâm hồn mình hăng say đến trường đến lớp.
Mùng 7, mẹ tôi hạ nêu. Ngoài sân, dưới những gốc mai là vô vàn cánh hoa rơi rụng, phía trên những cành cây đã mọc lên những chồi lá non xanh mơn mởn như báo hiệu sắp đến Tết nguyên tiêu. Càng gần đến Rằm tháng giêng thì trăng sáng càng tròn nhất. Sáng 14 âm lịch, một mình mẹ tỉ mẩn nắn từng cục nhân đậu xanh, vò từng viên bột để làm chè trôi nước cúng Rằm tháng giêng. Theo chân mẹ nơi cháy bếp, mẹ giải nghĩa cho tôi biết Tết nguyên tiêu là đêm Rằm đầu tiên của năm mới “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng giêng, đó con !”. Sau khi cúng Rằm xong, mẹ dắt tôi đi viếng chùa.
Cũng như thường lệ các năm, mẹ tôi viếng chùa ngày Tết nguyên tiêu ngoài việc lễ bái, được nghe Quý thầy tụng niệm Kinh Dược Sư, hồi hướng công đức để mọi người trên thế gian an lành thì mẹ còn thành tâm khấn vái hương linh của ông bà nội và hai bác tôi được siêu thoát. Theo lời mẹ tôi kể, bà nội tôi tên Nguyễn Thị Vẹn, sinh năm 1925, nay thuộc ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông nội tôi tên Thi Văn Xà ( tự là Văn Đo) sinh năm 1924, xưa thuộc xã Mỹ Hạnh, tỉnh Hậu Nghĩa – Chợ Lớn, nay thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông nội đã sớm tham gia hoạt động các mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ông biết đọc thông thạo và viết rành mạch tiếng Pháp nên được kiêm nhiệm công việc thư ký xã Mỹ Hạnh ngày ấy. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945 – 1954) đầy khó khăn thì năm 1952, ông đã hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ.
Bác hai tôi tên Thi Văn Hy, sinh năm 1944; bác ba tên Thi Văn Sinh, sinh năm 1946. Cả hai bác từ nhỏ đã được ông bà dạy bảo nên sớm đã tiếp nối truyền thống gia đình cách mạng và hăng hái lên đường theo cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1967, bác hai hy sinh cùng 12 người khác trong một đợt ném bom dữ dội của quân Mỹ nhằm phá hầm chiến sĩ ta; khi ấy, bác vừa 22 tuổi. Một năm sau, khi cuôc chiến Mậu Thân năm 1968 đầy ác liệt, bác ba mất không tìm được xác trong đợt ném bom của địch, khi ấy bác đang là chiến sĩ thượng úy binh đoàn. Bà nội chỉ còn lại ba tôi. Trong ký ức của ba là những tháng ngày thiếu vắng tình thương của cha, bởi khi ba vừa được sinh ra gần 3 tuổi thì ông nội tôi đã hy sinh.
Trong khoảnh khắc thiêng liêng cùng mẹ viếng chùa ngày Rằm tháng giêng năm ấy, mãi về sau đến khi tôi lớn lên mới hiểu, mảnh đất quê hương năm xưa bị mưa bom bảo đạn của kẻ thù nay đã thống nhất thì mọi người cùng nhau ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần xây dựng tổ quốc trong thời kỳ đổi mới; còn vết thương mất mát những người thân vì cuộc chiến tranh đã hằn sâu vào trái tim của người ở lại trong đó có bà nội tôi thì mãi mãi không bao giờ hàn gắn được.
Năm 1997, bà nội tôi được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vì có chồng và 2 con hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Năm 2001, bà mất sau trận bạo bệnh. Sự ra đi của bà để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với con cháu.
Tuy bà nội không còn nữa nhưng những nếp sống của bà đã được mẹ tôi tiếp nối như một sợi dây liền mạch trong nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của gia đình. Đó là việc cúng cơm chay ngày đầu năm mới và viếng chùa ngày Tết nguyên đán, Tết nguyên tiêu. Mẹ đã dạy 8 anh chị em chúng tôi những điều mà mẹ đã được bà nội dạy bảo là tục đi lễ chùa, xin lộc đầu năm, ngoài việc cầu nguyện quốc thái dân an, cầu nguyện cho gia đình người thân an lạc thì đi lễ chùa đầu năm còn là tìm đến cửa Phật, tìm lại sự tĩnh tại, an nhiên, soi rọi lại chính bản thân mình, phát huy điều lành, điều tốt, tránh xa điều ác, điều xấu. Trong nhịp sống tất bật ngày nay, tôi và thế hệ mai sau sẽ gìn giữ và duy trì tục viếng chùa đầu năm - nét đẹp trong văn hóa tâm linh người Việt ngàn xưa.
Năm nay, mẹ đã 72 tuổi, mẹ vẫn khỏe mạnh và vẫn tự tay mình nấu những món chay để cúng ông bà tổ tiên trong ngày đầu năm mới. Với tôi, những ký ức bên mẹ, những câu chuyện mẹ thường hay kể và những lần đi viếng chùa ngày Tết cùng mẹ sẽ mãi là những khoảnh khắc ý nghĩa nhất, mẹ là mùa xuân đẹp nhất.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Thi Hoàng Khiêm; địa chỉ: Ấp mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm