Nhận diện và chuyển hóa tam độc
Đức Phật là người tốt một trăm phần trăm, còn chúng ta thì sao? Một phần trăm, hai phần trăm, ba phần trăm,... Chúng ta còn là phàm phu, phải thường xuyên nhìn lại ba nghiệp của mình và tu sửa để dần dần tiến bộ, hoàn thiện bản thân, đến khi trở thành người tốt một trăm phần trăm thì chúng ta là Phật.
Tham, sân, si là căn bản của phiền não và đã có sẵn trong con người từ vô thủy rồi chứ không phải bây giờ mới có, nhưng ở mỗi độ tuổi, mỗi thời điểm thì sự thể hiện lại khác nhau. Chẳng hạn, đứa trẻ từ khi mới sinh ra đã biết khóc khi chưa được mẹ cho bú, biết la khi khó chịu; hoặc một người làm giám đốc, giữ chức vụ cao thì sẽ bộc lộ sự nóng giận rất khác so với một người công nhân… Dù cách thể hiện có khác nhau nhưng gốc rễ của những phiền não ấy đều bắt nguồn từ tam độc tham, sân, si. Vậy nên, là người Phật tử, điều quan trọng là chúng ta phải thấy được những tập khí xấu trong mình để cố gắng sửa đổi.
Đức Phật là người đã đoạn trừ hết tham, sân, si, không còn phiền não. Muốn được như Ngài thì chúng ta phải cố gắng tu tập. Quý vị thấy khó hay dễ? Niệm Phật, tụng kinh thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng để điều phục được tham, sân, si thì rất khó, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện được tam độc này và trải qua quá trình nỗ lực lâu dài để chuyển hóa.
Đức Phật là người tốt một trăm phần trăm, còn chúng ta thì sao? Một phần trăm, hai phần trăm, ba phần trăm,... Chúng ta còn là phàm phu, do vậy phải thường xuyên nhìn lại ba nghiệp của mình và tu sửa để dần dần tiến bộ, hoàn thiện bản thân, đến khi trở thành người tốt một trăm phần trăm thì chúng ta là Phật.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy có ba hạng người: Hạng người thứ nhất như chữ viết trên đá, hạng người thứ hai như chữ viết trên đất, hạng người thứ ba như chữ viết trên nước. Thế nào là hạng người như chữ viết trên đá? Đó là những người cứ giữ mãi sự sân hận trong lòng, thậm chí họ còn nghĩ rằng đời này mà chưa trả thù xong thì đời sau sẽ trả tiếp. Hạng người như chữ viết trên đất thì chỉ giận một thời gian rồi thôi. Còn hạng người như chữ viết trên nước thì tức giận xong là quên ngay. Viết trên đá rất khó tẩy xóa, viết trên đất thì dễ xóa hơn, còn viết trên nước thì không cần xóa, vì chữ viết trên nước không giữ lại được. Sân cũng vậy, có nhiều cấp độ: nặng, trung bình, nhẹ. Ai trong chúng ta cũng sân giận hết, quan trọng là biết mình đang ở cấp độ nào: Sân như chữ viết trên đá, trên đất, hay trên nước. Chắc chắn ai cũng muốn mình chỉ sân như chữ viết trên nước thôi.
Có người cho rằng, khi người ta nói mình, chửi mình một câu thì phải nói lại, chửi lại hai, ba câu mới là giỏi. Thật ra, chỉ có người yếu đuối mới làm như vậy. Còn người nhịn được, không nói, không chửi lại, đó mới là người có bản lĩnh. Trong bài Lời Thầy Dạy, Hòa thượng Giác Nhiên đã khuyên đệ tử:.
Nhẫn là điều, dầu có họ nói không,
Không nói có, mặc tình ai thêu dệt.
Con quyết tu, thì chi chi nhịn hết,
Nhịn nhịn hoài, nhịn nhịn mãi con ôi!
Chẳng phải là nhịn có ba lần thôi,
Mà nhịn mãi đến khi thành chánh giác.
Con nhịn được dầu thân con có thác
Thác thân con mà tâm được nhẹ nhàng
Cõi Tây Phương con chắc chắn bước sang
Bằng con đọa thầy nguyện ra chịu thế.
Quý vị thử nghĩ coi, khi mình nóng giận, gương mặt cứ nhăn nhó, khó chịu thì đẹp hay xấu? Rồi mình lại còn ôm cái tức giận ấy trong lòng dẫn đến ăn không ngon ngủ không yên, người ta chưa khổ mà mình đã thấy khổ rồi. Không những tự làm khổ mình, lúc sân giận con người còn có thể nói ra những lời nói không hay với người khác, thậm chí dẫn đến hậu quả là đánh nhau, chém nhau. Đó là tác hại của lòng sân.
Sân hận như lửa dữ
Làm hư hoại dung nhan
Thiêu đốt cả tâm can
Cháy tan rừng công đức
Cái hại của bực tức
Gây khổ mình và người
Hiện đời không an lạc
Thác đọa ba đường ác.
