Thứ tư, 08/11/2023, 17:00 PM

Vạn nẻo đường thiền (3)

Ở 2 phần trước, chúng tôi lướt qua hai nhóm đối tượng đã đến với TSH rồi phải rời xa. Những người bỏ cuộc, những người đã rời khỏi vì chưa hội đủ điều kiện cần và đủ. Và những người ra đi, khái quát về những trường hợp bệnh nan y đã từ biệt cõi đời với một lòng tin tuyệt đối .

3. Và...những người ở lại 

Từ phần này về sau, chúng tôi chỉ điểm đến nhóm môn sinh đang sinh hoạt mỗi ngày, tạo nên một điểm son của TSH hôm nay. 

Vâng, sẽ trở nên cực đoan, phiến diện khi không nói đến thành tựu của Trường Sinh Học nói chung, gồm nhiều nhánh, nhiều hệ phái. Riêng TSH Dưỡng Sinh TM (Chúng tôi viết tắt tên của chưởng môn theo “Lá thư tâm huyết gửi thầy TVM"...) vừa kể vẫn đặc biệt hơn với tất cả hơn 40 trung tâm, câu lạc bộ, hội đoàn khắp cả nước với số lượng môn sinh có lẻ đến hàng triệu người. Đến những nơi này mới thấy hết sức mạnh tiềm ẩn của TSH.

Chúng ta vẫn thường thấy trong các hội nghị, đại biểu vẫn lén lút ra khỏi hội trường để phì phèo thuốc lá. Và sau hội nghị là tiệc tùng, rượu bia chè chén...Cả hai thứ rượu bia và thuốc lá là hai thứ đại kỵ với TSH TM (Dù vẫn còn một vài môn sinh chưa cai được thuốc lá). Một điểm nổi bật khác nữa đó là trong các sinh hoạt cần thiết có tiệc tùng, đãi đằng thì cũng chỉ đạm bạc bữa cơm chay đơn thuần. Chính thế, bề nổi của TSH TM là sự đơn giản, là sự xả bỏ những tiện nghi, tham đắm. Đặc biệt, đến với thiền, môn sinh được hoàn toàn miễn phí các chi phí học tập. Chính thế, các điểm học bao giờ cũng đông đúc khủng khiếp. 

Sau cùng, có một ưu điểm khác không thể không nhắc đến, đó là trong lúc các pháp môn khác còn lén lút hoạt động vì chưa được phép của cơ quan chức năng, chưa được sự tài trợ (tất nhiên) nên vẫn phải thu học phí, trong khi đó thì TSH TM lại là một “thương hiệu” được miễn phí, được công nhận, do đó mà trải rộng từ Bắc chí Nam hơn 40 cơ sở từ Trung Tâm, CLB, Hội đoàn...

Nếu mục đích của TSH là xây dựng nên những cơ sở sinh hoạt dưỡng sinh với những tiêu chí tạo nên con người lành mạnh, giản đơn đầy năng lượng của sự yêu thương, đoàn kết như vừa nêu thì những gì đã làm được có thể gọi là hoàn hảo. Tại sao chỉ là  “có thể ”, chúng tôi sẽ phân tích ngay dưới đây. Rất tiếc, tôn chỉ của TSH bao la hơn nhiều, vĩ đại hơn nhiều và mang đầy màu sắc của tâm linh, tôn giáo...

Vạn nẻo đường thiền (2)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

1. Tiếp dẫn các vong linh không nơi nương nựa, còn ẩn khuất, vất vưởng, thường xuyên quấy rầy người sống. Đưa vong linh của “Cửu huyền thất tổ” các môn sinh về với đức Tổ Sư. Và vì thế, các môn sinh đến với TSH, xem như mình là người hy sinh để dìu dắt cả cửu huyền thất tổ còn vất vưởng chưa biết sẽ về đâu...

2. Định hướng tâm linh của người sống, những người bệnh tật, hoạn nạn để có hướng đưa tâm linh về ...với Đức Tổ Sư. 

3. Đi theo lý tưởng “hướng tâm”, rèn luyện để hướng tâm thức đi theo con đường tiến hóa, sống giản dị, xả bỏ những tham đắm, dục lạc để xa rời nghiệp chướng. 

4. Điều trị bệnh tật: các giảng huấn khi thu nhận học viên đều cho rằng tất cả bệnh tật, kể cả nan y như ung thư, tiểu đường v.v...đều có thể khỏi nếu...(Vâng cái chữ nếu không thể định lượng được) học viên có đủ lòng tin và nghị lực.

5. Tiêu trừ những sai lầm về bùa ngải, phép tắc...

Cả 5 phần này thực ra chưa chính thức xây dựng thành môn qui hay tôn chỉ, mục đích rõ ràng bằng văn bản cho nên cũng không theo trật tự như trên. Thực ra nếu có người ta sẽ rùng mình khi đọc trên văn bản. Tuy nhiên trong sinh hoạt nó trở thành tiêu chí để người ta đánh giá mức ngộ của mỗi môn sinh. Đáng thương, hầu hết môn sinh đều “ngộ” theo cách “tự kỷ ám thị ” đôi khi rất đáng thương để không tỏ ra phí cơm tu học. Trong phần trước tôi có nêu lên “Giảng huấn phải là những cổ máy biết thiền và biết thở” là vì thế. Người ta máy móc tiếp nhận mọi điều khi chưởng môn nói ra chứ không cần tri giác, suy xét, trải nghiệm...

Chính cách ngộ ấy đã khiến con người đánh mất dần vẻ tự nhiên của cảm xúc, của tình cảm, của sự trong trẻo nên có trong các mối quan hệ thông thường.

Tôi nhớ Thiền sư Tuệ Quang nói trên một comment facebook: Đừng nhắm mắt vội tin vào bất cứ điều gì nếu bản thân chưa trải nghiệm, thực chứng, kể cả là lời của tổ sư chăng nữa/ Hãy tự mình thắp đuốc tuệ sáng mà đi. Đức Thích Ca thì nhắn nhủ mọi người đại khái rằng: đừng chết chìm vào những điều kinh viện mà hãy xem những điều ta nói là ngón tay chỉ trăng. Hãy nhìn lên vầng trăng, đừng nhìn vào ngón tay ta. Đức Thích Ca không khuyên môn đồ nhại lại những điều Ngài nói, nhắm mắt tin theo điều Ngài nói. Ấy thế mà Ngài đã tạo nên một thứ ánh sáng lung linh, tỏa khắp vũ trụ soi tỏ lớp màn vô minh của loài người.

Và hơn hai ngàn sáu trăm năm, sau Đức Thích Ca có lẽ chỉ vào cuối thế kỷ 20 mới bắt đầu có khái niệm thiền trị bệnh, và hơn thế thiền để tiếp dẫn thần thức. Có thể nhị tổ Narada Mahathera khi truyền bá phép thiền (Thiền Nam Tông của Phật Giáo Nguyên Thủy) vào Việt Nam không chủ tâm thuyết giảng tính chất “chữa bệnh” của Thiền cũng như chắc chắn ngài chẳng hướng dẫn đồ đệ “cầu hồn”, “đưa vong” nhưng lớp đồ đệ của ngài phát hiện ra sự diệu dụng của Thiền đối với bệnh tật nên đã sáng tạo ra một phép thiền trị bệnh để thu nhận học trò. Từ trước đấy, chưa có tông phái, pháp môn nào của các nhánh thiền nói đến thiền trị bệnh. Và đặc biệt việc “mở luân xa”, “chuyển năng lượng”... giá như có ai giúp tôi tìm căn cứ để chứng minh rằng Tổ Sư Dasira Narada trên đường giảng đạo từng mở luân xa, từng chuyển năng lượng cho đồ đệ...

Phải thú nhận rằng bước phát triển của TSH là vũ bão và thành quả của nó là không ai có thể phủ nhận. Song nếu truy xét toàn diện về tôn chỉ, mục đích về tính chất phản khoa học thì rõ ràng nó đang trở thành một thứ giáo phái không hơn không kém. Tuy chưa “đình đám” bằng giáo phái khác song cái cách tạo nên những giá trị tâm linh để bảo chứng cho việc thu nhận môn sinh thì khá giống. Bảo rằng “có thể gọi là hoàn hảo” bởi vì nếu chỉ nhìn bề nổi các sinh hoạt ở từng điểm thì TSH cho ta cảm nhận một không khí chan hòa, một tập thể đoàn kết, tương trợ và đặc biệt là hỗ trợ giúp nhau khi hoạn nạn nhưng kỳ thực tất cả hành động đều chịu sự chi phối của tư tưởng chủ nghĩa hành vi. Người ta xét việc đúng sai căn cứ trên hành vi theo khuôn thước chỉ bảo của “ thầy”, mọi việc luôn được xét xem “có gì sai không”. Vô tình, người ta bỏ qua tiến trình của nhận thức, và chính thế hành vi được uốn nắn cho “đúng”. Cuối cùng tất cả trở thành những người đã ngộ, những “kịch sĩ vĩ đại”. Bảo rằng “có thể gọi là hoàn hảo” là vì thế. 

Đến trung tâm, là môn sinh hoặc chưa, bạn đều được “chuyển năng lượng” khi có yêu cầu. Và hầu như tất cả đều cảm thấy khỏe hơn, dễ chịu hơn sau khi được chuyển năng lượng. Vâng chúng tôi chưa bàn đến yếu tố tâm lý. Và với hệ thống truyền thông dân gian, hoặc trên trang mạng bạn sẽ được nghe về những trường hợp thoát vòng sinh tử nhờ học thiền. Bạn sẽ có ngay cảm giác như nơi này có một bầu không khí huyễn hoặc, tâm linh, đầy phép thuật. 

Như kỳ trước tôi đã nói lên những sai lầm của chưởng môn khi tạo nên một lực lượng được kê kích thêm lòng tự phụ khi bắt đầu vào cấp 4 với lời rao giảng của chưởng môn là mỗi người đã trở thành “Bồ tát”. Và cũng chính lúc ấy mới được chính thức coi là con người TSH, chính thức vào gia đình TSH. Vâng! Gia đình TSH là những Bồ tát đầy thánh thiện, đầy lòng nhân, đáng kính, thậm chí đầy huyền thuật. Không thể có thứ trật tự tự nhiên, cởi mở thân thiện hơn khi mà sai lầm tư tưởng đã trở nên khó điều chỉnh.

Hay nói cách khác, cùng với cách sinh hoạt giản đơn, xả bỏ những tham đắm vật chất con người có thể nhiệt thành, chân tình nếu không tự phụ, tự cho mình khác hẳn, hơn hẳn, tự tạo nên sự khác biệt với người đời. Ảo tưởng tâm linh, “tự kỷ ám thị” về tiến bộ tâm linh đã giết chết sự chân tình, thân thiện, cởi mở trong anh chị em gia đình TSH. Sự hoang tưởng trong tâm thức đã gián tiếp nuôi dưỡng cho cái bản ngã mỗi ngày với những cảm xúc thông thường: Buồn, vui, giận hờn, yêu thương, oán ghét...Chính sự ám thị về tiến bộ tâm linh đã tạo nên sự chia rẽ hiện nay trong TSH. Năng lượng yêu thương thật sự, lòng từ tâm thật sự sẽ triệt tiêu bản ngã và đem đến trạng thái giác ngộ, không có tình trạng phân thành nhóm để khen ngợi, tán dương, chê bai, nắng bên nào che bên nấy... 

Bản ngã thật sự được nuôi dưỡng khi bắt đầu là thành viên TSH. Nó không chết đi mà mỗi ngày một lớn lên. Phải nói rằng khi thẳng thắn nêu lên những điều trên đây chúng tôi thật sự nghĩ đến tương lai của thiền, tương lai của Trường Sinh học. Mong sao nó trở thành là liều thuốc đắng...

Kỳ tới chúng tôi sẽ nói đến những điểm cụ thể như tôn chỉ, mục đích của pháp môn vừa nêu trên.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm