Tâm sự của một tình nguyện viên chương trình Ánh sáng cho đời!
"Phút tĩnh lặng giữa hai bờ mộng thực/ Chợt thấy mình còn chút nợ nhân gian". Qua những lời thơ trên, tôi nhớ lại nhân duyên dẫn dắt tôi đến cuộc đời làm tình nguyện của mình, từ lúc bắt đầu còn là học sinh cho đến bây giờ khi tôi vào vị trí của người làm công tác nhân đạo ở một cơ sở.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào những năm 1970, nghe các thầy cô kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung để khắc phục hậu quả lũ lụt, tôi háo hức dành dụm tiền ăn sáng, soạn quần áo cũ để gởi đến các bạn nhỏ ở đó.
Thời gian dần trôi, khi trưởng thành và vào làm việc ở một nơi gần với sở thích, trong mỗi chuyến đi công tác của mình, tôi đều tranh thủ đi quanh xóm làng của những vùng quê, để được nghe lời tâm sự về cuộc sống, về việc làm của người dân vùng biển.
Chia sẻ cơm áo gạo tiền với dân nghèo vùng biển
Trong tôi mãi nung nấu ý chí phải làm ra thật nhiều tiền để trợ giúp họ hoặc là vận động bạn bè người thân cùng nhau đến từng nơi tôi đã đi qua, chứng kiến nỗi khó khăn cực nhọc của người già neo đơn bệnh tật, trẻ mồ côi, người khuyết tật... đặc biệt là hình ảnh chị phụ nữ Lâm Sà Mượng ở Vĩnh Hải, mới sinh em bé chưa đầy 1 tháng, bé còn đỏ hỏn, chị vừa cho bé bú, vừa bưng chén cơm với món rau lang luộc và muối trắng. Cảm giác lúc đó của tôi không tả được và nước mắt chực tràn mi.
Sau thăm hỏi mới biết chồng chị làm nghề đánh bắt hải sản ven biển, ở nhà chỉ còn chị và 2 bé nhỏ, cuộc sống nghèo nên không được những thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, khi nào chồng chị về mới có tôm cá hoặc thịt và rau cải, tuy nhiên một chuyến đi về thì chi phí sinh hoạt chỉ đủ cho vài ngày, hôm nào biển động không đi làm được thì phải vay mượn.
Tôi chỉ còn 5.000 đồng trong túi, đưa cho chị, mắt chị sáng lên mừng rỡ và rối rít cảm ơn bằng tiếng Khmer “o kun ch’rơn”, thời điểm đó số tiền này có thể mua gạo và thức ăn một hai ngày bởi lương một tháng của tôi chưa đến 60.000 đồng.
Sau chuyến công tác tôi về trăn trở mãi, hình ảnh người phụ nữ gầy guộc luôn hiện diện trong trí óc và tôi hỏi thầm không hiểu sao lại có người thiếu thốn như vậy. Nhưng đó chỉ là một phần và cái khó gọi là nho nhỏ của xã hội thôi, tôi lại tiếp tục với công tác của mình.
Đến vùng ven biển trong lúc trú mưa, bắt gặp ông lão mù Huỳnh Minh Tỷ ở Phường 2 (nay ông đã qua đời), thấy thật thương tâm, dẫu không nhìn được chung quanh nhưng ông không vì thế mà chờ đợi mọi người trợ giúp, ông xin đi nhổ khoai môn, lấy cọng đem làm dưa muối, lựa lấy củ trả lại cho chủ nhà để có ít tiền công, rồi ông đan những chiếc rỗ thật nhanh nhẹn.
Chứng kiến như vậy mới thấy ông thực hiện đúng câu “tàn nhưng không phế”, ông giúp ích cho gia đình, đứa em cùng ở chung bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Từ đó, tôi và bạn bè đến với ông để chia sẻ lúc thì gạo, khi thì thực phẩm và ít tiền để ông nhẹ lo mỗi khi trái gió trở trời.
Chương trình phẫu thuật mắt miễn phí giúp người nghèo tìm lại ánh sáng
Rồi nhiều hoàn cảnh khác như vào căn nhà có 3,4 người tâm thần của bà Lý Thị Phol, khóm Cà Săng người bệnh ung thư, người gặp tai nạn giao thông, ở Lạc Hòa, khiến cho tôi càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn.
Mặc dầu việc này không ai giao, không ai trả lương, nhưng tôi miệt mài đến với những địa chỉ tình thương bằng tất cả tấm lòng.
Hơn 1.000 người từ các vùng miền Tây, khi liên hệ họ được phẫu thuật mắt miễn phí, niềm vui của họ chính là niềm vui của tôi. Tôi vui khi được nghe ông Trần Cót Yến ở khóm 4 phường 1 nói "Nhờ mổ xong mà bây giờ mắt tôi sáng, ban đêm đi bán vé số không sợ mất".
Còn bà Lê thị Dễ ở Tân Thành B xã Vĩnh Hiệp, thì vui mừng nói trong nước mắt "Cám ơn cô và nhà tài trợ cho căn nhà với quà cáp, Tui cứ nghĩ cảnh nghèo như vậy không biết chừng nào mới sửa lại căn nhà".
Và bây giờ bà an tâm sống khỏe vì trước đây gia đình gánh nặng một người bệnh tai biến, 2 trẻ khuyết tật, trong căn nhà lá rách bươn, che chắn bằng những tấm bạt, may mắn được chương trình thiện nguyện Akela giúp cho căn nhà khang trang.
Sau một cuộc luân chuyển cán bộ, tôi vào vị trí của người làm công tác nhân đạo ở một cơ sở, mặc dầu trái với ngành nghề đào tạo, nhưng tôi vẫn an nhiên, vẫn ngày ngày tìm kiếm địa chỉ tình thương ở các vùng nông thôn sâu mà nhiều tổ chức, nhiều chương trình chưa tiếp cận được.
Thông qua hệ thống chữ thập đỏ cơ sở, tôi vận động Hội trái tim vàng tại Hoa Kỳ, Hội Tâm Hòa, Hội Tâm Đức, Hội Thiện Tâm, bà Kim Đinh, bà Văn Thanh Hương, bà Nguyễn Mỹ Anh, nhóm bạn Chúc Hoa, quán café BiBo, công ty sản xuất nón Bảo hiểm TP.HCM, ông Nguyễn văn Dân, cơ sở sản xuất thực phẩm chay Trí Huệ TP.HCM, Hội khoa học lịch sử, các nhà tài trợ trong và ngoài nước đến với những nơi khó khăn.
Tại đây, nhóm thực hiện các hoạt động từ thiện, hỗ trợ quà xe lăn, xe lắc, cho người nghèo, bệnh tật và sách giáo khoa, tập cho học sinh, xây cầu, xây nhà, hỗ trợ điều trị bệnh, mỗi ca cấp cứu, phẫu thuật tim, chuyển tuyến trên được nhận 1 triệu đồng. Tổng số tiền trợ giúp từ các chương trình của những năm qua lên gần 5 tỷ đồng.
Cần lắm sự chung tay từ thiện của cộng đồng
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ dừng lại ở đây, trong thân tâm tôi, cầu mong có được điều ước như ý để có thể kịp thời giúp người bệnh vượt qua cửa tử, giúp những cảnh đời bất hạnh đổi mới cuộc sống.
Những việc tôi làm đều tự nguyện, dẫu tài chính của bản thân có hạn, song với tôi có thể vượt qua cái khó bằng cách tạm mượn để đến kỳ lương thanh toán, còn bệnh nhân, người nghèo khuyết tật, họ cần kịp thời cho việc điều trị, cũng như có cái ăn trong lúc chưa được các tổ chức cá nhân biết đến để hỗ trợ.
Người bệnh mắt đăng ký phẫu thuật mà đợi lâu quá thì sẽ bị mù, do vậy tôi phải vận động nếu không đủ chi phí tàu xe, thì tôi và bạn bè chia nhau thanh toán. Mỗi chuyến đi, đa phần là người già, người ở vùng nông thôn sâu, có người chân trần đi phẫu thuật, có người trong túi chỉ 20.000 đồng cùng tờ chứng minh nhân dân, những lúc đó, tôi thật sự xót xa.
Khi đón những người bệnh từ thị xã đến các huyện thị và tỉnh bạn trên tuyến quốc lộ 1, tập trung đủ, tôi dặn dò, tranh thủ nghỉ ngơi, để giữ sức. Đến bệnh viện là im lặng, nằm hoặc ngồi một nơi không ăn uống để xét nghiệm máu, dẫn dắt từng cụ đến khu vệ sinh, rồi đến điểm nhận phiếu ăn sáng, ăn trưa cho các cụ.
Trong chuyến đi tôi bảo tài xế nên dừng xe 2, 3 lần để các cụ được thoải mái không căng thẳng, không lo sợ, cứ tưởng như một chuyến du lịch miễn phí, để hôm sau phẫu thuật thuận lợi. Bởi có trường hợp, vừa vào khu khám thì huyết áp lên, do lo sợ, không chỉ 1 lần có khi 2, 3 lần mới tiến hành phẫu thuật được.
Điều kỳ lạ là ở nhà ngủ không đủ giấc thì hôm sau tôi không thể đi làm bình thường, nhưng tối thứ bảy đưa mọi người đến bệnh viện cách địa phương hơn 300km, hôm sau lo cho mọi người xong, trên đường về là nửa đêm, thế mà thứ hai tôi vẫn tỉnh táo có mặt tại cơ quan đúng giờ hành chính.
Cũng nhờ vào sự kiên trì và làm hết trách nhiệm, mà chủ quán café BiBo hay cùng tôi để chia sẻ những công việc trong suốt chuyến đi, đồng thời hỗ trợ 50% chi phí tàu xe, có lúc còn cho cả chuyến đi khi việc vận động quá gấp rút.
Tôi còn nhiều băn khoăn trăn trở, là những ánh mắt của bệnh nhân nghèo khi tôi đến thăm, họ khẩn thiết trợ giúp, những ngôi nhà lá đã mục nát, tưởng chừng cơn gió mạnh đi qua thì nó sẽ sụp đổ ngay, họ cần lắm sự chung tay chăm lo của cộng đồng, của những người Việt định cư ở nước ngoài mà có lòng hảo tâm tìm đến.
Thế cho nên cứ mãi hy vọng một ngày nào đó, công việc suôn sẻ, đủ duyên, đủ phước để đón nhận sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức cá nhân và sớm đến đúng nơi, đúng đối tượng hỗ trợ kịp thời.
Cho đến tận giờ bản thân tôi vẫn thực hiện lời dạy sâu sắc của Bác Hồ “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ…”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Xem thêm