Ông bà ta có câu: “Đốn củi ba năm, thiêu một giờ”. Nghĩa là ba năm mình gom góp củi, vậy mà không cẩn thận thì chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi tất cả công sức, thành quả của mình. Sân hận cũng vậy, một ngọn lửa sân có thể “làm hư hoại dung nhan, thiêu đốt cả tâm can, cháy tan rừng công đức”. Đầu tiên, khi một người tức giận thì sẽ cảm thấy trong cơ thể nóng hừng hực như có lửa đốt, gương mặt hết đỏ rồi tái, nhìn rất đáng sợ. Người nào hay tức giận thì cơ thể bị tổn hại, dễ sinh bệnh tật. Hơn nữa, khi bực bội con người thường không làm chủ được lời nói và hành động của mình, dẫn đến những việc làm sai trái, hủy hoại hết những gì quý giá, tốt đẹp nhất mà bấy lâu nay họ đã dày công gây dựng. Thí dụ, một người hay đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, làm phước, bố thí, cúng dường,… nhưng chỉ cần đụng chuyện là tức giận, chửi mắng, thậm chí đánh đập, làm tổn hại đến người khác. Như vậy là cháy tan cả rừng công đức, “hiện đời không an lạc, thác đọa ba đường ác”.
Người ta thường nói: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Khi chưa đánh được người ta thì tức lắm, muốn đánh trả cho bằng được, khi đánh được người ta rồi thì mình cũng đau mà lại sợ người ta trả thù. Thực tế thì ai cũng biết giận là xấu, là hại, rồi sẽ đưa đến những kết quả không tốt ở đời này và đời sau, thế nhưng làm chủ được cơn giận rất khó. Trước đây, tôi có làm một bài kệ như sau:
Mặt em đẹp xinh,
Giận lên thấy kinh,
Phùng mang trợn mắt,
Chẳng ai dám nhìn.
Mặt em hiền lành,
Giận lên dữ dằn,
Giống như La Sát,
Chẳng khác bà chằn.
Mặt em như hoa,
Giận lên thấy già,
Nhăn nheo xấu xí,
Còn gì là hoa.
Biết rằng tham, sân, si là xấu, nhưng để chuyển hóa được nó thì không đơn giản chút nào, đòi hỏi phải có cả một quá trình dày công tu tập. Nhiều người cứ chấp vào việc tu được năm năm, mười năm, từ đó làm tăng trưởng bản ngã. Bản ngã càng lớn thì phiền não càng cao. Hồi xưa, lúc mới đi chùa bản ngã còn nhỏ; đi chùa được một thời gian rồi có công việc, có chức vụ riêng, được làm ông này bà kia, được làm hội trưởng thì bản ngã lại lớn dần. Phiền não cũng từ đó tăng lên, bởi chỉ cần có người đụng tới mình là phiền não nổi lên ngay. Rốt cuộc, không biết đến chùa tu là tu cái gì. Mục đích ban đầu là tu để bớt tham, bớt sân, bớt si, nhưng tu riết rồi tham, sân, si lại ngày càng tăng trưởng. Cho nên mới có tình trạng, nhiều người đi chùa càng lâu thì càng khó ưa, bởi vì cái ngã, cái tôi lớn quá.
Chẳng hạn, nhiều người đi chùa lâu rồi nhưng vẫn vướng vào khẩu nghiệp. Cứ nghĩ rằng, đến chùa là để tụng kinh, niệm Phật, nhưng đến rồi lại bắt đầu bàn đủ thứ chuyện và trở thành “bà tám”. Đi chùa không nói về Phật pháp, về những điều tốt đẹp mà toàn nói chuyện thị phi, nói xấu người này người kia, mở miệng ra là gây chia rẽ, hiềm khích,... đủ thứ chuyện, rốt cuộc lại tạo thêm khẩu nghiệp.
Lời nói có sức nặng rất ghê gớm, như là dao, là búa vậy. Nhiều khi chỉ vì một câu nói mà làm người ta buồn phiền, mất ăn mất ngủ, thậm chí còn có thể là nguyên nhân gián tiếp đẩy một người đến cái chết. Vậy nên, đức Phật dạy không nên nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô lỗ, nói lời ô uế. Đó là những hành động đưa con người đi vào con đường tội lỗi, sa đọa.
Đức Phật dạy chúng ta có ba cách nói, đó là nói như mật, nói như hoa và nói như phân. Nói như mật là khi nói ra, người nghe cảm thấy như đang được nếm mật ngọt. Nói như hoa là khi nói ra, người nghe cảm thấy như đang được ngửi một mùi hương dễ chịu. Còn nói như phân là lời nói chỉ đem lại sự khó chịu, bực tức mà thôi. Chúng ta cố gắng học cách nói như mật hoặc nói như hoa, đừng nói như phân.
Khi đi qua Mỹ, thầy thấy người Mỹ có lối sống và cách hành xử rất hay. Họ đối xử thân thiện với nhau, nói những lời nhẹ nhàng, lịch sự, lễ phép, hay nói lời cảm ơn, xin lỗi. Là người Phật tử, mình nên học tập những điều hay như thế.
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Muốn giúp đỡ người khác thì phải nói làm sao để người nghe hoan hỷ, có vậy mới chuyển hóa được sai lầm của họ. Ngoài ra, chúng ta còn phải tập nói ái ngữ, nghĩa là nói lời thương yêu, nhẹ nhàng, hòa nhã, lễ phép. Như vậy thì sẽ luôn được mọi người yêu thương, quý mến. Đây là điều đắc nhân tâm.
Miệng ta là hoa sen
Một phen đã hé nở
Tỏa hương thơm Phật pháp
Gieo mầm giác cho người.
Lời nói mà làm người nghe cảm thấy hoan hỷ thì cũng giống như một luồng gió mát hay một làn hương thơm vậy. Có thể mình niệm Phật rất nhiều, rất giỏi nhưng để nói được một lời thương yêu, hòa hợp thì lại khó, đôi khi nói không được. Vì vậy, mỗi ngày quý vị phải ngồi suy ngẫm lại xem khẩu nghiệp của mình có thanh tịnh hay chưa, lời nói có chân thật, ái ngữ, có đem lại những điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người hay chưa? Người học Phật chúng ta cố gắng nói những lời ái ngữ, ôn hòa khiến người nghe cảm mến, ghi nhớ mãi không quên.
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
Không làm mọi điều ác,Thành tựu các hạnh lành,Tâm ý giữ trong sạch,Chính lời chư Phật dạy.
Nghe thì rất dễ nhưng cả đời chúng ta cố gắng cũng khó làm xong. Chớ làm các điều ác là chúng ta sửa đổi ba nghiệp của mình: thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không nói lời ô uế; ý không tham, không sân, không si. Nếu làm được mười điều này là chúng ta đang làm mười điều thiện.
Làm được như vậy đã khó, nhưng để “tâm ý giữ trong sạch” còn khó hơn. Cũng trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”[5]. Tất cả lời nói, hành động của chúng ta đều bắt đầu từ ý. Ý nghĩ tốt sẽ biểu hiện thành lời nói và hành động tốt. Còn ý nghĩ xấu thì lời nói và hành động cũng xấu theo. Để có được ý nghĩ tốt, nhận biết được đúng sai, phải trái, chính tà thì chúng ta phải học Phật pháp.
Hầu hết, khi làm sai, chúng ta thường cho là mình đúng nên mới làm như vậy. Đó là do vô minh. Nhờ có giáo pháp của đức Phật, nhờ có ánh sáng chân lý nên mình mới nhận ra ý nghĩ, lời nói và hành động của mình là sai. Bản thân chúng tôi khi chưa xuất gia cũng làm rất nhiều điều sai trái mà không biết. Nhưng khi học Phật pháp, hiểu được nhân quả tội phước, biết đời này đời sau, lúc đó mới nhận ra là lâu nay mình có những suy nghĩ sai, lời nói sai và việc làm sai. Nếu có thời gian quý vị nên đọc cuốn Lương Hoàng Sám để thấy được rằng, nếu không chính niệm thì hằng ngày ý nghĩ, lời nói cũng như hành động của mình có thể gây tạo rất nhiều tội lỗi mà lâu nay mình không biết, còn cho rằng mình đúng.
Nếu chúng ta không thấy được lỗi của mình, không biết những điều mình làm là đúng hay sai thì không thể sửa đổi được. Cho nên mình phải học Phật pháp để biết mà sửa đổi. Chẳng hạn, tướng lĩnh ra trận mà không biết quân địch là ai, ở đâu thì làm sao mà thắng được? Phải hiểu rõ địch mới có thể giành chiến thắng. Cũng vậy, trước nay mình cứ nghĩ rằng cướp của giết người mới là tội, đâu biết rằng chỉ cần có ý nghĩ xấu thôi cũng là tội rồi, chưa nói đến việc làm. Vậy nên, chúng ta cần phải thường xuyên quán xét lại suy nghĩ, làm chủ được suy nghĩ của mình. Bởi vì ý nghĩ có trong sạch thì lời nói và hành động mới trong sạch. Ngược lại, ý nghĩ mà không trong sạch thì lời nói và hành động cũng không thể trong sạch.
Như vậy, dù là Phật tử hay chưa phải là Phật tử, nếu muốn tiến bộ, muốn trở thành người tốt thì đều phải tu. Tu là sửa đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình từ xấu thành tốt, biết được tập khí tham, sân, si trong mình còn nhiều hay ít, mỗi ngày một bớt hay tăng. Nếu bớt thì mình tu có tiến bộ, còn nếu tăng là mình tu sai rồi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm